Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

HÀ NỘI, BAO ĐIỀU CŨ, MỚI.


HÀ NỘI, BAO ĐIỀU CŨ, MỚI.
      Ra thăm Hà Nội chuyến này cùng mấy đứa em gái sau hơn 10 năm. Ngoài việc được thưởng thức các món ăn dân dã rất ngon và lạ miệng đặc trưng của đất Hà Thành như bún thang, bún mộc, miến lươn, miến ngan, bún đậu phụ mắm tôm, chả cá Lã Vọng hay bún ốc, các loại xôi ... và được trầm mình thích thú thụ hưởng không khí se lạnh cùng những con mưa nhẹ đầu Đông. Được la cà cùng những người bạn gốc Hà Nội chính hiệu với tính cách hiếu khách, lịch lãm và am hiểu dẫn nhóm SG tụi mình khám phá những quán cà phê cóc, những quán cà phê truyền thống mà lịch sử của quán có khi tồn tại hơn nữa thế kỷ, nằm sâu hun hút trong những căn hộ tập thể, trên căn gác gỗ cũ kỹ và cổ xưa đến nỗi không biết sẽ đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Được đến viếng cảnh và đốt nén nhang thơm tại các đền chùa, lăng miếu cổ xưa của vùng đất phủ dày rong rêu Thánh tích...Ở đây, bạn sẽ thấy niềm tin về tâm linh của người Hà Nội như thế nào khi thật khó lòng để thắp được nén nhang trong hàng hàng, lớp lớp những người bưng bê lễ vật lên dâng cúng với những mong muốn cầu danh, cần lợi, cầu duyên hay cầu nợ...của họ giữa chốn "trần ai"!?...Chính những điều đó sẽ khiến cho bạn cảm thấy thích thú và yêu quý hơn nếp sống và văn hoá của người Hà Nội cũ vẫn còn được lưu giữ cho đến tận bây giờ.
      Ngược lại với cái cũ là những cái mới được hình thành và phát triển sau 41 năm thống nhất đất nước, đôi khi làm cho bạn chạnh lòng đi kèm với những nổi buồn không thể đặt tên. Đó là sự chấp vá, lúng túng pha tạp không rạch ròi giữa cái cũ cần giữ lại và cái mới cần xây dựng trong quy hoạch đô thị. Bạn có thể phải chen chân giữa phố cổ trong dòng người xe đông nghịt từ những con đường chật hẹp, thậm chí vỉa hè được chiếm dụng để đậu xe máy, để đủ loại những gánh hàng rong bày bán ngỗn ngang ở đó đến nổi không còn chỗ để đi. Nhưng tuyệt nhiên ở đây bạn không hề bị kẹt xe hay phải đứng lại hàng 5 đến 10 phút để ngửi khói bụi.
      Trong khi đó bạn sẽ dễ bị trễ chuyến bay nếu chủ quan thấy bên ngoài thành phố là những đại lộ thênh thang mới được xây dựng, có nơi lên đến chục len đường. Ở những nơi này lại thường xuyên bị kẹt xe hàng tiếng đồng hồ trong những giờ cao điểm đấy bạn!?...
      Cây xanh cổ thụ bị chặt phá không thương tiếc. Đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới xây dựng thì ngoằn nghèo, lồi lõm, ngỗn ngang sắt thép...không biết đến bao giờ mới hoàn thành. Vậy mà dự án này nghe đâu ngốn tiền còn hơn một cái máy hủy tiền khổng lồ cơ đấy. Đó là một trong những dự án mà theo tuoitre.vn gọi tên; "Dự án đầy tai tiếng”.
      Đó là chưa nói đến những dự án khác mà từ quyền lực chính trị của những"nhóm lợi ích", đã xảy ra tranh giành, cướp giật công khai đất cát của dân, tạo ra sự bất ổn và phẩn uất của hàng vạn dân oan khắp đất Hà Thành. Sự phân hoá giai cấp ngày càng bộc lộ rõ từ những khu đất vàng sang trọng và yên tĩnh của những quan lại cộng sản và đám râu ria tư bản đỏ...với những khu nhà ổ chuột xập xệ, chen chúc nhau sống như ruồi bọ của dân đen.
      Cùng với đó là sự tha hoá, xuống cấp của một nền văn hoá ứng xử được mang tiếng thanh lịch nhất đất nước, khi bạn có thể nghe bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu động từ "địt mẹ","đéo bà"...được phát ra từ miệng của những cô bé xinh xắn hay những chàng trai thanh lịch trẻ tuổi giữa chốn đông người nơi công cộng. Hoặc nếu muốn, bạn cứ tự nhiên đến số 41, phố Ngô Sĩ Liên. Ở đó có quán bún nổi tiếng đã được đài CNN quay làm phóng sự về một mụ bán bún mập ú, ăn mặc dơ bẩn, vừa dùng tay trần bốc hốt bún vừa mồm loa mép dãi chửi thề luôn miệng khách hàng của mình trước sự cúi đầu cam chịu và còn có vẻ thích thú của"thượng đế"nữa, đó mới thật là điều kinh khủng của Hà Nội mới hiện nay.
      Còn nhiều điều đáng nói nữa về Hà Nội, nhưng ở stt này Cóc Tía chỉ muốn mô tả bằng cảm xúc riêng từ sự trải nghiệm thực tế trong một quãng thời gian ngắn ngủi 3 ngày lưu lại ở đây. Đó là hai thái cực mà nếu bạn muốn tận hưởng hoặc trải nghiệm, là quyền chọn lựa của bạn nếu có dịp ghé thăm Hà Nội.
(Cóc Tía), Sài Gòn, 02/11/2016























Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét