Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

THẦY TU VÀ GÁI ĐIẾM.

                                (Ảnh MH: Nguồn internet)
THẦY TU VÀ GÁI ĐIẾM.
     Câu chuyện xảy ra tại một thị trấn nhỏ của đất nước lấy Phật giáo là tín ngưỡng chính của họ.
     Ông ta là một vị thầy tu tại gia có lối sống khắc khổ và chuẩn mực. Ông sống độc thân tại một căn gác nhỏ của một xóm nghèo trong thị trấn. Niềm vui của ông ta là được đắm mình trong những bài kinh kệ và tuân thủ kiêng khem trong sinh hoạt, ăn uống đúng giới luật. Mọi người trong xóm ai ai cũng kính nể và trọng vọng ông ấy.
     Sống đối diện với căn gác của ông ta là căn phòng của một cô gái điếm trẻ trung và xinh đẹp. Cô ấy sống một mình và tiếp khách làng chơi hàng ngày tại căn gác ấy.
     Mỗi khi vắng khách, cô hay nhìn sang cửa sổ của vị thầy tu bằng đôi mắt u buồn, bởi vì mặc cảm, xấu hổ với nghề nghiệp của mình mà không biết thoát ra bằng cách nào. Cô ta luôn kính trọng và ngưỡng mộ vị thầy tu ở căn đối diện. Những lúc như thế cô luôn cầu nguyện và ước ao một ngày nào đó có được cuộc sống an lạc, giản đơn như ông ấy.
     Bên phía đối diện, vị thầy tu hàng ngày phải chứng kiến cảnh tiếp khách liên tục người ra kẻ vào ồn ào của cô gái trẻ. Thâm tâm ông ấy cảm thấy khó chịu và luôn nhìn cô ta mặc con mắt khinh bỉ.
     Đến một ngày nọ, cả hai đều chết.
     Đám ma của vị tu sĩ được tổ chức linh đình với rất nhiều vị cao tăng đến tận nơi tụng niệm trong mùi trầm hương thơm ngát cùng với rất đông môn đệ và những cư dân trong xóm đưa linh cửu của ông đến nơi an nghỉ cuối cùng.
     Ngược lại, đám ma cô gái điếm diễn ra trong lặng lẽ, cô độc. Sự khinh miệt theo cô ta đến tận huyệt sâu lạnh lẽo.
     Dưới tuyền đài, vị thầy tu được phán xét đưa ông xuống Địa ngục, còn cô gái điếm được lên Thiên đàng.
     Phẩn uất với quyết định của Diêm vương, ông đã được giải thích cặn kẻ lý do vì sao.
     "Với sự giữ mình và tuân thủ giới luật tuyệt đối, cho nên khi chết đi, thể xác của ông ta đã được đối xử với sự tôn kính cùng những nghi thức tiễn đưa trọng thể...nhưng tâm hồn của ông lúc còn sống thì luôn đeo đẳng ý nghĩ khinh miệt và xem cô gái điếm là một sinh vật nhuốc nhơ, đáng ghét. Ngược lại, con người của cô gái điếm bị dày vò, dơ bẩn...nên khi chết, thể xác cô ta đã bị trừng phạt. Cô ta phải chịu sự cô độc, lạnh lùng và không hưởng được nghi lễ nào cả. Tuy nhiên, những ngày còn sống, tâm hồn cô ta luôn hướng về những điều thiện lành mà ông đang làm. Luôn kính trọng sự trong sạch thần thánh mà ông đang theo đuổi...và cô ta mong muốn được cứu vớt tội lỗi từ công đức sâu dày của ông.
     Như vậy, thể xác chịu tội cho những việc làm nhơ nhuốc của cô ta. Còn tâm hồn trong sáng, thánh thiện khi nghĩ về người khác, ăn năn ray rức khi nghĩ về mình... thì chính vì điều đó cô ta đã xứng đáng được lên Thiên Đàng. Thể xác của ông sạch sẽ thì được hưởng những ưu đãi, thương tiếc và trọng vọng khi tang lễ, nhưng tư tưởng của ông luôn nghĩ xấu về người khác và khó chịu về điều đó thì tâm hồn của ông đã vấy bẩn. Địa Ngục sẽ là nơi gột rửa linh hồn của ông."
     Cùng các bạn!
     Chúng ta thường ít khi để ý kẻ thù lớn nhất của ta chính là ý nghĩ xấu về người khác và thường không sẵn lòng để nghĩ về những điều tốt đẹp của những người cùng sống chung quanh ta.
     Hãy để những suy nghĩ tốt đẹp về người khác chuyển động liên tục trong tâm hồn của chúng ta!
(Cóc Tía), Sài Gòn, 03/11/2016
P/s: Nghe kể và biên soạn lại.

HÀ NỘI, BAO ĐIỀU CŨ, MỚI.


HÀ NỘI, BAO ĐIỀU CŨ, MỚI.
      Ra thăm Hà Nội chuyến này cùng mấy đứa em gái sau hơn 10 năm. Ngoài việc được thưởng thức các món ăn dân dã rất ngon và lạ miệng đặc trưng của đất Hà Thành như bún thang, bún mộc, miến lươn, miến ngan, bún đậu phụ mắm tôm, chả cá Lã Vọng hay bún ốc, các loại xôi ... và được trầm mình thích thú thụ hưởng không khí se lạnh cùng những con mưa nhẹ đầu Đông. Được la cà cùng những người bạn gốc Hà Nội chính hiệu với tính cách hiếu khách, lịch lãm và am hiểu dẫn nhóm SG tụi mình khám phá những quán cà phê cóc, những quán cà phê truyền thống mà lịch sử của quán có khi tồn tại hơn nữa thế kỷ, nằm sâu hun hút trong những căn hộ tập thể, trên căn gác gỗ cũ kỹ và cổ xưa đến nỗi không biết sẽ đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Được đến viếng cảnh và đốt nén nhang thơm tại các đền chùa, lăng miếu cổ xưa của vùng đất phủ dày rong rêu Thánh tích...Ở đây, bạn sẽ thấy niềm tin về tâm linh của người Hà Nội như thế nào khi thật khó lòng để thắp được nén nhang trong hàng hàng, lớp lớp những người bưng bê lễ vật lên dâng cúng với những mong muốn cầu danh, cần lợi, cầu duyên hay cầu nợ...của họ giữa chốn "trần ai"!?...Chính những điều đó sẽ khiến cho bạn cảm thấy thích thú và yêu quý hơn nếp sống và văn hoá của người Hà Nội cũ vẫn còn được lưu giữ cho đến tận bây giờ.
      Ngược lại với cái cũ là những cái mới được hình thành và phát triển sau 41 năm thống nhất đất nước, đôi khi làm cho bạn chạnh lòng đi kèm với những nổi buồn không thể đặt tên. Đó là sự chấp vá, lúng túng pha tạp không rạch ròi giữa cái cũ cần giữ lại và cái mới cần xây dựng trong quy hoạch đô thị. Bạn có thể phải chen chân giữa phố cổ trong dòng người xe đông nghịt từ những con đường chật hẹp, thậm chí vỉa hè được chiếm dụng để đậu xe máy, để đủ loại những gánh hàng rong bày bán ngỗn ngang ở đó đến nổi không còn chỗ để đi. Nhưng tuyệt nhiên ở đây bạn không hề bị kẹt xe hay phải đứng lại hàng 5 đến 10 phút để ngửi khói bụi.
      Trong khi đó bạn sẽ dễ bị trễ chuyến bay nếu chủ quan thấy bên ngoài thành phố là những đại lộ thênh thang mới được xây dựng, có nơi lên đến chục len đường. Ở những nơi này lại thường xuyên bị kẹt xe hàng tiếng đồng hồ trong những giờ cao điểm đấy bạn!?...
      Cây xanh cổ thụ bị chặt phá không thương tiếc. Đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới xây dựng thì ngoằn nghèo, lồi lõm, ngỗn ngang sắt thép...không biết đến bao giờ mới hoàn thành. Vậy mà dự án này nghe đâu ngốn tiền còn hơn một cái máy hủy tiền khổng lồ cơ đấy. Đó là một trong những dự án mà theo tuoitre.vn gọi tên; "Dự án đầy tai tiếng”.
      Đó là chưa nói đến những dự án khác mà từ quyền lực chính trị của những"nhóm lợi ích", đã xảy ra tranh giành, cướp giật công khai đất cát của dân, tạo ra sự bất ổn và phẩn uất của hàng vạn dân oan khắp đất Hà Thành. Sự phân hoá giai cấp ngày càng bộc lộ rõ từ những khu đất vàng sang trọng và yên tĩnh của những quan lại cộng sản và đám râu ria tư bản đỏ...với những khu nhà ổ chuột xập xệ, chen chúc nhau sống như ruồi bọ của dân đen.
      Cùng với đó là sự tha hoá, xuống cấp của một nền văn hoá ứng xử được mang tiếng thanh lịch nhất đất nước, khi bạn có thể nghe bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu động từ "địt mẹ","đéo bà"...được phát ra từ miệng của những cô bé xinh xắn hay những chàng trai thanh lịch trẻ tuổi giữa chốn đông người nơi công cộng. Hoặc nếu muốn, bạn cứ tự nhiên đến số 41, phố Ngô Sĩ Liên. Ở đó có quán bún nổi tiếng đã được đài CNN quay làm phóng sự về một mụ bán bún mập ú, ăn mặc dơ bẩn, vừa dùng tay trần bốc hốt bún vừa mồm loa mép dãi chửi thề luôn miệng khách hàng của mình trước sự cúi đầu cam chịu và còn có vẻ thích thú của"thượng đế"nữa, đó mới thật là điều kinh khủng của Hà Nội mới hiện nay.
      Còn nhiều điều đáng nói nữa về Hà Nội, nhưng ở stt này Cóc Tía chỉ muốn mô tả bằng cảm xúc riêng từ sự trải nghiệm thực tế trong một quãng thời gian ngắn ngủi 3 ngày lưu lại ở đây. Đó là hai thái cực mà nếu bạn muốn tận hưởng hoặc trải nghiệm, là quyền chọn lựa của bạn nếu có dịp ghé thăm Hà Nội.
(Cóc Tía), Sài Gòn, 02/11/2016























CÁI RÉT ĐẦU ĐÔNG...


CÁI RÉT ĐẦU ĐÔNG...
(Tuỳ bút)
      Đã 2 đêm ở Hà Thành gã không sao ngủ được. Cả đêm qua cũng thế.
      Mới sáng sớm, gã lò mò ngồi dậy, vệ sinh cá nhân qua quýt cho xong, khoác chiếc áo ấm gã lang thang xuống phố lúc gần 6 giờ sáng.
      Hà Nội, ngày đầu Đông bắt đầu trở lạnh. Cái lạnh nhẹ nhàng đi theo những cơn gió hiu hiu cứ từ tốn áp vào người và thấm sâu vào bên trong từng thớ thịt. Phố sá vẫn còn trong cơn ngái ngủ, cửa đóng im ỉm. Gã thả bộ một mình xuống hồ Gươm. Mặt trời vẫn còn trốn ngủ trong bầu trời đầy mây màu xám xịt. Trên mặt hồ phẳng lặng, những làn hơi nước bốc lên mờ phủ cả một vùng rộng lớn. Xa xa tháp Rùa đứng thinh lặng, mờ ảo như đang suy tư về những năm tháng phủ dày lịch sử rong rêu của đời mình.
      Trên bờ hồ, dưới những hàng cây cổ thụ đã có nhiều người đi bộ, chạy bộ và thể dục thư thả. Trên những chiếc ghế đá đặt ven bờ hồ và trên những chiếc xe lăn, có rất nhiều những ông cụ, bà cụ ngồi im lặng, mặt quay ra hồ, mắt nhìn lơ đãng xa xăm. Có lẽ họ đang cố gắng tận hưởng những ngày tháng hay cũng có thể là những giờ phút cuối cùng của đời mình sau nhiều vật vả, thăng trầm và thay đổi trên mảnh đất ngàn năm văn vật mà họ đã từng tự hào lẫn chất ngất thương yêu. Cũng có thể họ đang cảm thấy một điều gì khác mà gã không thể biết được của những người gốc Hà Nội vốn sâu lắng, thâm trầm.
      Gã quay về phố và tìm ra được một quán cà phê cóc trong một ngách sâu giữa những dãy nhà. Quán cóc với vài chiếc ghế đẩu đặt sát vách tường của con hẻm nhỏ mà gã biết bên trong, phía đằng sau là những hộ gia đình gốc Hà Nội sống chen chúc nhiều thế hệ trong đó. Gã biết được điều này qua sách báo mô tả khá rõ về những cư dân phố cổ. Gã không muốn nghĩ về điều đó nữa vì ở địa phương nào cũng có những nét đặc thù riêng của nó. Nhưng đối với những người nghèo, thì dù có sống ở đâu cũng đều phải chịu cảnh thiếu thốn, gò bó và khó khăn vất vả như nhau. Gã gọi một ly cà phê đá và gói thuốc Thăng Long, một loại thuốc lá đặc sản ở Hà Nội rồi ngồi nhìn ra ngoài đường.
      Gã lại nghĩ đến một người có cùng sở thích như gã. Gã thèm được khoác vai người ấy lang thang phố sá, thích nhìn ngắm và suy nghĩ về mọi thứ, rồi nói, rồi cười với những chuyện bá láp bá xàm mà chỉ có gã và người ấy mới có thể nghĩ ra được. Cuối cùng lại ngồi im lặng bên nhau, cùng nhấm nháp từng ngụm cà phê đắng chát thơm lừng và không nói với nhau một lời nào như hai người xa lạ. Đôi khi chỉ chừng ấy thôi, gã cũng cảm thấy ngập tràn hạnh phúc, mặc dù trước đây có nhiều lúc cả hai đứa chỉ còn vài xu lẻ trong túi.
      Gã cười thầm với ý nghĩ đó và bất giác thở dài. Đâu phải ai cũng có suy nghĩ như gã. Nhu cầu đôi khi lại luôn thắng thế trước cảm xúc và ánh hào quang phù phiếm luôn làm mê hoặc nhiều người...cho dù có thể họ sẽ lại đau khổ để tìm kiếm một thứ ánh sáng khác sau khi được vùng vẫy thỏa thê ở đó trong một khoảng thời gian ngắn ngủi.
      Một cơn gió lùa mạnh vào con hẻm làm gã rùng mình cắt ngang dòng suy nghĩ. Gã kêu tính tiền và uể oải đứng dậy. Bên kia đường có tiếng hát từ trong máy nhà ai văng vẳng dội sang:
      Hà nội mùa này...vắng những cơn mưa.
      Cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh...
(Cóc Tía), Hà Nội, 31/10/2016

SẼ "MỤC KÍCH SỞ THỊ"BÚN CHỬI HÀ THÀNH.

                               (Ảnh MH: Nguồn internet)
SẼ "MỤC KÍCH SỞ THỊ"BÚN CHỬI HÀ THÀNH.
      Hôm từ sân bay Nội Bài về Hà Nội, anh bạn Việt kiều từ Đức đem xe đến đón. Anh ta đem vốn về đầu tư làm ăn ở Thủ đô nên ở đây đã lâu. Ngồi trên xe, trong câu chuyện rôm rả giới thiệu về Hà Nội, anh ta và mấy cô em gái đi cùng đề xuất:
      - Sáng mai dẫn anh Cóc Tía đây đi ăn bún chửi và phở xếp hàng cho biết ngon dở thế nào?
      Mình nói:
      - Thôi thôi! Các vị cho mình xin. Dẫu cho món bún có ngon nhất thế giới và ăn free mình cũng không bao giờ bước chân đến cái quán được dân Hà Nội đẩy lên tới tầm"văn hoá"chửi đó đâu? Cho em xin kiếu cái khoản này!..
      Anh VK Đức vừa nói vừa cười:
      - Cũng vui mà anh!?...Đôi khi em và mọi người đến đây ăn mà không nghe chửi...cảm giác như thiêu thiếu cái gì đấy, ăn không ngon miệng! Hihi
      - Ồ! Thế thì đúng là dân Hà Thành đã quen mẹ nó cái"văn hoá chửi" này mất rồi. Thôi tui bó tay với các bác!
      Nghe nhiều, đọc nhiều cái "văn hoá"ăn uống kiểu quái thai này và cảm thấy kinh ngạc đến sửng sốt cũng nhiều. Nhiều bạn biết Cóc Tía đang ngoài Hà Nội điện thoại hoặc nhắn tin hỏi thăm đã ghé ăn đặc sản xứ Hà Thành là món bún chửi chưa? Mình bảo:"Ghé làm gì cái chỗ chó chết ấy cho thêm bực mình!"
      Giờ đọc bài báo này xong xin thay đổi ý kiến. Sáng mai giá nào cũng"mục kích sở thị", đến nhìn mặt bà chủ quán bún chửi nổi tiếng này và nghe chửi một lần thử thực hư"văn hóa chửi"trình độ tới đâu, rồi dzìa Sì Gòn viết stt chửi lại!..hehe...
      Các bạn ráng đợi, nhất là cụ Thuân Đăngthai chờ xem nha?..kkk
Cóc Tía

CẢM XÚC VỀ HÀ NỘI.


CẢM XÚC VỀ HÀ NỘI.
      Cũng đã lâu lắm rồi không ra Hà Nội. Dịp này tháp tùng với những cô em gái nhỏ cùng quê Phố núi ra thăm lại Thủ đô trong một ngày cuối thu. Có rất nhiều cảm xúc buồn vui lẫn lộn, nhưng có lẽ buồn nhiều hơn vui khi nhìn thấy một Hà Nội phát triển ào ạt, rộng mở nhưng chấp vá trên đầm đìa công nợ của đất nước.
      Dạo bước, chen chân trên phố cổ với dòng người xe đông đúc. Những gánh hàng rong với đủ các món ăn đặc trưng của Hà Nội như bún ốc, bún thang, bún mọc...cùng với hàng trăm món ăn chơi khác chiếm trọn vỉa hè ở hai bên đường. Quanh hồ Gươm là phố đi bộ, với hàng ngàn du khách Tây, Ta lẫn lộn đổ về chật kín mọi nẻo đường. Có những băng nhạc hè phố của người ngoại quốc và của những nhóm nhạc của các bạn trẻ Hà Nội chiếm những khoảng trống hiếm hoi để trình diễn những ca khúc đồng quê sâu lắng giữa vòng tròn những khán giả đủ mọi thành phần. Giữa hồ Gươm, trên Tháp bút là những ngọn đèn pha soi thẳng trên bầu trời đêm. Chung quanh hồ, dưới mặt nước đen thẫm, hàng vạn ánh sáng sáng từ những ngọn đèn màu phản chiếu lấp lánh trên mặt hồ tĩnh lặng. Không khí ngột ngạt, hâm hấp nóng trong đêm cuối cùng của mùa Thu Hà Nội để báo hiệu cho những cơn gió lạnh đầu Đông sắp ùa về trong ngày mai xám lặng.
      Không biết nói gì hơn về Hà Nội với kiến thức và sự hiểu biết quá ít về một Thành đô cổ xưa, mà cũng đã có quá nhiều giấy mực nói về Hà Nội rồi. Chỉ là một du khách lẻ loi ghé thăm lại Hà nội với ước muốn được đắm mình trong cảm xúc qua nhiều ca từ mô tả về Hà Nội đã từng được nghe và mong được trải nghiệm điều đó như một người từng có nhiều cảm tình về lịch sử, văn hoá, ẩm thực và con người của vùng đất ngàn năm văn vật mà bất cứ người Việt nào cũng tự hào và yêu mến.
      Chợt nhớ đến ca khúc"Hà nội ngày tháng cũ"của Song Ngọc (tên thật Nguyễn Ngọc Thương) là một nhạc sĩ, ca sĩ người Mỹ gốc Việt. Ông nổi tiếng từ cuối thập niên 1960 tại Miền Nam Việt Nam với những ca khúc viết về tình yêu. Trong đó ông nghĩ về Hà Nội với những ca từ ray rức nỗi nhớ về những ngày tháng cũ trầm lắng, yêu thương.
Hà Nội ngày tháng cũ
Có bóng trăng thơ in trên mặt hồ
Hà Nội ngày tháng cũ
Có tiếng oanh ca bên bờ tường vi
Hà Nội ngày tháng cũ
Có dáng em tôi áo trắng nghiêng nghiêng đường chiều
Tiếng guốc lưa thưa lao xao khua trên vỉa hè
Mùa thu nghe gió heo may
Hà Nội người có nhớ
Tháp Bút chơ vơ liễu xanh vật vờ
Hà Nội người có nhớ
Hương lan vương vương bên hồ Thuyền Quang
Hà Nội người có nhớ
Chiếc áo xanh lam thơ ngây cô em học trò
Áo trắng Tây Sơn Trưng Vương em tan trường về
Đường qua nẻo phố hẹn hò
Ai ra đi mà không nhớ về
Trường Thi ngày ấy ta bên nhau
Ai ra đi mà không nhớ về
Hồ Gươm mù tối gương xưa
Nhớ hàng Bạc, nhớ qua hàng Đào
Nhớ cơn mưa phùn chạy ngang thành phố
Bên em cùng đội mưa mà đi
Đội mưa mà đi ... mà đi
Hà Nội ngày tháng cũ
Mãi mãi theo tôi trôi trên biển đời
Hà Nội ngày tháng cũ
Như mây như mưa trong cuộc tình tôi
Hà Nội còn sống mãi
Chiếc áo xanh lam áo trắng nghiêng trên mặt hồ
Chiếc lá cô đơn lang thang trôi trên vỉa hè
Giờ đây chợt vắng ... ai chờ
(Giờ đâu xa vắng ... mây chiều).
      Ngồi với nhau bên những người bạn cũ, mới, trong một trang trại cách Hà Nội chừng 20km. Nhấp từng giọt rượu cay nồng và thơm lừng hương lúa mới. Được trò chuyện và được các bạn Hà Nội dành cho những người bạn miền Nam nhiều tình cảm trân quý, yêu thương...thấy thực sự ấm lòng.
      Đó là tất cả những gì mà tôi muốn chia sẻ cùng các bạn trong chuyến đi ngắn ngày đóng vai người lữ khách, để chia tay mùa thu Hà Nội và đón được ngày đầu Đông mưa bay lất phất trên mặt hồ Tây cùng những con gió se lạnh trong sự bồi hồi với nhiều cảm xúc khó tả khi nhâm nhi từng giọt cà phê đen thơm lừng trong quán vắng.
      Mong ước một ngày gần đây được quay trở lại nơi này, lang thang trên đường phố Thủ đô với một người tri kỷ, có lẽ sẽ nối dài thêm được chút ký ức thân thương về Hà Nội của những ngày tháng cũ.
(Cóc Tía), Hà Nội, 30/10/2016











TÔI SẼ KHÔNG CÔ ĐƠN!


TÔI SẼ KHÔNG CÔ ĐƠN!
      Chuyến đi Pleiku vừa rồi tôi đã gặp lại một số bạn cũ khá thân trước đây và một số bạn mới. Trong những cuộc gặp gỡ đó, có rất nhiều điều để tôi phải suy nghĩ lại về nhận thức và quan niệm sống của những bạn bè cũ mới.
      Đó là thằng bạn rất thân với tôi trước đây. Nó có khuôn mặt khá bặm trợn và ăn nói bỗ bả, chúa phản động. Nếu như trước đây khi điều kiện kinh tế của nó còn khó khăn. Nó hay bàn về thời cuộc, hay chửi bới về những cái xấu của xã hội đương thời. Đôi khi nó còn dè bỉu, nói kháy về sự giàu có bất thường của những cán bộ quan chức ngồi cùng trong bàn nhậu. Thế nhưng đợt này tôi trở về thăm nó đã thay đổi hoàn toàn. Ở đây, tôi không muốn nói đến sự thay đổi về sự giàu lên nhờ cần cù làm ăn của nó, mà là sự thay đổi về cá tính và quan điểm sống của nó. Có hôm sau khi nhậu ngà ngà, nó khoác vai tôi tâm sự:
      - Tao nói cho mày nghe. Tụi an ninh Việt Nam hiện nay là giỏi nhất trên thế giới đó mày biết không? Kệ mẹ tụi cộng sản muốn làm gì thì làm. Mày cứ im lặng ăn chơi chứ quan tâm làm đéo gì đến chuyện chính trị. Viết lách linh tinh trên Fb có ngày nó hốt vào tù không biết khi nào. Cứ ăn nhậu, hát hò...chụp hình rồi quăng lên Fb thì chả có thằng nào đụng tới mình. Đó là tao thương mày, tao nói thật lòng. Thế nhé!?...
      Vẫn biết là nó lo cho mình, nhưng sao thấy lòng buồn vô hạn.
      Có một thằng em mới quen qua sự giới thiệu của một thằng em cũ. Nó người gốc Quảng Bình, đi bộ đội xuất ngũ về làm trong một bệnh viện quân đội. Trong lúc vui vẻ chén chú chén anh, nó cũng ra vẻ bức xúc về nhiều vấn đề của đất nước hiện nay, nhất là vụ Formosa, vụ xả lũ vừa rồi ở quê hương của nó. Qua chuyện trò trao đổi cởi mở với nhau trong bàn nhậu và nghe bạn nó giới thiệu về Cóc Tía. Nó phấn khởi hỏi nick Fb của Cóc Tía rồi xin add friend. Mình cũng vui vẻ kết bạn vì có gì tốt hơn là từ một người bạn ngoài đời trở thành bạn của nhau trong thế giới ảo. Thế rồi không hiểu vì sao, hôm sau mở Fb định tag tên nó trong một tấm ảnh chụp chung, thì thấy nick cu cậu lặn đâu mất tiêu. Thì ra có lẽ đêm đó, tò mò nó mở Fb của Cóc Tía để tìm hiểu về ông anh mới quen. Chắc thấy ông anh này viết lách"phản động"quá nên lặng lẽ hủy kết bạn, rút êm cho nó lành.
      Không buồn, không vui vì dù sao nó cũng là một thằng đảng viên trẻ tuổi. Khó có thể cùng chiến tuyến với mình.
      Ngược lại với hai thằng bạn già đầu, thì tình cờ mình gặp một cô em trẻ trung và khá xinh đẹp tại một đám cưới. Cô ta trông thấy mình thì vội vã đến nắm tay chào hỏi và nói chuyện rất sôi nổi về nhiều vấn đề thời sự mang tính nhạy cảm trong nước, cùng những bức xúc trước nhiều vấn nạn bất công, tham nhũng lan tràn trong xã hội hiện nay. Cô ta nói:
      - Em không kết bạn với anh trên Fb, nhưng em luôn theo dõi và đọc không thiếu một bài nào của anh. Em và đám bạn của em, tuy không viết lách được như anh, nhưng luôn theo dõi và ủng hộ anh hết mình. Tụi em là phụ nữ nhưng không sợ hãi gì trong cái xã hội quá thối nát này!
      Cảm thấy thật ấm lòng sau những gì đã cảm nhận được từ sự hèn nhát và thay đổi của những thằng bạn già tham sống sợ chết của mình, vì còn đó những người trẻ tuổi đứng cùng chiến tuyến trước cái ác và bất công. Thấy mình sẽ không còn cô đơn!
      Một chuyến đi về quê cũ 4 ngày, nhiều cảm xúc vui buồn khác nhau. Đó là những gì Cóc Tía đã trải nghiệm được trong chuyến đi vừa qua.
      Nếu đọc đến đây, các bạn cảm thấy stt vừa đủ dài thì hãy dừng lại. Còn nếu muốn biết quan điểm riêng của Cóc Tía, thì hãy đọc chia sẻ dưới đây từ Fb của Nhan The Hoang. Vì đó cũng chính là quan điểm sống của Cóc Tía.
      "Nhiều người bảo tôi, thậm chí cười nhạo tôi rằng: mày viết thế thì có thay đổi được gì không mà viết; mày nhà lầu, xe hơi, lại đâu có thù gì với chính quyền sao cứ suốt ngày chỉ trích; hay, mày viết vậy thì nước ngoài nó gửi tiền về cho mày sống à?
      Tôi chỉ cười và bỏ đi bởi tôi biết bản thân mình cần phải làm gì để góp phần thay đổi xã hội theo chiều hướng tích cực hơn, đó còn là quyền, là nghĩa vụ mà một công dân có trách nhiệm cần phải làm, không những cho bản thân mình mà còn cho cả thế hệ con cháu về sau.
      Bạn bảo xã hội không thay đổi được gì khi những người như chúng tôi lên tiếng ư? Vậy vụ án quán cafe xin chào, vụ formosa, vụ tẩy chay nước mắm hoá chất Masan và vô số các vụ án nghiêm trọng khác, nếu không nhờ mạng xã hội thì nó có đem lại kết quả tích cực như hôm nay không?
      Bạn bảo tôi nhà lầu xe hơi, không thù oán gì với chính quyền nên tôi phải im lặng. Vậy tôi im lặng thì tôi và gia đình có tránh được nạn thực phẩm bẩn, có được một bãi biển sạch để tắm, cá tôm sạch để ăn, một môi trường giáo dục tốt hay một bầu không khí không ô nhiễm không? Không, tất nhiên là không rồi, giàu nghèo gì cũng chịu ảnh hưởng ngang nhau cả. Chẳng lẽ muốn những điều đơn giản đó mà tôi hay gia đình tôi phải bỏ xứ để đi đến một đất nước khác có điều kiện tốt hơn thay vì ở lại và cất tiếng nói để thay đổi quê hương mình?
      Bạn lại bảo tôi nhận tiền nước ngoài để sống? Vâng tôi có nhận, tôi nhận nó từ sự yêu quý của tất cả đối với những gì tôi làm, tôi nhận nó khi thấy có trường hợp dân mình ốm đau, bệnh tật mà không tiền thuốc thang hay khi thiên tai lũ lụt. Những đồng tiền tôi nhận đều để giúp người dân chứ tôi chưa bao giờ dùng một đồng nào cho cá nhân mình cả.
      Một xã hội không có phản biện là một xã hội chết. Bạn có thể im lặng, có thể hèn nhát nhưng tôi xin bạn đừng tiêm nhiễm sự hèn nhát đó cho những người đang muốn lên tiếng để XH ngày một tốt đẹp hơn. Bạn cứ việc hèn, cứ việc im lặng nhưng bạn nên ngừng sự chỉ trích với việc lên tiếng của người khác bởi đó là quan điểm, là lẽ sống của họ.
      Họ đã, đang và sẽ đấu tranh cho cuộc sống của họ, đồng bào họ trong đó có cả chính những người đang ngày đêm cười nhạo và dè bĩu họ như các bạn đây.
      Họ sẽ không cô đơn, nhất định là như thế!"
(Cóc Tía), Sài Gòn, 28/10/1016

BỨC TRANH THÁNG MƯỜI.


BỨC TRANH THÁNG MƯỜI.
      Câu chuyện khởi đầu trong tháng 10 là bức tranh có gam màu tối tăm và ảm đạm như mùa thu với những trận cuồng phong bão lũ thi nhau xối xả lên thân phận nghèo hèn của người dân Việt. Đó là những tin tức đầy sự cay đắng và tủi nhục bao trùm lên số phận nghiệt ngã của những người dân thấp cổ bé họng trước những quyền lực đen tối và tàn bạo núp trong bóng đêm cơ chế. Một tháng 10 đầy máu, nước mắt và những nụ cười gằn thỏa mãn trong dục vọng ham hố điên cuồng quyền lực và những đồng tiền bẩn thỉu đến tởm lợm. Có lẽ đó là suy nghĩ của những ai còn chút lương tri đang sống sót trong cái thiên đường rách nát tàn tệ hôm nay.
      Khởi đầu cho những đường nét ký họa lên bức tranh tháng 10 là những lá đơn thưa kiện và những cuộc tuần hành đông đảo, ôn hoà có tổ chức trước gã khổng lồ đại diện cho sự hủy diệt môi trường sống tại Việt Nam mà mãnh đất hẹp miền Trung nghèo túng của Hà Tĩnh phải trực tiếp gánh chịu. Đó là con quái vật mang tên Formosa, được chính phủ bảo kê với hàng ngàn những người lính và CSCĐ trẻ tuổi được trang bị vũ khí tận răng từ chính những đồng tiền thuế còn đẫm mùi mồ hôi của những người khiếu kiện, xuống đường. Cuộc xuống đường dẫu có thắng lợi bước đầu. Những lá đơn kêu gào chính đáng dẫu có nằm được trên bàn giấy của những người được đặt để nhằm đại diện cho công lý, cuối cùng cũng được trả về với những ngư dân cùng những ước ao đòi hỏi chính đáng của họ trong cuộc chiến không cân sức.
      Trong cuộc đấu tranh để đòi hỏi công bằng và quyền lợi chính đáng của mình. Một người mẹ trẻ mang tên Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) đã phải bỏ lại 2 đứa con còn thơ dại của mình để ngồi tù vì dám nói tiếng nói chống bạo quyền và dám hành động quyết liệt để ra sức bảo vệ môi trường trong lành cho đất nước. Đó là nét chấm phá nổi bậc trong bức tranh tháng 10 đen đúa.
      Tiếp theo là những nét cọ nguệch ngoạc mang gam màu xám xịt được tô vẽ lên bức tranh tháng 10 như những đám mây vần vũ, mang theo bão tố và những trận xả lũ kinh hoàng trên dãi đất của 4 tỉnh miền Trung suốt đời lam lũ. Những căn nhà ngập trong biển nước đỏ ngầu. Những gà vịt, trâu bò, heo qué... rên rĩ, kêu gào trong tuyệt vọng giữa đêm đen hủy diệt. Những tài sản, hoa màu là cứu cánh cuối cùng trong cuộc sống bần hàn của họ cũng theo dòng nước trôi đi. Nhưng có lẽ mất mát lớn nhất và đau đớn nhất của những người dân nơi đây, chính là những đứa trẻ con, những người thân của họ đã mãi mãi tắc lịm nụ cười trong tiếng than khóc ngất trời của những người còn ở lại. Họ đã mãi mãi nằm im trong dòng nước lũ lạnh lẽo cuồn cuộn đến ghê hồn trong đêm đen bão dữ. Một cơn bão của lòng dạ tham lam, một cơn lũ của sự ngu ngốc, ích kỷ thấp hèn của những tên tay sai cho những thế lực lợi ích nhóm tham tàn. Trong đem đen đầy nước mắt đó, có những nụ cười gằn khoái trá của những tên đại gia giàu có, khi tài sản của bọn chúng là con đập Hố Hô vẫn còn nguyên vẹn, sừng sững đẻ ra tiền hàng giây đổ vào chiếc túi tham không đáy của bọn chúng. Đó cũng mới chỉ là một nét phát họa mở đầu trong bức tranh tháng 10 đen tối.
      Những nét cọ tiếp theo với gam màu sáng sủa hơn là hành động vùng dậy mạnh mẽ kêu gào từ thiện của một công dân trẻ là MC Phan Anh. Bức tranh lại loé sáng với dồn dập sự hưởng ứng từ thiện cuồng nhiệt của những trái tim nóng bỏng yêu thương từ đồng bào cả nước. Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi đó, từ niềm tin của mọi người, MC Phan Anh đã có trong tài khoản của mình con số trên 20 tỷ để rộng đường cứu khổ nhiều mảnh đời cơ cực trong vùng bão lũ. Thế nhưng một chút gam màu sáng trong bức tranh tăm tối đó đã bị khỏa lấp ngay bằng những nét cọ nghiệt ngã tối tăm hơn, khi hàng chục những luật lệ, nghị định, thông tư...vô hồn được đám bồi bút đỏ đem ra răn đe, truy vấn và hù dọa. Song song với sự cưỡng hiếp của truyền thông là những gã thôn trưởng, xã trưởng mang huy hiệu đỏ và đám linh cẩu tay sai nhào vào nhà dân giành giật những món tiền, hàng cứu trợ vừa được trao tay từ những trái tim son của những tấm lòng từ thiện. Đó quả là một bức tranh gây phẫn nộ và đau đớn đến não lòng.
      Chưa dừng lại ở đó. Bức tranh tháng 10 càng trở nên u tối hơn, khi thế lực đen được mang tên Masan và Vinastast đang bung những đồng tiền bẩn của họ nhằm mua chuộc truyền thông có tên tuổi trong nước như những tờ báo Thanh Niên, Pháp Luật... vẽ lên gam màu sáng sủa trên những sản phẩm nước mắm được mang tên Nam Ngư, Chin Su... chỉ có nước lã và đầy hoá chất độc hại của mình nhằm đánh lận con đen hướng người tiêu dùng quay lưng với nước mắm truyền thống và tiêu diệt chút tử tế hiếm hoi trong những sản phẩm nước mắm truyền thống trong nước, thì bức tranh tháng 10 lại toát lên sự khốn nạn đến tận cùng của bọn đại gia cá mập và bọn bồi bút mất hết lương tâm.
      Nét cọ cuối cùng để hoàn thiện bức tranh đầy máu và nước mắt là gam màu đỏ rực là máu của những em thiếu niên 16 tuổi và vài kẻ trưởng thành khác đã đổ xuống mãnh đất của những người dân đen cất công khai phá ở Đắc Nông trong cuộc tranh chấp rùng rợn bằng súng hoa cải, cho những kẻ cướp mang nhản mác là những tên"đầy tớ nhân dân"đầy quyền lực nhưng thừa mứa sự tàn độc và lòng tham.
      Bức tranh tháng 10 đã hoàn thiện với vài nét khác nữa như hình ảnh những người trong Bộ KH và CN tranh giành nhau xâu xé chiếm đoạt những món hàng bị tịch thu vì cho rằng là hàng giả cần xử lý, tiêu hủy trước nhiều ống kính của truyền thông. Đó cũng là một trong nhiều sự kiện khác tựu chung là những gam màu u ám chứa nội dung xấu xí và ghê tởm.
     Toàn cảnh bức tranh tháng 10 trông như cảnh tra tấn của những tên quỷ sứ mặt mày hung ác, nhe nanh trợn mắt cố xuyên thủng chiếc đinh ba đầy máu lên những thân phận đen đủi, bất hạnh của những người tù được mang tên là nhân dân dưới địa ngục A tỳ.
     Trong số những người nhìn được bức tranh hoang tàn của tháng 10. Có nhiều người thốt lên lời lẽ chửi rủa đầy căm phẫn, nhưng có nhiều người khác sâu sắc và thông minh hơn, lại cầu cho có thêm nhiều bức tranh như vậy nữa, để sự đau đớn, ê chề và bức xúc ngày càng dâng cao đến đỉnh điểm.   Lúc ấy, sẽ không có thế lực nào cản lại sức mạnh của sự hủy diệt khi những khối u ác tính đã di căn, tự vỡ tan tành trong giai đoạn cuối.
(Cóc Tía), Sài Gòn, 26/10/2016

ĐỪNG ĐÁNH TRÁO KHÁI NIỆM.

                                          (Ảnh MH: Nguồn internet)
ĐỪNG ĐÁNH TRÁO KHÁI NIỆM.
      Trả lời kiến nghị của cử tri về việc không đồng tình với hình ảnh cảnh sát giao thông thường xuyên núp bụi cây để bắn tốc độ, lãnh đạo Bộ Công an giải thích “việc kết hợp giữa hình thức đo tốc độ công khai và bí mật là xuất phát từ đòi hỏi của tình hình thực tế" và đó là nghiệp vụ"hoá trang"(!?)...
      CSGT là lực lượng của cơ quan hành pháp. Ngoài biện pháp xử phạt khi phát hiện người tham gia giao thông không chấp hành luật lệ còn có biện pháp răn đe, cảnh cáo...để người dân ý thức chấp hành. Như vậy, việc người cán bộ chiến sĩ CSGT lập chốt để kiểm tra, xử lý vi phạm phải thể hiện bằng hành động công khai và"quang minh chính đại". Đó mới chính là thái độ đúng đắn trước mắt, nhằm răn đe, cảnh báo người có ý định vi phạm phải từ bỏ ngay ý định này. Đó mới chính là hình ảnh đẹp là những cán bộ chiến sĩ CSGT do dân và vì dân.
      Trong thời chiến mới cần"hoá trang", "mai phục" để đánh lừa địch nhằm tiêu diệt mục tiêu, tránh tổn thất lực lượng. Còn trong thời bình, thì đừng đánh tráo khái niệm"hoá trang"bằng hành vi núp lùm bờ bụi, rình rập, lén lút bắt lỗi người vi phạm giao thông là biện pháp cần thiết(!?). Bởi vì hành vi đó chỉ làm xấu xí và bôi bẩn hình ảnh nghiêm trang và đẹp đẽ của một nhân viên công lực. Hình ảnh lén lén lút lút đó chỉ nên dành để miêu tả những kẻ trộm cướp và bọn tội phạm.
      Thử nhìn ra các nước khác trên Thế Giới xem, lực lượng Police của họ có bao giờ hành động theo kiểu như vậy không?
      Điều gì dân thấy không đúng thì nên nghiêm túc tiếp thu và sửa chữa chứ đừng ra sức bao che cho hành vi sai trái, xấu xí đến khó coi của mình. Vì như thế chỉ làm người dân ngày càng đánh mất niềm tin, không tâm phục, khẩu phục và căm ghét, để rồi luôn tìm cách đối phó với lực lượng CSGT thay vì tự giác thay đổi để chấp hành luật lệ.
Cóc Tía



 (Ảnh MH: Nguồn internet)

SỢ AI NHẤT? AI SỢ NHẤT?


SỢ AI NHẤT? AI SỢ NHẤT?
      Trong cuộc thi mang tầm quốc tế về nỗi sợ hãi được mang tên"Sợ ai nhất? Ai sợ nhất?" của đại diện cho dân đen của 197 các Quốc gia khác nhau trên Thế giới được tổ chức tại Hà Lan.
      Lọt vào vòng chung kết cuối cùng còn lại 3 nước. Đó là: Romani, Mỹ và VN.
      Khi ban giám khảo cuộc thi hỏi đại diện của người dân xứ Romani ai đáng sợ nhất, thì được trả lời đó chính là "Ác quỷ Dracula". Hỏi:"vì sao?". Trả lời:"Vì đó là một lãnh chúa tàn ác nhất mọi thời đại!".
      Thấy cung cách trả lời như vậy BGK xác định đó thực sự chưa phải là sự sợ hãi nên đánh rớt đại diện này.
      Đến phần thi của đại diện xứ Mỹ. Câu trả lời cho sự sợ hãi nhất của họ chính là nỗi ám ảnh từ bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Hỏi:"Vì sao?". Câu trả lời:"Đó là bọn khủng bố giết người không gớm tay chuyên núp trong bóng tối. Rất sợ!".
      Thấy đại diện của một nước có tiềm lực quân sự và kinh tế thuộc hàng mạnh nhất TG mà còn sợ bọn IS như thế thì BGK nhìn nhau gật gù, chờ đợi kết quả vị đại diện cuối cùng là VN.
      Khi BGK đặt câu hỏi:"Người dân ở đất nước anh sợ ai nhất?", thì anh ta run là cà lập cập, lấm lét nhìn trước nhìn sau xong trả lời lắp bắp:"Dạ...dạ...họ sợ nhất là Đ...". Vừa mới nói đến đó anh ta đã lăn ra bất tỉnh nhân sự. Nghĩ rằng anh ta đóng kịch, BGK quyết định xối nước cho anh ta tỉnh lại, rồi hỏi tiếp:"Anh phải nói rõ"Đ"là ai? Và lý do mà anh sợ?". Mặt xanh như đít nhái, anh ta xua tay nói không ra hơi:"Dạ cho em xin rớt ạ! Em không dám nói nữa đâu, sợ lại bị họ chụp mũ bỏ tù vì tội nói xấu...thì chỉ có chết rục xương trong đó..huhu."
      Nhìn thấy rõ ràng sự sợ hãi tột cùng của anh ta, cuối cùng BGK quyết định cho anh ta đoạt giải nhất cho sự sợ hãi và ai làm họ sợ, mặc dù họ chưa biết"ai"hay "thế lực"nào đã làm họ trở nên hèn nhát và sợ hãi đến nỗi không dám đọc tới tên như thế, trước sự ngạc nhiên đến tột đỉnh của đại diện 2 nước còn lại.
Cóc Tía

CHỊ TÔI.


CHỊ TÔI.
      Cóc Tía có mỗi một người chị ruột. Nếu phải nói trên đời này ai yêu thương Cóc Tía nhất thì có lẽ ngoài cha và mẹ đã mất, chỉ còn mỗi chị là người phụ nữ cuối cùng yêu thương Cóc nhất. Tình yêu ấy như của một người mẹ mà tình cảm đó nhiều đến nỗi các cháu, con của chị, đôi khi cũng có chút ghen hờn.
      Chị hơn tuổi Cóc một giáp, cũng là tuổi con Trâu già quanh năm cày ải, lo cho người nhiều hơn người lo cho mình. Những người tuổi Sửu vốn bạc phận, hạnh phúc có được chỉ ngắn ngủi, thoáng qua khi làm được một điều gì đó cho người khác. Ai tuổi Sửu thử nghiệm điều Cóc Tía nói có đúng không!?...
      Hiện chị đang ở Mỹ và là một Phật tử đúng nghĩa. Vừa rồi cách đây 2 hôm chị bị té ngã sau nhà nứt cột sống và đang điều trị tại Bv ở tiểu bang CA nơi chị sinh sống. Vết thương cột sống gây đau đớn vô cùng. Nghe các cháu nói nếu không có ý chí và nghị lực sẽ bị liệt suốt quãng đời còn lại.
      Là một đệ tử trung thành của Phật, là một phụ nữ xem như đơn thân từ lúc tuổi chị mới đôi mươi, một mình nuôi chồng tù tội 11 năm dưới thời cs vừa giải phóng miền Nam. Khi anh ra tù, chị lại phải nuôi chồng đã tàn phế và 3 đứa con nhỏ dưới thời bao cấp khó khăn và đầy sự khinh miệt, hiếp đáp, bất công vì chị là vợ của cái gọi là"Nguỵ quyền". Khó khăn chồng chất như thế nhưng chị vẫn vượt qua được để ngày hôm nay các con của chị đều được học hành, có gia đình và sự nghiệp nơi xứ người, biết rằng để có được điều đó chị đã hy sinh hết cả tuổi thanh xuân của một đời con gái.
      Những khó khăn chồng chất đó, bằng niềm tin mãnh liệt vào ý chí và ánh sáng của Phật pháp chị đã vượt qua được, vậy thì vì vết nứt của chiếc xương sống lưng lẽ nào chị chịu bó tay nằm yên!?...
      Bài viết về "Chị tôi"nhân ngày Phụ nữ VN 20/10, như một lời cầu nguyện thành tâm mong chị sớm vượt qua tai nạn này và bình an sẽ lại trở về với cuộc sống bình thường của chị.
      Yêu chị rất rất nhiều!
(Cóc Tía), Sài Gòn, 20/10/2016





CỐ LÊN NHÉ "MÍT TƠ"ĐÀM!


