BỨC TRANH THÁNG MƯỜI.
Câu chuyện khởi đầu trong tháng 10 là bức tranh có gam màu tối tăm và ảm đạm như mùa thu với những trận cuồng phong bão lũ thi nhau xối xả lên thân phận nghèo hèn của người dân Việt. Đó là những tin tức đầy sự cay đắng và tủi nhục bao trùm lên số phận nghiệt ngã của những người dân thấp cổ bé họng trước những quyền lực đen tối và tàn bạo núp trong bóng đêm cơ chế. Một tháng 10 đầy máu, nước mắt và những nụ cười gằn thỏa mãn trong dục vọng ham hố điên cuồng quyền lực và những đồng tiền bẩn thỉu đến tởm lợm. Có lẽ đó là suy nghĩ của những ai còn chút lương tri đang sống sót trong cái thiên đường rách nát tàn tệ hôm nay.
Khởi đầu cho những đường nét ký họa lên bức tranh tháng 10 là những lá đơn thưa kiện và những cuộc tuần hành đông đảo, ôn hoà có tổ chức trước gã khổng lồ đại diện cho sự hủy diệt môi trường sống tại Việt Nam mà mãnh đất hẹp miền Trung nghèo túng của Hà Tĩnh phải trực tiếp gánh chịu. Đó là con quái vật mang tên Formosa, được chính phủ bảo kê với hàng ngàn những người lính và CSCĐ trẻ tuổi được trang bị vũ khí tận răng từ chính những đồng tiền thuế còn đẫm mùi mồ hôi của những người khiếu kiện, xuống đường. Cuộc xuống đường dẫu có thắng lợi bước đầu. Những lá đơn kêu gào chính đáng dẫu có nằm được trên bàn giấy của những người được đặt để nhằm đại diện cho công lý, cuối cùng cũng được trả về với những ngư dân cùng những ước ao đòi hỏi chính đáng của họ trong cuộc chiến không cân sức.
Trong cuộc đấu tranh để đòi hỏi công bằng và quyền lợi chính đáng của mình. Một người mẹ trẻ mang tên Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) đã phải bỏ lại 2 đứa con còn thơ dại của mình để ngồi tù vì dám nói tiếng nói chống bạo quyền và dám hành động quyết liệt để ra sức bảo vệ môi trường trong lành cho đất nước. Đó là nét chấm phá nổi bậc trong bức tranh tháng 10 đen đúa.
Tiếp theo là những nét cọ nguệch ngoạc mang gam màu xám xịt được tô vẽ lên bức tranh tháng 10 như những đám mây vần vũ, mang theo bão tố và những trận xả lũ kinh hoàng trên dãi đất của 4 tỉnh miền Trung suốt đời lam lũ. