Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

"BÀI THÁNH CA BUỒN"- MỘT GIAI THOẠI...


"BÀI THÁNH CA BUỒN"- MỘT GIAI THOẠI...
      "Bài thánh ca buồn" ...mang nhiều tục lụy của trần thế & những giai thoại !!!
      Mỗi dịp Giáng sinh về, từ làng quê cho đến thành phố, đâu cũng vang lên giai điệu vui tươi rộn ràng của những bài hát quen thuộc như: Jingle Bells, Last Christmas hay We Wish You a Merry Christmas… Để rồi cũng trong không khí ấy, người nghe bỗng nhiên thấy lòng chùng lại bởi một giai điệu sâu lắng trầm buồn đến nao lòng: “Bài thánh ca đó còn nhớ không em? Noel năm nào chúng mình có nhau…”. Lời hát ray rứt, khắc khoải đầy hoài niệm và tiếc nuối về một cuộc tình đã xa.
      Tuy có chủ đề về Giáng sinh nhưng ca khúc mang nhiều tục lụy của trần thế, mô tả cái được cái mất, gặp gỡ và chia ly rồi hoài niệm tiếc nhớ trong tình yêu đôi lứa. Ban đầu Bài thánh ca buồn chỉ là một kỷ niệm rất riêng tư về một cuộc tình thời trai trẻ của Nguyễn Vũ, nhưng bài hát đã vượt lên trở thành hoài niệm chung của rất nhiều người. Từ đó ca khúc Bài thánh ca buồn trở thành bài hát quen thuộc của mùa Giáng sinh hàng năm.
      Tác giả của Bài thánh ca buồn tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh, bút danh khi sáng tác là Nguyễn Vũ. Ông sinh năm 1944 tại Hà Nộị, lớn lên ở Đà Lạt, hiện sinh sống tại Sài Gòn. Năm 23 tuổi, ông có bản nhạc đầu tay "Huyền thoại một chiều mưa". Nhưng có lẽ, "Bài thánh ca buồn" được sáng tác năm 28 tuổi là nhạc phẩm ghi dấu ấn đáng nhớ trên con đường âm nhạc của ông.
      "Bài thánh ca buồn" của nhạc sĩ Nguyễn Vũ ra đời vào tháng 10.1972 từ lời đề nghị của một nhà sản xuất âm nhạc nhân mùa Noel năm ấy. Nhiều ngày liền, Nguyễn Vũ loay hoay tìm đề tài thì bất chợt giai điệu của bài hát bất hủ Silent Night (Đêm thánh vô cùng, lời: Josef Mohr, nhạc: Franz Xaver Gruber) vang lên tại nhà. Bài hát này gợi cho ông rất nhiều cảm xúc để hồi tưởng về thời thơ ấu. Thuở khi ông chỉ là cậu bé 14 tuổi. Lúc đó, nhà nhạc sĩ ở cạnh con dốc lên nhà thờ Con Gà (Đà Lạt). Mỗi lần chuông nhà thờ đổ, ông lại thấy bóng dáng một người con gái rất xinh đi lễ ngang nhà. Ông lặng lẽ theo sau cô ấy nhiều lần cho đến một hôm đúng ngày lễ Giáng sinh, trời mưa lất phất khiến cả hai không hẹn mà tình cờ cùng núp dưới mái hiên...
      "Tôi bất ngờ xúc động khi nghe cô nhẩm hát theo bài Đêm Thánh Vô Cùng với một chất giọng khá hay. Vì vậy, nghe lại bài hát này, trong tôi, kỷ niệm xưa chợt ùa về và những giai điệu cứ thế tuôn trào. Chỉ trong gần hai tiếng đồng hồ, tôi đã ký âm xong bài hát và khi cầm đàn guitar chơi lại, chính tôi cũng cảm thấy xúc động. Ca sĩ Thái Châu là người đầu tiên hát bài hát này và ngay sau đó, nó trở thành ca khúc 'hot' nhất trong mùa Giáng sinh năm đó", Nguyễn Vũ hồi tưởng.
...........
      Nhiều người (kể cả những ca sỹ nổi tiếng) thường hát sai ca từ Bài thánh ca buồn của Nguyễn Vũ:
“Ca từ Bài thánh ca buồn tôi viết nguyên gốc là "Rồi một chiều áo trắng THAY màu, em qua cầu xác pháo theo sau" bị các ca sĩ cũng như các bản in đổi thành "Rồi một chiều áo trắng PHAI màu". Cái sai cơ bản ở đây ở đây rất khó chấp nhận được là chữ "thay" của tôi bị đổi thành chữ "phai". Hai chữ này về mặt ý nghĩa rất khác nhau".
      Ông giải thích thêm: "Áo trắng thay màu" có nghĩa chiếc áo trắng thơ ngây của cô nữ sinh ngày nào giờ đã đã đổi thay sang một màu áo nào khác, cụ thể ở đây từ chiếc áo nữ sinh đã thay qua màu áo cưới. Ông nói vui: "Nếu như hiểu theo kiểu “áo trắng phai màu” thì tôi không hiểu nó “phai” kiểu gì nữa. Áo trắng mà đã phai thì chắc từ trắng đổi thành màu cháo lòng à (?!)".
      Trong ca khúc Bài thánh ca buồn của Nguyễn Vũ, có đoạn ca sĩ hát khi nghe có vẻ rất hợp lý đó là: “Rồi những đêm THÁNH ĐƯỜNG đón Noel”. Thật ra đây là đoạn ca từ bị nhiều ca sĩ hát nhầm nhiều nhất. Nguyên gốc trong bài hát được ca sĩ Nguyễn Vũ viết: “Rồi những đêm THẾ TRẦN đón Noel”.
      Vì sao không phải là “thánh đường” mà lại “thế trần”? Tác giả lý giải: “Với tôi, Noel từ lâu đã không còn là một lễ hội tôn giáo dành riêng người theo đạo nữa. Noel đã trở thành một lễ hội chung của mọi người. Tất đều hân hoan đón đợi lễ Giáng sinh và đó là ngày hội lớn được đón nhận bởi mọi quốc gia, mọi sắc tộc, mọi tầng lớp xã hội. Chính vì điều đó, tôi chọn câu: “Thế trần đón Noel”. “Thế trần” ở đây là đảo ngược hai từ "trần thế" có nghĩa là “thế gian” là cõi của tất cả mọi người.
      Mỗi mùa Giáng sinh về, Bài thánh ca buồn của Nguyễn Vũ lại vang lên như một hoài niệm chung của những ai từng có tình yêu chớm nở trong đêm Giáng sinh lạnh giá. Chính tác giả cũng đôi lần tự nhận thấy: "Đến nay, Bài thánh ca buồn vẫn luôn được người nghe yêu thích. Đó là điều chính tôi cũng không ngờ. Thật ra, ai trong đời cũng trải qua một thời yêu thương mơ mộng, mà thường những kỷ niệm buồn bao giờ cũng khắc sâu và dễ làm mềm lòng người mỗi khi được gợi lại. Có lẽ Bài thánh ca buồn của tôi phần nào đã làm được điều đó chăng?".
(Lược trích theo motthegioi)


GIÁNG SINH KHÁC LẠ....


GIÁNG SINH KHÁC LẠ....
       Về sống ở đây hơn 3 năm. Đón được 3 mùa Giáng sinh ở đất Sài thành.
       Nói đến Giáng sinh, tất cả mọi người đều có chung một sự cảm nhận: À! Mùa đông lạnh lẽo đang đến và mọi con chiên trên khắp thế giới vui mừng sắp sửa đón Chúa hài đồng ra đời bên máng lừa trong hang Bê lem. Đó là những đêm đông lạnh lẽo thật sự bên ngoài nhưng lại làm ấm lòng bao con người khi Đấng cứu thế ra đời. Người đã mang đến cho tất cả những ai có niềm tin, về sự bình yên trong tâm tưởng trước mọi biến động hay sóng gió của cuộc đời. Người mang tình yêu thương và sự tha thứ cho tất cả những ai có trái tim giá lạnh và Người mang đến sự nồng nàn cho những ai có trái tim nóng bỏng tình người...
       Tuy nhiên, đêm Giáng sinh có thể rất lạnh lẽo ở đâu đó trên khắp nơi, nhưng ở Sài Gòn sau 3 năm mình cảm nhận chỉ có một chút thay đổi về khí hậu mà thôi. Thay cho những ngày nóng bức thì những ngày trước và sau lễ Giáng sinh không khí có vẻ mát mẻ và dịu hơn một chút so với những ngày bình thường.
       Giáng sinh năm nay lại khác. Những bạn bè ở đâu đó trên mọi miền đất nước, nhất là vùng cao. Họ đang cảm thấy Giáng sinh năm nay lạnh lẽo hơn, có nơi còn kèm theo mưa nhỏ. Một số bạn bè tổ chức làm từ thiện. Họ đã cùng nhau quyên góp những chiếc áo len, áo lạnh, chăn mền...để cứu giúp cho những mảnh đời nghèo khó, cơ nhỡ...vượt qua cái lạnh buốt của đêm đông. Những tấm áo, chăn mền...có thể chưa đủ làm cho những người nghèo ấm áp bên ngoài... Nhưng tấm lòng bao dung, chia sẻ từ tình người có thể làm cho họ ấm lòng, giúp cho họ tăng thêm nghị lực để vượt qua nghịch cảnh của cuộc sống và sự khắc nghiệt của thiên nhiên...
       Giáng sinh ở Sài Gòn năm nay cũng khác. Không khí có vẻ lạnh hơn mọi năm. Mọi người ra đường phần đông mặc thêm áo ấm. Trời mờ đục, nhiều mây và không thấy mặt trời. Có những cơn mưa nhỏ lắc rắc một số nơi....
       Thời tiết và không gian mùa Giáng sinh ở Đất Sài Gòn năm nay mang một sắc thái khác lạ. Có cảm giác như nó đang háo hức trong sự lặng lẽ chờ đợi một điều gì đó?...
       Phải rồi! Một điều gì đó rất lạ....
(Lê quang Luận), Sài Gòn, 21/12/2015

MỘT BUỔI CHIỀU...


MỘT BUỔI CHIỀU...
       Chiều hôm qua, nhận lời mời của một người bạn cũ và một ông anh, hai người bạn gốc từ Pleiku vô đất SG lập nghiệp cũng khá lâu. Địa điểm họ mời đến là một quán nhậu trên đường Nguyễn Thông, q3. Trên đường đi từ q8 đến đó, tới ngã tư NT và Võ thị sáu thì đèn đỏ. Mình quan sát thấy ngay góc đường có một người mù đang đứng bán vé số. Ông ta che trên đầu một chiếc dù xám sọc xanh, tay cầm xấp vé số. Trong dòng người đông đúc đứng đợi đèn xanh, mình thấy có mấy chàng thanh niên vội vã móc tiền từ túi quần sau, vội vã mua mỗi người vài tờ vé số của ông ta, rồi vội vã rồ ga chạy khi đèn xanh bật lên.
       Sẽ chỉ là một cuộc mua bán tìm vận may bình thường diễn ra hàng ngày thôi, nhưng chính trong thời khắc chờ đợi tín hiệu đèn giao thông ngắn ngủi ấy, mình đọc thấy một điều khác...Mình đã thấy sự âm thầm giúp đỡ và ủng hộ một người mù bất hạnh nhưng vẫn kiếm sống lương thiện chứ không ngửa tay cầu xin sự bố thí từ lòng thương hại của người khác. Mình nhìn thấy sự rộng mở tấm lòng của những chàng thanh niên đang vội vã vật lộn với cuộc sống trước những người bất hạnh hơn mình một cách rất tự nhiên không toan tính thiệt hơn...
       Ở phía sau, mình rút máy định bấm khoảnh khắc chia sẻ vội vã đó nhưng không kịp nữa. Họ đã nhanh chóng lao về phía trước khi chớm đèn xanh. Người Sài Gòn là vậy đó. Họ vội vội vàng vàng trong mọi thứ... Kể cả việc giúp đỡ một ai đó gặp chuyện khó khăn trên đường như một lẻ tự nhiên vậy.
       Mình cũng móc túi mua ủng hộ ông ta vài tờ vé số. Quan sát trên nét mặt của ông ấy, mình nhìn thấy sự rạng ngời hạnh phúc, nhưng không phải từ đôi mắt sáng, mà là trong hốc mắt nhắm nghiền trống rỗng như để chờ đợi đón nhận sự chia sẻ của tình người...
       Một buổi chiều âm u và lạnh lẽo chờ đón Giáng sinh đến ở đất Sài Gòn. Mình bỗng nhiên có cảm giác ấm lòng rất lạ. Mình thấy Sài Gòn thật đáng yêu rất nhiều sau những những bức xúc, bực bội dồn nén mấy ngày qua về một con ruồi và bản án 7 năm tù, để chia cách cha con anh Minh từ sự tham lam, tàn độc đầy dối trá của một số người đại diện cho sự giàu có nhưng nghèo mạt lương tâm và nhân cách sống...
       Một buổi chiều rong đuổi phố xá đã xoa dịu cho mình một nỗi buồn không tên của cả ngày hôm đó...
(Cóc Tía), Sài Gòn , 23/12/2015

MÙA GIÁNG SINH ĐẦY LẠNH GIÁ...

                                (Ảnh MH: Nguồn internet)
MÙA GIÁNG SINH ĐẦY LẠNH GIÁ...
      Có lẽ những ai đã tham gia mạng fb từ những năm trước đều nhớ. Vào những ngày trước Lễ Giáng sinh, trên cộng đồng mạng được mọi người post lên tràn ngập những bài viết đón Noel đầy cảm xúc. Những câu chúc mừng nhau thơm tho mang đậm tình thân hữu. Những hình ảnh đẹp mắt mừng Chúa ra đời với nhiều nội dung lẫn hình thức khác nhau...Đó là tính nhân văn sâu sắc được mọi người thể hiện vào mùa Giáng sinh giá lạnh, làm ấm lên cõi lòng của mọi người....
      Còn Giáng sinh năm nay thì sao?...
      Nếu các bạn để ý một chút, thời tiết vào những ngày sắp Giáng sinh năm nay ở Sài Gòn có phần lạnh hơn năm ngoái...và trên fb dường như cũng lạnh lẽo hơn mọi năm. Nó lạnh cũng đúng thôi? Vì mỗi sáng thức dậy, mở máy các bạn sẽ thấy một quang cảnh hỗn độn trên fb...bởi vì trên đó, lẻ loi những bài viết, hình ảnh chúc mừng Giáng sinh cho nhau thì đầy dẫy những bài viết, hình ảnh vạch trần và kêu gọi tẩy chay nước uống của Cty THP.
      Trên fb chật chội sự giận dữ của cộng đồng mạng bởi ruồi, gián, hoá chất độc hại...từ những chai nước được quảng cáo bằng những lời lẽ có cánh đầy dối trá của một doanh nghiệp số 1 Việt Nam. Facebook lạnh lẽo bởi hình ảnh đón Giáng sinh trong tù của một phạm nhân trẻ tuổi, bỏ lại bên ngoài song sắt đứa con trai thơ dại vì hành vi mua bán một con ruồi. Bạn càng cảm thấy lạnh lẽo và vội vàng bịt mũi vì những bài báo chính thống bay mùi thum thủm vì cổ súy cho những người dân Việt: "Nếu yêu nước thì hãy yêu thương hiệu Việt". Như vậy chẳng khác nào họ cổ súy cho người dân Việt nghèo tiền bạc nhưng thừa tinh thần dân tộc, hãy bằng lòng uống thứ nước dơ bẩn, đầy độc hại...thỉnh thoảng thêm chút gia vị ruồi, gián...được sản xuất từ hóa chất hết đát của Tàu khựa qua sự chế biến tài tình của cty THP...thay vì vạch mặt phơi bày sự nguy hiểm độc hại của những chai nước ngọt mà những dân lành nghèo khổ đang uống hàng ngày, hay vạch ra sự dối trá, tàn độc của ông chủ một doanh nghiệp lớn hiện nay tại nước ta...
      Mùa Giáng sinh năm nay quả là lạnh lẽo. Cái lạnh từ sự thay đổi khí hậu thì ít, mà cái lạnh được nhìn thấu từ bên trong của con người thì nhiều. Cái lạnh căm, băng giá của một xã hội đầy dẫy những lọc lừa, dối trá, tham lam và tàn độc...từ những kẻ giàu có, đầy quyền lực quanh năm rêu rao từ thiện, nhân danh công lý, thực thi pháp luật...và những kẻ tham tiền bưng bô đáng ghét....
      Quả là một mùa Giáng sinh đầy lạnh giá....
(Cóc Tía), SG, 22/12/2015
P/s: Bài viết cách đây 2 ngày khi đọc được mấy bài viết từ báo chính thống lên tiếng bênh vực cty THP nội dung khuyên người tiêu dùng VN ủng hộ thương hiệu Việt. Cụ thể ủng hộ những sản phẩm của THP bằng lời lẽ thiếu thuyết phục.


(Ảnh MH: Nguồn internet)

CÓ HAI ĐIỀU PHẢI NHỚ

                               (Ảnh MH: Nguồn internet)
CÓ HAI ĐIỀU PHẢI NHỚ
(Trích từ cuốn: "Cho tình người chạm đến")
Tác giả: Ls Luân Lê
Có 2 thứ bạn nên tiết kiệm, đó là sức khỏe và lời hứa.
Có 2 thứ bạn phải cho đi, đó là tri thức và lòng tốt.
Có 2 thứ bạn phải thay đổi, đó là bản thân và nhận thức.
Có 2 thứ bạn phải giữ gìn, đó là niềm tin và nhân cách.
Có 2 thứ bạn phải trân trọng, đó là gia đình và hiện tại.
Có 2 thứ bạn phải tự mình thực hiện, đó là lao động và chịu trách nhiệm với việc mình làm.
Có 2 thứ bạn phải lãng quên, đó là đau thương và hận thù.
Có 2 thứ bạn phải khắc ghi, là công ơn Mẹ Cha và sự giúp đỡ của người khác.
Có 2 thứ bạn buộc phải có để là người thành công, đó là đam mê và lòng kiên trì.
Có 2 thứ bạn không được làm, đó là hãm hại người khác và phản bội lòng tin.
Có 2 thứ bạn phải bảo vệ, đó là danh tín và lẽ phải.
Có 2 thứ bạn phải chấp nhận, là cái chết và sự khác biệt.
Có 2 thứ bạn phải kiểm soát, đó là bản năng và cảm xúc.
Có 2 thứ bạn phải tránh xa, đó là cám dỗ và sự ích kỷ.
Có 2 thứ bạn luôn phải sử dụng mà đừng hà tiện, là tiền bạc và kinh nghiệm.
Có 2 thứ bạn không được sợ sệt, là cái ác và sống thật.
Có 2 thứ bạn phải nuôi dưỡng, là tình yêu và sự bao dung.
Có 2 thứ mà bạn cần phải đạt được trong cuộc sống, đó là thành đạt và hạnh phúc.
Có 2 thứ bạn phải luôn sẵn sàng, đó là khó khăn và ngày mai.
Có 2 thứ bạn phải luôn ghi nhớ, đó là thực hiện những điều trên và làm thật tốt chúng trong cuộc sống hàng ngày.

ĐÃ CÓ NHIỀU SỰ KHÁC BIỆT ĐAU LÒNG....

                               (Ảnh MH: Kenh14.vn)
ĐÃ CÓ NHIỀU SỰ KHÁC BIỆT ĐAU LÒNG....
       Tiêm vắc xin mà dành nhau xếp hàng chiếm chỗ từ 2 đến 3 giờ sáng. Dành nhau lấy số rồi dẫm đạp lên nhau để được tiêm trước?...một xã hội văn minh nhân bản thì dù có tiêm thuốc"trường sinh bất tử"hay thuốc"cải lão hoàn đồng"...cũng không nên có lối sống giành giật, ham hố như vậy.
       Sau 40 năm phỏng giái...xí lộn...giải phóng. Xã hội của chúng ta đã tạo nên lớp lớp những con người tham sống sợ chết, biểu lộ bằng sự hiểu biết nhiệt tình đến độ họ sẵn sàng thức khuya dậy sớm chiếm chỗ, thậm chí đạp lên nhau để được tiêm vắc xin ngừa bệnh. Họ chửi bới, lấn chen với nhau để tranh tắm miễn phí. Họ tranh nhau giành giật từng chút thức ăn trong những bữa tiệc buffet miễn phí và giả đui giả điếc để tống cho bằng được những muỗng "cháo chửi"vào cái bụng đang chật chội sự ham muốn hay sự hiếu kỳ...nhưng thiếu vắng đi lòng tự trọng...
       Nhớ khi xưa, trước năm 1975. Khi tôi còn ở Pleiku , đó chỉ là một tỉnh rất nhỏ ở cao nguyên miền Nam mà thôi. Vậy mà nhân viên y tế đến từng nhà dân hoặc đến tận trường tiểu học để chủng ngừa vắc xin. Thế nhưng chúng tôi còn trốn lên, trốn xuống vì sợ đau? Sau này, để tiêm được cho học sinh, họ phải dùng máy tiêm không đau cho học sinh bớt sợ. Cái xã hội ở miền Nam Việt nam trước đây có nền y tế cộng đồng được chính phủ quan tâm như vậy đó?...
       40 năm đã trôi qua. Nhìn lại thực trạng của đất nước ta...thấy mà đau lòng!...
(Cóc Tía), SG, 26/12/2015

                               (Ảnh MH: Kenh14.vn)

NỖI LO MÙA CƯỚI...

                                (Ảnh MH: Nguồn internet)
NỖI LO MÙA CƯỚI...
       Mỗi năm, bắt đầu qua Lễ Giáng sinh và khi mùa Xuân đang dần chạm ngõ. Trong không khí mát dịu, với nắng nhạt, gió hiu hiu mơn man da thịt trong mỗi sớm mai thức giấc. Bầu trời trong xanh hơn với những đám mây trắng bay lơ lững, với hoa cỏ xanh tươi đón nàng Xuân về...làm cho lòng người có cảm giác phơi phới, hân hoan hơn những ngày bình thường. Tuy nhiên, song song với cảm giác phấn khích, hân hoan đó thì nhiều người trong tất cả chúng ta lại tất bật hơn với nhiều nỗi lo toan khác nhau.
       Đối với các bạn làm việc nơi công sở hoặc là chủ doanh nghiệp, nhà máy nào đó ...vào những ngày cuối năm, nào là hội nghị tổng kết, báo cáo tài chính, lên kế hoạch cho năm tới, nào là lo lương bổng, chuẩn bị quà cáp biếu xén cho lãnh đạo, đồng nghiệp...
       Đối với những ai là nông dân thì lại bận rộn với việc thu hoạch, buôn bán sản phẩm, rồi lại cải tạo lại đất, mua giống mới, phân bón, thuốc trừ sâu...và tưới tắm cho kịp thời vụ...
       Đối với những người kinh doanh buôn bán nhỏ thì ngoài việc bận rộn lên kế hoạch tính toán đặt hàng bán trong mùa tết, lo công nợ phải thu, phải trả...
       Và có nhiều nỗi lo khác nhau từ những công việc khác nhau của các bạn khi mỗi độ Xuân về. Trong đó phải kể đến nỗi lo chung mà ai cũng phải có. Đó là việc tu sửa nhà cửa, lo mua sắm quần áo mới cho các thành viên trong gia đình, bánh mức, thức ăn đồ uống chuẩn bị cho những ngày Tết..v..v... Trong muôn vàn nỗi lo đó? Đối với những bạn có thu nhập thấp hoặc trung bình, có một nỗi lo hiện hữu rất tế nhị mà ai cũng biết nhưng ngại ngùng không dám nói ra, là quà mừng mùa cưới...hay nói thẳng ra là bì thư tiền mừng cưới.
       Tôi không nhớ rõ là tập tục quà cưới là những phong bì tiền mừng thay cho những món quà là hiện vật mang tính chất lưu niệm, tượng trưng để chúc mừng cô dâu và chú rể trong ngày trọng đại của một đời người xảy ra bắt đầu từ khi nào. Theo tôi có lẽ nó bắt đầu mạnh lên từ sau ngày Giải phóng, tức cách đây 40 năm ở miền Nam. Nhưng rõ ràng tập tục đó đã biến thành một nỗi lo hiện hữu với đầy đủ tên gọi của nó nói theo cách vui là: "Giấy báo nợ". Nhất là những ai có mối quan hệ rộng hoặc trụ lại từ căn nhà của cha mẹ để lại với bề dày"tình làng, nghĩa xóm"...thì quả thật, mỗi khi Tết đến là những cơn ác mộng không ngừng nghỉ...
       Khi nói đến điều hết sức tế nhị này có thể nhiều người trong các bạn sẽ suy nghĩ theo chiều hướng khác không hay lắm. Vì cho đó là điều hết sức bình thường, vì nó thể hiện tính nhân văn trong xã hội của chúng ta. Nhưng tôi vẫn thích nói lên sự thật, bởi tập tục này đã biến tướng theo chiều hướng xấu từ sau ngày giải phóng ở miền Nam.
       Về chuyện quà cưới, người Việt của chúng ta vẫn có thói quen trọng tình, trọng nghĩa. Mọi hình thức liên quan đến tập tục lễ nghi, phép đối nhân xử thế...hầu hết mọi người đều xem trọng, nên bao giờ cũng vậy? Số tiền mừng cưới lúc nào cũng lo cho lớn hơn giá trị bữa tiệc mà mình được khoản đãi. Chính vì điều đó mà có những trường hợp, để cho trọn chữ "tình", có khi làm cho một số không ít người trong chúng ta vất vả, khổ sở vì thiệp mời ngày cưới đến dồn dập trong những ngày giáp Tết. Đó là một nỗi lo có thật chưa kể các thư mời khác như lễ Tân Gia, Sinh nhật...hay thỉnh thoảng cần viếng thăm những đám ma chay...
       Tuy biết rằng chính những tập tục đó gây ra không ít khó khăn nhất định với một số người. Nhưng nếu họ không được mời hoặc bị quên mời, thì khi gặp mặt nhau, biết chuyện, cũng buông vài câu trách móc. Nào là: "Ái chà! Gã con gái lấy chồng mà không mời bạn đến ăn miếng bánh mừng ha?...", hoặc :" Cưới vợ cho con trai mà không uống được chén rượu mừng nhé?..v..v...
       Người Việt của chúng ta là vậy. Tính tình xởi lởi nhưng cũng lắm khi màu mè, kiểu cách. Chính vì đặc tính đó mà sau này có nhiều người lợi dụng tập tục đó, biến tướng nó thành một cuộc kinh doanh hết sức trơ tráo. Nhất là trong hàng ngũ cán bộ, quan chức...những kẻ thừa hành pháp luật có tầm ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống của những người lao động. Họ đã biết tranh thủ biến đám cưới, tân gia, sinh nhật...thành một cuộc kinh doanh siêu lợi nhuận. Với những người dân yếu bóng vía, làm ăn buôn bán có quan hệ trực tiếp đến bọn quan con này hoặc những nông dân có chút ruộng đất ở làng, ở xã của nông thôn hiện nay, thì đây là một hiện tượng xảy ra hàng ngày. Có khi họ phải vay mượn để đi mừng những đám cưới bất đắc dĩ. Đó là một nỗi buồn không tên gọi và không biết thổ lộ cùng ai?...
       Tôi đã từng chứng kiến khi còn ở quê tôi rất nhiều những đám cưới của những ông cán bộ, cảnh sát khu vực...từ ngoài kia vào. Sống và quản lý ở vùng đất mới chưa bao lâu. Bà con, bạn bè thân hữu của họ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy mà tổ chức lễ cưới nhà hàng cho mình hoặc con mình, số khách mời có khi lên đến trên cả ngàn người. Có khi khách đến trễ, nhà hàng phải bố trí bàn ghế ra ngoài sảnh của "Hôn trường" và thức ăn thì đặt hàng sau, chế biến qua quýt cho xong, không ra thể thống nào cả?...Đôi khi tôi tự hỏi: "Nếu không vì cái bì thư thì có ông nào dám mời chừng ấy người, có khi mới gặp mặt có một lần không?..."
       Ở các thành phố lớn như Sài gòn, Hà nội... thì tôi không biết ra sao vì tôi chưa từng chứng kiến. Nhưng nếu có? Đối với tôi, đó là một tập tục gây ra biết bao cảnh khó xử và kinh hoàng đối với những người có thu nhập thấp, nhất là vào mùa cưới hỏi trong những ngày giáp Tết nguyên đán. Đối với việc mời đám cưới từ những mối quan hệ không mấy quen biết của những quan chức, thì đó là một tiền lệ hết sức trơ trẽn và tệ hại, hệ lụy từ thứ "văn hoá bì thư" được du nhập từ sự tha hóa, tham nhũng của chế độ độc tài. Nó phải sớm được loại bỏ khỏi nền văn hoá cưới xin ở đất nước ta hiện nay.
(Cóc Tía), Sài gòn, 25/12/2015


  (Ảnh MH: Nguồn internet)

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

VỤ CON RUỒI...LỖI TỪ ĐÂU?...

                                (Ảnh MH: Nguồn internet)
VỤ CON RUỒI...LỖI TỪ ĐÂU?...
      Mình còn ông dượng và bà dì ruột, tuy tuổi tác của họ đã trên 80 nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Trước năm 1975 họ là đại lý chuyên phân phối nước giải khát của hãng BGI của Pháp. Các loại nước uống đóng chai khi ấy cũng là nước cam, nước xá xị ...và bia con cọp hiệu BGI.
      Sáng nay mình qua thăm dì dượng. Biết chuyện lùm xùm về vụ án con ruồi trong chai nước Number 1 của cty THP, ông dượng nói:
      - Trước đây chuyện có gián, có ruồi trong những chai nước ngọt là bình thường thôi. Người bán là dì dượng có phát hiện ra côn trùng hay dị vật trong chai thì bỏ riêng ra ngoài không bán cho khách. Còn người tiêu dùng thỉnh thoảng mua trúng những chai nước đó thì họ không uống, thế thôi! Có đâu mà lại đi đòi tiền nhà sản xuất để rồi bị gài bẫy vướng vào vòng lao lý....
      Nghĩ một chút, ông lại lên tiếng:
      - Nhà máy BGI của Pháp to lớn và hiện đại như thế, nhưng lỗi sản phẩm thỉnh thoảng xảy ra là bình thường. Vì khâu rửa chai hoàn toàn tự động rất vệ sinh. Chỉ xảy ra lỗi ở khâu dây chuyền trước khi đưa chai vào máy bơm. Trong khâu này, vì là nước ngọt nên côn trùng rất thích chui vào, nếu người kiểm tra nếu không tinh mắt hoặc lơ đễnh, thì mới không thấy những chai có côn trùng trước khi vào máy bơm và đóng nút...Lỗi này dù nhà máy có hiện đại cỡ nào cũng khó tránh khỏi. Có một điều người dân tiêu dùng và người sản xuất trong cái xã hội ấy sống rất nhân văn và dễ tha thứ cho nhau, nên những chuyện đại loại như vầy chỉ là chuyện rất nhỏ...
      Một buổi sáng ghé thăm dì dượng của mình thật dễ chịu và đầy ý nghĩa sau những bức xúc, chộn rộn về vụ xử tù anh Minh trong vụ án con ruồi có giá 500 triệu trong chai nước Number 1 của cty THP mấy ngày qua. Cuộc gặp gỡ và tâm sự này cũng đã để lại trong lòng mình nhiều suy nghĩ khác nhau nhưng tựu trung mình đã hiểu lỗi này từ đâu ra. Nếu hiểu sâu xa hơn một chút thì việc này xảy ra không phải lỗi từ ông chủ ác tâm và thiếu khôn ngoan của cty THP, mà cũng không phải lỗi từ sự tham lam vô độ của anh Minh, anh Tuấn...mà là lỗi từ hệ thống pháp quyền, từ sự băng hoại đạo đức và tha hoá nhân cách của đất nước ta trong nhiều năm.
      Qua câu chuyện của một người lớn tuổi từng sống cả đời vào mỗi một việc làm đại lý phân phối nước giải khát cho BGI của Pháp trước năm 1975, chúng ta thấy rằng đạo đức nhân bản của xã hội luôn mang ý nghĩa quyết định trong mọi mối quan hệ giữa con người với con người.
      Nếu như trước đây người tiêu dùng hỷ xã , dễ tha thứ cho một lỗi nhỏ của nhà sản xuất thì người sản xuất cũng không sợ mang tai tiếng hay mất thương hiệu vì họ đã làm giàu với tất cả bằng cái tâm của mình. Đương nhiên họ phải sản xuất từ nguồn nguyên liệu có uy tín, không độc hại và từ những nhà cung cấp có thương hiệu. Họ làm giàu thật thà, ngay thẳng và con người họ xử dụng cũng vì thế làm việc thật thà, nhiệt tình và chuyên nghiệp để hưởng được đồng lương thỏa đáng. Chính vì vậy, những lỗi nhỏ trong khâu sản xuất có thể xảy ra nhưng họ không cần phải bưng bít, dấu giếm hay thậm chí mua chuộc ...và người tiêu dùng cũng sẵn tâm tha thứ.
      Tuy nhiên, thời thế thay đổi làm con người cũng đổi thay. Trong xã hội mà chúng ta đang sống, phần lớn những người nghèo vì cuộc sống cơ cực, thường xuyên bị hiếp đáp, bị đối xử bất công đã trở nên tham lam và ganh ghét. Họ không dám phản kháng với sai sót của chính quyền nhưng họ lại không bao giờ chịu thỏa hiệp hay tha thứ cho người giàu khi mắc lỗi đụng chạm đến quyền lợi của họ. Họ cũng ma mãnh, tinh ranh để bằng mọi giá moi được tiền của người giàu...mà theo họ là hợp pháp dù không cần biết việc làm của họ sẽ ảnh hưởng thế nào đến đối phương. Vì sao vậy? Bởi vì họ bị bóc lột, bị đối xử bất công và họ mất niềm tin vào con người nhiều lần và trải qua nhiều năm.
      Ngược lại người giàu thì sao? Người giàu biết lợi dụng cơ chế, tiền bạc để mua chuộc, qua mặt chính quyền. Từ đó móc ngoặc để làm ăn gian dối, lừa gạt người khác. Họ xem thường sức khỏe, tính mạng của những người nghèo . Họ sẵn sàng dùng sự khôn ngoan, giàu có và quyền lực của mình để đạp lên mọi ước lệ về mặt đạo đức. Đụng chuyện họ sẵn sàng nhờ "công lý"vung thanh đao thép sẵn sàng hạ gục đối phương không thương tiếc sau khi cố gài đối phương vô thế, miễn sao họ chứng tỏ được sức mạnh của mình.
      Đó là nguyên nhân căn bản gây nên bao chuyện đau lòng, cười ra nước mắt mà chúng ta vẫn thường được chứng kiến hàng ngày. Tất cả những chuyện khiến chúng ta đau lòng đều xuất phát từ lòng tham và sự ác độc của con người chứ không riêng gì chuyện con ruồi trong chai nước ngọt Number one của cty THP.
      Với sức mạnh của truyền thông trong giai đoạn hiện nay. Mọi sự gian dối, tham lam đưa đến lối hành xử tàn độc làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác và làm suy đồi đạo đức xã hội của bất cứ doanh nghiệp hay cá nhân nào sẽ được lan truyền nhanh chóng và mạnh mẽ. Đương nhiên họ sẽ lãnh hậu quả, có khi lại vô cùng lớn.
      Sức mạnh truyền thông sẽ là vũ khí sắc bén khả dĩ có thể duy trì được đạo đức xã hội, tái cân bằng quyền lợi giữa mọi thành phần kinh tế và đưa con người tiến đến cuộc sống đầy tính nhân văn hơn, nếu truyền thông được phép phát triển tự nhiên và không bị khống chế và áp đặt vì mục đích chinh trị nào?....
(Lê quang Luận),Sài gòn,19/12/2015


 (Ảnh MH: Nguồn internet)

LẺO LỰ "NUMBER ONE"...

                                          (Ảnh MH: Nguồn internet)
LẺO LỰ "NUMBER ONE"...
      Cái đất nước gì mà những kẻ giàu sụ, làm ăn tắc trách, vì muốn che dấu và bưng bít lỗi lầm của mình lại tìm cách gài bẫy, toa rập bắt bớ người "cùng đinh" để rồi xử tù từ 12 đến 20 năm, chỉ vì anh ta đã phát hiện ra con ruồi trong chai nước ngọt mà mình sản xuất.
      Cho dù vì lòng tham, thì hành động đòi tiền chuộc vẫn chỉ là sự thỏa thuận dân sự. Cty THP đường đường là một doanh nghiệp sản xuất lớn nhất nhì Việt Nam mà lại gài bẫy bắt bớ anh Minh, đến khi ra tòa đối chất thì bà GĐ công ty lại lẽo lự chối bai bãi là mình không chỉ đạo nhân viên dưới quyền báo CA?...
      Nói thật nhé các bạn. Nếu tôi có chai nước Number one với con ruồi bên trong tôi sẽ rao bán trên mạng bao nhiêu là quyền của tôi, dù cho tôi thích bán chai nước ấy đến 10 tỷ đồng cũng chẳng có tội tình gì...vì đó là tài sản riêng của tôi. Còn mua hay không mua là quyền của các bạn đúng không nào?
Cớ gì cty THP thỏa thuận với anh Minh chịu bỏ ra 500 triệu rồi lại báo CA bắt quả tang và ghép tội là "tống tiền"?...
      Muốn giữ uy tín của thương hiệu nổi tiếng thuộc doanh nghiệp của mình mà lại hành xử tiểu nhân, thiếu khôn ngoan như vậy để che đậy việc làm tắc trách của cty và đẩy người tiêu dùng sản phẩm của mình là anh Minh vào vòng lao lý...THP quả là nhà sản xuất không có một chút đạo đức và không xứng tầm là thương hiệu Việt, chúng ta cần phải tẩy chay mãi mãi.
      Cóc Tía tôi sẽ là người sẵn sàng tẩy chay các loại nước uống của cty Tân Hiệp Phát.
(Cóc Tía),SG,18/12/2015
      P/s; Ngày hôm qua , một tờ báo lớn của VN là tờ Nhân Dân ra bài : "Thu giữ thêm hai thùng trà Dr Thanh có vật lạ tại Cà Mau".
      Cty Tân Hiệp Phát còn gì để chối cãi hành vi gian dối, coi thường sức khỏe người tiêu dùng trong việc sản xuất nước giải khát mất vệ sinh nữa không. Mời các bạn đọc link dưới đây và hãy nói "không"với những sản phẩm mất vệ sinh của THP.
      Cty THP có giỏi thì lại gài bẫy báo Nhân Dân để bắt nhốt nữa đi?...

SỢ UỐNG NƯỚC...


SỢ UỐNG NƯỚC...
      Trong mấy năm gần đây, nhắc đến Cty nước giải khát Tân Hiệp Phát là người ta lại nghĩ ngay đến chuyện ruồi bọ và chuyện tù tội. Quả thật không thể hiểu nổi một cty sản xuất và kinh doanh lớn vào hàng nhất nhì nước ta mà lại có thể lập nên danh tiếng và kỳ tích đáng nể về việc để lại sự sợ hãi pha lẫn tức giận trong lòng người tiêu thụ sản phẩm của họ lớn đến như vậy cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
      Nghĩa đen là nhắc đến các loại nước của THP là người ta sợ hãi khi nghĩ đến gián, ruồi, những dị vật nào đó lơ lững trong những chai nước giải khát của họ mà chẳng may ai đó lỡ uống vào. Hoặc họ không biết đang nốc vào cơ thể của mình loại hóa chất quá đát nào mà cty này qua mặt đơn vị thanh tra an toàn thực phẩm để sản xuất ra và quảng cáo rầm rộ?...(link 1 phía dưới bài viết có đầy đủ thông tin)
      Nghĩa bóng là hể nhắc đến cty THP là người tiêu dùng lại sợ hãi khi nghĩ đến chuyện có thể bị gài vô cảnh tù tội bất cứ lúc nào khi phát hiện chất lượng những sản phẩm của THP có vấn đề? Cụ thể:
      - Vụ vào năm 2011 một người ở Gò Vấp bị bắt vì phát hiện sản phẩm lỗi của Tân Hiệp Phát và đòi 70 triệu đồng và Tân Hiệp Phát đồng ý trả 1/3, lúc trao tiền, bị bắt luôn.
      - Vụ vào năm 2013 chị H. ở Đồng Nai cũng bị bắt khi đang giao tiền.
      - Vụ vào ngày 5/6/2012 anh Nguyễn Quốc Tuấn (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bị CA bắt lúc người đại diện cty THP giao 50 triệu đồng cho anh Tuấn để đổi lấy chai nước trà xanh không độ có con gián và mức án Tòa dành cho anh Tuấn vào ngày 17/7/2013 là 3 năm tù giam.
      - Vụ vào tối 27/1/2015, trinh sát Phòng CSHS Công an tỉnh Tiền Giang đã tạm giữ hình sự Võ Văn Minh ( SN 1980, ngụ xã An Cư, huyện Cái Bè) vì đã nhận từ người đại diện cty THP giao cho anh Minh 500 triệu đồng để đổi lấy chai nước Number one có con ruồi, và mức án Tòa dành cho anh Minh vào chiều ngày 18/12/2015 là 7 năm tù giam.
      Sự thật là như vậy, nếu ai không sợ uống nước có gián, ruồi... và không sợ vô tù ngồi xé lịch thì cứ việc thưởng thức nước giải khát của cty THP, tui đây không có ý kiến. Còn Cóc Tía tui thì sợ lắm, từ nay không dám đùa với lửa nữa đâu?...
(Cóc Tía), SG, 18/12/2015.
P/s; Và có lẽ nhờ có cty THP mà mọi người biết đến giá cả côn trùng ở VN là đắt nhất thế giới cụ thể như sau:
- Con gián: 50.000.000 VNĐ/1 con
- Con ruồi: 500.000.000 VNĐ/1 con

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

VỈA HÈ SÀI GÒN, MỘT GÓC NHÌN...


VỈA HÈ SÀI GÒN, MỘT GÓC NHÌN...
       Sài gòn nắng nóng. SG kẹt xe và khói bụi. SG tất bật ngược xuôi mạnh ai nấy lo, nấy sống...Cuộc sống ở đây như một dòng chảy hối hả không ngừng của bao nỗi lo cơm áo. Ấy vậy mà khi màn đêm bắt đầu đổ xuống, thành phố lại mang một dáng vẻ khác. Đó là sự im lặng lắng nghe, im lặng thưởng thức, và im lặng thở dài để chia sẻ lại một chút ân tình từ những giây phút thư giãn sau một ngày làm việc cho những cảnh đời khác có cuộc sống khó khăn, vất vả hơn khi mỗi đêm về. Đó là những nghệ sĩ đường phố trẻ tuổi, những cháu nhỏ, những mẹ, những chị bán hàng rong...kiếm sống theo quy luật lăn lộn vỉa hè.
       Không ở đâu có được nét văn hóa mang đậm tính nhân văn đầy tình người như ở Sài gòn, khi bạn cùng vài người bạn thân tình ngồi tại một góc phố bên vỉa hè để thư giãn sau một ngày làm việc tại một quán nào đó, nhâm nhi ly bia lạnh và nhìn cuộc sống của những người lao động kiếm sống về đêm ở đây.
       Sẽ có một vài em trai tuổi 13,14 ăn mặc tuềnh toàng áo thun, quần cộc, thân thể còm nhom đến biểu diễn xiếc đường phố cho các bạn thưởng thức trong sự lo sợ pha lẫn thương xót hơn là sự ngạc nhiên khâm phục của các bạn, khi các cháu ngậm dầu phun lửa hoặc nhai nát những chiếc dao lam sắc lẻm trong cái miệng đen nhẻm phồng rộp vì muội than dầu và sức nóng của những que lửa.
       Bạn sẽ vỗ tay hát theo một chàng thanh niên ăn mặc bụi bặm sạch sẽ với cây ghi ta, dàn âm thanh đơn giản...và lối trình diễn tự nhiên, phiêu linh theo mỗi ca khúc Tây, ta của mọi thời đại.
       Bạn cũng dễ dàng móc hầu bao đặt vào tay một cháu gái mới dăm tuổi đầu 10 ngàn đồng để đổi lấy vĩ kẹo mà có thể bạn không dùng đến như một sự cảm thông và chia sẻ...
       Mua một bịch xoài hay một bao đậu phụng luộc đặt lên bàn nhậu có khi đang đầy ắp đồ ăn của một mẹ, một chị bán hàng rong gốc miền trung nào đó như một sự chào đón, nhận diện lại nguồn gốc của chính mình nơi chốn phồn hoa đô thị...hơn là để thỏa mãn một nhu cầu...
       Và còn rất nhiều những điều khác quanh quẩn kiếm sống nơi cái vỉa hè về đêm nữa các bạn? Ở đó, sẽ cho bạn cảm giác lâng lâng của men bia đang ngấm, của sự nể phục sức sống mạnh mẽ toát lên từ những người nghèo khổ. Bạn cũng nhìn thấy sự tử tế và lòng bao dung ở cái vỉa hè nhộn nhịp xô bồ xộn bộn về đêm của đất Sài Gòn hoa lệ này các bạn ạ....
       Đó cũng chỉ là một góc nhìn...
(Lê quang Luận), Sài Gòn,16/12/2015






CHÉN THỊT BÒ ĂN THÊM...


CHÉN THỊT BÒ ĂN THÊM...
       Sáng nay đói bụng, bước qua quán phở bình dân của một cô em nghèo ăn ủng hộ. Quán cách nhà mình chỉ vài bước chân, vợ chồng cô ta thuê cái vỉa hè ở đây 1,5 triệu/1 tháng để kiếm sống qua ngày nuôi 2 con còn nhỏ .
       Bước vào quán thấy lác đác có vài người khách đang cắm đầu vào tô phở bò nóng hổi húp xì xà xì xụp . Mình đến một bàn trống kêu một tô tái gầu. Phở ở đây khá ngon mà giá cả rất bình dân, chỉ 25 ngàn là có đủ năng lượng để làm việc tới chiều .
       Mình đang cắm cúi ăn thì có một chiếc xe hơi xịn bóng lộn đỗ xịch trước quán. Bước xuống xe là một gã trung niên dáng vẻ rất sang trọng. Ông ta mặc một chiếc sơ mi trắng đóng thùng trong chiếc quần tây sẫm màu, đi đôi giày đen bóng lộn. Mái tóc thưa chải ngược ra sau khoe khuôn mặt nhẵn bóng mà trên đó là đôi mắt ti hí nhìn đời có vẻ khinh khỉnh. Ông ta lê tấm thân ú na ú nần bước đến chiếc bàn trống phía trước, đặt đít ngồi rồi kêu một tô phở tái nạm gầu đặc biệt. Mình thôi không để ý nữa cho đến khi có một cụ bà ăn xin ốm nhom chống gậy đi vào quán. Bà ta đứng trước ông khách mập miệng lí nhí:
       - Cho bà mấy đồng...bà đói quá...
       Ngước nhìn bà già trong một nốt nhạc xong, lắc đầu ông ta phán:
       - Không có tiền đâu bà già ơi?...
       Lúc bà lão bước đến chỗ khác, mình nghe tiếng ông ta gọi chủ quán:
       - Bán thêm cho tôi một chén gầu 10 ngàn nghe bà chủ.
       Vẫn biết chuyện tặng, cho, hay bố thí là quyền của mỗi người vì hành động đó xuất phát tại "tâm", nhưng sự từ chối trao tặng hay bố thí có rất nhiều cách để thể hiện. Vì vậy, khi thấy ông khách mập tỏ thái độ cương quyết nói "không còn tiền"đối với một bà lão ăn xin tội nghiệp và sau đó gọi một tô thịt bò ăn thêm như thế làm mình cảm thấy bất bình.
       Tô phở nóng đang thơm lựng bốc hơi bỗng nhiên mình thấy nguội lạnh và không còn mùi vị như lúc đầu nữa. Miếng nạm bò béo ngậy và mềm mại cũng vì thế không còn thấy hấp dẫn...Có một sự tức giận vô cớ len lỏi trong lòng của mình. Khi thấy bà lão đến bên mình, không để bà ấy kịp mở miệng, mình móc 10 ngàn đặt vào tay bà ta nói vừa đủ cho ông mập nghe:
       - Tặng một chén gầu 10 ngàn cho bà nè...
       Bà lão lí nhí cám ơn trong khi đó lão mập quay xuống mở đôi mắt gờm gờm nhìn mình. Mình trân mắt nhìn lại, lão ta vội quay mặt cắm cúi ăn tiếp tô phở. Trên tấm lưng to bè như tấm phản của ông ta mình nhìn thấy những mãng mồ hôi ướt đẫm thấm qua chiếc áo sơ mi dính sát vào người. Có lẽ do hơi nóng từ những miếng gầu béo ngậy mà lão ta cố nuốt vào đang tỏa nhiệt ra bên ngoài...
(Lê quang Luận),Sài gòn,14/12/2015

TÒA NHÀ 80 TẦNG

                                (P/s: Ảnh MH chụp lúc 16h cách đây 2 tháng bằng Smartphone.)
TÒA NHÀ 80 TẦNG
       Có hai anh em nhà nọ quyết định thuê một căn hộ ở tầng thứ 80 của tòa nhà. Vừa để cho thoáng mát vừa có thể ngắm nhìn được toàn bộ thành phố.
       Rồi đến một ngày khi hai anh em đi làm về thì thang máy của tòa nhà bị hỏng. Suy nghĩ một lúc cả hai anh em quyết định đi bộ lên phòng của mình. Đi đến tầng thứ 20 thì cả 2 anh em thấy mệt lử cả người nên quyết định bỏ ba lô và các vật dụng ở lại và đi tiếp lên phòng.
       Đến tầng thứ 40 thì cả hai đã mệt vô cùng rồi. Và họ bắt đầu càu nhàu, đổ lỗi cho nhau. Người em nói : “ chính anh đã thuê căn hộ này nên mới gặp chuyện như hôm nay, biết thế tôi đã không thuê cùng anh căn hộ này, để cho anh ở một mình”. Người anh đáp lại “ chính em cũng đã đồng ý và khuyên anh nên thuê căn hộ này chứ gì nữa, em định đổ lỗi cho anh sao?”.
       Và họ cứ cằn nhằn và đổ lỗi cho nhau như thế mãi cho đến tầng thứ 60 thì cả hai dường như không thể đi nổi nữa rồi. Và họ thống nhất là không cãi nhau nữa để giành sức mà đi lên hết.
       Đi mãi thì cuối cùng họ cũng đến được phòng của mình. Họ rất vui mừng trong tiếng thở hổn hển. Nhưng đến lúc lấy chìa khóa ra mở cửa phòng thì họ mới nhận ra là họ đã để quên ở trong ba lô ở dưới tầng 20.
       Không biết cả hai anh em này sẽ giải quyết như thế nào tiếp đây nhưng từ câu chuyện này ta có thể liên tưởng một điều thú vị rằng: hãy xem tòa nhà 80 tầng đó như là cuộc đời 80 tuổi của một con người:
       + Khi 20 tuổi con người đó với rất nhiều hoài bão và ước mơ. Và họ lần lượt đưa ra những quyết định quan trọng cho cuộc đời mình.
       + Đến lúc 40 tuổi khi những nỗ lực và quyết tâm của mình không được như ý muốn thì họ bắt đầu thấy nuối tiếc, ân hận và càu nhàu về những quyết định trước kia của mình.
       + Đến năm 60 tuổi khi họ thấy họ không thể làm gì nổi được rồi vì vậy họ không cằn nhằn nữa mà chấp nhận chịu đựng mà sống tiếp quãng đời còn lại.
       + Đến năm 80 tuổi khi sắp phải xa lìa tất cả, họ nhìn lại cuộc đời mình thì mới thấy thực ra mình đã quyết định sai lầm từ năm 20 tuổi, mình đã để quên chìa khóa thành công của cuộc đời mình ở đó. Nhưng đã quá muộn màng lắm rồi.
      Vậy nên mọi người chúng ta, hãy biết nắm giữ lấy chiếc chìa khóa của cuộc đời mình ngay từ bây giờ !!!
(ST)

Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2015

MIỀN KÝ ỨC...


MIỀN KÝ ỨC...
Ta ôm vào nỗi nhớ
Gọi tên em bốn mùa
Để ngọn cỏ gió đùa
Lùa vào miền ký ức...
Muộn phiền nào hiện thực
Hãy ngủ yên trên vai
Ta muốn được cùng ai
Thắp lên khao khát sống
Nếu đời là huyễn mộng
Thì em hãy cùng ta
Đạp lên những phong ba
Cưỡi lên con sóng cả
Cùng oằn mình hối hả
Uống cạn giọt yêu thương
Hãy để những vấn vương
Tan theo từng hơi thở
Bình nguyên nào rộng mở
Cho ta bước chân vào
Ôm theo những khát khao
Đốt cháy đêm thao thức...
Cóc Tía, SG,10122015

Thứ Ba, 8 tháng 12, 2015

CHUYỆN XÓM DƯỚI , LÀNG TRÊN...

                                (Ảnh MH: Nguồn internet)
CHUYỆN XÓM DƯỚI , LÀNG TRÊN...
(Truyện ngắn)
      Câu chuyện xóm dưới
      Hắn đẩy cửa bước vào căn nhà ván tồi tàn và nóng hầm hập . Một mùi hôi nồng và chua loét xộc vào mũi hắn . Trong cảnh tranh tối tranh sáng hắn trông thấy cha của mình đang nằm ngáy khò khò dưới nền xi măng ẩm . Bên cạnh ông ấy là một đống bùng nhùng những thức ăn chưa được tiêu hóa bị ói ra từ đêm hôm qua đã bốc hơi và đặc quánh lại . Kèm theo mùi hôi và chua loét của thức ăn là mùi hèm của rượu nồng nặc . Hắn ngao ngán lắc đầu bước qua vũng ói của cha , khom người xốc cái cơ thể ốm nhom quắt queo của ông trên đôi tay xăm trổ chằng chịt rắn chắc của mình . Nhẹ nhàng hắn đặt ông ta trên chiếc giường đơn ọp ẹp bên cạnh đó , miệng lầm bầm chửi rủa :
      - Đù mẹ ! ...Nói bao nhiêu lần mà vẫn tính nào tật đó ? Đã đau yếu mà ngày nào cũng nhậu nhẹt bét nhè kiểu này ai mà chịu cho nổi ?...
      Kéo chiếc chăn rách phía dưới đuôi giường , nhẹ nhàng đắp lên tới cổ cha hắn sau khi đã kéo đôi chân khẳng khiu của ông ta ngay ngắn . Hắn đẩy cửa bước xuống dưới căn bếp nhỏ lạnh tanh . Cầm lên trên nhà nào chổi , nào giẻ lau nhà và xô nước lạnh . Hắn quét dọn đống phế thải một cách nhanh gọn và thành thạo . Xong hắn lau tới lau lui dăm ba lần chỗ nền nhà xi măng cho đến khi không còn nghe thấy mùi hôi hám ban đầu nữa . Mồ hôi ướt đẫm trên chiếc áo thun ngắn tay hắn đang mặc ôm sát vào người hằn rõ từng thớ thịt săn chắc bên trong cơ thể to lớn của hắn . Trên giường cha hắn cựa quậy giọng lè nhè :
      - Mày lại đi quậy ở đâu cả đêm mới về hả thằng nhóc con ?...
      Hắn liếc nhìn cha , không thèm trả lời đi xuống bếp lui cui vét gạo trong chiếc chum nhỏ bỏ vào nồi , vo gạo và bật bếp ga . Lục được một ít củ hành tím hắn loay hoay giả nhỏ bỏ luôn trong nồi sau khi nêm vào một ít muối .
      Bước lên nhà trên , tay hắn cầm một chiếc khăn sạch đã thấm nước . Hắn thong thả cởi chiếc áo hôi hám nhàu nhĩ của cha rồi cẩn thận lau mặt mũi , thân thể còn da bọc xương của cha mình mặc cho sự kháng cự yếu ớt của ông già còn say rượu . Thay lại cho ông một chiếc áo sạch xong , hắn cằn nhằn :
      - Sao tui nói ông biết bao nhiêu lần rồi mà ông không nghe ? Ông lì lợm , nát rượu quá hèn chi bà má bỏ ông đi là đáng đời lắm ....
      - Mẹ tổ cha mầy đừng có lên mặt dạy đời tao nghe thằng kia ? - Giọng khản đặc của ông cất lên hăm he hắn .
      Bỏ ngoài tai những lời cha hắn nói . Móc trong túi ra một cọc tiền đủ mệnh giá , hắn nhét vào túi quần của cha , miệng lầm bầm :
      - Mấy đồng bạc đây ông để dành mà ăn sáng với mua gạo mà ăn chứ đừng có đem uống rượu hết thì đói ráng chịu đó ? Nồi cháo tui mới nấu xong ở dưới bếp , lát dậy tự múc ăn cho giải cảm ? Tui đi mấy ngày mới về , liệu mà giữ lấy thân ?...
      Hắn khép hờ cánh cửa xong bước vội ra ngoài . Đám đàn em đang đợi hắn ngoài quán cà phê để chuẩn bị cho một phi vụ mới ...
     Và câu chuyện làng trên...
      Trong căn biệt thự khá lớn nằm trên khuôn đất rộng và cao ráo ở cái xóm lao động nghèo quanh năm ngập nước khi mưa lớn bên Quận 8 này . Thỉnh thoảng người ta vẫn nghe thấy tiếng quát tháo bằng giọng bắc sắc lẻm của một người đàn bà còn khá trẻ :
      - Ối giời ôi ! Sao mà tôi khổ thế lày không biết nữa ? Sao bà không chết quách đi cho chúng tôi nhờ ?...
      Hoặc thỉnh thoảng họ nghe tiếng khóc ré lên giọng yếu ớt của một phụ nữ đã già :
      - Mẹ lạy con , cho mẹ xin lỗi , mẹ sẽ không dám nữa ....
      ...Những người trong xóm thấy ông ta vẫn thường xuyên đi về trên chiếc xe hơi bóng lộn có tài xế riêng đưa đón . Nghe đâu ông ta là một quan chức lớn trên Thành phố . Ông ta còn khá trẻ , khoảng độ trên 35 tuổi . Dáng ông ta khá bệ vệ tuy so với tuổi mới ngấp nghé trung niên . Ông hay vận áo sơ mi trắng , đóng thùng trong một chiếc quần tây sẫm màu đắt tiền . Thỉnh thoảng ông ta mặc com lê nom rất sang trọng . Dưới chiếc đầu hói bóng lưỡng là cặp kính cận mạ vàng trông rất trí thức . Nghe đâu ông là một quan tòa trên Quận .
      Như thường lệ , hôm nay ông về nhà hơi muộn . Mặt còn đỏ gay do mới tiếp khách từ trưa tại một nhà hàng sang trọng nào đó . Vứt chiếc cặp táp lên bộ sô pha , nới lỏng chiếc caravat , ông đổ người xuống chiếc ghế nệm to lớn và êm ái đặt nơi phòng khách . Phía dưới nhà bếp giọng cô vợ léo nhéo :
      - Ông xuống đây mà xem mẹ của ông nè ? Tôi đã bảo bao nhiêu lần rồi mà bà ấy không nghe . Ông xuống nhanh lên ?...
      Ông tằng hắng mấy cái xong nói vọng xuống :
      - Bà ấy lại gây ra chuyện gì nữa đây ?...
      Cô vợ còn khá trẻ , nét mặt đanh đá bước lên phòng khách , đứng chống nạnh nói giọng xỉa xói . Phía dưới là khuôn mặt một cụ bà đã già ngấp nghé nhìn theo vẻ sợ sệt :
      - Tôi không thể chịu nổi cảnh này lần nào nữa ? Một là ông chọn vợ hai là ông chọn mẹ ông . Tôi không thể sống chung với bà già lẩm cẩm , ăn ở dơ bẩn như thế lày được nữa ?... Ông xem , bà ấy ăn uống đổ tháo vung vãi khắp nhà , đã vậy còn đổ thức ăn còn thừa vô nồi làm thiu hết cả nồi cá mới kho ban sáng . Quần áo thì hôi hám ...Ông giỏi xử trên Tòa giờ ở nhà giỏi xử thử xem ? Không thì tôi sẽ đi ra khỏi căn nhà này nội trong đêm nay ....
      Ông đứng lên , quay xuống nhìn bà mẹ già đang sợ hãi đứng khúm na , khúm núm . Bước đến bên mẹ ông ôm vai bà giọng nhỏ nhẹ :
      - Mẹ lại làm hư hỏng đồ đạc của vợ con rồi . Con sẽ bố trí cho mẹ một phòng riêng độc lập để mẹ ở cho thoải mái nhé ?...
      Nói với mẹ xong , ông ta bước đến lấm lét nhìn cô vợ trẻ rồi xua cả hai tay phán :
      - Thôi được rồi , cô chỉ được cái to mồm , bảo osin dọn cái kho cạnh chuồng chó sau vườn cho bà ấy ở tạm , rồi từ từ tôi tính vậy . Được chưa ?...
      - Xí !!! To mồm là to làm sao ? Có vậy mà cũng hứa lần , hứa lửa . Ông chỉ giỏi to mồm ở trên Tòa , ra ngoài , giỏi ve vãn mấy con đĩ chân dài ... Còn ở nhà chẳng làm nên chút tích sự gì ? Đồ đạo đức giả !...
      Nói xong cô ta ngoe nguẩy bước xuống dưới nhà bếp . Bà cụ cũng hốt hoảng lẫn vô phòng của mình . Trong đôi mắt nhăn nheo mờ đục của bà còn long lanh những giọt nước mắt hiếm hoi chưa kịp trào ra ...
(Lê quang Luận) Sài Gòn , 08/12/2015
P/s: Bài học rút ra từ câu chuyện :
- Những câu nói khó nghe từ những kẻ Giang hồ , nghèo khổ chưa hẳn xuất phát tâm địa không tốt .
- Những lời nói ngọt ngào từ cửa miệng của những kẻ giàu có , học thức và quyền thế ...chưa hẳn đã che dấu được sự hèn hạ , tầm thường và hành động bất hiếu , vô nhân ...
Vì vậy , chúng ta đừng vội đánh giá ai qua hình thức bên ngoài một khi chưa biết rõ về họ ....

                               (Ảnh MH: Nguồn internet)

TÔI SẼ THA THỨ CHO TÔI...


TÔI SẼ THA THỨ CHO TÔI...
      Đôi khi tôi tự hỏi với lòng mình : "Tôi có yêu nước không ? Tôi có yêu dân tộc nghèo khổ quanh năm vật vả với nỗi lo cơm áo không ? Tôi có tức tối giận tím ruột gan khi Tàu cộng xâm lấn biển đảo , bức hại ngư dân nước tôi mà miệng mồm lúc nào cũng ra rả lấp liếm là bạn 4 tốt kèm theo khẩu hiệu 16 chữ vàng với những kẻ nắm quyền điều khiển đất nước của tôi không ? Và ...tôi có dám khinh bỉ ra mặt những kẻ hèn nhát , tham tàn đã bòn rút xương máu của dân tôi đến giọt cuối cùng để vinh thân phì da cho bản thân họ , cho gia đình họ và cho bè nhóm đồng loại tham hèn của họ hay không ?...Và nhiều điều trăn trở khác nữa liên quan đến số phận dân tộc nghèo khổ đang bị bức hại của tôi cũng như đất nước tôi đang ngày càng kiệt quệ tài nguyên , đang teo tóp hình hài hay không ?..."
      Tôi dám khẳng định với tất cả các bạn rằng : "Tất cả những điều kể trên tôi đều muốn nói rạch ròi là : Tôi có yêu , tôi có đau , tôi có khinh bỉ , tôi có trăn trở và tôi rất căm thù ...!".
      Nhưng tôi cũng như phần lớn tất cả các bạn có nỗi lòng và hoàn cảnh như tôi đều muốn mình tê liệt các giác quan như đang bị mù , bị câm , bị điếc ...trước những vấn nạn đang xảy ra hàng ngày của đất nước mình . Ngay cả điều cần thiết để được bay bổng , thăng hoa là cảm xúc nội tâm cũng muốn trơ lì để vô cảm trước nỗi đau phải chứng kiến hàng ngày .
      Riêng tôi , tôi đang và bắt đầu như thế , một khi gia đình nhỏ của tôi , tôi còn chưa lo được chu toàn ?...
      Khi tôi còn phải lo sợ cho khả năng của mình về miếng ăn , cái mặc ...còn đang bấp bênh và chưa bền vững đối với bản thân và gia đình của mình ?
      Khi tôi chưa làm được điều gì cho con trai của tôi có được quả thận cần ghép để duy trì cuộc sống bình thường vì khả năng tài chính của mình ...và bao điều vụn vặt nhưng cần thiết khác trong gia đình nhỏ của tôi ...thì liệu tôi có nên ngồi múa bút hay làm anh hùng bàn phím để thể hiện lòng yêu nước , thương nòi , hay trăn trở chuyện thời cuộc !?...
      Tôi sẽ cảm thấy mình thật rỗng tuếch và dối trá lắm...khi bỏ thời gian vào những vấn đề thời sự to lớn thay vì nghĩ cách gì kiếm tiền để lo cho gia đình nhỏ của mình được chu toàn như bao người đàn ông thành công khác ?...
      Tôi thấy mình thật có lỗi khi cố gắng để mình bị mù , câm , điếc...một thời gian và tôi sẽ cố gắng tự tha thứ cho mình cũng như mong được các bạn bè yêu mến lâu nay hãy tha thứ cho tôi ...
(Lê quang Luận), Sài Gòn , 09/12/2015
P/s: Tuy tôi không viết gì để thể hiện quan điểm hay cảm xúc của mình trước nhiều vấn đề của đất nước . Nhưng tôi sẽ vui sướng luôn dõi theo các bài viết thể hiện quan điểm của các bạn mỗi khi tôi có thời gian ? Cám ơn các bạn ...