CỐ LÊN NHÉ "MÍT TƠ"ĐÀM!
     Ngày hôm qua, tình cờ nghe một cô bé trong tiệm cắt tóc ca tụng hết lời ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, vì anh ta cũng lặn lội ra tận vùng tâm lũ ở miền Trung để trao tặng quà cho người dân ngoài đó. Cô ta còn nói, anh ấy phát biểu rằng; thà mình chịu cực khổ để trao quà tận tay người dân, chứ nhất quyết không nhờ chính quyền sở tại, vì họ đã quen thói tham lam.
     Chưa biết thực tế đúng sai ra sao, vì trên mạng mình chưa đọc được bài viết hoặc chưa xem được hình ảnh nào về anh ta, nhưng nghe thông tin như vậy mình cũng cảm thấy ấm lòng và bớt ác cảm với anh chàng họ Đàm này.
     Tối nay, mình"seach"trên mạng và tìm ra bài viết về việc làm từ thiện ủng hộ đồng bào bão lũ miền Trung của"mít tơ"Đàm. Tuy rằng anh đang hành động thiện nguyện, nhưng nghe anh tâm sự là vẫn còn bị ném đá tới tấp của cư dân mạng Fb vì nhiều lý do khác nhau.
     Mình chỉ hy vọng anh ta bớt phát biểu ngông cuồng, xàm xí trong khi đi làm từ thiện ngoài đó thì tuyệt lắm. Vì thật ra mình chẳng ghét dơ gì anh ta, nếu Đàm ta bỏ đi tính hay khoe khoang và cách phát biểu tinh tướng và trịch thượng, thì Cóc Tía đã không mắc công nổi sân si chửi rủa anh ấy làm gì, mặc dù CT vẫn không cảm được mấy, giọng hát khàn đục, gào rống của anh ta!
     Đây là bài viết đầu tiên mình ca tụng và không nói xấu anh ta, bởi vì anh ấy đang chung sức nắm lấy bàn tay của những mãnh đời nghèo khó và bất hạnh từ đồng bào vùng bão lũ miền Trung.
     Tuyệt lắm! Cố lên nhé em trai "mít tơ"Đàm!..Hihi..
Cóc Tía
P/s: Ảnh từ Dân Việt.

HÃY NẮM LẤY BÀN TAY.

                                (Ảnh MH: Nguồn internet)
HÃY NẮM LẤY BÀN TAY.
     Mấy ngày qua trên trang mạng tràn ngập tin tức về bão lũ miền Trung. Cùng với nhiều phóng sự và hình ảnh chia sẻ những khó khăn và hoạn nạn đến đau lòng của người dân nghèo trong vùng mưa bão, còn có những tin tức gây sự giận dữ trong lòng về sự ngu dốt, tham lam và xem thường pháp luật và mạng sống của những hộ dân sống dưới vùng hạ lưu đập thủy điện, từ những tên lãnh đạo Thuỷ điện Hố Hô. Đó chính là hành động xả lũ trong đêm không cần báo trước nhằm tránh nguy cơ vỡ đập mặc cho hậu quả gây nên là sự chết chóc của con người và thiệt hại tài sản vô cùng to lớn của dân.
     Đó là một tai nạn kép mà tất cả chúng ta không chỉ đổ lỗi cho Trời. Sự mất mát và đau thương này xét cho cùng là do con người mà ra cả. Vì đất nước này rơi vào tay những kẻ cầm quyền lãnh đạo thừa sự yếu kém về tài năng nhưng lại thiếu rất nhiều đạo đức. Dư dả lòng tham nhưng thiếu nhiều trách nhiệm. Hệ quả đã biến một đất nước thừa tài nguyên"rừng vàng"trở thành hoang phế vì nạn cướp phá rừng triền miên và có hệ thống, nạn xây thuỷ điện lớn nhỏ lan tràn, làm thay đổi cân bằng sinh thái."Biển bạc"cũng vì lý do con người đó, đã trở thành nghèo tôm cá và đầy độc chất. Lỗi này biết trách ai nếu không phải từ chính sách và chế độ của những người cầm quyền!?...
     Đó là một lỗi hệ thống mà nếu không thay đổi tận gốc thì khó lòng khắc phục để phát triển đất nước và hạn chế tai ương. Khi tôi nói lên điều này tôi không hề sợ hãi gì, bởi lẽ những ai đang cầm cân nãy mực, nắm quyền điều khiển đất nước này chắc cũng đều thấy rõ. Vấn đề là họ có vì đất nước và dân tộc để quyết liệt cải tổ hay không mà thôi.
     Trong tai họa đã và đang xảy ra đó, còn có nhiều điều đáng mừng. Đó là sự đồng cảm của một vài tổ chức, cá nhân, nghệ sĩ và những nhà báo có tâm...họ đã đồng hành cùng dân miền Trung quyên góp, giúp đở tài,vật lực để vượt qua bất hạnh. Tinh thần"lá lành đùm lá rách", "một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ"... vẫn là một đức tính đáng quý mà bao đời nay vẫn còn lưu giữ mãi làm tài sản quý giá cho đến mãi bây giờ.
     Hãy thôi kêu gào thương xót và chỉ trích nhau nữa, mà hãy chung tay hành động để cứu miền Trung cũng là một thông điệp đầy tính nhân văn mà tôi đọc từ nhiều stt trên mạng Fb, thật sự làm tôi xúc động.
     Tôi không có điều kiện gì nhiều để chung tay góp sức cùng các bạn, chỉ có mỗi tấm lòng luôn hướng về miền Trung quê tôi và những lời chia sẻ chân tình này. Với mong muốn nhiều hơn nữa những tấm lòng son cùng bớt đi chút thú vui riêng để chia sẻ nỗi đau chung, nắm lấy bàn tay của miền Trung thân yêu - Nơi miền đất hẹp nghèo nàn nhưng luôn oằn vai gánh những bất hạnh để hai đầu tổ quốc được bình yên.
Cóc Tía
                                 (Ảnh MH: Nguồn internet)

EM LÀ AI?

                                         (Ảnh MH: Nguồn internet)
EM LÀ AI?
      Em không phải là một người phụ nữ cực kỳ xinh đẹp.
      Em cũng không phải là một nữ doanh nhân giàu có, thành đạt.
      Em càng không phải là nữ minh tinh màn bạc hay nghệ sĩ u tối gì trong giới Showbiz Việt.
      Em chỉ là một người phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ như bao bà mẹ khác ở xã hội Việt Nam hiện nay.
      Nhưng như bao người Việt Nam yêu chuộng tự do, hoà bình và công lý khác; tôi yêu quý em ở tinh thần đấu tranh không mệt mỏi cho điều đó.
      Tôi khâm phục em ở ý chí và lòng dũng cảm quyết đấu tranh đến cùng cho một đất nước có nền dân chủ thực sự và không bị lệ thuộc ngoại bang.
      Tôi trân trọng và ngưỡng mộ em vì đã dám hy sinh tuổi trẻ của mình cho một nước Việt Nam xanh sạch, cho một môi trường không bị ô nhiễm vì bị kẻ thù đầu độc, âm mưu hủy hoại cả tương lai bình yên của một dân tộc VN yêu chuộng hoà bình và bác ái.
      Em là ai? Là ai?
Cóc Tía