Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

ĐIỀU MẸ HAY QUÊN...

                                (Ảnh MH: Nguồn internet)
ĐIỀU MẸ HAY QUÊN...
      Nhớ lúc còn nhỏ, tính mình hay nghịch ngợm và quậy phá trời thần. Có lần trốn học, bỏ cơm chiều. Về đến nhà trời cũng vừa sụp tối. Mình khi ấy tay chân mặt mũi lem luốc, áo quần xộc xệch và dơ bẩn, mắt lấm la lấm lét mong về không gặp mẹ để thót vô phòng, quăng cặp vỡ rồi tắm rửa thay đồ sạch sẽ với ý nghĩ sẽ qua mặt được Người. Không ngờ, về đến nơi đã thấy mẹ đứng trước cửa, tay cầm roi mây lăm lăm chờ sẵn. Biết là khó thoát đòn roi, nên khi vừa bước đến cửa mẹ đã chụp cổ định hỏi tội và cho một trận đòn. Đoán trước được ý định của mẹ nên khi Người vừa ra tay chụp thì mình vùng ra, thoát được chạy nhanh vô trong nhà. Mẹ rượt đến nơi mình lại vùng thoát chạy ra ngoài, sau khi quăng vội cặp vở lên bàn học. Người già lại là phụ nữ làm sao lanh lẹ bằng chú nhóc mới có 12 tuổi được. Do không bắt được mình mẹ tức giận đứng trước cửa dí dí cái roi vào thằng con trai ngỗ nghịch đang quay lại nhìn từ xa, miệng mẹ gào lên:
      - Mày có giỏi thì đi luôn đi, tao mà không đánh được mày tao thề "làm con" của mày!...
      Giận con mẹ thề như vậy, nhưng đến khi thấy mẹ đã ngủ, mình len lén về nhà chui vô giường làm một giấc đến sáng mới dậy.
      Sáng dậy, gặp mẹ mình vẫn không quên chuyện đêm qua, nhưng Người thì đã quên mất. Trông thấy mình, mẹ còn nhắc:
      - Mau vệ sinh, tắm rửa thay đồ cho nhanh, rồi mẹ dẫn đi ăn bún bò ngay đầu chợ đây rồi còn đi học!
      Xong việc, mang cặp vở, mẹ dắt tay ra chợ mà lòng cứ nơm nớp lo sợ mẹ nhớ lại chuyện cũ.
      Nhiều năm sau này, khi mình có những đứa con trai. Có khi chúng có lỗi gây bực tức và buồn lòng, tuy nhiên rồi mình cũng quên ngay sau đó.
      Thế mới hiểu, con cái có thể nhớ lâu việc gì cha mẹ đối xử không đúng hoặc không công bằng với chúng, nhưng cha mẹ không bao giờ nhớ lâu những lỗi lầm của con, một khi chúng đã gây ra cho họ.
      Chiều nay, vô tình bỗng nhớ lại chuyện xưa. Chạnh lòng với ý nghĩ về lời thề của mẹ năm xưa, làm mình muốn thốt lên: " Mẹ ơi! Con không bao giờ tin vào lời thề "làm con" của mẹ trở thành sự thật. Bởi vì, lúc nào con cũng muốn là con của một người mẹ luôn hay quên những lỗi lầm mà chúng thường gây ra bực mình, thậm chí đau khổ... cho người đã vất vả làm lụng cả đời, để nuôi chúng thành nhân.
(Lê Quang Luận), Sài Gòn, 29/06/2016

LỆ BIỂN.


LỆ BIỂN.
Hôm nay lệ biển vẫn tuôn.
Em buồn không hiểu vì sao em buồn...
Em buồn vì gió cứ buông.
Vì lời than vãn biển không an lành.
Bến bờ lặng lẽ vắng tanh.
Không gian quạnh vắng thuyền chài im hơi.
Phất phơ hồn cá tả tơi.
Trong cơn phiêu bạt rớt rơi lệ sầu.
Nghe chừng tiếng khóc đêm thâu.
Khơi xa vắng ngắt thuyền đâu hỡi thuyền?
Bóng ai đợi khách thuyền quyên.
Tóc bay trước gió xa xăm mắt chờ.
Đợi người biết đến bao giờ.
Đến khi biển chết bến bờ quạnh hiu
Ngàn năm đất nước mến yêu.
Thoáng trong phút chốc buồn thiu khắp miền.
(Cóc Tía), SG, 27062016
P/s: Bức ảnh của một bạn trên fb mới chụp tại biển Hà Tĩnh tôi share lại.

VẼ VỜI.


VẼ VỜI.
Kính thưa Bộ Môi trường.
Tháng tư biển miền Trung.
Cá tôm ngã ngữa chết.
Đã biết nguyên nhân chưa?
Đến tháng năm hứa thưa.
Sẽ nói sao cá chết.
Tháng sáu đã gần hết.
Dân chưa thấy nói gì?!
Đừng nói dân quá lì
Suốt ngày hỏi tại sao.
Hãy tự hỏi thế nào.
Mà mình không công bố.
Rồi bây giờ các Bộ.
Hứa tẩy uế môi trường.
Biển thấy vẫn bình thường.
Bệnh gì mà chữa trị?
Đừng đem chuyện mông mị.
Che đậy chuyện đau lòng.
Hãy nói rõ nguyên nhân.
Vì sao biển đã chết?
Nếu thấy chuyện đã hết.
Thì đừng có vẽ vời.
Biển cứ để dân bơi.
Sống chết gì, mặc nó.
(Cóc Tía), SG, 26062016

GIẬT MÌNH


GIẬT MÌNH
Ba sáu năm trôi qua
Đi quá nữa cuộc đời
Nay cùng nhau ngồi lại
Ôn chuyện thuở còn thơ
Giật mình ngỡ nằm mơ
Bạn bè còn dăm đứa,
Đứa nữa người nữa ngợm
Có đứa nữa đười ươi
Cuộc sống dẫu tốt tươi
Hay u sầu buồn khổ
Gặp nhau là cứ nỗ
Như pháo đêm giao thừa
Cóc Tía
P/s: Tặng các bạn học Thăng Long Đà Lạt 78-80 nhân cảm hứng khi nhìn lại bức ảnh này...kkk

Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016

SÀI GÒN MƯA VÀ NHỮNG NỖI ĐAU KHÔNG CÓ LỜI BÀY TỎ.

                                (Ảnh MH: Nguồn internet)
SÀI GÒN MƯA VÀ NHỮNG NỖI ĐAU KHÔNG CÓ LỜI BÀY TỎ.
      Sáng nay, sau khi cùng với một ông anh thân quen uống cà phê vỉa hè trở về, trời Sài Gòn bỗng đổ mưa to. Ngồi trước hiên nhà, nhìn những giọt mưa ào ạt rơi giữa lòng phố xá trên nền trời màu xám ngắt, lòng đang yên bình tự dưng có cảm xúc thật lạ.
      Trước đó, ngồi với ông anh, trong nhiều câu chuyện liên quan đến cuộc sống, hai anh em có nói đến vụ cá chết ở 4 tỉnh miền Trung, nói về câu trả lời của Chính phủ vẫn còn bỏ ngõ trong sự chờ đợi hàng ngày của mọi người, bất giác ông anh chép miệng than thở:
      - Anh nghĩ thấy tội cho những ngư dân miền Trung của đất nước mình. Không biết họ và gia đình của họ sẽ sống ra sao trước tình hình câm lặng , không có hướng xử lý này của Chính phủ. Giải pháp hổ trợ bằng gạo thì bị ăn chặn, bị xén bớt của cấp địa phương và tiền 5 triệu đồng cho mỗi đầu thuyền đến nay hình như ngư dân vẫn chưa thấy đâu cả. Mà đó cũng chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu về dài thì phải tính sao với họ chứ? Nghe nói các em học sinh ở đó phải bỏ cả học hành vì gia đình đói kém, thất nghiệp, không có tiền lo cho con...thấy thật là đau xót.
       Nhìn những hạt mưa lũ lượt trút xuống mặt đường, không gian đã buồn bã lại thấy càng u ám hơn khi nghĩ đến những ngư dân ở miền Trung. Mùa mưa, nghĩ đến cảnh hàng ngày những ngư dân đã quen với việc ra khơi, quen lao trên đầu con sóng, đứng trên đầu ngọn gió...mà giờ đây đành ngồi bó gối trong nhà trông mưa, trông ra biển dập dồn sóng vỗ ngoài kia, mắt vô hồn nhìn những con thuyền chài phủ bạt lặng thinh trên bờ bãi...với cái đầu trống rỗng chẳng biết tương lai của họ và đàn con nhỏ sẽ về đâu?
      Nghĩ đến điều đó lại thấy căm giận vô cùng. Vòng đời của một người vốn rất ngắn ngủi nhưng tham vọng của một số kẻ thì quá lớn, nó lớn đến nỗi họ sẵn sàng bất chấp tất cả để có thể ra tay giết hại đồng loại một cách tàn độc dù có phải sử dụng bằng những thủ đoạn hèn hạ và dơ bẩn nhất.
      Triết lý của Đạo Phật sâu nhưng không đủ rộng để cảm hoá được tất cả, tuy nhiên luật nhân quả là có thật. Nó sẽ bắt buộc những kẻ độc ác phải sống trong sự dằn vặt, cắn rứt, đau khổ trong quãng đời còn lại và địa ngục chờ đón họ để thực thi công lý bị những kẻ đó tước đoạt khi còn sống.
      Hãy đợi đấy!!! Nhưng bây giờ đã là cuối tháng 6, vẫn là câu hỏi của hàng triệu người Việt Nam chờ đợi câu trả lời từ Chính phủ:
      "VÌ SAO CÁ CHẾT?"
(Cóc Tía), Sài Gòn, 24/06/2016


                              (Ảnh MH: Nguồn internet)

ĐỪNG MƠ THIÊN ĐƯỜNG Ở ĐÂY?


ĐỪNG MƠ THIÊN ĐƯỜNG Ở ĐÂY?
      Một hợp đồng 2 tỷ USD nhận gia công quân trang cho quân đội Mỹ đã bị vuột mất khỏi tay của DN may gia công trong nước bởi cơ chế XHCN của chúng ta.
      Thử nghĩ xem, 2 tỷ USD là số tiền cực lớn đối với việc may gia công. Ký được HĐ này chẳng những là giấc mơ của các doanh nghiệp trong nước VN, mà cũng là giấc mơ của các DN may mặc các nước trên thế giới. Bởi vì với HĐ này, ngoài việc đem về ngoại tệ cho đất nước của chúng ta, còn giúp cho hàng vạn người lao động, công nhân may mặc có việc làm ổn định trong nhiều năm, kèm theo các dịch vụ ăn theo nó. Thế nhưng, cứng nhắc dựa vào Quy định của Bộ Quốc phòng là căn cứ vào Quyết định số 80/2006/QĐ-BQP ngày 9.5.2006, cấm nhập khẩu mặt hàng quân trang, quân dụng. Hàng mẫu của đối tác gửi vào cho các DN sản xuất bị xem là hàng quân trang nhập khẩu, thế là bị ách lại bởi lực lượng Hải Quan trong nước. Đối tác là Mỹ vì không thể chờ đợi lâu đành rút HĐ với DN may gia công trong nước.
       Thế mới hiểu được lý do vì sao trong nước nạn thất nghiệp tràn lan, thậm chí mới đây Bộ Lao Động "tự hào"công bố đất nước ta hiện nay có 500.000 người xuất khẩu lao động ra nước ngoài, trong đó kể cả xuất khẩu sang Lào và CPC là hai nước nhỏ nghèo mới phát triển.
      Đất nước Việt Nam rồi muôn đời chỉ biết xách bị đi xin xỏ tiền nước ngoài đem về nuôi một lũ cả triệu thằng chuyên ăn tàn, phá hại làm nghèo mạt đất nước, rồi để lại nợ nần cho con cháu chứ phát triển gì nổi với cơ chế chằng chịt luật lệ, cứng ngắt trong vận dụng chính sách bởi một bọn suốt ngày tìm cách gây khó dễ để moi tiền hối lộ của DN.
       Đừng có mà mơ về một thiên đường ở đây nữa nhé!?...
Cóc Tía

ĐIỀU CẦU NGUYỆN.

                               (Ảnh MH: Nguồn internet)
ĐIỀU CẦU NGUYỆN.
      Tôi là người đã cầu nguyện hàng ngày cho cha của mình ra đi càng sớm càng tốt trước bàn thờ Phật tổ, khi Người bệnh nặng đang nằm mê man không còn biết gì trên giường, với vết thương rộng, lở lói và ăn sâu vào phần lưng mà tôi biết rất đau đớn, vì không còn cách nào chữa lành lại được.
      Cha tôi đã mất sau đó 2 tháng, Người thọ đúng 93 tuổi. Tôi là người vui sướng khi lời cầu nguyện của mình đã trở thành sự thật.
      Tin hay không, tùy các bạn!
(Cóc Tía), Sài Gòn, 24/06/2016

SÀI GÒN, MƠ MỘT BỮA CƠM GIA ĐÌNH.

(Ảnh MH: Nguồn internet)
SÀI GÒN, MƠ MỘT BỮA CƠM GIA ĐÌNH.

Sài Gòn dưới mắt của nhiều người, đó là một thành phố trẻ với sự phát triển rực rỡ không ngừng về nhiều mặt. Trước năm 1975 Sài Gòn còn được biết đến như một"Hòn Ngọc Viễn Đông". Nói như thế để các bạn trẻ hiểu rằng, đã có giai đoạn SG phát triển và nổi tiếng vượt bậc hơn hẳn đảo quốc Singapore bây giờ rất nhiều.

Sài Gòn hiện nay tuy đã đi thụt lùi rất nhiều năm so với các nước lớn nhỏ trong khu vực Đông Nam Á, kể từ khi"cách mạng hiện về",nhưng so với cả nước, SG vẫn là giấc mơ của nhiều người, nhất là giới trẻ, nếu được về sống ở đây.

Sài Gòn với đặc tính muôn đời là phố xá phát triển không ngừng. Những cao ốc văn phòng cao ngất trời xanh, những chung cư hiện đại, to lớn mọc lên như nấm cho kịp để đáp ứng với sự gia tăng dân số và những người nhập cư từ các tỉnh dồn về. Biệt thự cao cấp, nhà phố...cứ mỗi năm trình làng nhiều kiểu mới.

Sài Gòn là thành phố đa văn hóa với đủ thành phần dân tộc và vùng miền khác nhau đổ dồn về đây. Chính vì điều đó mà SG phong phú trong ẩm thực với đầy đủ các món ăn từ các miền Bắc, Trung, Nam và vùng cao nguyên...

Sài gòn với lượng khách từ tất cả các nước đến tham quan, du lịch, học tập và làm việc đông nhất nước vì thế kéo theo các nhà hàng với văn hóa ẩm thực đa dạng, khách sạn các cở, bar rượu, sàn nhảy...hoạt động náo nhiệt thâu đêm.

Còn rất, rất nhiều điều khác nữa mà tôi không kể ra trong bài viết này, bởi vì vốn dĩ đã có khá nhiều giấy mực mô tả về nó rất cặn kẽ, chi tiết và sâu sắc hơn từ các nhà văn hay nhà sử học chính hiệu. Ở đây, tôi muốn nói về một khía cạnh khác gần gũi, thiết thực nhưng cũng rất khó thực hiện, dù bạn giàu hoặc rất giàu, hay bạn nghèo hoặc rất nghèo. Tôi muốn nói đến một vấn đề mà ở các tỉnh lẻ, đó là điều rất đổi bình thường. Người ta thường nói trên cửa miệng mỗi ngày trước một sự việc bình thường nào đó bằng câu: "Ô! Chuyện đó xảy ra như cơm bữa ấy mà?". Vâng! Vấn đề tôi muốn nêu ra ở đây là ở cái bình thường như cơm bữa ấy, nhưng ở đất Sài Gòn thì không dễ dàng như cơm bữa chút nào!?...

Tôi có thằng bạn học thời phổ thông ở Đà Lạt, nó vô Sài Gòn lập nghiệp khá lâu, dễ chừng gần 30 năm. Đến bây giờ nó khá giàu. Nói về tài sản, nó có dăm bảy căn chung cư cao cấp cho thuê, nhà phố đôi ba cái. Cùng với công ty vẫn đang ăn nên làm ra, một cái của nó và một cái riêng của vợ. Tài sản về tinh thần nó cũng giàu với 2 đứa con gái xinh đẹp và ngoan ngoãn cùng một cô vợ hiền lành kém hơn chục tuổi rất lanh lợi trong làm ăn. Nói chung, cuộc sống của nó khá hạnh phúc, tuy nhiên để ngồi lại với nhau hàng ngày trong một bữa cơm gia đình lại là điều khá xa xỉ đối với nó. Một hôm đi nhậu, nó tâm sự:
- Mày biết không, lịch làm việc của tao rất thoải mái vì tao biết thu xếp, nhưng thu xếp để có một bữa ăn gia đình, nói chuyện trao đổi cùng con cái và vợ lại là một điều hết sức khó khăn ngoại trừ ngày chủ nhật. Này nhé, mỗi sáng sớm thức dậy từ 5h, sau khi thể dục xong, tắm rửa vệ sinh là tao phải lo chở 2 cô con gái mỗi đứa mỗi nơi đến trường. Có khi tao chở một đứa, vợ tao chở một đứa. Xong việc phần tao lo đến cty của tao, vợ tao cũng đến cty của cô ấy sau khi ăn sáng qua quýt cho xong. Buổi trưa, 2 đứa nhỏ ăn trên trường bán trú, vợ tao ăn uống tại cty cô ấy làm, phần tao cũng thế. Buổi chiều, sau khi đón con về lại tranh thủ ăn qua quýt cùng con tại hàng quán trên đường để còn kịp chở con học thêm, học nhạc... Và vợ tao cũng vậy. Đến 9, 10h tối lại đón con về rồi lăn ra ngủ. Đó là chưa kể có hôm khách khứa hoặc gặp mặt bạn bè nhậu nhẹt, lại phải để con gái đi về bằng tắc xi. Như vậy, tụi tao không có thời gian để đi chợ tổ chức một bữa cơm gia đình nào cho ra hồn trong suốt cả tuần. Chỉ còn ngày chủ nhật thì nhiều khi dẫn vợ con ra nhà hàng ăn uống, giải trí..coi như kín luôn trọn một tuần không có bữa cơm nhà nào.

Nhấp một ngụm bia, nó lại ra vẻ trầm ngâm một lúc rồi chép miệng:
- Sống ở cái đất Sài Gòn này, lắm khi mệt mỏi. Chỉ là một bữa ăn gia đình mà sao khó khăn quá chừng. Đôi khi tao thèm không khí ngày xưa, tuy mâm cơm bên cha mẹ, anh em...không có gì ngoài rau mắm nhưng sao mà hạnh phúc và ấm êm lạ thường!

Nói xong, nó lại chậc lưỡi cầm ly bia lên mời rồi phán thêm một câu:
- Chậc!...Mà thôi, kệ mẹ nó. Sống đâu rồi quen đó hà! Dzô!!!

(Ảnh MH: Nguồn internet)
Lại một nỗi niềm khác, tâm trạng giống như vậy rơi vào một người có cuộc sống bình thường, không giàu nhưng cũng không nghèo. Đó là tâm sự của một đứa em trai là friend trên fb. Một hôm tôi mời nó đi nhậu tại một quán vỉa hè bên q10. Tôi đến trước, nó đến sau khi tôi call cho nó độ 10 phút. Ngồi với nhau uống chừng vài ve, nó bắt đầu tâm sự:
- Lúc nãy khi anh điện cho em là lúc em đang trên đường cùng vợ, mỗi người một xe từ cửa hàng bên Chợ Nhật Tảo chạy về nhà. Đến khúc Âu cơ, nghe anh gọi, em quẹo xe lại chạy đến với anh để bà xã về nhà một mình!..Hihi

Uống thêm một ngụm bia, nó lại tâm sự:
- Hai vợ chồng em có mỗi một đứa con gái mới học cấp 2. Cửa hàng dưới chợ này em thuê cho vợ bán hàng điện tử. Còn nhà riêng của tụi em tận trên Q Gò vấp. Vợ em chủ trì ở cửa hàng, em chạy đi chạy về nên có thời gian khá rỗi rảnh. Những lúc như vậy, em thích đi chợ về nhà nấu những món mình thích, chỉ để vợ cùng con gái ngồi ăn với nhau duy nhất vào buổi tối thôi. Vậy mà lắm khi còn không được đó anh.

Thấy tôi im lặng lắng nghe, nói đến đó nó bỗng dừng lại rồi phẩy tay phân trần:
- Là như vầy nè, anh biết sao không? Buổi sáng em dậy lo chở con đến trường, vợ em thì lấy xe chạy xuống chợ mở cửa hàng. Buổi trưa vợ em ăn cơm luôn ở đó, còn em đón bé về ghé quán cơm bình dân nào đó ăn tạm rồi mới về nhà. Buổi chiều, em đi chợ nấu ăn xong chờ vợ về. Có buổi cô ấy về sớm thì con gái lại mắc đi học kèm. Buổi nào cô ấy về muộn thì con gái đói bụng lo ăn trước rồi ngủ. Do vậy mà dù em chuẩn bị cơm nước chu đáo rồi vẫn khó có một bữa ăn đầy đủ thành viên 3 người trong gia đình. Bởi vậy, thời gian sau này em cũng lười nấu cơm, mặc dù em rất thèm có được không khí vợ con quây quần bên mâm cơm gia đình lắm anh!

Nó nói đến chữ"thèm"kéo dài âm vực ra trên khuôn mặc khá bặm trợn, làm tôi buồn cười liên tưởng đến sự khát khao ghê gớm lắm của nó về một bữa ăn gia đình giữa đất Sài Gòn. Điều mà ai cũng thấy đó là hình ảnh hết sức bình thường diễn ra mỗi ngày, nhất là các ở tỉnh lẻ.

Lúc ra về, nó chỉ vào bịch hành và dưa leo treo ở đầu xe rồi nói:
- Đó, anh thấy chưa? Em mua hồi chiều định tối nay làm món bò xào cho vợ con ăn, giờ gặp anh nên nó còn nằm sờ sờ ở đây nè!..haha..

(Ảnh MH: Nguồn internet)

Vậy đó các bạn. Sài Gòn rực rỡ, Sài Gòn tấp nập ngựa xe, Sài Gòn lấp lánh ánh đèn màu thâu đêm suốt sáng...Sài Gòn chỉ có tất bật, ngược xuôi chạy đua với thời gian làm như không thể dừng lại. Cùng với nhịp sống nhanh và sôi nổi tưởng chừng người ta không còn dịp để suy nghĩ, trăn trở về những điều thầm kín, đơn giản nhưng sâu lắng trong lòng. Hoàn toàn không phải như vậy đâu các bạn. Tuy thấy họ hối hả, ngược xuôi trên đường như thế, nhưng bạn sẽ dễ dàng nhận thấy khá phổ biến hình ảnh bỗng nhiên họ dừng xe lại bên đường để giúp đỡ cho ai đó ngã xe, rớt đồ, hoặc có khi thấy họ móc bóp để mua cho em nhỏ vài tờ vé số ở những ngã tư chờ đèn xanh hay biếu cho cụ già hành khất dăm ba ngàn đồng lẻ. Hình ảnh phổ biến nhất là bạn bỗng nhiên giật mình khi thấy một chàng trai trẻ nào đó cứ cố chạy vượt lên cho ngang với mình trong dòng xe cộ đông đảo đó, rốt cục chỉ để nói một câu"Chú ơi gạt cái chân chống lên kìa!".

Thành phố Sài Gòn, con người Sài Gòn là vậy đó. Bạn đừng tưởng rằng họ mê mãi chạy đua với thời gian để kiếm tiền không phải vì họ không để tâm đến chuyện khác, mà là họ luôn giữ kín những điều tưởng chừng như bình thường nhưng đối với họ đôi khi là sự khát khao, cho dù chỉ là mong ước có một bữa cơm đoàn tụ trong gia đình hay được ra tay giúp đỡ một ai đó với tâm thế không hề vụ lợi.

Đó cũng là lý do vì sao nhiều người trong đó có tôi lại yêu thành phố Sài Gòn và con người Sài Gòn đến như vậy.

(Lê Quang Luận), Sài Gòn, 25/06/2016

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016

GIÁ NHƯ?...

                               (Ảnh MH: Từ news.zing)
GIÁ NHƯ?...
Anh không về, sẽ thôi không về nữa.
Anh nhớ em nhiều, anh nhớ con yêu.
Đời ngắn ngủi anh là người có lỗi.
Gieo niềm tin vào hạnh phúc nữa vời.
Xin em hãy thôi tin vào giấc mộng.
Nó chỉ dài như một giấc ngủ trưa.
Trong mê mãi anh từng tin ai đó.
Để bây giờ hoang hoải giữa mù khơi.
Anh ra đi chuyến này không trở lại.
Như niềm tin cũng sẽ chẳng quay về.
Em hãy sống cùng với niềm tin khác.
Là trên cao anh luôn dõi theo mình.
Hãy mạnh mẽ thay anh dìu con bước.
Cuộc hành trình còn lắm nỗi ê chề.
Anh thương em, muốn ghét bỏ đam mê.
Nhưng rất tiếc, đã không còn kịp nữa.
Cuộc đời này như những cuốn phim buồn.
Kết thúc chuyện, giá như... đừng như thế.
Thì hôm nay em cũng đừng hối tiếc.
Mới hôm nào anh tạm biệt..."giá như?!..."
(Cóc Tía), SG, 22062016
P/s: Xúc động trước mối tình đẹp và ngắn ngủi của anh phi công trẻ tuổi đại uý Lê Văn Đình và cô vợ xinh đẹp mới cưới tên Đỗ Thị Thắm . Anh đã ra đi mãi mãi không về trong tai nạn thương tâm của chuyến bay đi tìm đồng đội từ chiếc CASA 212 cùng với 8 người khác.
Tôi viết bài thơ này như lời tâm sự, nhắn nhủ, của vong linh người lính đã khuất, nhằm gửi gắm cho người vợ trẻ vẫn mãi tin vào ngày về của chồng mình.
                               (Ảnh MH: Từ news.zing)

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2016

CHÚC "AN GIẤC NGÀN THU"(!?)

                               (Ảnh MH: Nguồn internet)
CHÚC "AN GIẤC NGÀN THU"(!?)
Anh vẫn muốn bay giữa bầu trời.
Việt Nam, đất mẹ dấu yêu ơi
Trời xanh mây trắng tung cánh sắt.
Vùng vẫy tang bồng thỏa chí trai
Vợ anh còn trẻ ngóng trông chồng.
Con anh nhỏ dại mắt mong cha.
Cuộc đời sự nghiệp anh còn đó.
Nào muốn rời xa chốn quê nhà.
Không may nay nói lời ly biệt
Cách ngăn cuộc sống một quan hà
Người người thương tiếc anh đời lính.
Cầu mong anh thoát kiếp bôn ba.
Ông là phó Thủ của nước nhà.
Viếng anh sao chúc kỳ quá ta.
Có ai muốn chết, không muốn sống?
"An giấc ngàn thu", chúc lạ cà(!?)...
(Cóc Tía), SG, 21062016
                                                (Ảnh MH: Nguồn internet)

TÁC NGHIỆP.

                                (Ảnh MH: Nguồn internet)
TÁC NGHIỆP.
Em là nhà báo có lòng.
Đi làm phóng sự chổng mông lên trời.
Vũng Áng cá chết đầy khơi.
Em chụp một phát rồi vời lên"phây".
Mấy anh có máu lây nhây.
Xem em tác nghiệp đừng bày xem mông.
"Cuồng trời" đừng nghĩ em ngông.
Là vì trời nóng nên không mặc đồ.
Cóc Tía

VINH DANH CÁI GÌ?

                                (Ảnh MH: Nguồn internet)
VINH DANH CÁI GÌ?
      Hôm nay là ngày 21/06, ngày Quốc tế về Yoga (International Day of Yoga). Ngoài ra cũng là ngày mà cả nước VN đặt làm "Ngày báo chí cách mạng" nhằm vinh danh những ai là phóng viên nhà báo.
      Nhắc nói tới nhà báo ở VN thì cũng lắm loại. Trong thời gian gần đây có vẻ như người dân không còn tin mấy vào các thông tin mà các nhà báo đã đăng trên lề phải dù là báo giấy, báo mạng hay thậm chí trên các phương tiện truyền thông nghe nhìn. Chưa bao giờ câu nói"nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm" được nhiều người nhắc đến nhiều như vậy.
      Kể ra cũng oan cho những nhà báo chân chính vì họ không được viết bằng tay, được nghĩ bằng chính cái đầu của mình. Còn vì sao như vậy thì chắc ai cũng hiểu, họ vốn sinh ra để viết mà sống, nên vì nồi cơm đôi khi buộc phần lớn nhà báo phải bẻ cong ngòi bút của mình để giữ cho nồi cơm trên bếp khỏi bị kẻ khác úp mất.
      Đối với tôi, dù là loại nhà báo gì đi chăng nữa tôi cũng không quan trọng để tâm đến làm gì? Điều tôi và hàng chục triệu độc giả VN vẫn quan tâm là, gần 3 tháng trôi qua mà câu hỏi "Vì sao cá chết?"vẫn chưa được nhà báo nào dám vào cuộc để thông báo cho dân biết, thì "Ngày báo chí cách mạng"chẳng mang chút ý nghĩa gì đối với người cầm bút được mang danh là nhà báo cả.
      Làm báo mà ngay cả nguyện vọng chính đáng của hàng triệu người dân cũng câm miệng không dám đưa tin thì vinh danh cái gì!?...
                               (Ảnh MH: Nguồn internet)

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

CÂU CHUYỆN KHÔNG MUỐN KỂ...


CÂU CHUYỆN KHÔNG MUỐN KỂ...

Lẽ ra tôi sẽ không kể ra câu chuyện này vì người trong cuộc không muốn. Nhưng cứ mỗi khi nghĩ đến khuôn mặt cười cười và giọng hỏi dồn dập áp đảo của MC Tạ Bích Loan cùng với khuôn mặt trí thức, giọng nói trau chuốt, điệu nghệ của ông tiến sĩ Đặng Hoàng Giang trên chương trình 60'mở của VTV1 chủ đề về "từ thiện vì ai?", tôi lại muốn đem câu chuyện làm từ thiện của 2 mẹ con đứa em gái từ phương xa trở về như một cách trả lời cho câu hỏi của chương trình"làm từ thiện vì ai?".

Câu chuyện tôi sắp kể ra đây có thể giống như hàng ngàn câu chuyện khác mà có lẽ các bạn đã từng gặp hoặc ngay chính bạn đã từng làm. Nhưng có điều không ai trong chúng ta muốn kể. Đó là câu chuyện làm từ thiện đơn giản vì khởi phát từ tâm của mình như một sự chia sẻ có giới hạn trước những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời nghiệt ngã hay những số phận không may...tất cả chúng ta làm điều đó có khi âm thầm, có khi cần có người biết để kêu gọi thêm người khác sốc lại cái tâm thiện còn đang ngủ yên của họ, để chia sẻ nỗi đau cùng đồng loại. Điều đó, dù cho làm từ thiện bằng bất cứ hành động hay trạng thái nào theo tôi cũng đều tốt cả. Thiết nghĩ với đề tài này không thể đem lên một chương trình truyền thông nổi tiếng, có bề dày và sức lan toả mạnh như đài VTV1 bàn luận, phân tích và hướng dư luận đi theo ý đồ của mình vì mục đích chính trị. "Làm từ thiện vì ai?"của VTV1 là một cái tát chí tử vào lòng từ tâm còn rơi rớt rất ít lại trong lòng của người Việt Nam từ hơn 41 năm qua tại miền Nam. Nó thực sự đã phơi bày bộ mặt đểu cán, vô lương của một xã hội thối nát đến tận cùng.

Và đây là câu chuyện của tôi, mời các bạn cùng đọc.

Trước khi về nước từ tiểu bang Cali của Mỹ. Cô ấy đã inbox cho tôi dặn dò:
- Em về chuyến này với con gái. Ở Việt Nam em không còn ai là người thân ngoại trừ một số bạn bè trên Facebook, nhưng mẹ con em chỉ muốn anh đón và giúp em một số việc quan trọng. Em dẫn con về VN một phần cũng chỉ vì mục đích này. Nhớ nha anh? Em cám ơn anh trước.

Đón mẹ con cô ấy tại sân bay TSN cũng không khó khăn gì với tôi, bởi lẽ tôi đã quá quen thuộc với khuôn mặt khá dễ thương nữ tính pha chút nghịch ngợm, cùng với style bụi bặm rất Mỹ của cô ấy trên Facebook. Riêng cô con gái 18 tuổi thì cao lớn, xinh đẹp. Cô bé với nụ cười hiền lành tươi tắn và đôi mắt đẹp mở to có vẻ ngạc nhiên với mọi thứ ở quê nhà của mẹ.

Hai mẹ con cô thuê một phòng tại khách sạn ở q1 và lưu lại SG có 3 ngày. Mặc dù chỉ 3 ngày nhưng hầu như toàn bộ thời gian ấy cô ta dành trọn cho việc đi đến những nơi cần đến và làm những việc cần làm. Toàn bộ nơi tôi đưa mẹ con cô ấy đến là những cơ sở nuôi trẻ mồ côi, người già neo đơn hoặc những nơi tổ chức lớp học miễn phí bao luôn ăn trưa miễn phí cho các em bé có hoàn cảnh khó khăn không nơi nương tựa sống lây lất ở đất SG bằng đủ mọi nghề như đánh giày dạo, bán vé số, móc bọc...Cô ấy đã giúp đỡ mỗi nơi vài trăm USD với tâm thế tự nguyện rất vui vẻ, mặc dù tôi biết rằng đó là những đồng USD vất vả kiếm được ở xứ người. Thỉnh thoảng bắt gặp những người tàn tật bán vé số trên đường hoặc cô chủ bán bún riêu nghèo nhưng chịu khó trong câu chuyện của tôi, cô ấy cũng nhanh nhảu biếu họ vài trăm ngàn. Cô ta tâm sự với tôi:
- Anh à! Bên ấy em đọc báo, thấy quê hương mình có nhiều cảnh đời quá sức bất hạnh và không may mắn. Em luôn tâm niệm với lòng là ráng"cày"kiếm nhiều tiền một chút về giúp cho bà con qua cơn khốn khó thôi. Thứ nữa là em dẫn con gái về để nó chứng kiến việc làm của mình, để nó hiểu cuộc sống cần phải biết chia sẻ, bởi vì sự lành lặn và đầy đủ của mình chỉ là sự may mắn trong hàng vạn những số phận bất hạnh khác. Điều đó cũng không phải là trách nhiệm mà là tình yêu thương. Chỉ có tình yêu thương mới làm cho cuộc sống của mình vui vẻ, hạnh phúc và ý nghĩa.

Nói xong cô ấy phá ra cười nắc nẻ làm như để thanh minh tại sao mình lại nói năng sến sú như vậy. Cô ấy luôn luôn dặn tôi đừng có viết lách gì về ba cái vụ này lên Facebook làm gì, cô ấy không thích như thế.

À! Có một chi tiết thú vị nữa là anh tài xế tắc xi đã chở chúng tôi đi trong suốt mấy ngày, mặt mày có vẻ bặm trợn như vậy nhưng qua những câu chuyện kể của anh về việc thỉnh thoảng vẫn giúp đỡ những người già, những em bé bất hạnh...như một việc làm hết sức bình thường trong cuộc mưu sinh vất vả hàng ngày của mình, cũng đã làm cho chúng tôi xích lại gần nhau hơn.

Chỉ là 3 ngày ngắn ngủi bên nhau, nhưng Group 4 người chúng tôi cảm thấy hạnh phúc và gắn bó. Vì chúng tôi người góp công, kẻ góp của đi làm một công việc mà chưa bao giờ trong đầu ai trong chúng tôi muốn kể ra hay từng đặt ra câu hỏi:"Làm từ thiện vì ai và để làm gì?".

(Cóc Tía), Sài Gòn, 20/06/2016

P/s: Trước hết anh xin lỗi em gái khi buộc phải kể ra câu chuyện này. Có lẽ anh muốn phỉ nhổ vào cái bộ máy truyền thông chỉ suốt ngày chăm bẳm vào tiền bạc và sự dối trá, để phục vụ cho mục đích của một nền chính trị vô nhân.








ĐỜI CỦA TƯỚNG.


ĐỜI CỦA TƯỚNG.
(Tặng anh Trần Việt: Thiếu tướng, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân, Phó Tư lệnh Quân chủng phòng không Không quân)
Trời xanh một thời tung cánh sắt
Cưỡi mây, về gió đã nhiều phen
Dưới quân vài vạn anh từng nắm
Khí phách oai hùng ai có hay?
Xếp cánh về vườn trong thanh thản
Hiên ngang lối thẳng rộng lượng lòng
Tướng của một thời xa xưa đó
Quay về dân dã sá lợi danh.
Anh luôn sáng mãi gương người lính
Một đời trọn ý với nước non
Dẫu cho thời thế nay đổi khác
Vẫn không mờ nhạt dáng hùng anh.
(Cóc Tía), SG, 19062016

TÀN CUỘC


TÀN CUỘC
Tàn cuộc trường chinh chân gối mỏi
Lặn lội phong sương bạc mái đầu
Tiếc tuổi thanh xuân cơ đồ dựng
Thoáng chốc tan tành tựa khói mây.
Nhớ thuở giang hồ từng vùng vẫy
Núi sông ngang dọc đã lẫy lừng
Nay lui về góc đời nho nhỏ
Ngồi thu xếp lại tháng ngày xanh
Ai rồi cũng đến cuộc tàn canh
Đã từng tường tỏ những ngọn ngành
Thôi về xó bếp trông thế cuộc
Môi mỉm cười xem chuyện tranh giành
Cóc Tía

CẢM XÚC CỐ ĐÔ.


CẢM XÚC CỐ ĐÔ.
Ta ghé về thăm lại Huế mơ.
Xao xuyến chân dừng trước Thành đồ.
Bồi hồi nhìn ngắm kỳ quan cũ.
Chạnh lòng cảm xúc chuyện Cố đô.
Kia Thành quách cổ trăm năm đứng.
Hào sâu nước biếc vẫn lặng lờ.
Hoàng kim một thuở ai còn đó?
Cung tần mỹ nữ dập dìu đâu?
Nhìn những rêu phong phủ bóng mờ.
Tường vách lặng thinh giấc ngủ mơ.
Thoáng trong sương khói hồn sĩ tử.
Vẳng tiếng khóc than tiếc cơ đồ.
Ta về đứng đó trong suy tưởng.
Lặng câm nghĩ đến cuộc tiêu tương.
Ngẫm lại Hoàng triều tuy đã mất.
Nhưng vẫn còn đây nước Việt thương.
Lại nghĩ phận hèn trước tai ương.
Ngậm cay, nuốt đắng trước tuồng phường.
Rập rình Tổ quốc đem ra bán.
Liệu có thành chăng cố quốc buồn?
(Cóc Tía), SG, 19062016

FATHER DAY

                               (Ảnh MH: Nguồn internet)
     FATHER DAY
     Cha tôi đã mất cách đây 5 năm. Sau này cứ mỗi lần nhớ những sự kiện liên quan đến cha, tôi thường viết thành những mẫu chuyện rất ngắn về Người.
     Hôm nay, nhân ngày Father day (ngày của Cha). Tôi xin trích lại một số truyện ngắn cũ viết về Người như một lời tri ân công ơn sinh thành dưỡng dục trời biển của cha và...như một món quà nhỏ tặng các bạn nhân ngày Father Day. Mời các bạn cùng đọc.
     QUÀ TẶNG CỦA CHA
     Cha già đau nặng nằm liệt giường hơn hai tháng. Phần mông lở lói, nhiễm trùng vì nằm lâu. Việc xoay trở phải nhờ vả đến những đứa con.
     Người già, xương cốt cứng và nặng, việc đỡ đần để thay drap hoặc tã lót phải do những người con trai đảm nhiệm.
     Một lần, ôm cổ cha, bê phần lưng xoay trở. Đầu cha úp vào phần đầu gối, sự đau đớn khiến cha cắn sâu qua lớp quần jean, xuyên qua tới thịt, sau này trở thành vết sẹo tụ máu và không tan.
     Cha mất, mỗi khi tắm rửa, thấy vết sẹo… lại nhớ đến cha.
     Sáng nay dậy sớm, thay đồ. Nhìn vết sẹo đã mờ dần, cảm thấy tiếc… như đang sắp mất đi món quà quý giá mà cha đã trao tặng trước lúc đi xa...
(Viết ngày 19/06/2014)
...........................................
     SỨC MẠNH CỦA CHA
     Ngày xưa, vào những năm 1976 -1977 thời bao cấp, thời mà chiếc xe đạp là một loại phương tiện xa xỉ. Hắn 16 tuổi bị bệnh nặng phải cấp cứu. Cha hắn khi ấy đã 60 tuổi, ông đã cõng nó chạy vù vù trong cơn mưa phùn vào ban đêm ở Đà Lạt. Vượt qua bao đồi dốc gần 3 km để đem hắn đến Bệnh viện Tỉnh cấp cứu. Hắn không thể nào hiểu được ông ấy lại có thể làm được chuyện đó với ngần ấy tuổi tác?
     Mãi đến sau này hắn vẫn chưa hiểu khi có con đã lớn.
     Hắn chỉ thật sự hiểu được vì sao cha hắn lại có sức mạnh như vậy, khi đứa con của hắn bị bệnh nan y nhập viện, mà trong túi hắn lúc ấy không có lấy một xu...
(Viết ngày 12/01/2015)
..........................................
     NỖI LÒNG CỦA CHA
     Nhớ khi xưa, tôi tuổi vừa mới lớn. Vào những chiều mưa dầm buồn bã ở Đà Lạt, lúc trong nhà có mỗi hai cha con. Bên bếp lửa tí tách cùng cha, ông ấy hay kể chuyện ngày xưa của mình. Chuyện ông mồ côi cha khi 14 tuổi khi còn dưới quê. Chuyện mò cua, bắt ốc …Chuyện hiến cả héc ta đất trồng dương liễu ( phi lao ) để cất chùa chiền. Chuyện làm tài xế cho hãng trà Bồ Cạn của Pháp. Chuyện sống tình, sống nghĩa của ông với bạn bè. Chuyện ước mơ và khát vọng của ông khi còn trẻ và rất nhiều chuyện khác nữa... Toàn những chuyện thời trai trẻ của cha.
     Tôi đã lắng nghe và ra vẻ cảm thông, chia sẻ cho nỗi lòng cha, nhưng tôi nào có hiểu gì và đến bây giờ tôi cũng chẳng nhớ bao nhiêu trong những câu chuyện của ông. Khi ấy tôi 14 tuổi.
     Mãi đến bây giờ, khi các con tôi đã lớn. Tôi cũng đã bắt đầu của tuổi già, tôi mới hiểu được vì sao những người già thích nghĩ và kể những chuyện linh tinh ngày xưa của mình...
(Viết ngày 19/06/2015)
(Lê Quang Luận), Sài Gòn 19/06/2016

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016

ĐIỆU RU NƯỚC MẮT.


ĐIỆU RU NƯỚC MẮT.
Ầu ơ con ngủ cho ngoan.
Để mẹ kể chuyện nước mình ngày xưa.
Hồi xưa, xưa thật là xưa...
Nghe ngoại kể lúc mẹ chưa ra đời.
Dân mình có gốc Việt nòi.
Nước hình chữ S núi đồi mênh mông.
Sông ngòi nước chảy đôi dòng.
Biển xanh cát trắng nối vòng Bắc Nam.
Có rừng phủ kín non ngàn.
Có đồng lúa chín bạt ngàn cò bay.
Ngỡ rằng hạnh phúc là đây.
Nào ngờ mong ước như mây giữa trời.
Bỗng đâu mọi chuyện đổi dời.
Rước chi tàu cộng vào chơi trong nhà.
Đất Việt của ông cha ta.
Đem dâng cho chúng vì ba đồng tiền.
Biển Vũng Áng, chúng độc quyền.
Chúng đem đầu độc khắp miền khóc than.
Nhiệt điện xây dựng tràn lan.
Khiến cho đất nước ngập tràn bùn tro.
Tiền bạc đâu dễ ai cho?
Cầm chi của chúng để lo suốt đời.
Biển Đông giờ chúng đổi dời.
Dựng xây căn cứ không lời kiện thưa.
Ngư dân chúng đâu có ưa.
Nay đâm, mai cướp còn chưa vừa lòng.
Đổ luôn chất độc giữa dòng.
Mong cho dân Việt đi tong giống nòi.
Trách ai sao cứ réo mời.
Công trình, dự án mọi nơi là Tàu.
Phố Thành giờ đổi sắc màu.
Khắp nơi Trung quốc lau nhau đầy đường.
Nước Việt trông thật tang thương.
Ngàn năm văn hiến, vô thường từ đây....
Con ngủ đôi má hây hây.
Điệu ru nước mắt, mẹ đây nát lòng.
(Cóc Tía), SG, 19062016

LẠ CHO CÁI "SỰ LẠ"!...


LẠ CHO CÁI "SỰ LẠ"!...
      Dường như bắt đầu thấy hiện tượng lạ mỗi ngày.
      Chuyện lạ nhất là mấy ngày vừa rồi máy bay của VN rớt liên tục trong 2 ngày liền ngoài biển Đông.
      Còn chuyện lạ là "tàu lạ"trong thời gian gần đây liên tục tấn công, đâm chìm tàu của ngư dân Việt, cướp bóc trên vùng biển của chính mình một cách công khai xảy ra như cơm bữa mà không hề được ai quan tâm để bảo vệ họ. Dường như những chuyện lạ đã không còn lạ nữa trước thái độ lạ lùng của Chính phủ.
      Kể từ bây giờ, mọi người hãy tập làm quen với hành động lạ của "tàu lạ", quen với "thái độ lạ"của Chính phủ quen và sống với những nguy hiểm bất ngờ lạ lùng.
      Chỉ có một điều lạ là 90 triệu dân đều biết cái sự lạ đó rất quen, nhưng không ai dám cất lời, chỉ tay thẳng vào chúng mà nói rằng: " Chúng tao thù ghét mày, cái thằng gây ra điều lạ. Chúng tao khinh khi và phỉ nhổ vào mặt sự khiếp nhược, hèn nhát của mày, cái thằng thích gọi điều quen thành lạ."
      Còn rất nhiều cái "sự lạ"nữa trên đất nước Việt Nam hiện nay, nhưng dường như họ bất lực, chấp nhận bằng lòng sống chung với nó.
      Và cứ như vậy người dân Việt sẽ chết dần mòn một cách lạ lùng vì điều lạ, mặc dù biết rằng nếu có thể, họ sẵn lòng một mất một còn với những kẻ gây ra điều lạ đó bất kể là ai nếu có điều kiện. Tuy nhiên, rất lạ là "điều lạ" đó thật khó xảy ra!
      Thật lạ cho cái"sự lạ"!
(Cóc Tía)