Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

MÙA XUÂN, CHUẨN BỊ CHO MỘT SỰ KHỞI ĐẦU...

    (Ảnh MH: Nguồn internet)
MÙA XUÂN, CHUẨN BỊ CHO MỘT SỰ KHỞI ĐẦU...
(Tùy bút)
       Sáng nay lại dậy sớm. Không khí mát dịu chứ không lạnh như những hôm trước. Bầu trời trong xanh bị pha loãng với những đám mây trắng mỏng. Trên cao từ phía tây, những đám mây ửng hồng nhờ ánh sáng của bình minh đang lên soi rọi đến. Chúng trôi đi lãng đãng, nhẹ nhàng, để tạo nên những hình thù khác nhau. Nghe đâu miền Bắc cũng đã không còn băng giá nữa. Mình cũng mong ở đó mau bớt rét để những người nghèo khổ, vô gia cư nơi phố thị có được giấc ngủ yên lành nơi vỉa hè, góc chợ...với giấc mơ hoang hoải nào đó về một tương lai không rõ ràng. Để những cụ già cố sống để hưởng thêm một mùa xuân nữa trong cuộc đời đầy từng trải, nhọc nhằn của họ. Để những em thơ đói rách vùng cao không còn co ro, cúm rúm trong những manh áo rách mong manh, nhưng vẫn giương những đôi mắt thơ ngây mong đợi Tết về...
       Mùa xuân và cái Tết đang đến rất gần...
       Lại một năm nữa đã trôi qua. Vòng đời cũng vì thế đang dần thu ngắn lại. Có chăng, những vất vả, lo toan và muôn nỗi nhọc nhằn cứ ngày càng kéo dài ra, vô tận. Những ước muốn và hy vọng cũng vơi cạn dần một cách lặng lẽ, vô tình.
       Cứ mỗi một mùa xuân về lại mang đến cho mọi người những ước mong, hy vọng và nhiều điều trăn trở khác nhau, tùy theo tuổi đời của họ. Tuy nhiên, có một điểm chung là ai cũng hoài niệm về những mùa xuân trước đó, khi mùa xuân mới đang đến rất gần. Bởi vậy, mới có bài hát về xuân của nhạc sĩ Châu Kỳ:
       "Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa
       Hẹn gặp nhau khi pháo giao thừa
       Em đứng chờ, tôi trước song thưa.
       Tôi đi qua đầu ngõ
       Hỏi nhau thầm xuân đã về chưa?..."
       Xuân luôn có sự hấp dẫn muôn đời của nó. Cuộc sống của mọi người dù giàu có hay nghèo khổ. Dù sang trọng hay hèn kém. Dù già hay trẻ, gái hay trai...Ai ai cũng cảm thấy một niềm phấn chấn khi mỗi độ xuân về, tuy rằng có người đôi khi không hề mong đợi. Cũng chẳng phải khi xuân về không khí mát mẻ, cây cỏ xanh tươi, hoa chen sắc thắm. Mọi vật như hồi sinh, tuôn trào sức sống...mà có lẽ, xuân về để mọi người được nghỉ ngơi, thư giản. Để được viếng thăm nhau sau cả năm quần quật với công việc và bao nỗi lo toan. Có khi để xóa đi một năm đen tối và hoài vọng vào sự đổi thay vào năm tới của một số người này...nhưng có thể mong chờ vào sự may mắn hơn tiếp theo... của một vài người khác..
       Mùa xuân của những em thơ là những ngày được nghỉ học. Là được diện vào mình những bộ áo quần mới và trên hết là những bao lì xì mà những người lớn rộng rãi ban cho.
       Mùa xuân của những người già là sức khỏe cảm thấy được cải thiện hơn. Là sự hạnh phúc vì được hưởng không khí sum vầy của con cháu. Là được những đồng tiền mừng tuổi của cháu con dù biết rằng những đồng tiền đó cũng chẳng để làm gì?...
       Chỉ có mùa xuân mới thực sự ý nghĩa đối với những người trẻ tuổi. Mùa xuân đem đến yêu thương và tình yêu khởi sắc. Là những mong ước hẹn hò của họ có thể sẽ trở thành hiện thực. Vì nếu không như vậy thì nhạc sĩ Từ công Phụng đã không thốt lên trong tình khúc"Tình tự mùa Xuân":
       "Em, lại đây với anh
       Ngồi đây với anh
       Trong cuộc đời này
       Nghe thời gian lướt qua
       Mùa xuân khẽ sang
       Chừng như không gian đang sưởi ấm những giọt tình nồng
       Tay này tay nắm tay
       Nhìn nhau đắm say
       Như chưa bao giờ
       Nghe chừng trong mắt nâu
       Hồn anh đã tan thành muà xuân ngọt ngào phủ ấm thiên đường đôi ta...
       Đã qua đi ngày tháng úa môi sầu nhớ tình người buồn tênh...
       Em chút giọt lệ ấm, khóc mừng một ngày hạnh phúc miên man..."
       Mùa xuân cũng đem đến cho tuổi trẻ sự hy vọng vào một sự trải nghiệm mới mà ước vọng về sự thành công mong muốn đang đến gần kề.
       Mùa xuân của thời đại hiện nay trong đất nước của chúng ta, tuy không còn tiếng pháo rộn rã xua đi năm củ để đón chào năm mới nữa. Nhưng đâu đó trong lòng của mọi người vẫn kỳ vọng sự xui rủi sẽ nhanh chóng qua đi để hy vọng một sự may mắn nào đó lại đến với họ.
       Bởi vì mùa xuân, đối với tất cả chúng ta, là chuẩn bị cho một sự khởi đầu.
(Lê quang Luận), Sài Gòn, 30/01/2016

ĐƠN THUỐC CAI NGHIỆN FACEBOOK...

                                             (Ảnh MH: Nguồn internet)
ĐƠN THUỐC CAI NGHIỆN FACEBOOK...
       Em à! Facebook không phải lúc nào cũng là phương tiện giải trí tốt cho cuộc sống của chúng ta đâu, nếu em suốt ngày cứ dán mắt vào nó.
       Em đang trở nên già nua, u sầu, xấu xí và bị bệnh tự kỷ khởi phát từ việc quá đam mê Facebook rồi đó. Bởi thế, em phải sử dụng phương tiện này thật điều độ...và đừng bao giờ quan tâm để đau khổ vì miệng đời hay những viên gạch đá ở trên facebook nhé?...
       Đây là toa thuốc bác sĩ cho em để điều trị bệnh"nghiện Facebook"giai đoạn cuối nè. Nhớ uống cho đúng giờ giấc theo chỉ dẫn nha?...
TOA THUỐC
-TDTT: Uống mỗi ngày 1 lần vào lúc 5 giờ sáng.
-COFFEE: Mỗi ngày chích 1 ống cùng bạn bè sau khi uống thuốc TDTT.
-NGHINGOI: Mỗi ngày ngậm một viên/1h vào buổi trưa.
-NGHENHAC: Mỗi ngày uống một viên vào buổi tối trước khi đi ngủ.
-NHAU: Mỗi tuần chuyền 1 bình vào buổi chiều tối cùng người thân hay bạn bè.
-HENHO: Mỗi tuần ít nhất chích một ống.
Thực phẩm bổ sung: Ăn rau CHEMGIO cùng bạn bè và xơi trứng TUTHIEN càng nhiều càng tốt.
Sài Gòn, 29/01/2016
Bác sĩ: Cóc Tía

CẢNH GIÁC?...

                                (Ảnh MH: Nguồ internet)
CẢNH GIÁC?...
       Năm ni là năm Bính Thân. Tức là năm con khỉ.
       Vì là năm khỉ nên sẽ có nhiều thay đổi lớn xảy ra cho tất cả chúng ta từ sự lăng xăng, láu lĩnh và tinh quái của bọn chúng.
       Tất cả chúng ta nên cẩn thận bởi lẽ; ngoài những đặc tính quen thuộc của loài khỉ là sự hèn nhát trước kẻ mạnh nhưng độc ác trước kẻ yếu. Láu lĩnh nhưng khôn ranh. Hay bắt chước các thói hư tật xấu của con người và đồng bọn, nhưng khi bị phát hiện sẽ lẽo lự đổ thừa cho nguyên nhân khách quan. Chúng là chúa của hành vi"ném đá, dấu tay" nữa, vì chúng rất thích nhòm lén và đánh lén từ phía sau.
       Vì vậy các bạn phải hết sức cửn thựn và cảnh giác trong mọi tình huống. Kể cả tình huống xấu nhất có thể xảy đến với mình bất cứ lúc nào từ bọn khỉ nhé?...hehe...
Cóc Tía

CHO NÓ LÀM..."XẾP".

                                (Ảnh MH: Nguồn internet)
CHO NÓ LÀM..."XẾP".
       Chuyện kể rằng... ngày xưa Hoàng đế Thiên triều bên Tàu nghe thiên hạ đồn rằng, ở phía Nam vùng đất còn hoang sơ, giàu tài nguyên nhưng lại có rất nhiều loài khỉ sinh sống.
       Thế là Ngài sai một cận thần tức tốc xuôi về Nam để tìm cho ra 200 con khỉ đem về mẫu quốc. Vì lòng tham, Ngài tính chuyện xây dựng nên một bộ sậu khỉ, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đặng lập lại kỷ cương phép nước ở đó để tiện bề cai trị. Kỳ hạn cho cận thần trong một tháng phải tìm đủ số lượng khỉ trên, nếu thiếu sẽ bị móc nội tạng cả ba đời bán cho nước ngoài, thu nộp ngoại tệ cho ngân sách của Thiên triều.
       Vị cận thần chấp hành mệnh lệnh, vội vàng xuôi về Nam.
       Sau 30 ngày lùng sục khắp nơi, từ rừng sâu, núi cao cho đến đồng bằng, biển cả... Cuối cùng cũng chỉ kiếm được có 199 con khỉ đột. Chúng cứ chạy nhảy lăng quăng đã đời, đến khi tập hợp lại thì ngủ gà, ngủ gật. Vị quan này rất chán ngán, nhưng cũng cố tìm một con nữa để đủ 200 con về dâng cho hoàng đế Thiên triều.
       Đất phương Nam sông dài, biển rộng, rừng rú bạt ngàn, vậy mà tìm mãi không ra một con khỉ nữa. Hoảng quá, trên đường đem bầy khỉ về mẫu quốc, ngài bỗng nghĩ ra một kế hay, trù định lừa Hoàng đế nhằm thoát tội chết 3 đời. Ngài bèn bắt một con chó cỏ, có vóc dáng và kích cở tựa bầy khỉ kia cho nhập bọn đem về mẫu quốc.
       Về đến nơi, Hoàng đế đến xem và gật gù tán thưởng. Nhưng vốn bản tính đa nghi, nên Ngài sai lính đem chuối đến để làm một phép thử. Bầy khỉ 199 con đi đường xa, đói khát. Giờ trong thấy chuối, chúng nhảy bổ vào, tranh nhau xơi chuối kêu lên chí choé. Chỉ duy nhất một con ngồi nhìn chứ không thèm ăn. Ngạc nhiên Hoàng đế hỏi vị cận thần:
      - Lị xem! Tại sao con lày không có chịu ăn. Nó có phải là khỉ không?...
       Vị cận thần thấy thế hoảng quá, nhưng do bản tính thông minh nhưng láu cá có sẵn trong máu của người mẫu quốc, nên vội vàng thanh minh:
       -Dạ! Tâu hoàng thượng! Là hạ thần thấy con khỉ này có cốt cách khác thường, ung dung đĩnh đạt, không tạp ăn, tạp uống như những con kia...nên dự tấu Hoàng thượng cho nó làm"xếp" của bầy khỉ kia ạ!...
       -Ô! Thế à? Thế nó không ăn chuối vậy thì thằng "xếp" ni ăn cấy chi?...
       -Dạ, tâu Hoàng thượng! Con khỉ "xếp" ni chỉ biết ăn c.... thôi ạ!
       -Ô!!! Vậy thì tốt quá. Cứ để nó ở gần ta, ta cho nó ăn...và cho nó làm"xếp"199 con khỉ kia!..khà..khà...
(Cóc Tía), Sài Gòn, 28/01/2016

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

AI SẼ LÀM ĐƯỢC ĐIỀU ĐÓ?...

                               (Ảnh: Fb Hoang Linh)
AI SẼ LÀM ĐƯỢC ĐIỀU ĐÓ?...
       Sáng nay không ngủ được mình lại dậy sớm. Mới hơn 5h, ngoài trời vẫn còn vàng vọt ánh đèn đường. Sài Gòn bỗng nhiên trở lạnh. Cái lạnh của những ngày sắp Tết thật khó chịu. Một chút gió kèm theo hơi lạnh cứ len lỏi vào bên trong cơ thể. Mình vào nhà khoát vội chiếc áo dài tay. Sài Gòn nóng bức quanh năm mà những ngày này còn lạnh như thế đấy.
       Trên facebook một số bạn than vãn Xuân năm nay lạnh lẽo quá, có nơi nghe nói nhiệt độ xuống đến 6 độ C.
       Đọc trên fb của bạn Hoàng Linh, nhìn tấm ảnh của những em bé vùng cao Tây bắc mỏng manh áo xống, trần truồng không có được cái quần để mặc, trong khi tuyết giá xuống trắng cả núi đồi. Chắc rằng ở đó đang rất lạnh. Thương lắm!
       Lại đọc được một bài báo, họ viết; riêng thủ đô Hà Nội, Tết năm nay định bắn pháo hoa ở 31 điểm. Tổng số tiền đốt trong 15 phút ngắn ngủi là trên 10 tỷ đồng. Chưa kể đến HCM và mấy mươi tỉnh thành khác nữa. Có lẽ sẽ lên đến hàng trăm tỷ đồng . Xót xa lắm!
       Trăm tỷ đồng! Một số tiền lớn lắm các vị lãnh đạo à? Với số tiền này có thể giúp được biết bao nhiêu cảnh đời thiếu thốn, đói khổ và những nhu cầu cần thiết tối thiểu của dân nghèo vùng cao, vùng sâu và xa. Họ cũng chỉ cần một cái Tết vừa đủ ấm, vừa đủ no chứ không mong mỏi điều gì cao sang. Cũng với số tiền đó, có thể giúp cho hàng triệu trẻ em rách rưới, đói khổ ở các thành thị. Của những em bé vùng cao có được cái quần, manh áo ấm che thân trong mùa xuân đầy lạnh giá này. Các em thơ đó, cũng chỉ cần đủ ấm từ sự quan tâm chia sẻ của tình người.
       Chợt nghĩ đến những tượng đài nghìn tỷ đang đứng trơ gan cùng tuế nguyệt, không che nổi một phận người đang lạnh cóng giữa tuyết rơi. Lại thấy bực bội, xót xa trong bất lực.
       Ánh sáng rực rỡ, hoành tráng của đêm hội pháo hoa chào mừng năm mới cũng chỉ làm nức lòng những người dân đô thị trong chốc lát, nhưng không vì thế mà ánh sáng ấy có thể làm ấm lên từ sự ghẻ lạnh, băng giá của tình người. Anh sáng ấy cũng không soi sáng được tương lai từ nỗi bất hạnh khi lỡ sinh ra trong một gia đình có quá nhiều khốn khó của những mảnh đời khác.
       Tượng đài thì đã xây rồi. Tiền của cũng đã tiêu tốn xong. Còn lại những khoản sẽ phải tiêu cho vài phút hân hoan đón chào năm mới.
       Nên chăng, các vị hãy bằng cách nào đó giảm đi sự hân hoan vui sướng một chút trong phút giây giao thừa của một số người dân bình thường để chia sẻ sự đầy đủ cho một số người nghèo khác bằng sự nỗ lực không lớn lắm của mình. Những người khác ở đô thị, tôi chắc sẽ chẳng có ai phiền lòng điều gì khi biết được mục đích tiết giảm pháo hoa của các vị đâu?
       Là trông thấy cảnh này, biết được điều kia thì viết vậy thôi. Các vị ở trên cao nào, có tâm huyết, làm được chuyện giúp đỡ, đưa quà đến tận tay của những người nghèo khổ, những em thơ đói rách ở vùng sâu, vùng cao...mà nghĩ cũng thật khó quá, khi dưới cấp của các vị; những lãnh đạo ở cấp địa phương, không biết có chịu buông tha cho những món quà từ thiện?...
      Cần phải xóa sạch tham nhũng ở đất nước này thì may ra mới có sự công bằng và sự tử tế.
      Ngày hôm nay các vị đang tranh nhau để giành quyền cai trị đất nước. Những người dân chúng tôi không được quyền bầu bán. Vì vậy, ai trong các vị là lãnh đạo tối cao cũng được? Đối với những người dân chúng tôi; Ai trong các vị sẽ xóa được tham nhũng, không còn bị lệ thuộc Trung Cộng, đem sự tự do, no ấm và nhân bản, đến với đất nước của chúng ta?...
      Người nào làm được điều đó mới thực sự là anh hùng. Các vị sẽ được sự tôn vinh, nể trọng và được sử sách lưu danh thơm đến muôn đời...
      Vậy, ai sẽ làm được điều đó?...
(Lê quang Luận), Sài Gòn, 26/01/2016.

                                (Ảnh: Nguồn internet)

Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

XE BUÝT, TẠI SAO KHÔNG!?...


XE BUÝT, TẠI SAO KHÔNG!?...
Ngày cuối tuần, bạn từ Đà Nẵng vào. Mình rủ đi ngã ba Tân Quy - Củ chi chơi,sẵn ghé thăm một người bạn mở quán nhậu trên đó.
Xuất phát từ Hòa Hưng, đường CMT8, mình ngoắc chiếc tắc xi. Sau khi ổn định chỗ ngồi, bạn mình hỏi tài xế:
- Từ đây lên đến Ngã ba Tân Quy khoán gọn đi và về bao nhiêu?
- Dạ! Chờ em một chút? - tài xế bốc máy call về tổng đài.
Một lát sau:
- Dạ! Các anh cho 1,1 triệu đồng ạ, giá cuối cùng.
Hì! Nhiều "xèng" quá? Cả bọn lục đục bước xuống xe giữa trưa nắng chang chang. Quyết định đi xe buýt.
Một phút sau đó, cả bọn lại lục đục leo lên một chiếc xe buýt vừa dừng lại. Xe đi tuyến CMT8 - bến xe An Sương. Bên trong xe buýt vắng người, mát lạnh. Bạn mình móc bóp trả 24 ngàn cho 4 người (giá vé 6.000/1 người).
Hơn 30 phút sau, cả nhóm lại xuống xe tại bến xe An Sương.
Tiếp tục leo lên một chiếc xe buýt khác đang đậu ngay đó, tuyến An Sương - Củ Chi. Bạn lại móc bóp trả 20 ngàn cho 4 người (giá vé 5.000/1 người).
Buổi chiều, lúc 17h, cả nhóm kéo nhau lại đón xe buýt ra về, sau khi thưởng thức thõa thê các món gà ta nướng, mực ống chiên giòn, lẩu thái và đặc biệt là món "hành lạc"...hehe..(xin các bạn đừng hiểu lầm vì đó là món các loại củ hành bào mỏng trộn chua ngọt kèm với món lạc rang). Cả nhóm "tém" gọn tất cả các món với hơn chục chai bia Tiger nữa, hóa đơn tính tiền hơn 800 ngàn.
Vị chi, cả chuyến đi và về cho cả nhóm, sau khi ăn nhậu thả ga kể cả tiền xe chưa đến 1 triệu. Trong đó tiền xe buýt cho 4 người chỉ mất có 96 ngàn.
Một ngày cuối tuần, một cuộc thăm viếng ủng hộ bạn bè để biết thêm một địa danh mới, vài món ăn lạ và tận hưởng không khí trong lành của vùng đất Củ Chi thôn dã nhưng lại không cách xa Sài Gòn bụi bặm là mấy...nhưng có lẽ điều thú vị nhất, là được trải nghiệm sự bình yên trong tâm hồn khi chúng ta ngồi trên một chiếc xe buýt mát lạnh, để quan sát cuộc sống tất bật, hối hả bên ngoài qua ô cửa sổ. Chúng ta được hòa mình vào những người lao động, vào các em sinh viên, học sinh nghèo... để hiểu thêm về họ, về những cuộc trao đổi qua quýt trên xe cũng như thói quen đi lại. Cũng có thể bạn sẽ cảm thấy yêu hơn cuộc sống này khi bạn thẩm thấu được mùi mồ hôi toát ra từ sự vất vả, nhọc nhằn phảng phất từ đâu đó...để cảm nhận được, như mùi mẹ hiền ôm ta vào lòng sau những buổi chợ xa ngày nào...
Cuộc sống bình thường và giản dị của những người lao động, luôn phảng phất gần gũi đâu đây quanh chúng ta, như trong một buổi chợ chiều thong dong dạo ngắm, hay trên một chuyến xe buýt ngờm ngợp hơi người...Chúng ta sẽ thấy yêu biết mấy cuộc sống này. Chúng ta yêu, bởi vì chúng ta là người Việt, yêu cái hồn, cái chất Việt vẫn luôn tồn tại, luân chuyển và chảy xuôi đâu đó trong máu thịt của chúng ta...mặc cho đã có nhiều sự đổi thay trong cuộc sống thị thành.
Chúng tôi đã có một buổi chiều vui vẻ vì cùng đồng lòng với ý tưởng nơi đi đến sau một buổi cà phê. Đồng lòng thay đổi một phương tiện tốn kém không cần thiết để chuyển qua một phương tiện khác. Đồng lòng thưởng thức những món ăn dân dã...nhưng có lẽ đồng lòng hơn cả là sự thấu hiểu và biết cách sử dụng thời gian và những đồng tiền làm ra của mình.
Đâu cần gì phải sang trọng, nhanh chóng hay tiện nghi. Chỉ là một ngày nghỉ thôi mà? Tại sao không là xe buýt?...
"Why not?"...hehe...
(Lê quang Luận), Sài Gòn, 25/01/2016









Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

LÝ DO HỒI HƯƠNG...

                                (Ảnh: Nguồn internet)
LÝ DO HỒI HƯƠNG...
       Sau ngày 22/01/2016 không hiểu vì duyên cớ gì lượng khách Việt kiều đổ xô về nước tăng đột biến. Một hiện tượng lạ mà từ ngày chính phủ Việt Nam chính thức mở cửa đến nay cũng đã mấy chục năm chưa từng xảy ra? Các nhân viên cụm cảng, hàng không, nhân viên an ninh, hải quan...của các sân bay quốc tế như TSN và Nội Bài làm việc không ngơi nghỉ. Giá vé vì thế cũng tăng đột biến, nhiều nhất là các chuyến đến từ các quốc gia có nhiều người Việt sinh sống. Trong số đó, đế quốc Mỹ, một đất nước tư bản đang giãy chết có nhiều VK về nước nhất.
       Trước đây, Việt kiều về nước hay phàn nàn về việc vòi vĩnh vài chục USD tiền trà rượu, để được giải quyết mau chóng thị thực của lực lượng an ninh và hải quan sân bay; thì mấy hôm nay bỗng nhiên họ trở nên dễ tính và lại rộng rãi hơn. Việc phàn nàn, kiện tụng về việc hành lý bị cạy trộm, mất cắp những hàng hóa ký gửi của hành khách VK cũng giảm đi rõ rệt, mặc dù hiện tượng mất cắp từ khâu này vẫn xảy ra có phần tăng hơn mọi khi.
       Nhiều nhà phân tích cho rằng, có lẽ nhờ chính sách mở cửa thông thoáng của Nhà nước ta ngày càng dễ dãi để thu hút khách du lịch nước ngoài, nhất là VK. Thứ đến, có lẽ thấy tình hình nợ công của đất nước máu thịt của mình đang khó khăn, trên bờ vực phá sản...nên họ tranh nhau mang ngoại tệ về để góp sức cùng bà con trong nước, tháo gỡ khó khăn. Đồng thời muốn về ăn một cái Tết truyền thống, ấm áp nghĩa tình ở quê hương. Tuy nhiên, những vị chuyên gia phân tích, học sâu , hiểu rộng, kiến thức uyên thâm... hơi ngạc nhiên ở chỗ; năm nay những VK già cả, tàn tật, di chuyển bằng xe lăn tay cũng ồ ạt đổ về Việt Nam - đó là một hiện tượng mà bao nhiêu năm mở cửa lòng, Việt Nam chưa bao giờ có tiền lệ ấy...
       Trước tình hình VK trở về thăm đất nước tăng đột biến gấp trăm lần so với trước đây như thế. Các chuyên gia về kinh tế, giáo sư, tiến sĩ về xã hội học, du lịch, môi trường, an ninh...nhóm một cuộc họp đột xuất, bất thường, để phân tích nguyên nhân? Tuy nhiên vẫn chưa có ý kiến nào cho ra đáp án thuyết phục.
       Trong lúc đang bối rối trước hiện tượng chưa tìm ra lời giải đáp, thì tại hội nghị có ý kiến cho rằng; "Tại sao không thử phỏng vấn một Việt kiều nào đó, để xem xem lý do nào họ kéo về nước đông như vậy?". Hội nghị nhất trí với ý kiến kể trên, cùng kéo nhau ra sân bay TSN để phỏng vấn nhanh một khách VK gặp ngẫu nhiên.
       Gặp một cặp vợ chồng già VK vừa bước ra khỏi cửa sân bay trên 2 chiếc xe lăn. Một vị đại diện đoàn đại biểu, liền bước đến phỏng vấn ngay người chồng:
       - Dạ! Chào hai cụ ạ! Cụ có thể cho biết, 2 cụ vất vả về thăm quê hương bao nhiêu lần rồi ạ?
       - À...Chúng tôi qua bên ấy gần 40 năm, đây là lần đầu tiên về VN...và dự định ở lại đây luôn!...
       Một chút ngạc nhiên, vị đại biểu hỏi tiếp:
       - Ồ! Thế à? Vậy tại sao lần về này của hai cụ lại là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng ạ? Hay là...hai cụ nhớ quê hương tươi đẹp nên muốn về để được gửi nắm xương tàn nơi đất mẹ?...Hihi... xin lỗi cụ!...
       Ông cụ già trợn mắt nhìn vị đại biểu nọ xong, phán luôn một câu dõng dạc:
       - Nhớ cái con mịe gì? Nghe nói ở VN ngồi xe lăn bán vé số có thu nhập cao cả 100 triệu VNĐ mỗi tháng, hơn cả lương kỹ sư trẻ bên Mỹ, nên vợ chồng tôi về VN bán vé số, kiếm tiền gửi qua cho con cái trả tiền mua nhà. Cái nhà vợ chồng tôi mua trả góp mấy chục năm nay, đến giờ vẫn chưa trả xong đó ông ơi! Lần này hy vọng trả hết!..hụ..hụ..
(Cóc Tía), Sài Gòn, 24/01/2016

LÝ DO MẮC TỘI: "PHẢN ĐỘNG"...


LÝ DO MẮC TỘI: "PHẢN ĐỘNG"...
       Để tui kể cho bà con nghe câu chuyện tui bị nhà trường kỷ luật đòi đuổi học hồi xưa như thế nào nhé? Chung quy chỉ vì mấy cái củ sắn con con mà tui lấy được lùi tro ăn, chỉ vì nghịch ngợm nhổ lên từ hàng rào của nhà trường Cao đẳng, và hát những bài hát ngoại quốc mà mọi người không hiểu lời, từ những năm tháng khốn khó thời bao cấp chết tiệt ấy....
       Đầu năm thứ 3, lúc sắp sửa đi thực tập đợt cuối rồi về trường làm luận án tốt nghiệp. Tối nào ở khu KTX phía sau trường gần giáp với nhà ăn tập thể, tui cũng cầm cây đàn guitar ra ngồi bên ngoài sân nghêu ngao hát. Vì là học sinh trung học ở Đà Lạt nên tui thích và thuộc rất nhiều nhạc Pháp. Những bài mà tôi vẫn hằng đêm ngồi rống lên như:"Je Ne J'Aime Plus", "Mon Amour", "Main Dans La Main", " Je Suis Parti"..v..v.. nghe rất mùi mẫn không thua gì Christophe ca sĩ lừng lẫy một thời tại Pháp ...Hihi . Đám bạn trong lớp rất khoái và nể phục, khi tui vừa đàn vừa hát những bản nhạc hiện đại như thế, nhưng ngược lại, cách chỗ tôi ngồi, lại gần nhà ở của thầy trưởng phòng giáo vụ kiêm tổ chức của trường. Ông ấy tên là thầy K, ông còn kiêm cả việc dạy bộ môn toán phổ thông cho học sinh thuộc nhóm tốt nghiệp cấp 2 vào trường học trung cấp chuyên nghiệp.
       Ông ấy có dáng vừa ốm vừa lùn. Nước da đen, tai tái, với cặp mắt lúc nào nhìn cũng có vẻ soi mói (giống mắt mấy ông CA). Cái miệng với bờ môi mỏng và thâm xì, lúc nào cười cũng chỉ nhếch lên có một bên mép. Ông này nói chuyện không bao giờ hở răng nên nhìn rất thâm, nhất là đôi mắt nhỏ trông khá nham hiểm. Ông ta là dân gốc Quảng Nam ra Bắc tập kết. Tui không biết lúc ở ngoài Bắc ông ấy học hành đến đâu, nhưng nhìn dáng vẻ khá tự đắc, lúc nào cũng coi mình là người hiểu biết rộng và lại có quyền hành trong trường nên thái độ của ông ấy rất khó chịu. Ông ta lúc nào gặp tui cũng nhìn soi mói và không mấy thiện cảm. Nhất là thấy thái độ bất cần đời của tui nữa nên ông ta rất ghét chỉ chờ cơ hội đến để xử tội tui.
       Cho đến một ngày kia, khi tui đang chăm chỉ học trong lớp, thì ông ấy đột xuất vào. Trên tay ông ấy là 2 tờ quyết định buộc thôi học. Trong đó gồm có tôi và một bạn thân tên VK, gốc người Đà Nẵng. Chúng tôi khá bất ngờ và trố mắt ngạc nhiên cầm lấy tờ quyết định và đọc ở dòng cuối cùng:
Lý do đuổi học: Vô ý thức tổ chức kỷ luật là ăn trộm mì (sắn ) và hát nhạc phản động.
       Biết mình trước sau cũng bị đuổi học rồi, nên tui quyết đến phòng tổ chức giáo vụ hỏi cho ra lẽ.
       Hôm sau, lúc người bạn đồng tội trạng và cảnh ngộ đang thu xếp hành lý chấp nhận để nghỉ học, trở về nhà. Tui một mình lên phòng tổ chức để gặp thầy K. Trông thấy thầy đang ngồi uống nước trà cùng một số thầy khác, trong đó có thầy H là hiệu trưởng cùng thầy V là phó hiệu trưởng. Tui nhìn thẳng vào mắt thầy K hỏi:
       - Thưa thầy, em muốn thầy giải thích cụ thể những tội mà thầy ghi trong quyết định trước khi rời khỏi nhà trường?
       - Thì đó? Anh đã nhổ trộm mì của trường và hát nhạc phản động! - Ông ta vừa trả lời giọng lạnh tanh vừa nhếch một bên mép, cười trông rất gian.
       Tui đảo mắt qua các thầy khác đang chăm chú lắng nghe rồi hỏi tiếp thầy K:
       - Vậy cho em hỏi, mì nhà trường trồng ở đâu và em hát nhạc gì là phản động ạ?...
       - Thì...mì nhà trường không trồng, nhưng những gì mọc trên hàng rào của nhà trường đều là tài sản của trường, tài sản XHCN. Còn hằng đêm anh hát cái nhạc gì xí xô, xí xà giống tiếng của đế quốc...thì không phải phản động là gì? - Ông ta trả lời vẫn cái cười nhếch mép như cũ.
       - Thưa quý thầy! Cái cây "hom" mì ai găm ở hàng rào nhà trường cũng chỉ để rào là chính. Lúc đó em vô tình định nhổ lên rồi cắm xuống lại, nhưng không ngờ phát hiện dưới gốc có dăm quả nhỏ xíu. Em đã vặt những quả ấy, lùi tro nướng cho cả nhóm 15 đứa bạn cùng phòng ăn. Sau đó đã găm lại chỗ cũ như ban đầu. Mà lúc ấy, em đã nhổ lên trước mặt mọi người, vậy thì em đâu có ăn trộm? Còn em hát nhạc Pháp thì cũng bình thường. Trên quê em họ vẫn mở đầy trong quán xá?..thế thì em phản động ở chỗ nào?...
       Lúc ấy, thầy V phó hiệu trưởng trẻ trung người gốc ĐN lúc nãy đến giờ ngồi lắng nghe bèn cất tiếng, giọng ôn tồn:
       - Tôi thấy như những gì em này đã trình bày thì thầy nên cảnh cáo được rồi, kỷ luật buộc thôi học có lẽ hơi nặng.
       - Anh ta đã hát nhạc ngoại quốc, tuyên truyền thứ văn hoá ngoại lai, đồi trụy như thế thì không phản động là gì? Nhà trường có thể tha thứ tội ăn trộm, còn tội phản động thì không thể tha thứ!...
       Thầy V cười cười nhìn tui xong lại nhìn thẳng vào mặt thầy K nói:
       - Anh ta đã hát thứ nhạc mà bản thân anh ta còn không hiểu nội dung bài hát đó nói gì? Thầy cũng không hiểu...thì cả trường này ai hiểu? Mà đã không hiểu thì anh ta tuyên truyền cái gì để gọi là phản động kia chứ?...Thầy nên rộng lượng, cho anh ta một cơ hội vì lớp anh ấy cũng sắp ra trường rồi!...
       Sau vụ đó, nhờ thầy V can thiệp nên tui đã thoát nạn. Tuy nhiên, về chuyện hát nhạc ngoại mà bị ghép tội "phản động" thì tui không bao giờ quên trong suốt cuộc đời của mình. Tui cũng biết mỗi một điều rằng: Tui đang sống ở một xã hội mà những phát ngôn của mình làm "nghịch nhĩ" giới cầm quyền đều có thể mắc vào tội phản động, dù điều mình nói ra; có khi họ không hiểu mình nói cái gì?...
(Cóc Tía), Sài Gòn, 23/01/2016
P/s: Những bức ảnh của những năm tháng thời SV khốn khó 1982-1983




Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

TÔI ĐI CHỌN VỢ...


TÔI ĐI CHỌN VỢ...
       Tôi đã ngán độc thân lắm rồi, bây giờ tôi quyết định lấy vợ. Nhất là ngày nay tìm vợ không khó lắm.        Trên báo chí bao nhiêu là quảng cáo mối lái. Văn phòng Tình yêu ở trung tâm thành phố.
       Một người gác cổng mặc chiếc áo có hai hàng khuy hình trái tim mở cửa cho tôi. Rồi một cô gái quyến rũ đón tôi, mỉm cười cô nói:
       – Xin mời ông sang phòng bên cạnh. Ở đó có hai cái cửa, ông đọc tấm biển trên cửa, rồi vào cửa nào ông thích.
       Tôi bước vào. Đúng là có hai cái cửa thật.
       Một cửa có tấm biển “vợ suốt đời”, tấm biển ở cửa thứ hai “Vợ sẵn sàng ly dị”
       - "Đã cưới thì phải suốt đời chứ”.
       Tôi nghĩ thế, rồi vào cửa thứ nhất. Vào đó, tôi lại thấy hai cái cửa. Ở một cửa có dòng chữ “Trẻ trung, ngây thơ”, cửa kia “Đứng tuổi, đã ly dị hoặc góa chồng”.
       Chính tôi cũng còn ngây thơ lắm, tôi bèn vào cửa thứ nhất. Tôi lại thấy hai cửa “Xinh đẹp, cân đối” và “To béo, có những khuyết tật nhỏ”.
       - "Cân đối là quan trọng lắm”.
       Tôi nghĩ như vậy, rồi vào cửa thứ nhất. Đến phòng thứ năm, tôi phải vào một trong hai cửa “Nhiều họ hàng” hoặc “Chỉ có một mình”.
       - "Vợ thì chỉ được quan tâm đến một người, là chồng !”
       Tôi nghĩ, và vào cửa thứ hai. Vào đó, tôi lại thấy hai cửa “May vá, nấu ăn giỏi” và “Chơi bài giỏi, phải có người giúp việc”.
       Tất nhiên, tôi vào cửa với những người biết may vá, và cũng tất nhiên, tôi lại thấy ở đó có hai cửa nữa.
       Vấn đề đặt ra ở hai tấm biển thật quan trọng “Giàu sang, có biệt thự, ô tô” và “Nghèo rớt mùng tơi”.
       Các bạn cũng biết tôi lao vào cửa nào rồi chứ?
       Tôi mở toang cửa ra thì thấy mình ở ngoài phố!
       Người gác cổng ban nãy kính cẩn đưa cho tôi một gói giấy màu hồng. Anh ta dặn:
       - Về nhà ông hãy mở gói này.
       Sốt ruột quá, đi được vài bước tôi mở luôn. Trong gói có một tấm gương nhỏ và một mảnh giấy, trên đó viết:
       “Để dám yêu cầu có được người vợ tương lai NHƯ THẾ, ông nên soi gương kỹ xem mình như thế nào đã!
       Chớ quên điều đó lần sau!
       Chúc may mắn!”
(ST)

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

VỀ NHỮNG "NGÔI NHÀ"...


VỀ NHỮNG "NGÔI NHÀ"...
       Tối hôm nay, lại một buổi tối về khuya.
       Cũng như bao đêm khác, không vì duyên cớ này cũng vì duyên cớ khác...mình liên tục gặp gỡ bạn bè. Có khi là sinh nhật của một người em gái thân quen. Có khi là những đứa em trai bà con ruột rà lâu ngày, vì bận rộn công việc, nay có chút thời gian rãnh rỗi, mời ông anh ngồi vỉa hè để tâm sự những nỗi vui buồn của cuộc sống. Có khi bạn bè thân quen ngày xưa ghé thăm, muốn la cà quán xá để ôn lại chút kỷ niệm xưa...
       Đó là lý do để giải thích vì sao, có khi liên tục nửa tháng, đêm nào mình cũng ăn nhậu, về khuya...trong khi sức khỏe của mình không cho phép?...
       Tính cách của mình là vậy? Vị nể bạn bè và những người thân. Trân trọng những tình cảm mà họ đã dành cho mình, nên mình đáp trả lại không một chút toan tính. Đôi khi mình tự nghĩ, cách hành xử như vậy cũng nên lắm chứ? Vì sự hiện diện của mình là đã đem đến nguồn vui cho bạn bè và những người thân yêu. Vậy thì xá gì tấm thân già đang rách nát tả tơi?..Hihi...
       Thôi thì đành vậy? Có khi tự an ủi với lòng; con người sống chết có số cả, cứ vui trọn vẹn với bạn bè, vì dù sao mình vẫn còn có một căn nhà để đi về chứ không như những người khác mà hằng đêm, trên đường trở về nhà mình vẫn trông thấy họ.
       Đó là những ông cụ, bà cụ và thỉnh thoảng là những thanh niên hay thiếu phụ. Hầu hết họ là những người độc thân cô đơn. Ban ngày họ rảo bước mưu sinh bằng mọi công việc nào đó nhằm kiếm ra tiền để nuôi sống bản thân...có khi không loại trừ khả năng tìm kiếm sự bố thí từ người khác. Đến đêm về, bên lề đi bộ của những cây cầu là nơi họ dừng chân để tá túc qua đêm. Có những người đêm nào mình cũng thấy họ ở vị trí quen thuộc. Hầu hết họ dựa vào lan can cầu để ngủ ngồi, hai bên được che chắn bởi đôi quang gánh và những tấm bạt ni lon rách tả tơi. Đó chính là ngôi nhà rộng thênh thang của họ với các dịch vụ miễn phí hoàn toàn. Bóng đèn đường cao áp vàng vọt là ánh sáng họ cần để nhìn tỏ mặt những khách lại qua dừng lại chia sẻ cho họ một chút tình; có khi là ổ bánh mì thịt, có khi dăm ba đến vài mươi ngàn khiêm tốn...Máy điều hòa của họ, là làn không khí mát lạnh trong lành được miễn phí hoàn toàn từ dưới dòng kênh đôi thổi ngược lên đến chỗ ngồi nằm của họ. Tiếng động cơ xe máy, tiếng còi xe vang vọng từ xa rồi dồn dập đến gần nghe như bản nhạc giao hưởng miễn phí trong cuộc đời khổ ải đầy cam chịu của họ. Căn nhà ấy đôi khi lại dỗ được giấc ngủ không mộng mị của họ về một tương lai tươi sáng nào mà họ khó có thể nghĩ ra được?... Đôi khi họ cũng cảm thấy ác mộng rõ mồn một mỗi khi có cơn mưa rào bất chợt hay những đêm đông Sài Gòn trở gió...
       Đã rất nhiều lần trên đường về mình thường dừng lại bên họ, đặt vào bàn tay lạnh giá của họ những đồng bạc giấy nhăn nhúm, nhàu nhĩ móc trong chiếc túi quần jean mình đang mặc. Những đồng tiền thừa còn sót lại của cuộc vui vừa đi qua với tâm trạng trống vắng đầy hoài nghi, về thế nào là hạnh phúc hay nỗi bất hạnh của đời người?...
       Mình không chắc lắm họ là người hạnh phúc hay là mình, khi mà lát nữa đây mình lê tấm thân già mỏi mệt lên căn gác nóng bức, ngột ngạt của căn nhà mà mình đang sống và phải trả phí cho mỗi giây hít thở...
       Vậy ai là người hạnh phúc?...Mình không chắc lắm về điều này?...
(Lê quang Luận), Sài Gòn, 0 giờ, 22/01/2016.
P/s: Trên cầu chữ Y, q8, tp Sài gòn lúc 0 giờ, 22/01/2016




TƯỞNG NHƯ?...


TƯỞNG NHƯ?...
       Một hôm, người bạn học rủ rê mình qua một quán nhậu nhỏ dễ thương bên bến Vân Đồn, quận 4 vào một buổi trưa của những ngày cuối năm 2015.
       Quán có mặt tiền khá rộng, xoay mặt ra bờ kênh đào Bến Nghé. Ngồi trên lầu lai rai cùng bạn bè, nhìn sang bên kia con kênh nhỏ mang tên Bến Nghé là đại lộ Võ văn Kiệt rộng thênh thang. Các dòng xe cộ xuôi ngược chạy như mắc cửi. Tiếp phía sau đại lộ là những toà cao ốc chọc trời thuộc trung tâm quận 1, một vài cao ốc đang phản chiếu ánh sáng lấp loáng của tia nắng mặt trời từ các ô cửa kính trên tầng cao.Trên dòng kênh, lẻ loi bóng dáng một chiếc xuồng máy nhỏ, ở đó có hai người đàn ông đang chậm rãi thả và kéo lưới.
       Giữa trung tâm của Sài gòn. Mình đã nhìn thấy hai hình ảnh trái ngược và tương phản nhau rõ rệt. 
       Giữa hai bên dòng kênh là đại lộ thênh thang... mà trên đó là những dòng xe các loại đang hối hả, xuôi ngược đua chen...và chính giữa là dòng kênh, mà trên đó lại đang tồn tại một cuộc sống khác; đó là sự bình thản, chậm rãi và êm ả của những người thả lưới cá, cùng chiếc thuyền con lững lờ trôi...
       Cuộc sống luôn tạo ra những điều bất ngờ, đôi lúc như mâu thuẫn nếu chúng ta chịu khó quan sát một chút?...
       Ví như hình ảnh chúng tôi, "tưởng như" đang thư thả ngồi trên lầu cao giữa trung tâm SG trong buổi trưa nắng chói chang, lặng lẽ nhấm nháp ly bia mát lạnh để tiêu những đồng tiền nhàn rỗi và quan sát dòng đời với những ý nghĩ vẩn vơ; thì phía dưới kia, dọc theo vỉa hè của đại lộ, là cuộc sống tất bật, bon chen của những người lao động. Đó là bác xe ôm bên góc đường đang cò kè mặc cả với một bà thiếu phụ. Là một cậu thanh niên với chiếc xe đạp 3 bánh tự chế mà trên đó là chiếc tủ nhỏ với những ổ bánh mì và cái bếp than đang bốc khói nghi ngút tỏa ra mùi thịt nướng thơm thơm, khét khét.. bay thoang thoảng trong gió; thỉnh thoảng anh ta cất lên tiếng rao: "bánh mì thịt nướng đêy...". Là một mẹ với quang gánh trĩu nặng trên vai mà hai đầu là đủ các loại hàng hóa tiêu dùng, đồ chơi trẻ em treo lủng lẳng. Một chị đang bán thức ăn sáng bên vỉa hè đang tất bật múc đồ ăn cho khách...Hầu như tất cả mọi người ở dưới đó "tưởng như" đang chạy đua với thời gian, kiếm lời từng xu lẻ, để lo cho cuộc sống gia đình của mình...
       Trên lầu nơi mình đang ngồi. Ở phía trước ban công, người ta trồng những chậu bông ngũ sắc để trang trí những mảng xanh cho tòa nhà. Chúng đang ra hoa với nhiều màu sắc vàng đỏ khác nhau xen lẫn trong màu xanh mơn mởn của lá. Có lẽ bông hoa màu đỏ thắm "tưởng như" nó đẹp rực rỡ hơn hẳn những bông hoa sắc vàng quê mùa kia?...
       Cuộc đời mà chúng ta đang sống cũng giống như những đóa hoa ngũ sắc kia vậy. Mỗi người mỗi hoàn cảnh và mỗi công việc khác nhau. Tất cả, như hòa quyện và trộn lẫn vào nhau để tạo nên một bức tranh sống động đầy màu sắc.
       Mỗi người có mỗi số phận khác nhau không ai giống ai cả. Sự hạnh phúc hay khổ đau của mỗi con người nó không thể hiện bởi thân phận và công việc chúng ta thấy ở bên ngoài; mà nó nằm ở bên trong. Ở đó, chỉ có bản thân họ cảm nhận được điều đó...và chịu trách nhiệm gánh vác hay nhàn nhã hưởng thụ!?...
       Chỉ có mỗi một điều giống nhau nhất mà không ai tránh khỏi. Đó là: Bông hoa nào dù đẹp hay xấu rồi cũng sẽ chóng tàn. Con người tưởng như giàu hay nghèo; hạnh phúc hay đau khổ ngoài kia... trước sau cũng phải từ giã cõi đời. Để lại cuộc đời đó cho thế hệ sau tiếp tục sống và luôn tiếp tục trăn trở với suy nghĩ : "tưởng như?"...
(Lê quang Luận),Sài Gòn, 21/01/2016






ĐỂ NHỚ MỘT THỜI TA...ĐÓI MEO...


ĐỂ NHỚ MỘT THỜI TA...ĐÓI MEO...
       Nhớ lúc còn là sinh viên thời bao cấp (năm 1981) đói khát dã man, nên thèm đủ thứ.
       Mỗi buổi sáng nhà bếp tập thể phát cho mỗi đứa 1 cái"bánh xe lịch sử"bột sắn, bằng nắm tay con gái. Ngán ngẫm ăn không nổi, mỗi thằng thi nhau làm nghệ nhân, nắn nót ra đủ loại hình hài dán trên các bức tường trong KTX sinh viên.
       Sau bữa cơm chiều mỗi người được 2 sét chén, thức ăn thì không có gì ngoài cá chuồn khô kho lỏng bỏng, canh"toàn quốc" với nước mắm"đại dương". Đến khoảng 8h tối thì lại đói meo. Thằng nào thằng nấy học đâu có vô? Cứ ngồi trên giường nghe ngóng. Hễ nghe từ xa có tiếng bà thím bán hàng rong quẩy gánh vô tận khu tập thể cùng tiếng rao: "Bánh canh mấy chú..ú..ú?" là cả bọn bật dậy như lò xo, rồi xẹt ra cửa phòng như tia chớp để ăn hàng (có khi phải ký sổ)...hehe...
       Thời ấy, có thằng thì mập bủng beo, có thằng thì ốm nhách như con nghiện. Suy dinh dưỡng thì lấy đâu ra da thịt, nên hồi đó mình ốm đói, chẳng có em nào thèm ngó ngàng đến cả?...Hic...
       Rất nhiều kỷ niệm của một thời sinh viên khốn khó nhưng vui vẻ và vô tư lự. Dự định một ngày đẹp trời kể lại cho các bạn nghe chơi cho dzui.
       Tối nay, lôi ra tấm hình cũ; bỗng nhiên muốn hát bài:
       "Để nhớ một thời ta...đói meo"chứ không phải"...một thời ta đã yêu"?..kkk
(Cóc Tía), Sài Gòn, 18/01/2016
P/s: Cái bụng hồi đó có 8 cục, tập tành riết bi giờ nhập thành 1 cục nên biến thành con Cóc Tía..hehe..(Ảnh chụp năm 1981 trước cửa sổ phòng ở tập thể, ai còn nhớ ko?)

XIN ĐỪNG TRÁCH EM TÔI?...


XIN ĐỪNG TRÁCH EM TÔI?...
Có một buổi chợ chiều tôi đã thấy
Nắng vàng hanh soi rọi những gian hàng
Khách lại qua săm soi xem từng món
Kẻ bán hàng e lệ trút xiêm y.
Em tôi đó, thời vàng son một thuở
Dáng kiêu sa, trong nhung lụa lượt là
Tóc thề bay còn vương mùi hoa cỏ
Làm rộn lòng bao lữ khách lại, qua.
Em ngày đó, ngây thơ cười trong nắng
Nụ hoa tươi e ấp tuổi yêu người
Có một thời, bao chàng trai ấp ủ
Giấc mơ buồn, vì một mối tình si
Tôi muốn hỏi, ai gây nên nông nỗi?
Biến em tôi, nàng thôn nữ dịu dàng
Thành món hàng, trần truồng cho khách chọn
Phơi thân gầy, thời nào đó kiêu sa
Bạn đừng trách, sao em tôi nông nỗi?...
Đem thân vàng, rao bán khách gần xa.
Mà hãy hỏi, kẻ nào đang cai quản.
Đã làm gì để đất mẹ tan hoang!?...
Xin đừng trách em tôi vì mê muội.
Chốn giàu sang, nơi đất lạ quê người.
Mà hãy trách, ai ngày đêm bòn rút?
Những thịt da, hoang hoải đến điêu tàn!
Có ai nhỏ, lệ nào trên thân phận.
Của em tôi; cô gái Việt diệu hiền
Đang đứng đó, nỗi nhục nhằn cam chịu.
Mím môi cười, nuốt lệ ngược vào trong.
Tôi đã thấy, buổi chiều trên sông vắng.
Có em tôi bước vội xuống con đò.
Buổi tiễn đưa, em về nơi xứ lạ.
Nước mắt nào, đong đủ phút biệt ly...
(Cóc Tía), Sài gòn, 17/01/2016
                                         (Ảnh MH: Nguồn internet)

CÂU CHUYỆN VỀ SỰ"KIÊN TRÌ"...


CÂU CHUYỆN VỀ SỰ"KIÊN TRÌ"...
       Chiều nay, thật thú vị khi tôi đọc được một stt rất hay của ts kt Long Nguyen Huu. Anh ấy nói về đề tài: "Nghịch lý lòng kiên trì".
       Việc dẫn giải của anh ta về lý do vì sao lòng kiên trì đôi khi lại dẫn đến thất bại chứ chưa hẳn là đã thành công, làm tôi nhớ lại những câu chuyện về những con người có lòng kiên trì bền vững, nhưng cuối cùng phải chuyển hướng từ mục tiêu đang kiên trì phấn đấu này, qua một mục tiêu khác và đã thành công từ sự từ bỏ lòng kiên trì.
       Trước khi kể lại câu chuyện có thật này tôi xin trích dẫn nguyên văn một đoạn từ bài viết của anh Nguyễn hữu Long.
       Trích:
       "NGHỊCH LÝ LÒNG KIÊN TRÌ.
       Trong buổi hội thảo về startup (khởi nghiệp) vừa qua tại TP.HCM, tôi bảo, một trong những nguyên nhân thất bại của người khởi nghiệp là vì các bạn trẻ quá…kiên trì! Nhiều bạn tỏ vẻ ngạc nhiên. Ai cũng nói, làm việc gì, muốn thành công cũng phải kiên trì. Khởi nghiệp thì lại càng phải kiên trì, thậm chí phải rất kiên trì là đằng khác. Vậy sao lại bảo lòng kiên trì là nguyên nhân của thất bại? Tôi có lý do để nói điều này!
       Kiên trì là đức tính tốt, nhưng quá kiên trì, quá kiên định, kiên cường, kiên trung... mà không biết lượng sức mình, nhiều khi lại gây tác dụng ngược. Bạn tôi từng 4 lần thi rớt đại học. Ai kiên trì như anh? Thử hình dung, nếu anh ta tiếp tục học, tiếp tục thi, có lẽ sẽ thêm lần 5, lần 6, lần 7,…, lần 10…. Và rồi có thể bao ước mơ, hoài bão, kể cả thân xác của anh ta sẽ bị chôn vùi một cách vô vọng trong cái đống sách vở, tài liệu luyện thi ở một xó xỉnh nào đó, ít ai biết đến (tôi biết khá rõ sức học của anh ta). May thay, anh ta đã từ bỏ… lòng kiên trì học và thi, để chọn con đường lập nghiệp khác, rồi trở thành… đại gia nổi tiếng như ngày nay!
       Một người khởi nghiệp khôn ngoan sẽ biết dừng lại đúng lúc mặc cho ai đó nói mình “thiếu kiên trì”. Và trong nhiều trường hợp, việc dừng lại đúng lúc (để lựa chọn mục tiêu khác, con đường khác) lại giúp đem lại sự thành công.
       Cũng tại buổi hội thảo, tôi khuyên các bạn trẻ đừng bao giờ nói sẽ làm việc gì “bằng mọi giá”! Hãy luôn hỏi giá nào, giá đó có đáng để trả hay không!"
       Về đề tài này tôi xin kể một câu chuyện có thật mà tôi từng chứng kiến. Đó là đứa em út con của bà cô ruột của tôi và giấc mộng trở thành bác sĩ của nó. Câu chuyện xảy ra đã khá lâu, cũng hơn 20 năm và hiện nay nó cũng đã thành công với chữ"sĩ" nhờ biết từ bỏ một sự kiên trì kéo dài 7 năm, nhưng không phải là bác sĩ?
       Nó là"họa sĩ"!...
       Nó là một thằng thanh niên có tố chất khá thông minh và đầy cá tính. Ước vọng trở thành bác sĩ đã nung nấu ý chí và biến nó trở thành một chàng trai với lòng kiên trì đáng nể trong 7 năm liền dùi mài kinh sử, đồng nghĩa với 7 lần đến trường thi. Nhưng ở đời, sự kiên trì theo đuổi một mục đích vượt ngoài giới hạn của khả năng đâu phải là điều tốt. Cái giá phải trả cho sự kiên trì không mệt mỏi đó cuối cùng cũng chỉ là con số không to tướng khi 7 lần thi ĐH là 7 lần trượt.
       Điều đáng nói ở đây là sự kiên trì trong chừng ấy năm đã kéo theo một sự kiên trì khác? Đó là sự hy sinh những năm tháng trẻ tuổi, sung độ và đầy ước vọng nhất của thằng anh kế nó. Nó đã hy sinh quãng thời gian 7 năm đó để kiên trì làm ruộng (thay vì học một nghề nghiệp nào đó cho mình) hầu có lúa để đong, nuôi em ăn học và làm lộ phí đi thi. Đó là một sự hy sinh lớn lao xuất phát từ tình huynh đệ hiếm thấy trong thời đại hiện nay.
       Như vậy, sự kiên trì có khi đánh đổi được sự thành công nếu chúng ta xác định được mục tiêu phấn đấu trong tầm với; nhưng cũng sẽ trả giá khá đắt chỉ để thu lại là sự nuối tiếc vì mất đi một khoảng thời gian quý giá của tuổi trẻ.
        Sau khi từ bỏ mục tiêu ban đầu là thi vào trường Y. Năm sau, thằng út đã đậu ngay vào trường đại học Mỹ thuật tp Sài Gòn chỉ qua một lần thi tuyển. Lúc ấy tuổi đời của nó đã ngấp nghé 30.
       Như vậy, phải chăng sự kiên trì chưa hẳn đã là điều tốt và cần thiết khi chúng ta đánh giá không đúng khả năng và mục tiêu phấn đấu của đời mình...
(Lê quang Luận), Sài Gòn, 16/01/2016
P/s: Cám ơn anh NHL về bài viết rất hay và thực tế: "Nghịch lý của lòng kiên trì"




EM CÓ "PHẢN ĐỘNG" KHÔNG?...


EM CÓ "PHẢN ĐỘNG" KHÔNG?...
       Lâu lắm mới gặp lại đứa em ở quê đến thăm. Hai thằng kéo nhau ra quán nhậu. Ngồi chưa ấm đít, nó đã lấm lét, khèo khèo mình hỏi:
       - Em thì không chơi Facebook , nhưng thỉnh thoảng cũng có đọc ké các bài viết của anh qua fb của bạn bè. Em thấy anh viết văn cũng hay mà thỉnh thoảng cũng chửi bới chế độ nữa...vậy anh cho em hỏi anh câu này nhé?
       - Ồ...vậy à? Cứ nói đi em!
       Ngập ngừng một lát nó nói:
       - Ví dụ em mở Facebook, rồi viết ý tưởng của mình là em không thích chế độ cộng sản...thì có bị ghép tội phản động không anh?
       - Cái đó còn tùy? Họ còn phải xem mày có theo đảng phái đối lập nào không? Có tầm ảnh hưởng lớn tới cộng đồng mạng như thế nào...và nhất là có biểu hiện chống phá chế độ hay không nữa?
       - Không anh! Là em viết chỉ không thích chế độ cộng sản thôi!
       Cóc Tía cười bảo:
       - Nếu chỉ vì nói không thích cộng sản mà bị bắt, thì nhà tù ở đâu mà họ nhốt cho hết những người có ý nghĩ như mày hả?...
       Nó nghệch cái mặt ra, rồi trố mắt ngạc nhiên hỏi tiếp một câu dzô dziên nữa:
       - Là sao hả anh, em... hông hiểu?...
       - Mày đúng là thằng ngu. Thì cái xã hội mà mày đang sống ngoại trừ hơn 3 triệu đảng viên với thêm một mớ những thằng giàu lên nhanh chóng nhờ biết lòn lách, lợi dụng cơ chế và những thằng con buôn chính trị lợi dụng quen biết bọn có chức quyền để kiếm tiền mua bán ghế...thì con số mấy mươi triệu dân còn lại có ai thích đâu? Nếu vì không thích mà bắt nhốt hết, thì bọn nó có gom tất cả các nhà tù trên thế giới lại cũng không đủ chỗ nhốt đâu thằng con ạ!...
       Gật gù một lát, vẻ mặt còn bán tín bán nghi. Không thèm mời ai, nó cầm ly bia nốc một hơi xong xoay qua lại hỏi:
       - Thế anh thì sao? Có thích chế độ cộng sản không?...
       Mình trả lời ngay:
       - Đối với tao, tao không quan tâm và không cần biết đất nước đi theo chính thể nào hết. Tao chỉ thích những lãnh đạo của đất nước khi nắm quyền phải tạo được sự giàu có và phát triển toàn diện về mọi mặt cho tổ quốc. Phải khai được dân trí, yêu dân như yêu bản thân mình và tạo được cơm no, áo ấm cho nhân dân...và trên hết phải giữ vững được biên cương, biển đảo của tổ quốc. Phải khôn khéo nhưng không hèn nhát, lệ thuộc trước mọi thế lực thù địch nước ngoài nhất là TQ như hiện nay...còn những thằng nào, đảng phái nào không làm được những điều đó, thì tao, cũng như rất nhiều người khác nữa đều không thích mà chỉ muốn phải thay đổi càng sớm càng tốt; thế thôi!...
       Nó nghe xong không biết có hiểu không lại ngồi gật gù. Tui ngán ngẫm bảo nó:
       - Mà thôi! Lo mà nhậu đi con, mày quan tâm làm đéo gì ba cái chuyện chính trị chi cho mệt óc. Mày cũng đã học câu nói nổi tiếng của cụ tổ cộng sản là ông râu xồm Các Mác rồi: "Ở đâu có áp bức thì ở đó có đấu tranh". Những điều gì không phù hợp và lỗi thời nó sẽ tự nhiên không sớm thì muộn cũng phải đào thải thôi con ạ... Dzô đi mày?...
       - Dzô!!!!!
(Cóc Tía), Sài Gòn, 16/01/2016
P/s: Hình chụp dưới đây là cuộc hội ngộ với hai đứa em con bà cô ruột, xa cách mười mấy năm vì tha phương nơi đất Sài Gòn; không dính dáng gì đến nhân vật trong câu chuyện. Chỉ có chỗ ngồi là nơi gặp gỡ thằng em hỏi cắc cớ đó thôi!..hehe...

TÙY THEO BẠN!?...

                                        (Ảnh MH: Nguồn internet)
TÙY THEO BẠN!?...
       Thỉnh thoảng lên fb múa may, chém gió chút cho đời vui. Nhiều người cứ muốn lên đây chỉ để khoe mẽ, mục đích muốn chứng tỏ "võ nghệ cao cường", trình độ nhận thức cao siêu và xinh đẹp giỏi giang...
       Nếu mình không thích hài hước vui vẻ...thì đừng tham gia, chứ không nên so sánh tài nghệ thấp cao, nhận thức nông sâu, thân phận quý phái - thấp hèn ...với những người khác với mình rồi lên tiếng chỉ trích?...Những vấn đề nào mình cảm thấy không đúng, thì nên đóng góp, phản biện một cách khách quan để tìm ra chân lý...chứ đừng áp đặt, bôi nhọ hay dùng lời lẽ xúc phạm làm cho những người khác có tâm hồn mỏng manh, nhạy cảm dễ đau lòng. Điều đó thể hiện trình độ và tâm đức của mình.
       Qua fb người ta cũng sẽ dễ dàng đánh giá tính cách, cá tính và tâm hồn của bạn chính xác không dưới 80%.
Vì vậy, Cóc tía nghĩ rằng chúng ta nên dè dặt và cẩn thận một chút khi bày tỏ chính kiến của mình trên mạng xã hội, nhất là những ai xem fb như là một nơi để giải trí xả stress; trừ những người chơi fb với mục đích khác.
Đó là ý kiến nhỏ, mà Cóc Tía muốn chia sẻ sau sự cố đáng tiếc xảy ra sáng nay, sau khi CT post bài: "Ném đá giấu tay".
Cóc Tía cám ơn tất cả các bạn, những ai quan tâm đến văn hoá ứng xử trên fb bởi lẽ: "Sự vui vẻ luôn dành cho tất cả những ai biết mở lòng với nó; không phân biệt già hay trẻ, gái hay trai, người sang hay kẻ hèn, thân phận giàu hay nghèo...Tuỳ theo bạn!?..."
Chúc tất cả các bạn một buổi tối vui vẻ và hạnh phúc bên người thân và gia đình của mình.
(Cóc Tía), SG,14012016