Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

NHỮNG KHOẢNH KHẮC VỀ CHA.


NHỮNG KHOẢNH KHẮC VỀ CHA.
      Sắp đến ngày giỗ cha, sáng nay chợt nhớ đến những câu chuyện cũ về Người. Tuy rằng đó chỉ là những câu chuyện rất đời thường, nhưng cũng như các bạn, ai cũng muốn giữ lại một chút ký ức nào đó về đấng sinh thành của mình khi Người đã khuất bóng.
      Cuộc sống với những lo toan bộn bề, có một lúc nào đó bạn kịp dừng lại, có thể chỉ vài giây ngắn ngủi để nghĩ đến cha mẹ của mình. Cũng có thể chỉ vài hình ảnh hoặc những khoảnh khắc tình cờ nào đó thoáng qua về 2 đấng sinh thành, nhưng chỉ cần vậy cũng đủ để đâu đó ở trên cao, họ sẽ cảm thấy ấm lòng vì đã không bị những đứa con rất mực yêu dấu của mình bỏ rơi rớt lại trong bước đường mưu sinh lắm nỗi nhọc nhằn của chúng.
      Câu chuyện thứ nhất
      NỒI CHÈ ĐẬU CỦA CHA TÔI.
      Ngày ấy, cha đã già. Ông chỉ quanh quẩn trong nhà làm những việc lặt vặt giúp chị tôi.
      Chị tôi có một quầy hàng chuyên bán nông sản trong chợ ở gần nơi ở. Khi ấy cha tôi trông coi và dọn dẹp những bao đậu mè các loại mà chị thường dự trữ tại nhà.
      Cha tôi tính tình siêng năng và sạch sẽ nên ông cứ tự kiếm việc làm quần quật cả ngày. Trong những lúc quét dọn những hạt đậu các loại lẫn lộn bị rơi rớt vung vãi trên nền nhà, thay vì ngồi lựa ra theo từng loại hoặc đổ bỏ, ông lại đem tất cả rửa sạch và nấu chè. Chè của ông là loại chè đậu không đụng hàng, vì trong đó gồm đủ loại: Nào là đậu trắng, đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ, đậu nành...thỉnh thoảng xen vào một ít mè đen và có cả những hạt cà phê nữa, vì mắt yếu nên ông không thấy để lựa riêng ra ngoài.
      Những lúc nấu xong, ông thường chào hàng cho cả nhà ăn, nhưng thường thì các cháu của tôi đứa nào cũng chê dở không ăn. Bản thân tôi cũng thấy nồi chè rất tệ. Vì mỗi loại đậu có độ cứng mềm khác nhau nên không thể hầm nấu trong cùng một thời gian như nhau, chưa kể không có ai lại đem đậu nành hay cà phê hạt để nấu chè cả. Tuy nhiên, mặc dù biết vậy nhưng tôi vẫn cố ăn cho Người được vui lòng. Người già tính tình sởi lởi, thảo ăn nhưng cũng rất dễ mủi lòng lắm các bạn.
      Cho đến nay, mặc dù cha đã mất trên 7 năm và tôi cũng đã đi quá nữa đời người, nhưng các bạn không hề biết rằng có lẽ đó là nồi chè dở nhất mà tôi từng biết và vẫn muốn được ăn.
Lê Quang Luận
**********************
      Câu chuyện thứ hai
      ĐỨC NĂNG THẮNG SỐ.
      Năm 1975 hồi tôi mới cùng cha và mẹ mới lên Đà Lạt sinh sống. Cha tôi khi ấy đã hơn 60 tuổi. Trong cái xóm sình ở khu phố Nam Thiên nơi tôi ở, ông được mệnh danh là"Anh hùng lao động". Cái mác đó cũng đúng thôi, bởi vì ông là một người lao động không hề ngơi nghỉ. Cả ngày ông hết cuốc đất trồng khoai lại xoay qua đào ao nuôi cá, dầm mình trong sình lầy giữa trưa nắng để trồng môn và rau ngổ. Lúc ấy chỉ có mỗi mình tôi là sống cùng với cha mẹ nên bị hưởng sái theo cha cũng cày quần quật trừ những giờ đi học.
      Không biết cha đã chấm tử vi ở ông thầy nào, mà ông rất tin vào số mạng. Năm 1978, khi ấy ông 61 tuổi, thỉnh thoảng hay ông lên cơn mệt. Những lúc như thế ông nằm trên giường và gọi tôi vào trăn trối. Ông bảo năm nay ông đã tới số rồi, nên nào là khi cha mất con phải cố gắng chăm sóc mẹ, con phải cố gắng học hành, lao động và hãy luôn là người đàn ông tử tế dù phải sống trong bất cứ hoàn cảnh hay xã hội nào..v.v...Tuy miệng cha luôn nói như thế và thái độ có vẻ cam chịu với sự sắp đặt của "số phận", nhưng tôi vẫn biết Người rất sợ chết.
      Tình thật, khi ấy tôi chỉ mới là chàng trai 15, 16 tuổi. Tôi rất sợ điều đó xảy ra vì tôi rất thương cha. Tuy nhiên rồi cuối cùng cha tôi vẫn không bị làm sao cả cho đến lúc Người mất thì ông đã 93 tuổi.
      Sau này khi tôi đã lập gia đình và có con. Những lúc ngồi bên cha uống trà và nói chuyện, tôi hay nhắc đến câu chuyện cũ, ông thường cười tủm tỉm rồi nói: "Đó là do" Đức năng thắng số"đó con à!".
      Lúc cha mất, tôi đã rất vui mừng vì Người thoát khỏi đau đớn thể xác do cơ thể lỡ lói vì nằm nhiều, cũng như ông đã lú lẫn và không còn biết sợ chết là gì nữa.
      Cha tôi ra đi thanh thản vào ngày 17/7 âm lịch khi vừa tròn 93 tuổi. Tôi vẫn tin rằng cha đã vượt được qua cái gọi là"số phận"nhờ"ơn đức"mà Người đã gầy dựng nên khi còn sống.
Lê Quang Luận, Sài Gòn, 14/08/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét