Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

PHÁT TÀI, PHÁT LỘC!?...


PHÁT TÀI, PHÁT LỘC!?...
      Sài Gòn buổi sáng đầu tháng 8, bầu trời màu xám xịt, lắc rắc những hạt mưa nhẹ. Trên đầu cầu chữ Y, q8, anh ta ngồi co ro bên chiếc xe đạp mà trên đó là những lọn cây xanh được bó gọn ghẽ từng nhánh, phía dưới là tấm bảng lớn viết nguệch ngoạc dòng chữ quảng cáo tên món hàng anh đang bán: PHÁT TÀI, PHÁT LỘC.
      Có việc ra phố, nhác thấy anh ta cùng tấm bảng, mình bỗng dưng mỉm cười một mình rồi quay xe lại. Hỏi:
      - Bao nhiêu một nhánh vậy em? Nó là cây gì lạ quá?...
      Đôi mắt sáng lên khi nghe tôi hỏi, giọng miền Bắc, anh ta đứng bật dậy trả lời:
      - Dạ! Đó là cây Phát tài, Phát Lộc nhập từ Singapore đó chú. Chú mua về cắm ở nhà sẽ phát tài phát lộc ngay ạ! Giá một nhánh lẻ là 30 ngàn!
      Mình lặng lẽ trả tiền mua một nhánh. Mua là mua thế thôi chứ mình không hề có ý tưởng gì về chuyện mong muốn được phát tài, phát lộc vì nhánh cây huyền diệu này. Mình chỉ mua để mong giúp cho anh ta có thêm niềm tin trên con đường mưu sinh vất vả mà thôi. Biết đâu anh ta lại là một trong hàng vạn ngư dân Vũng Áng trôi sông lạc chợ vào đây vì đã bị triệt đường sống ở quê nhà!?...
     

      Mua xong mình lên xe đi nhưng trong lòng cứ buồn cười và ray rức với ý nghĩ; Ở đất nước này có còn gì để mà phát tài với phát lộc? Có chăng chỉ còn lại những điêu tàn và khổ đau mà bọn quỷ dữ đội lốt người để lại mà thôi. Nếu đó là cây có phát tài lộc thật sự thì anh ta đã không đội mưa, co ro, cúm rúm ngồi ở đây ban phát cho ai điều vi diệu đó...
(Cóc Tía), SG, 02/08/2016

CHỈ CÒN LÀ KÝ ỨC...

                                (Ảnh MH: Nguồn internet)
CHỈ CÒN LÀ KÝ ỨC...
       Gần 4 tháng trôi qua, một khoảng thời gian đủ dài để nỗi nhớ em ngày càng day dứt trong anh. Không gặp em trong quãng thời gian ấy, anh có cảm tưởng như đã lâu lắm...dường như cả thế kỷ rồi em nhỉ?!...
       Sáng hôm nay, một ngày đầu tháng 8, bầu trời Sài Gòn màu xám xịt, mưa dầm dề không ngớt...anh lại nhớ đến em quay quắt, cuồng si.
       Anh quên sao được cũng những ngày mưa như thế này của những ngày xưa cũ. Có những lúc ngồi quây quần cùng những người thân trong nhà. Trên mâm cơm nóng thơm ngạt ngào hương lúa mới. Em nằm đó óng ả, tươi xanh, lấp lánh ngập trong thứ nước trong trẻo còn bốc hơi nghi ngút. Bên cạnh em nào là vô vàn ớt xanh, hành tím, thơm xắt lát và những cọng hành lá nằm ngã ngớn khêu gợi. Khi ấy cơ thể của em toát lên một mùi thơm đặc trưng khó cưỡng. Mọi người không ai bảo ai đồng loạt dùng đũa xâu xé thân thể mềm mại, trắng toát nóng hổi còn bốc khói của em. Anh cũng vậy! Anh nhẹ nhàng dìu em vào miệng. Hương vị ngọt ngào, thơm tho trên da thịt của em từ từ tan chảy trong vòm họng của anh rồi trôi tuột vào bụng. Anh say sưa, đê mê thưởng thức mùi mằn mặn, thơm lừng mà biển đã hào phóng ban tặng cho em. Cùng với vị cay nồng của ớt, mùi hăng hắc của hành tím và hành lá mà người ta cố tình trang điểm cho em...lúc ấy, em đã biến thành món cá ngừ kho mẳn đậm đà, chân quê mà bất cứ người dân miền Trung nào cũng đều mê mẫn. Em sạch sẽ, thơm tho và tinh khiết như thế, làm sao ai có thể chối từ em được nhỉ?!...
        Thế mà giờ đây, biết em vẫn còn đó nhưng anh không thể nào ghé thăm, rước về và âu yếm như trước nữa. Kẻ thù đã đầu độc và hủy hoại đời em, để rồi mọi người ai cũng sợ hãi và xa lánh. Giờ đây, dù nỗi nhớ em quay quắt trong anh, nhưng anh cũng đành chấp nhận. Anh không thể quay lại cuộc tình này vì dẫu anh có chết cũng đành, nhưng miệng thế gian rủa xả anh ngu thì anh không cách nào chịu được. Vì Chính phủ không chịu xét nghiệm và công bố rõ ràng bệnh tình của em, nên anh cũng không thể vì muốn níu kéo cuộc tình của chúng mình để rồi đánh đu với số phận rủi may?!...
       Em à! Thương em bao nhiêu mà khi nghĩ đến điều đó anh càng hận kẻ đã hủy hoại cuộc đời em bấy nhiêu, kẻ vô lương tâm đã biến em trở nên nông nổi và đầy khó hiểu!? Ngày nào còn bọn Formosa ở VN, thì ngày đó cuộc tình của chúng ta không thể quay trở lại. Chính vì lẽ đó, anh sẽ nhất quyết đấu tranh đến cùng để không bao giờ đội trời chung với bọn chúng.
       Xin lỗi em! Anh xem cuộc tình của mình như một ký ức xa thẳm nào đó thật dễ thương mà anh luôn giữ mãi ở trong lòng. Nhớ em nhiều lắm!
       Vĩnh biệt em, cô cá ngừ kho mẳn của anh!..hic.hic...
(Cóc Tía),Sài Gòn, 04/08/2016

THÚ VỊ CÀ PHÊ KHO VỈA HÈ.


THÚ VỊ CÀ PHÊ KHO VỈA HÈ.
       Mình biết ở Pleiku cũng từng có một quán cà phê bình dân pha chế bằng vợt vải nấu trong bình nhôm trên bếp than. Kiểu pha chế này còn gọi là cà phê kho. Quán này của bà Tư nằm trong bến xe lam cũ của thị xã Pleiku vào những năm trước đây. Cà phê được rang xay nguyên chất, rất thơm, nhất là uống nóng vào những buổi sáng sớm. Quán rất đông khách vào thời ấy như là đặc sản của gu cà phê cóc bình dân vùng phố núi. Thời thế thay đổi, quán này nay đã không còn tồn tại nữa.
       Giống như vậy, tại tp Đà Lạt mình biết một quán cà phê mang kiểu cách pha chế bằng túi vải nằm ở số 171 đường Phan Đình Phùng. Quán này cũng đã tồn tại mấy mươi năm của vợ chồng một người Việt gốc Hoa và là cha vợ của một người bạn học rất thân với mình. Ông chủ đã già, là người đứng pha chế. Ông cũng đã vừa mới mất trong năm nay, nhưng quán vẫn còn hoạt động bình thường nhờ vợ và cô con gái tiếp tục kinh doanh. Đây có lẽ là quán cà phê kho duy nhất vẫn còn tồn tại ở tp Đà Lạt. Sẽ thật thú vị trong mỗi sáng tinh mơ lạnh lẽo, sương mù còn dày đặc. Nhặt một chiếc ghế đẩu con bằng nhựa làm ghế và một chiếc khác làm bàn, bạn ngồi co ro trong không khí lạnh buốt, tha hồ thưởng thức hương vị thơm lừng, nóng hổi của ly cà phê nguyên chất và ngồi xem thành phố đang bừng tỉnh giấc.

       Vừa rồi tình cờ đọc bài báo nói về một quán cafe có tuổi đời đã hơn 60 năm nhưng vẫn giữ nguyên nét văn hóa, phong cách cafe Sài Gòn xưa: không biển hiệu, nằm nép mình trong hẻm nhỏ, chỉ có những chiếc ghế đẩu làm bàn ghế. Và người bán vẫn pha từng giọt cafe thơm lừng bằng chiếc vợt thiếc. Được biết, quán này có thời gian hoạt động liên tục đáng nể 24/24 giờ mỗi ngày và trong một năm chỉ nghỉ đúng 10 phút để cúng Giao thừa.
       Tò mò, sáng sớm nay mình mời vợ chồng ông anh Tran Giao đến quán cà phê này thưởng thức thử. Thật tuyệt vời như những gì bài báo mô tả. Cà phê kho vỉa hè, ghế đẩu ở đây thơm ngon nhờ mùi vị nguyên chất. Bạn nào tim yếu uống vào một ly là đầu óc quay mòng mòng như đang đi trên mây ngay sau đó. Giá cả ở đây lại rất phải chăng chỉ 10 ngàn đồng một ly cà phê đen đá và 12 ngàn một ly cà phê sữa.

       Rất thú vị khi ngồi cùng bạn bè trong buổi sáng chủ nhật tinh mơ giữa đất Sài Gòn ồn ả để chờ nắng lên, rồi chậm rãi thưởng thức hương vị thơm lừng từ những giọt cà phê kho đậm đà, lòng bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm đã trôi qua cũng từ những quán cà phê cóc, pha bằng túi vải của ngày xưa.
Địa chỉ của quán nằm trong bài viết của đường link dưới đây. Bạn nào ở SG ghiền cà phê tò mò muốn thưởng thức và trải nghiệm nét độc đáo, thú vị của cà phê nấu trong túi vải hãy đến đây nhé!?..hehe...
(Cóc Tía), Sài Gòn, 05/08/2016

TRỚT QUỚT...

                               (Ảnh MH: Nguồn internet)
TRỚT QUỚT...
      Thấy gã hàng xóm nhà giàu mắt ti hí ở nhà kế bên vô ở hẳn trong chái bếp của nhà mình, ngạc nhiên quá khi thấy anh chồng không dám có hành động gì, cô vợ thắc mắc hỏi chồng:
      - Cái thằng hàng xóm"tốt bụng"của anh nó dọn vô ở hẳn trong bếp của mình, bây giờ anh tính sao đây?
      Anh chồng nghe vợ hỏi thế làm bộ trợn mắt trả lời:
      - Thì việc làm này của phía thằng hàng xóm không làm thay đổi được thực tế là mình có chủ quyền không tranh cãi với cái bếp của chúng ta!
      Thấy anh chồng trả lời trớt quớt, tức tối, cô vợ hỏi tiếp:
      - Vậy nhỡ ở đó đêm đến nó hiếp dâm em thì sao?
      Anh chồng vẫn điệp khúc cũ nhìn vợ rồi nhấn mạnh:
       - Em khéo lo? Chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình với chái bếp, còn em là vợ của anh. Mình có sổ hồng và hôn thú đầy đủ mà em! Mọi hoạt động của các bên tại các khu vực của bếp cho dù với mục đích gì đều là phi pháp và không làm thay đổi chủ quyền của chúng ta đối với 2 điểm này.
      Chịu hết nổi nữa cô vợ rống lên:
       - Ngộ nhỡ nó làm em có bầu thì anh tính sao? Anh định làm thao??? Sao anh toàn nói trớt quớt không vậy?!...
      Anh chồng ấp úng:
      - Thì..thì... khi đó chúng ta sẽ lên tiếng với mọi người trong xóm là:"Chúng tôi rất lấy làm quan ngại và phản đối, phản đối....tới cùng luôn chớ em!?..
      - Trời! Nếu anh sợ nó, vậy thì anh để mấy đứa con của mình nó la làng xóm cho cảnh sát khu vực đến giải quyết!?...
      Nghe vợ nói mình sợ, anh chồng đỏ mặt, tức tối quát vào mặt cô vợ:
      - Tụi nó thì biết cái quái gì chuyện "đại cục" của bọn tôi? Chúng đã làm được gì cho cái nhà này mà dám qua mặt tôi kích động cả bà? Tôi sẽ bắt cổ hết bọn chúng nhốt vào cầu tiêu cho chúng biết mặt...hừ! Cái bọn này láo!...
      Bà vợ nghe đến đó tru tréo lên:
      - Ối giời ơi! Sao ông đã hèn mà còn ác độc và vô ơn đến thế! Nếu không có bọn trẻ đi làm cu li quần quật cho người ta, thì ông lấy cái quần què gì mà ăn, để ngồi không ở đây giở giọng tinh tướng thế hả giời!?....hu hu...
Cóc Tía

                               (Ảnh MH: Nguồn internet)

TA NÀO MUỐN TƯỢNG ĐÀI?...

                               (Ảnh MH: Nguồn internet)
TA NÀO MUỐN TƯỢNG ĐÀI?...
Như ta đây!
Một đời bôn ba hải ngoại
Về nước ẩn núp rừng thiêng
Trường kỳ kháng chiến
Gây dựng phong trào
Cũng vì:
Lo lắng cho dân
Đớn đau vận nước
Đến lúc xuôi tay
Còn canh cánh nỗi lòng
Yêu dân miền Bắc
Khắc khoải miền Nam
Vậy mà, hỡi ôi?...
Người khác chết được mồ yên, mã đẹp.
Được tan loãng vào đất, được hiến xác cho đời.
Còn như ta đây:
Đâu cần moi tim, mổ ruột
Được xưng tụng, vinh danh
Được ngợi ca hào sảng
Ta chết đâu cần những giọt nước mắt giả trá
Những xưng tụng miệt mài
Những tượng đài vô nghĩa
Ta chỉ cần
Vì ta:
Hãy hết lòng lo cho dân nghèo
Lo an sinh, giáo dục
Chăm Y tế hết lòng
Hãy để tâm đến giặc phương Bắc
Thổ phỉ phương Tây
Cố gắng xây dựng nước nhà
Tạo niềm tin cho dân chúng .
Quyết đoàn kết một lòng. Bắc Nam như một.
Vậy mà....
Các ngươi vì ngu dốt
Vì tham quyền, cố vị
Đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích dân lành
Mượn hình ảnh ta để loè bịp thiên hạ
Cố tình đè đầu cưỡi cổ dân đen
Tranh chấp đất đai
Giành giật dự án...
Khiến cho
Dân lành khổ sở
Oán thán thấu trời xanh
Vì lợi lộc mua bán chức quyền
Lo gỡ vốn tha hồ nhũng nhiễu
Ta nào muốn tượng đài lớn nhỏ
Chỉ muốn dân mãi được ấm no
Ta nào muốn đền thờ Khổng giáo
Chỉ muốn dân thờ kính ông bà
Ta biết:
Các ngươi vì muốn nhiều tiền lại quả
Cứ cắm đầu xây mãi tượng đài
Đừng chống chế vì thương nhớ Bác
Đem ta ra hút máu dân ta
Các ngươi tốt, hãy làm nhiều điều tốt
Để dân kính, dân yêu, dân trọng
Thì cho dù không có tượng đài
Ta vẫn sống trong lòng dân mãi...
Thế nên:
Muốn nước mạnh lo giàu dân trí
Muốn dân no phải học xứ người
Làm việc lớn thành công - khiêm tốn
Được việc nhỏ chớ vội huênh hoang
Muốn dân kính: Chí công, liêm khiết
Để dân yêu: Phải biết nhún nhường
Đừng ham hố tham quyền, trọng chức
Đấu đá nhau dân khổ trăm bề.
Mấy lời dặn các ngươi nên nhớ
Vì lòng đau nên tận suối vàng
Ráng lặn lội về đây mách bảo
Để các ngươi ghi khắc trong lòng
Nếu không làm cho ta vui vẻ
Vì công lao dựng nước, giữ nhà
Thì đừng để lòng dân oán thán
Trách sao ta làm hỏng cơ đồ
Cả đời ta sống trong giản dị
Khi ra đi cũng vẫn thế thôi
Niềm vui lớn khi dân no ấm
Thấy dân nghèo đau xót trong lòng
Nay ta dặn các ngươi nên nhớ
Xây tượng đài chẳng để làm gì
Được như thế suối vàng ta thác
Vẫn ngậm cười chín suối, an vui ...
Cóc tía, SG 01102015


(Ảnh MH: Nguồn internet)

FORMOSA! HÃY LUÔN NHỚ VỀ NÓ.

                                               (Ảnh MH: Nguồn internet)
FORMOSA! HÃY LUÔN NHỚ VỀ NÓ.
       Ngày nào vẫn còn Formosa nằm chình ình xả khói đen mù mịt tại Vũng Áng - Hà Tĩnh và những con tàu lén lén lút lút ra vô cập cảng ở đó...thì trên đất nước VN này tất cả những sự kiện khác đều vô nghĩa.
       Nội bộ đảng có đấm đá nhau sứt đầu mẻ trán, thậm chí có kẻ vô nhà đá gỡ lịch đi chăng nữa...thì thằng này xuống, thằng khác lên vẫn thế, bản chất chẳng có gì thay đổi.
      HCM có mưa ngập triền miên thì qua tháng mưa cũng hết. Dân tình có than khóc, chửi rủa cho lắm rồi cũng xong. Đâu rồi lại vào đấy, chửi rủa mỏi miệng thì nghỉ chứ tai trâu sao nghe được tiếng đàn.
      CA có đánh vào đầu nhà báo hay cái đầu nhà báo đánh vào tay của CA cũng thế thôi, chỉ khác nhau tên gọi.
      Con em của chúng ta có học tiếng Nga, tiếng Hán hay tiếng Anh, tiếng Pháp gì đi chăng nữa... thì cuối cùng khi lớn lên, chửi nhau cũng chỉ biết xài tiếng Việt, nhất là lúc không xin được việc làm.
      Ngân sách có thiếu hụt thì cứ việc nã vào đầu thằng điện lực với thằng xăng dầu là xong. Xăng lên, điện lên..chỉ chết thằng tiền chứ chẳng chết ai.
      Thằng cs TQ có lấn chiếm biển đảo, có uy hiếp, đâm chìm ngư dân thì đã có Bộ Ngoại giao lên tiếng quan ngại và phản đối rồi. Có gì phải lo nghĩ.
      Bác Tổng có ngồi lại 2 năm hay hết nhiệm kỳ, thậm chí thêm một nhiệm kỳ mới nữa cũng đâu có sao? Việt Nam vẫn lừng lững tiến lên thiên đường XHCN chứ đâu thèm dừng lại. Chỉ tội cho bác tổng tuổi cao, sức yếu mà vẫn còn nặng nợ với núi sông.
      Nói túm cái quần lại, trước mắt và cần thiết là chúng ta cần cá để kho mặn, nấu canh ngọt, vợ con ăn cho đỡ thèm. Chúng ta cần mực tươi để nhậu cho đỡ nhớ. Chúng ta cần tôm tươi để cho tiệc tùng thêm sang trọng. Chúng ta cần biển sạch để con cháu chúng ta bơi lội mà không lo sợ phải vô nhà thương cấp cứu. Và chúng ta cần không khí sạch để thở, đất sạch để trồng trọt...
      Vì vậy, ngày nào vẫn còn thằng phá hoại Formosa và đồng bọn của nó trên đất nước này, thì ngày đó dân Việt của chúng ta ăn không ngon, ngủ không yên. Ngày nào cũng chỉ sống với sự căm tức vì chưa xẻ thịt, lột da và tống Formosa về cố quốc của nó, thì ta mãi chưa yên lòng. Ngư dân của ta sẽ cứ phải bỏ xứ lang thang bụi đời đi làm cu li cho nước ngoài rồi bỏ xác khô luôn nơi đó.
      Chúng ta hãy luôn luôn nhớ rằng: Chúng ta và vợ con của mình cần tôm cá chứ không cần"Formosa - Kẻ hủy diệt loài người".
(Cóc Tía), Sài Gòn, 30/09/2016
                               (Ảnh MH: Nguồn internet)

ĐẲNG CẤP CỦA ĐỜM.

                                (Ảnh MH: Nguồn internet)
ĐẲNG CẤP CỦA ĐỜM.
      Thật ra anh Đờm nhà sản rất thành công trên con đường ca hát. Fan hâm mộ của anh ta quả thật rất nhiều, nhất là fan nữ. Với mã mề khá cao ráo, ăn vận đồ hiệu, mặt mũi cũng khá sáng sủa tuy đôi mắt bồ câu của anh ta thì quả là có "con bay con đậu", nhưng với tài năng rên rĩ, gào khóc của anh ta mỗi khi lên sân khấu để trình diễn những bản nhạc sến, nhạc vàng mùi mẫn thì các cháu gái nhỏ chỉ có thể chết ngất với anh chàng này.
       Nói đi thì cũng nói lại. Thật ra anh Đờm chỉ bắt đầu thành công nhờ 2 ca khúc “Tình ơi xin ngủ yên” và “Bình minh sẽ mang em đi”. Sau đó cũng nhờ danh hài Hoài Linh chiếu cố nên anh ta chính thức rời bỏ hẳn nghề cắt tóc và soi gương tự hát, tự mơ làm ca sĩ sau những giờ vắng khách. Đối tượng mà Đờm chinh phục được phần lớn là khán giả nữ nhỏ tuổi và một số ít các em sồn sồn sinh sau năm 1975 mà thôi. Đó là những fan được giáo dưỡng trong thời đại HCM rực rỡ mà nền âm nhạc và giải trí của VN đã bị khống chế và kiểm duyệt gắt gao của đám rừng rú. Khi ấy thịnh hành chỉ có dòng nhạc đỏ khô khan, ca từ nghe đầy những hận thù máu lửa, nên sau này nghe được những bản tình ca nhạc sến sướt mướt thì nhiều em đâm ra nghiện nặng.
      Có nhiều ca sĩ khá thành công ở dòng nhạc này vào những thập niên 90 trở đi như Tuấn Vũ, Phi Nhung, Trường Vũ, Quang Lê, Mạnh Đình, Quốc Khanh...trong số này có anh ca sĩ họ Đờm. Anh ta đã khá thành công khi mới ra nghề từ dòng nhạc sến, nhờ phần lớn fan hâm mộ trẻ có cùng đẳng cấp như anh ta. Mãi sau này, khi đã thành danh, anh ta bèn leo tuốt qua dòng nhạc sang hơn như: nhạc trẻ, nhạc tiền chiến...thậm chí anh Đờm không ngại ngùng sờ luôn đến nhạc của Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Dương Thiệu Tước...Đương nhiên với dòng nhạc sang này, anh ta cũng chỉ chinh phục được những fan cuồng cùng ý thức hệ với anh ta mà thôi. Với lối hát hò bằng cách cố tạo ra chất giọng khàn đục, gào rống như bò bị cắt tiết của anh ta, xin lỗi nếu cụ Văn Cao, Phạm Duy hay TCS còn sống mà nghe được...chắc các cụ sẽ rất đau lòng, tự cắn lưỡi mà chết lắm.
      Cũng vì lý đi này mà anh ta đã gặp sự cố với nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 (2013)
      Tháng 8/2013 trong một bài phỏng vấn, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã nhận xét khá thẳng thắn về Đàm Vĩnh Hưng, ông cho rằng: “giọng Đàm Vĩnh Hưng nửa Nam nửa Bắc, cách thức hát cũng không có và lối hát cũng vậy. Hồi xưa, Đàm Vĩnh Hưng mà đi hát thì chỉ xứng là ca sĩ loại C hát lót chứ không được vào hạng ca sĩ chính của phòng trà đâu!’
      Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu khẳng định: ‘Cần người cảnh tỉnh cho âm nhạc nước nhà như nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9! Còn nếu cứ ca ngợi sao này, sao kia thì sân khấu nghệ thuật Việt Nam sẽ ngày càng tù mù lắm’.
                                               (Ảnh MH: Nguồn internet)
      Sau này khi anh ta nổi tiếng và giàu có nhờ phần lớn những tay bầu sô có cái mũi ngữi mùi tiền cực thính. Chính bọn họ đã lăng xê, mời gọi liên tục nên anh ta ngày càng nổi danh giàu có như cồn. Anh ta đã từng có những phát ngôn nghe đến rợn người như"khi Đờm chết tất cả các đài TH sẽ phát sóng trực tiếp trên toàn quốc đám ma của anh ta", hay như mới đây anh ta nói nhiều cô gái trẻ xin được quỳ dưới chân van xin, lạy lục được ngủ với anh ta để kiếm "giống", nhưng Đờm nhất quyết không thèm!?...
      Nhiều người cho rằng anh ta phát biểu như vậy là nhằm PR thêm cho hình ảnh của mình bằng cách tạo ra kiểu phát ngôn gây sốc khác người...nhưng với Cóc Tía lại không nghĩ như vậy.
      Chúng ta thử so sánh xem? Cùng thời với anh ta cũng có rất nhiều ca sĩ thành công và nổi tiếng không thua gì Đờm như Quang Dũng, Đan Trường, Mỹ Tâm...nhưng không có ai giật nổi sến súa, phát biểu linh tinh tự cao, tự đại như anh ta cả. Bởi vì, đẳng cấp, đạo đức, trình độ và ý thức của anh ta chỉ đến đó. Anh ta không thể nói được gì nghe hay hơn như những ca sĩ khác cùng thời.
      Dù ai có đánh giá anh ta xấu xa, hợm hĩnh hay ngu ngốc như thế nào? Thì anh ta vẫn là người thành công và đang rất đắt sô nhất hiện nay, bởi vì anh ta luôn có hàng triệu fan cuồng có cùng chung đẳng cấp như anh ta và một bầy bầu sô biết lợi dụng lăng xê anh ta để hái ra tiền.
      Vì vậy, không có gì phải ngạc nhiên nếu một ngày nào đó anh ta tuyên bố tất cả những đứa trẻ không cha lang lang bụi đời, bán vé số, móc bọc... là con của anh ta, thì cũng chỉ là một điều hết sức bình thường.
Cóc Tía
P/s: Cóc Tía cũng chẳng thù oán gì anh Đờm. Nhưng thấy anh ta hay phát biểu linh tinh sốc hàng gây khó chịu cho nhiều người quá, nên viết bài này phân tích thử hành vi của anh ta thôi. Bạn nào là fan của ảnh thông củm dùm cho nhé!

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

EM ƠI ĐỪNG TUYỆT VỌNG...


                                          (Ảnh MH: Nguồn internet)
EM ƠI ĐỪNG TUYỆT VỌNG...
      Bất lực, cô đơn và tuyệt vọng là những gì tôi đọc được trong đôi mắt của người phụ nữ trong bức ảnh này.
      Có lẽ như bao nhiêu người dân khác trong cái thành phố mà một thời con người ở đây tự hào là cư dân của"Hòn Ngọc Viễn Đông"...thì bây giờ đã đổi khác rất nhiều. Cái"hòn ngọc"đó đã trở thành nỗi ám ảnh của bao con người bước ra đường mỗi khi mùa mưa đến.
      Thật ra, trước đây chúng ta cũng từng biết cảnh ngập lụt của tp đông dân này mỗi khi có cơn mưa lớn kéo dài nhiều giờ, nhưng điều đó chỉ thỉnh thoảng và xảy ra ở một vài khu phố. Đôi khi hình ảnh có một dòng sông cuồn cuộn chảy giữa lòng phố xá lại là nguồn cảm hứng vô tận cho một số nghệ sĩ. Cũng đã có một vài tác phẩm âm nhạc ra đời trong bối cảnh ngập lụt đó như ca từ trong bài"Em còn nhớ hay em đã quên"của cố nhạc sĩ TCS.
      "...Em còn nhớ hay em đã quên?
      Trong lòng phố mưa đêm trói chân.
      Dưới hiên nhà nước dâng tràn.
      Phố bỗng là dòng sông uốn quanh"...
      Bởi vì, trước đây thỉnh thoảng con phố mới trở thành một dòng sông uốn quanh, nên người nghệ sĩ mới dâng trào cảm xúc, chứ cái cảnh ngập ngụa toàn phần như những ngày mưa vừa qua, thì liệu có người nghệ sĩ nào có đủ tâm trạng để nâng tầm ngập lụt thành một dòng sống uốn quanh thơ mộng!?...
      Nếu Ns TCS còn sống, thì nhìn cảnh cô gái trẻ dắt chiếc xe cup đứng bất lực ngập trong dòng nước lụt ngầu bẩn kia, tôi nghĩ chỉ còn là một tiếng thở dài của ông cùng với những ca từ khác thoát ra não nề:
       "Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng.
      Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông.
      Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng.
      Em là tôi và tôi cũng là em.
      Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo
      Con diều rơi cho vực thẳm buồn thêm...."
       Không tuyệt vọng làm sao được, sau 41 năm mang tiếng là kiến thiết và xây dựng đất nước, quan chức cs đã biến một"Hòn Ngọc Viễn Đông"ngời ngời hạnh phúc thành một nỗi ám ảnh khôn nguôi trong nhiều khía cạnh, mà trong đó nạn kẹt xe và lũ lụt vào mùa mưa là"đặc sản"nổi bật nhất sau nhiều nổ lực để tiêu tốn lên đến hàng chục vạn tỷ đồng tiền mồ hôi xương máu của toàn dân. Quả là một thành quả rất đáng khích lệ khi những cố gắng tuyệt vời của họ, đã ngày càng đưa Sài Gòn biến đổi để trở thành một tp HCM nổi tiếng lãng mạn nhất thế giới nằm trên sông nước như một Venice nào đó của đất nước Ytaly xa xôi...
      "...Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo.
      Con diều rơi cho vực thẳm buồn thêm...."
(Cóc Tía), Sài Gòn, 28/09/2016

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

CỨ TƯỞNG...!?


CỨ TƯỞNG...!?
      Bà mẹ đang lui cui sau bếp, bỗng giật mình khi thấy cu Tí mới có 5 tuổi hớt ha hớt hải chạy vào mách:
      - Mẹ ơi! Có mấy con gì to lắm đang chạy vô trong xóm mình nè mẹ!....
      Nghĩ có lẽ cu Tí thấy đàn trâu của ai lùa về chuồng sớm, mỉm cười xoa đầu con trai chị giải thích:
      - Chắc là đàn trâu ở xóm dưới đó con trai!..Hihi
      Nghe mẹ giải thích như vậy cu Tí không chịu, dậm chân đành đạch:
      - Không phải con trâu đâu mẹ, con này to lắm và đen thui nữa...giống con bọ hung khổng lồ lắm!
      Bỏ công việc dang dở, chị quay lại ôm cậu bé vào lòng rồi mắng yêu:
      - Cụ tổ nhà anh chứ bọ hung khổng lồ nào ở đây? Để mẹ ra xem thử!
      Nói xong chị xốc vội cu Tí bên nách bước ra phía trước nhà nhìn thử. Hoá ra là đoàn xe hơi gồm vài chục chiếc của ngài Thủ Tướng"vinh quy bái tổ"ghé về thăm quê. Có điều, ở đây là phố cổ Hội An chỉ được đi bộ, nên nhà nước đã cấm tiệt xe hơi, xe máy không được vào phố đã mấy chục năm. Cu Tí từ nhỏ tới lớn chỉ quanh quẩn trong xóm, mãi đến hôm nay mới trực tiếp trông thấy xe hơi, nên cứ ngỡ là đàn bọ hung khổng lồ đang bò vào xóm. Ngay cả chị còn lấy làm ngạc nhiên huống chi thằng cu Tí...
Cóc Tía

KHUYẾN MÃI KHỦNG THÁNG CÔ HỒN...


KHUYẾN MÃI KHỦNG THÁNG CÔ HỒN...
      Xét thấy hiện nay ở xã hội VN đang rộ lên phong trào thích mua quan, bán tước. Cty TNHH Cóc Nhái chúng tôi nhanh nhạy đi trước đón đầu, nên mau chóng khai trương thêm cửa hàng kinh doanh mặt hàng đang "hot"này nhằm phục vụ cho những thượng đế cs thích làm giàu nhanh chóng bằng cách tham nhũng, móc ngoặc, "ngồi mát ăn bát vàng".
      Cửa hàng chúng tôi chuyên bán sỉ là lẻ các loại"quan": Từ"quan"lớn đến"quan"bé. Từ"quan"ngoại đến "quan"nội. Từ"quan"cao cấp đến"quan"hạ đẳng...đầy đủ các chủng loại.
      Nhân dịp rằm tháng 7 âl là tháng cúng cô hồn. Cty chúng tôi mở ra chương trình khuyến mãi khủng"Mua 1 tặng 1" cho khách hàng nào ưu tiên đến trước.
      Chương trình K/m cũng ưu tiên cho khách hàng lớn như Formosa Hà Tĩnh cùng đám râu ria đồng bọn. Ngoài ra những khách hàng đang bị chiếu tướng trong kế hoạch"đã hổ , đập ruồi"của cụ Tổng trong giai đoạn hiện nay như ĐBQH có 2 quốc tịch, lãnh đạo cấp tỉnh chơi sang tổ chức SN khủng cho cha ruột, những nạn nhân của vụ mỏ Núi Pháo hay Mobie Phone...sẽ được ưu tiên bán trả góp lãi suất hỗ trợ 0% và khuyến mãi khủng mua 1 tặng 1.
      Cty TNHH Cóc Nhái trân trọng kính mời!!!

MỘT CÂU CHUYỆN...


MỘT CÂU CHUYỆN...
      Tại đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa của đất nước ta có một Khu Hậu cần nghề cá được xây dựng khá lâu cùng với cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo của VN.
      Tại cột mốc đó, một bàn thờ tướng quân Lý Thường Kiệt với bài thơ thần được chạm khắc khá tinh xảo trên bia đá mà người xây dựng khu này và cũng là người mang ý tưởng lập nên cột mốc đã vất vả nhiều tháng để chỉ đạo dựng nên.
      Đã có rất nhiều bài báo viết về đảo Đá Tây và hàng ngàn lượt các đoàn du khách Việt đến đây tham quan tự hào thắp nén nhang tưởng niệm LTK. Nhưng ít có bài báo nào biết được người đứng ra lập nên Khu Hậu Cần nghề cá cùng với cột mốc có đặt tấm bia khắc bài thơ như khẳng định chủ quyền tại đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường sa là ai?
                               (Ảnh MH: Nguồn internet)
      Thật bất ngờ và thú vị là trong giai đoạn cs TQ tăng cường lấn chiếm các đảo đá thuộc Trường Sa. Cùng với sự bức xúc chung của nhiều người dân VN, mình thường uống cà phê và đàm đạo với một ông anh quen thân từ rất lâu mà không biết rằng chính anh là người đã đứng ra trực tiếp chỉ đạo và xây dựng nên khu Hậu cần và cột mốc này.
      Trước đây khi nghe anh kể về quá trình hút cát, đổ bê tông trên những rặng san hô ngập nước giữa mênh mông biển cả khó khăn và vất vả như thế nào khi ngoài kia tàu TQ lượn lờ quần thảo. Khi mình đề xuất muốn viết một bài về câu chuyện này, anh bảo"Thôi em ạ, anh không muốn nhắc đến chuyện đã qua!".
      Không có ai biết rằng có một chi tiết rất thú vị nữa là, trong lúc thực hiện ý tưởng xây cột mốc, như một sự cảm tính tự nhiên, anh móc vội trong chiếc túi quần của mình những đồng tiền kẽm mệnh giá 1 ngàn, 2 ngàn và 5 ngàn vứt vội trong mẻ bê tông đang đổ trụ cột mốc. Anh nói:" Dù sao, nhỡ sau này bọn TQ có lấn chiếm đảo và tuyên bố chủ quyền chỗ này, thì chúng không hề biết rằng chính những đồng xu là bằng chứng không thể chối cãi là địa phận của VN chống lại chúng."

      Sáng nay lại được ngồi cà phê với anh tại một quán gần nhà, nhắc lại chuyện cũ và viết stt này như một lời tri ân đến anh hay tất cả những ai đã không bỏ qua cơ hội nào dù nhỏ,để thể hiện tinh thần dân tộc trong việc khẳng định chủ quyền bờ cõi của tổ quốc VN mến yêu của chúng ta.
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
(Lý Thường Kiệt)
(Cóc Tía), SG, 12/08/2016
                               (Ảnh MH: Nguồn internet)

NHỮNG KHOẢNH KHẮC VỀ CHA.


NHỮNG KHOẢNH KHẮC VỀ CHA.
      Sắp đến ngày giỗ cha, sáng nay chợt nhớ đến những câu chuyện cũ về Người. Tuy rằng đó chỉ là những câu chuyện rất đời thường, nhưng cũng như các bạn, ai cũng muốn giữ lại một chút ký ức nào đó về đấng sinh thành của mình khi Người đã khuất bóng.
      Cuộc sống với những lo toan bộn bề, có một lúc nào đó bạn kịp dừng lại, có thể chỉ vài giây ngắn ngủi để nghĩ đến cha mẹ của mình. Cũng có thể chỉ vài hình ảnh hoặc những khoảnh khắc tình cờ nào đó thoáng qua về 2 đấng sinh thành, nhưng chỉ cần vậy cũng đủ để đâu đó ở trên cao, họ sẽ cảm thấy ấm lòng vì đã không bị những đứa con rất mực yêu dấu của mình bỏ rơi rớt lại trong bước đường mưu sinh lắm nỗi nhọc nhằn của chúng.
      Câu chuyện thứ nhất
      NỒI CHÈ ĐẬU CỦA CHA TÔI.
      Ngày ấy, cha đã già. Ông chỉ quanh quẩn trong nhà làm những việc lặt vặt giúp chị tôi.
      Chị tôi có một quầy hàng chuyên bán nông sản trong chợ ở gần nơi ở. Khi ấy cha tôi trông coi và dọn dẹp những bao đậu mè các loại mà chị thường dự trữ tại nhà.
      Cha tôi tính tình siêng năng và sạch sẽ nên ông cứ tự kiếm việc làm quần quật cả ngày. Trong những lúc quét dọn những hạt đậu các loại lẫn lộn bị rơi rớt vung vãi trên nền nhà, thay vì ngồi lựa ra theo từng loại hoặc đổ bỏ, ông lại đem tất cả rửa sạch và nấu chè. Chè của ông là loại chè đậu không đụng hàng, vì trong đó gồm đủ loại: Nào là đậu trắng, đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ, đậu nành...thỉnh thoảng xen vào một ít mè đen và có cả những hạt cà phê nữa, vì mắt yếu nên ông không thấy để lựa riêng ra ngoài.
      Những lúc nấu xong, ông thường chào hàng cho cả nhà ăn, nhưng thường thì các cháu của tôi đứa nào cũng chê dở không ăn. Bản thân tôi cũng thấy nồi chè rất tệ. Vì mỗi loại đậu có độ cứng mềm khác nhau nên không thể hầm nấu trong cùng một thời gian như nhau, chưa kể không có ai lại đem đậu nành hay cà phê hạt để nấu chè cả. Tuy nhiên, mặc dù biết vậy nhưng tôi vẫn cố ăn cho Người được vui lòng. Người già tính tình sởi lởi, thảo ăn nhưng cũng rất dễ mủi lòng lắm các bạn.
      Cho đến nay, mặc dù cha đã mất trên 7 năm và tôi cũng đã đi quá nữa đời người, nhưng các bạn không hề biết rằng có lẽ đó là nồi chè dở nhất mà tôi từng biết và vẫn muốn được ăn.
Lê Quang Luận
**********************
      Câu chuyện thứ hai
      ĐỨC NĂNG THẮNG SỐ.
      Năm 1975 hồi tôi mới cùng cha và mẹ mới lên Đà Lạt sinh sống. Cha tôi khi ấy đã hơn 60 tuổi. Trong cái xóm sình ở khu phố Nam Thiên nơi tôi ở, ông được mệnh danh là"Anh hùng lao động". Cái mác đó cũng đúng thôi, bởi vì ông là một người lao động không hề ngơi nghỉ. Cả ngày ông hết cuốc đất trồng khoai lại xoay qua đào ao nuôi cá, dầm mình trong sình lầy giữa trưa nắng để trồng môn và rau ngổ. Lúc ấy chỉ có mỗi mình tôi là sống cùng với cha mẹ nên bị hưởng sái theo cha cũng cày quần quật trừ những giờ đi học.
      Không biết cha đã chấm tử vi ở ông thầy nào, mà ông rất tin vào số mạng. Năm 1978, khi ấy ông 61 tuổi, thỉnh thoảng hay ông lên cơn mệt. Những lúc như thế ông nằm trên giường và gọi tôi vào trăn trối. Ông bảo năm nay ông đã tới số rồi, nên nào là khi cha mất con phải cố gắng chăm sóc mẹ, con phải cố gắng học hành, lao động và hãy luôn là người đàn ông tử tế dù phải sống trong bất cứ hoàn cảnh hay xã hội nào..v.v...Tuy miệng cha luôn nói như thế và thái độ có vẻ cam chịu với sự sắp đặt của "số phận", nhưng tôi vẫn biết Người rất sợ chết.
      Tình thật, khi ấy tôi chỉ mới là chàng trai 15, 16 tuổi. Tôi rất sợ điều đó xảy ra vì tôi rất thương cha. Tuy nhiên rồi cuối cùng cha tôi vẫn không bị làm sao cả cho đến lúc Người mất thì ông đã 93 tuổi.
      Sau này khi tôi đã lập gia đình và có con. Những lúc ngồi bên cha uống trà và nói chuyện, tôi hay nhắc đến câu chuyện cũ, ông thường cười tủm tỉm rồi nói: "Đó là do" Đức năng thắng số"đó con à!".
      Lúc cha mất, tôi đã rất vui mừng vì Người thoát khỏi đau đớn thể xác do cơ thể lỡ lói vì nằm nhiều, cũng như ông đã lú lẫn và không còn biết sợ chết là gì nữa.
      Cha tôi ra đi thanh thản vào ngày 17/7 âm lịch khi vừa tròn 93 tuổi. Tôi vẫn tin rằng cha đã vượt được qua cái gọi là"số phận"nhờ"ơn đức"mà Người đã gầy dựng nên khi còn sống.
Lê Quang Luận, Sài Gòn, 14/08/2016

GỬI NGÀI TT NGUYỄN XUÂN PHÚC.


GỬI NGÀI TT NGUYỄN XUÂN PHÚC.
      Thưa ngài TT Nguyễn Xuân Phúc!
      Từ ngày ngài lên nhậm chức đến nay, ngài đã phát biểu rất hay và hứa rất nhiều trước nhân dân. Trong đó có nhiều vụ oan sai ngài đã ra tay trực tiếp chỉ đạo, kết quả rất được lòng dân. Vậy xin thưa với ngài, bộ máy công quyền mà ngài đang là người đứng đầu đã và đang vận hành một cách mờ ám và lén lút nhằm trấn áp, bắt bớ người dân với những điều luật cực kỳ phi lý. Đó là điều 88 BLHS.
      Với điều luật phi lý, không rõ ràng đó. Bộ máy công quyền của ngài đã hành xử mờ ám, phi dân chủ và rất mất lòng dân.
      Nhìn nhận cho thật khách quan xem ai là tổ chức chống phá nhà nước? Hai thằng dân đen nhóc con trong tay không một tấc sắt hay cả một hệ thống với đủ các lực lượng được trang bị vũ khí tận răng?
      Huy động toàn bộ lực lượng được nuôi bằng tiền thuế của dân để run rẩy, lén lút trù dập, chụp mũ những người dân vô tội bằng những điều luật phi lý là thái độ hèn nhát và phản bội.
      Trong khi đó kẻ mà nhân dân cả nước biết và căm giận vì đã ra tay đầu đầu độc biển miền Trung, đầu độc dân Việt, làm điêu đứng, tan cửa nát nhà của hàng triệu ngư dân thì vẫn nhỡn nhơ ngoài vòng pháp luật. Chính tập đoàn Formosa và những kẻ tiếp tay cho tập đoàn này tồn tại mới chính là những tên tội phạm chống phá nhà nước, làm rối loạn an ninh trật tự trong nước, âm mưu đầu độc sức khỏe và cuộc sống của nhân dân, làm suy yếu nền kinh tế của Việt Nam. Lẽ ra bọn chúng phải được bộ máy công quyền của ngài trừng trị chứ không phải hai tên nhóc con ngồi gõ bàn phím share bài trên Facebook.
      Lối hành xử như vậy thì đừng trách sao người dân không bất mãn?
      Vì vậy, nhân dân rất mong ngài hãy quan tâm để mắt tới vụ án này và công tâm ra tay thực hiện sự công bằng, biến những lời hứa của mình thành hiện thực.
Cóc Tía




BỮA CƠM CHIỀU



                               (Ảnh MH: Nguồn internet)
BỮA CƠM CHIỀU
Ngày ấy đất nước nghèo
Bữa ăn không thịt cá
Chỉ mớ rau, nhúm lá
Vơ hái vội bờ rào
Lúc bụng đói cồn cào
Ăn với nồi cơm hẩm
Ấy vậy mà chăm bẫm
Khỏe mạnh đến bạc đầu.
Qua bao cuộc bể dâu
Đất nước nay"giàu mạnh"(!?)
Cá tôm đầy tủ lạnh
Rau lá ngập chợ chiều
Vậy mà vẫn buồn hiu
Mỗi khi lòng thấy đói
Nhìn mâm cơm tự hỏi
Đang ăn chất độc gì?
Phát triển để làm chi?
Biển kia không kiểm soát
Để lòng tham định đoạt
Số phận của dân mình
Bệnh tật cứ rập rình
Từ nhà ra quán xá
Hận kẻ đem tai họa
Gieo trên đất Việt buồn
Bữa cơm chiều hôm nay
Có giọt đắng giọt cay...
Cóc Tía, SG, 25082016

MƯA KHÓC.

                                (Ảnh MH: Nguồn internet)
MƯA KHÓC.
Chiều tháng Tám trời mưa
Giọt rơi trên đất lạnh
Thấm tận cùng nỗi đau
Giọt rớt xuống thật mau
Tan vào lòng biển lặng
Như nước mắt thật mặn
Hoà tan vào đại dương
Là nước mắt quê hương...
Khóc biển ngày tang chế
Tháng Tám trời mưa tuôn
Những giọt nước u buồn
Như triệu dòng nước mắt
Khóc biển kia hiu hắt
Không một bóng thuyền chài
Nghĩ đến một ngày mai
Đời chìm trong tăm tối
Mong một ngày bão nổi
Đập tan bọn bạo tàn
Cóc Tía, SG, 25082016

BÃO LÒNG.

                                (Ảnh MH: Nguồn internet)
BÃO LÒNG.
Tháng Tám đến rồi mang hạt mưa trĩu nặng.
Đem bão tố về trên đất Việt quặn đau.
Nhưng Mẹ thiên nhiên rồi cũng sẽ quên mau.
Bão dẫu đến dăm bảy ngày rồi cũng lặng.
Tháng Tám về rồi, có một cơn bão khác.
Cứ cuồn cuộn dâng như sóng dữ ở trong lòng.
Là mưa sưu thuế oằn vai người cùng khổ.
Từ trẻ lọt lòng đến cụ tóc bạc răng long.
Tháng Tám về, có cơn hung dữ"bão lòng.".
Phủ sóng hờn ghen bằng phát súng lạnh căm.
Tước đi cuộc sống người từng là "đồng chí".
Vì lòng tham, nào còn chỗ để"nhân từ"!?...
Có những nụ cười bật ra trong thỏa mãn.
Trên khoé môi còn chất chứa nụ hờn căm.
Trước cái chết của những tên quan vô lại.
Vì bão trong lòng chứa đủ cả bỉ khinh.
Đừng hỏi tại sao dân Việt lại vô tình!?.
Mà hãy hỏi kẻ cầm quyền sao lại thế?
Người Việt Nam ngàn đời luôn tử tế.
Nay hoá điên cuồng vì Chúa đã bỏ đi.
Tháng Tám về rồi tháng 8 lại di.
Nhưng bão đời vẫn còn nguyên ở đó.
Cứ âm ỉ, chôn trong lòng giận dữ.
Chực bùng lên cao hơn cả ngọn sóng Thần.
Cóc Tía

49 GẶP 50


49 GẶP 50
      Kể các bạn nghe một câu chuyện có thật trên quê tui.
      Hắn là tài xế xe tải, tính tình vui vẻ, hoà nhã, hài hước và đặc biệt là thích hát. Một bữa gặp Cóc Tía, hắn kể: Hôm đó tui lái xe từ trong tp SG ra đến ngã ba Cát Lái thì bị mấy ông CSGT giơ gậy ngoắc vô. Về điểm này thì tui không lạ, dù biết mình không có lỗi gì nhưng cũng phải chung chi, đó là"luật"ở VN.
      Móc trong ví ra mấy trăm, nghĩ cũng tiếc thật vì đó là đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình mà? Không chi cũng không được. Xót của, trước khi lôi cổ mấy tờ polymer ra tui làm bộ cất tiếng hát, bài "Từ Thành Phố mang tên Người" thơ của Đăng Trung, Cao Việt Bách phổ nhạc:
      - Từ thành phố này Người đã ra đi....
      Không ngờ lúc móc mấy trăm ra cùng lúc cất lên câu hát đó thì thằng cha CSGT mặt còn trẻ măng nhoẻn miệng cười tật tươi, tay chụp lấy mấy tờ tiền nhét ngay vào túi, hát đáp lại ngay:
      -....Bao năm ước mong đón Bác trở về....
      Trời thần ạ? Tui không ngờ mấy ông CSGT ngoài nghiệp vụ cứng cỏi còn có cả kiến thức âm nhạc sâu rộng, rất nhanh nhạy trong ứng xử và đối đáp nữa làm tui phục lăn luôn.
      Chuyến đi đó, mất mấy trăm nhưng trong lòng vui như tết vì ý nghĩ: "Chết mày chưa? 49 gặp 50"...hehe...
Cóc Tía, SG, 28/08/2016
P/s: Ảnh lượm trên mạng chỉ mang tinh chất minh hoạ.

THẬT ĐÁNG TIẾC...


THẬT ĐÁNG TIẾC...
      Ở miền Nam VN, trước năm 1975, khi mình còn trẻ, những bộ phim ăn khách thường là phim võ thuật hoặc kiếm hiệp của Hồng Kong. Những diễn viên thần tượng của giới trẻ thời bấy giờ tập trung vào những nhân vật anh hùng. Đó chính là những nhân vật sẵn sàng xả thân cho chính nghĩa, quyết đem tài nghệ võ thuật, trí thông minh của mình để đánh đổ, tiêu diệt các ác và bạo quyền để bảo vệ kẻ yếu.
      Nền điện ảnh khi đó tạo cho giới trẻ biết đâu là các ác, đâu là điều thiện. Nó kích thích cho giới trẻ tinh thần yêu nước, yêu dân tộc, cổ suý sức mạnh và lòng quả cảm. Những diễn viên thời đó mà giới trẻ rất thần tượng như Lý Tiểu Long, Địch Long, Khương Đại Vệ, Sương Điền Bảo Chiêu, Vương Vũ...Tuy nhiên, tâm lý yêu mến và khâm phục thần tượng đó được che dấu ở trong lòng. Ngoài ra những diễn viên xuất sắc trong các bộ phim tâm lý xã hội của nước ngoài như Pháp, Mỹ, Hồng Kong... Sự cảm mến nhân vật cũng chỉ giới hạn trong suy nghĩ để học hỏi và điều chỉnh hành vi, đạo đức của mình. Sự cuồng nhiệt kín đáo, sâu sắc, hướng nội chứ không rầm rộ, quá khích, hướng ngoại như thanh niên thời nay.
      Lẽ đó cũng đúng thôi, bởi vì thanh thiếu niên thời đó được tiếp xúc và được dạy dỗ trong một nền giáo dục mang tính nhân bản, dân tộc và khai phóng cao. Không như xã hội bây giờ, tuổi trẻ bị nhồi nhét vào đầu một thứ lý thuyết thần tượng cá nhân anh hùng thái quá, tôn vinh thần tượng như bậc thánh nhân đầy trơ trẻn và dối trá nhằm phục vụ cho mục đích chính trị...và cái kết, thế hệ trẻ bây giờ phần lớn đã trở thành một lũ cừu ngu xuẩn khi họ đã thích một thần tượng Showbiz nào đó, thiếu điều họ muốn dẹp ông bà cha mẹ để thỉnh nhân vật đó lên bàn thờ tổ tiên mà thờ phụng.
      Đọc bài báo dưới đây chỉ thêm buồn và thấy thật đáng tiếc cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay.
Cóc Tía

TÔI TÌM.

                                             (Ảnh MH: Nguồn internet)
TÔI TÌM.
Tôi đi tìm cuộc tình.
Hờ hững dưới vực sâu.
Tìm phép lạ nhiệm mầu
Trong trùng vây dối trá.
Tìm yêu nhau vội vã.
Hay nghĩa nặng tình sầu.
Biết tìm ở nơi đâu?
Giữa mộng đời hư ảo.
Cuộc tình như cơn bão.
Đi ngang qua cuộc đời.
Cứ nhắm mắt mỉm cười.
Trôi theo cơn cuồng nộ.
Tìm trong lòng giông tố.
Con tim nào hồi sinh?
Tôi sẽ giữ riêng mình.
Một tình yêu hấp hối...
(Lê Quang Luận), SG, 29082016

TRÁI BẮP NẾP THƯA(*)


TRÁI BẮP NẾP THƯA(*)
Hổm giờ lo ăn nhậu.
Vợ ở nhà đổ quạu.
Không lo bếp núc gì.
Nét mặt cứ lầm lỳ.
Như mất đi sổ gạo.
Làm thằng chồng nổi cáu.
Quyết tuyệt thực vài ngày.
Tưởng vợ sẽ sợ ngay.
Ai dè im thin thít.
Ra vô cứ háy nguýt.
Không thèm nói một lời.
Đợi chồng đói rã rời.
Ném cho vài trái bắp.
Vài trái bắp nếp thưa.
Để từ nay cho chừa.
Bỏ thói quen nhậu nhẹt.
Từ ngày vợ bỏ đói.
Nhìn bắp luộc cũng thèm.
Nhưng quyết không tòm tèm.
Đụng chi vô thứ đó?
Dù lòng luôn nhắc nhỏ:
"Cứ ăn đi ngại gì?"
Bụng thì cứ rầm rì:
"Ăn đi mà, ai biết?
Lỡ đói quá ngã chết.
Thì chỉ thiệt cái thân".
Cũng có lúc phân vân.
Định xơi luôn tuốt luốt.
Nhờ tư tưởng thông suốt.
Đường lối đã vạch ra.
Thà chấp nhận làm ma.
Chứ không đụng tới bắp.
Ngày lại ngày tới tấp.
Bụng càng đói cồn cào.
Sức khỏe thấy tổn hao.
Lại nhìn ngay đĩa bắp.
Ăn đi vài trái bắp.
Những trái bắp nếp thưa.
Có ai thấy mà ngừa.
Vẫn sáng ngời danh dự.
Nhưng rồi hơi lưỡng lự.
Suy nghĩ rồi lại thôi.
Vợ đã quyết đãi bôi.
Ta đây quyết tuyệt thực.
Nói rồi nuốt cái ực.
Bụng cứ sôi ầm ì.
Đã đấu tranh phải lỳ.
Mới mong ngày chiến thắng.
Đợi ngày vợ hết mắng.
Vùng lên cướp chính quyền.
Chấm dứt sự triền miên.
Những tháng năm nô lệ.
Tuyệt thực đâu có tệ?!
Toàn thắng ắt về ta!
Ha ha ha...
Cóc Tía
P/s: Nhờ có học tinh thần kiên cường đấu tranh CM ở trong tù qua bài thơ"Con cá Chột Nưa"của cố nhà thơ Tố Hữu, nên nay làm bài thơ con Cóc này để phản đối cường quyền của đồng chí tổng bí thư"Vợ". Mời các bạn đọc cho vui, các em gái, các cô, các bà làm ơn xin đừng ném gạch đá vì CT tui mới xây xong biệt thự rồi!
(*) Bắp (miền Nam) = Ngô (miền Bắc)
(*) Bắp nếp thưa: Trái bắp nếp non còn thưa(ít) hạt.(cách nói của miền Trung)

MAY MÀ CHẾT SỚM...


MAY MÀ CHẾT SỚM...
      Một hài nhi vừa mới sinh ra khỏi bụng mẹ đã lìa đời. Quỷ sứ theo thủ tục dẫn nó đến trước Diêm Vương. Ngài hỏi:
      - Mi có biết tại sao vừa mới sinh ra mi đã ngủm củ tỏi không?
      - Dạ...tui cũng không biết tại sao?
      - Là tại cha mẹ của mi ngu muội nghe lời bọn quan chức Chính Phủ ăn tôm, cá, mực bị nhiễm độc ở quê của mi đó, rõ chưa?
      - Dạ! Vậy tại sao ổng bả không chết mà bắt tui phải chết?
      - Đồ ngu! Tụi nó rồi cũng sẽ chết từ từ, mi chết trước vì mi là cái bào thai yếu ớt, hiểu chưa!?
      - Dạ hiểu! Tui mới đẻ ra chưa kịp mần ăn gì đã ngủm rồi. Vậy ngài cho tui lên Thiên Đàng đi chớ!?
      - Không được! Mi phải xuống Địa Ngục!
      - Ủa? Sao kỳ cục vại??...
      - Là vì mi mắc phải tội lừa đảo ở trển! Mi chưa trả nợ trên đó đầy đủ!
      Nhíu mày suy nghĩ, gãi đầu:
      - Á..đù!...mới vừa đẻ ra...mà Ngài có lầm với ai không đó?
      - Ta không lầm!
      - Vậy cho tui biết nợ ai đi?
      - Mi còn mắc "nợ công"của bọn cs gán cho mi số tiền là 29 triệu đồng.
      - Trời đất ơi? Vậy thôi cho tui xuống Địa ngục cũng được, may là tui chết sớm chứ càng sống ở đó lâu càng nợ ngập đầu. Cám ơn Ngài nha!
(Cóc Tía), Sài Gòn, 31/08/2016
P/s: Ảnh MH vui lượm trên mạng.