Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

HỒI ỨC 40 NĂM ...

                                                 (Ảnh MH: Nguồn internet)
HỒI ỨC 40 NĂM ...
      

                                (Ảnh MH: Nguồn internet)
NHỮNG NGÀY ĐẦU THÁNG 3/1975 : BẮT ĐẦU TRỐN CHẠY...
      Tôi không còn nhớ rõ lắm vào ngày nào trong tháng 3/1975 định mệnh đó? Đối với thằng học sinh lớp 7 và tuổi đời 14, tôi chỉ nhớ rõ vào buổi chiều vàng vọt ấy cha tôi đi đâu về với nét mặt đầy lo âu và dáng vẻ lăng xăng vội vã của cha. Ông ấy nói với mẹ:
      - Phải tranh thủ gói ghém nhanh lên và đi thôi. Người ta trong thị xã đã đi hết rồi!
      - Còn thằng Lưu với thằng Xin đâu? Phải chờ con về chứ! - Mẹ tôi nói trong tiếng nấc và những giọt nước mắt lăn dài trên má.
      - Biết tìm tụi nó đâu ra? Xe họ không chờ mình đâu. Nếu không đi thì ở lại với Cộng sản! - Giọng gấp gáp và chì chiết của ba tôi cất lên.
      Mẹ tôi gói ghém được một ít hành lý, tư trang dồn trong một vài cái xách nhỏ. Ba tôi dắt tay bà Ngoại, mẹ và tôi lẽo đẽo theo sau. Đi dọc theo con hẽm để đến chỗ đậu xe trên đường Hai bà Trưng, thị xã Pleiku.
      Lúc ấy quảng 4 đến 5 giờ chiều. Những ánh nắng chiều vàng vọt soi rọi trên nóc phố. Đường sá vắng tênh, buồn bã. Nhiều gia đình hay chuyện đã ra đi từ những ngày trước đó. Nhìn những dãy phố cửa đóng im lìm, những hàng cây cổ thụ trên đường Lê văn Duyệt rì rào buồn bã. Những con gió nhẹ thổi tốc rác rến và bụi đỏ trên hè phố, trông thành phố thật hiu quạnh và mang nặng không khí chiến tranh. Nó có vẻ hứa hẹn nhiều đến sự chết chóc và chia ly.
      Chiếc xe mà ba tôi năn nỉ xin đi nhờ là một chiếc"Cứu nạn xa", đó là xe cần cẩu của Mỹ. Chủ xe là một người lính công binh của quân lực VNCH. Họ đã bố trí cho gia đình tôi một chỗ phía sau cabin xe diện tích độ 1 mét vuông. Ba tôi tống tôi và bà ngoại vô phía trong còn ông trấn giữ bên ngoài vì xe trống trải sợ bị rớt xuống đường trong một hành trình chưa biết đích đến.
      Vào thời điểm đó, Thị xã Buôn mê Thuộc đang bị đánh tơi bời và sắp thất thủ. Con đường huyết mạch từ Pleiku xuống đồng bằng duy nhất còn mỗi Quốc lộ 19, tuy nhiên con đường này cũng bị Cộng sản giật sập cầu và cắt đứt. Con đường qua Thị xã BMT qua đèo Phượng hoàng để xuống Huyện Ninh hòa - Nha trang không thể đi được vì tình hình chiến sự nóng bỏng ở đó. Vậy là, con đường duy nhất để xuống được đồng bằng là con đường Liên tỉnh lộ 7. Con đường này dẫn xuống huyện Tuy an - Thị xã Tuy Hòa đã bỏ hoang từ lâu vì lực lượng VNCH không kiểm soát được. Khi ấy lực lượng đồn trú ở Pleiku là một phần sư đoàn 23 Bộ binh và các Liên Đoàn Biệt Động Quân, Pháo Binh, Thiết Giáp, Công Binh, Truyền Tin... phải cho lực lượng Công binh mở đường máu dẫn lính và dân trốn chạy. Đây thực sự là một QL kinh hoàng nhất mà mãi sau này khi có dịp đọc qua một số tài liệu, bài viết, tôi đã biết được trong cuộc di tản năm 1975 khó có QL nào mà tình huống chết chóc, hỗn loạn đầy đau thương như ở con đường Liên tỉnh lộ số 7 này.
                               (Ảnh MH: Nguồn internet)
     Chiếc xe của tôi đi bắt đầu khởi hành khoảng hơn 6 giờ chiều. Trên chiếc xe cần cẩu này, ngoài gia đình tài xế ngồi hết trong cabin, số còn lại là gia đình bà con, bạn bè của ông tài xế ngồi chen chúc nhau phía sau chỗ những khoảng trống. Ước tính khoảng hơn 5 gia đình nữa .
      Xe lăn bánh sau những tiếng la hét, tiếng kêu gọi í ới hòa lẫn với những tiếng khóc của kẻ ở lại, người ra đi của mọi người. Mẹ tôi với khuôn mặt thất thần pha lẫn sợ hãi cứ đau đáu trông về phía sau xe mong tìm thấy bóng dáng của hai đứa con còn sót lại. Những giọt nước mắt cứ lăn dài trên đôi mắt buồn bã của mẹ làm cho lòng tôi cũng quặn thắt. Lúc ấy tôi như một chú nai vàng, cảm giác sợ hãi mơ hồ cộng với sự rộn ràng muốn phiêu lưu, khám phá trộn nhau lẫn lộn và khó tả.
      Chiếc xe gầm rú và hòa lẫn vào dòng xe cộ trên đường hướng đến thị trấn Phú bổn sau khi băng qua ngã 3 Cheo reo. Mọi việc diễn ra bình thường vì đoạn đường này tốt và cách Thị xã Pleiku khoảng vài chục cây số vẫn đang trong tầm kiểm soát của quân đội VNCH.
      Tối hôm ấy, vào khoảng hơn 12 giờ đêm, chiếc xe ngừng lại tại thị trấn Phú Bổn. Cha tôi tạt vô một quán tạp hóa nhỏ thắp đèn dầu leo lét. Ông ấy bê ra 1 thùng mì tôm, gạo sấy, một chiếc quần lót nhỏ và vài sấp vải. Mẹ tôi may một cái túi nhỏ phía trong quần lót, bà bỏ vào ấy 2 cây vàng lá và một xấp tiền xong may kín miệng túi. Mẹ bảo tôi:
      - Con mặc quần này vào phòng khi thất lạc cha mẹ, nhớ lấy tiền, vàng trong đó mà dùng.
      Cha tôi lấy một tấm vải, khâu thành một cái ruột tượng. Trong đó là một bộ quần áo, gạo sấy, mì tôm...Ông ấy nói đó là hành trang con nhớ đeo theo bên mình bất cứ lúc nào.
                                                 (Ảnh MH: Nguồn internet)
     Trong đêm ấy, đoàn xe di chuyển cực kỳ chậm chạp. Những chiếc xe đủ chủng loại, từ xe nhà binh cho đến dân sự chen lấn nhau bên phải, bên trái, lấn luôn vô tận trong rừng, tạo thành một rừng xe ô hợp và kẹt cứng khi gần đến Phú túc. Ở phía trước là tiếng nổ đì đùng của đủ loại đạn đại liên, súng cối, pha lẫn tiếng đạn pháo ầm ầm. Người ta nói phía trước đang bị Việt Cộng phục kích. Thỉnh thoảng có vài đoàn người trộn lẫn lính tráng VNCH chạy ngược ra phía sau vội vã và hốt hoảng. Có vài người khiên những thân thể máu me, không còn vẹn hình hài cùng những tiếng rên la thấu tận trời xanh. Họ bảo: Có những quả đạn pháo của VC lọt vào giữa đoàn xe gây ra cái chết và bị thương của rất nhiều người. Những hình ảnh trong đêm đó đã để lại trong tôi nổi ám ảnh kinh hoàng mà mãi đến một thời gian sau này tôi mới quên dần.
     Tờ mờ sáng, đoàn xe bắt đầu nhúc nhích lên phía trước một cách chậm chạp. Tiếng súng cũng lắng dần, chỉ thỉnh thoảng nghe một vài tiếng lẻ tẻ ở phía xa.
     Tiếp theo những ngày sau đó, tôi đã chứng kiến nhiều cảnh chết chóc khác nhau; Chết do dành đường, lấn nhau chạy gây ra cảnh đâm lật xe. Chết do sinh nở trên xe của những thiếu phụ mang thai mà không có điều kiện hổ trợ y tế. Chết vì do cướp bóc, vì đau bệnh đột xuất, vì đạn lạc và trăm ngàn lý do khác nhau.
     Lúc đầu những xác chết đột xuất còn được bó trong những chiếc chiếu, những tấm bông xô chôn cất tử tế ven rừng. Những ngày sau xác chết nhiều quá họ đành đào sơ huyệt đạo ven đường lấp tạm. Rồi đến lúc họ đành kéo xác vứt tạm vô bờ bụi ngoài bìa rừng. Khi đoàn xe di chuyển dọc bên này sông Ba gần đến huyện Củng Sơn để đến bến sông Thành Hội thì xe cộ cày lên xác chết mà đi. Máu xương tơi tả vụn nát dưới hàng ngàn chiếc bánh xe. Mạng con người còn thua cỏ rác.

                                               (Ảnh MH: Nguồn internet)
      Hàng ngày, mọi người đầu đội trưa nắng cháy, đêm đến phơi trong sương giá. Thực phẩm lúc ấy cạn kiệt. Thịt heo mua của các làng dân tộc trước đó để dành nhưng do thiếu muối nên bốc mùi hôi thúi vậy mà mọi người vẫn phải ăn. Ăn để sống vì so với mùi hôi thúi của xác chết con người đến lúc trương sình, sùi xẹp quanh đó vẫn chưa ăn thua gì.
      Mỗi ngày, máy bay trực thăng 2 chong chóng loại vận tải vần vũ trên bầu trời. Họ đã thả xuống những ổ bánh mì lớn, hàng trăm thùng mì tôm, thực phẩm bánh trái khác bay lơ lửng trên bầu trời. Người ta xô đẩy, cướp giật miếng ăn trên tay của đồng loại . Tôi cũng bị một trường hợp như thế khi xe đã qua bên này sông Ba trên đồi cát khi tôi chạy theo để đón một thùng mì tôm. Tưởng như cầm chắc trong tay thùng mì, thì bỗng nhiên bị một gã đàn ông to lớn nện cho một cú đạp lăn cù, rồi gã chậm rãi từ tốn ôm thùng mì tôm đi thẳng. Tôi vừa đau điếng, vừa tức vì bất lực không làm gì được gã nên đành bật lên tiếng uất nghẹn.

                               (Ảnh MH: Nguồn internet)
     Sau khi thả rơi những thực phẩm tiếp tế để cứu đói, những chiếc trực thăng ấy lại đáp xuống để đón những đại đội lính đang tập trung ở một chỗ rồi rước về một nơi nào không rõ. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh một anh lính với quân phục, súng ống và ba lô nặng trĩu trên vai rơi từ đuôi của chiếc trực thăng từ độ cao khoảng trên 500 mét, khi chiếc trực thăng đáp xuống một đụn cát giữa sông Ba đang mùa khô cạn nước để đón một đám lính đang tập trung ở đó. Anh ta chậm chân hơn các đồng đội khác khi chiếc trực thăng vội vả bốc lên. Anh ta đã bám vào chiếc bửng dưới đuôi chiếc trực thăng hai chong chóng và đã rơi như một quả mít rụng trên tầm cao hơn nữa cây số trước sự là hét của những người chứng kiến.
      Chiếc xe của chúng tôi cuối cùng cũng qua được sông Ba trên chiếc cầu nổi dã chiến. Đường phía trước qua thị trấn Tuy An vẫn chưa thông do VC phục kích nên những đoàn xe qua được cầu đành nằm lại bên này sông. Chiều hôm ấy cả đoàn người lớp nằm, lớp ngồi vẻ mệt mỏi bên một cánh rừng thưa. Họ kê những viên đá làm bếp tạm để nấu cơm. Có một trường hợp xảy ra nồi cơm của ai đó chưa kịp sôi"trật ông táo"đổ cả gạo ra ngoài nền đất. Họ lấy gạo khác để nấu lại nồi cơm mới, còn cha tôi đã vừa khóc vừa hốt lại nhúm gạo pha lẫn cát đất đó rửa sạch để nấu cho gia đình tôi ăn. Tôi không thể quên hình ảnh cha tôi vừa khóc vừa nói:
      - Cả một nhà lúa gạo, đậu mè, ngũ cốc ở nhà đành đoạn bỏ lại hết. Để rồi giờ này đi hốt từng hạt gạo rơi. Tại sao lại gây nên cảnh chiến tranh chết chóc như vầy!
      Tôi và mẹ tôi cùng khóc theo, nhưng với tôi, lúc này tôi chưa hình dung về cái đói sẽ thật sự khủng khiếp như thế nào.
      Tối hôm ấy, cha tôi dắt díu gia đình đến một hốc núi trú ẩn qua đêm. Ở đó đã tụ tập rất nhiều người. Không hiểu linh tính thế nào Cha tôi lại dẫn cả gia đình đến một chỗ khác. Đó là một bờ kè đất tự nhiên giáp bờ sông. Ông nói:
      - Mình cứ nằm ở đây thôi. Chuyện sống chết đều có số cả!
                               (Ảnh MH: Nguồn internet)
     Trong đêm hôm đó hàng trăm quả đạn pháo rơi nổ dọc sông và dọc theo đoàn xe đang nằm im lìm trên con đường ngập bụi. Tiếng đạn réo trên đầu, tiếng nổ đì đùng quanh chỗ gia đình tôi nằm. Tiếng nổ gần, nổ xa của đạn pháo. Tiếng ríu chíu, lach tạch của đạn tiểu liên. Tiếng la hét, tiếng gào khóc và nền trời rực sáng của hỏa châu, của khói lửa và những chiếc xe cháy ...đã tạo nên bức tranh hùng tráng và kinh hoàng nhất mà tôi đã được chứng kiến. Trong cái đầu nhỏ bé của tôi lúc ấy nằm dưới đôi cánh tay xoài ra che chở của cha và khuôn mặt của tôi úp xuống nền cát ẩm. Tôi đã thật sự ngạc nhiên về sự bạo tàn của con người, của chiến tranh và những điều không thể hiểu. Nỗi sợ hãi đến tột cùng đó đã khắc lên trái tim của tôi một vết hằn mà cho đến mãi bây giờ, sau hơn 40 năm vẫn còn rõ mồn một như mới xảy ra ngày hôm qua.
      Sáng hôm sau, khi tiếng súng đã im lìm. Quang cảnh còn lại là những tiếng khóc tỉ tê của người thân ai đó mất, của những tiếng rên xiết đau đớn từ những thân thể không còn trọn vẹn chỉ sau một đêm tập kích của cộng sản.
      Tại nơi trú ẩn kín đáo ngay bìa rừng, nơi mà cha tôi định cho gia đình tá túc, là thịt xương, là máu thịt chồng chất lên nhau xen lẫn với những mảnh áo quần rách nát. Một mớ hổ lốn thịt đỏ trong cái cối xay thịt khổng lồ có lẽ do một quả đạn pháo rơi trúng vào đêm hôm qua.
     Tôi không còn cảm giác run rẩy sợ hãi như những ngày đầu chạy trốn, không thấy sự may mắn cho mình nữa mà thay vào đó là sự trơ lì với cái chết, với nỗi đau và với những giọt nước mắt khóc than của đồng bào.

                               (Ảnh MH: Nguồn internet)
     Qua hôm sau, vào khoảng 2 giờ chiều. Bên phía trước con đường về Tuy An, những chiếc phản lực cơ A-37, F-5 của quân lực VNCH đang nhào lộn thả bom hỗ trợ mở đường cho đoàn xe và lính bộ binh. Một chiếc trực thăng hai chong chóng rà đáp xuống chỗ tôi và gia đình khoảng 300 mét. Mọi người ùa té chạy đến đó. Tôi và cha mẹ tôi cũng hòa cùng đoàn người chạy đến nơi cái nắp đuôi của chiếc trực thăng đang rộng mở. Ở đó là sự giải thoát, là an toàn, là trốn chạy khỏi sự khiếp đảm của chiến tranh. Tôi bị những người lớn xô đẩy, chèn ép và ngã dúi trên tấm bửng sau của chiếc trực thăng. Mọi người leo lên đầu, đạp trên lưng tôi để vào sâu bên trong. Tôi một tay nắm được đôi giày lính của một người đang ngã nằm phía trước, tay còn lại tôi bám chặt vào những lỗ tròn bên hông của vách trực thăng, còn hai chân tôi thì lòng thòng phía dưới bửng, đu đưa trước gió khi chiếc trực thăng vội vả cất lên trời. Lúc ấy tôi đang sợ hãi nghĩ đến anh lính mang ba lô rơi chới với từ độ cao 500 mét cách đó mấy hôm. Tôi cắn răng trườn tới trước nhưng không được vì nguyên cả phần mông của tôi đang ở bên ngoài của máy bay. May sao khoảng một phút sau, tôi được một phi công đu dây ra. Anh ta nắm cái ruột tượng tôi vẫn đeo bên mình kéo cả tôi vào bên trong máy bay trước bao đôi mắt thất thần và sợ hãi của những người chung quanh.

                                                (Ảnh MH: Nguồn internet)
     Tôi và cha mẹ tôi đã được cứu sống, được thả xuống thị trấn Tuy An trong chiều hôm đó. Cha tôi đón một chiếc xe khách chạy thẳng về sân bay Phù Cát ở Bình Định, nơi có chị ruột tôi đang đợi và chồng chị là sĩ quan cấp Đại Úy phụ trách một Phòng ở đó.
     Tôi đã bỏ lại phía sau một cuộc trốn chạy kinh hoàng, trốn chạy sự sợ hãi của chết chóc. Trốn chạy mùi hôi thúi của những xác chết lặt lìa, của đạn pháo chiến tranh và niềm tin về sự an toàn của cuộc sống đã bị đánh mất vĩnh viễn ở lứa tuổi 14.
     Bốn mươi năm trôi qua. Tôi không muốn nhắc nhở hay nhìn lại làm gì, nhưng tôi thực sự cứ ngạc nhiên mãi khi nhiều người đợi đến ngày này lại sung sướng reo hò tôn vinh cuộc chiến đó bằng cờ hoa rực đỏ. Tôi hiểu rằng chẳng có gì để vinh danh khi tiếng reo hò múa nhảy vang lên trên hàng vạn oan hồn của đồng bào đang lạc loài trong cõi vô minh mà chưa biết họ đã chịu tha thứ cho tội ác và đã hoá kiếp hay chưa?
     Nguyên TT Võ Văn Kiệt, người đại diện cho bên thắng cuộc từng phát biểu rất nhân văn về ngày kỷ niệm này khẳng định rằng chiến thắng 30-4 là vĩ đại nhưng người Việt Nam cũng “đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát”. Vì thế một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại theo các lối cũ vẫn làm sẽ “có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Vết thương chung của dân tộc như vậy cần được giữ lành, “thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Và muốn để mọi người Việt Nam chung tay hàn gắn thì chúng ta, người chiến thắng và đang lãnh đạo đất nước, “phải thực tâm khoan dung và hòa hợp”.
     Tôi hoàn toàn đồng ý với câu nói gây nhiều tranh cãi này. Riêng tôi, tôi không muốn nghĩ về nó nữa!
(Lê Quang Luận). Sài Gòn, ngày 25/03/2015
P/s: Ảnh minh họa sưu tầm trên mạng và chân dung người viết vào th
ời điểm năm 1975


 (Ảnh MH: Nguồn internet)
 (Ảnh MH: Nguồn internet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét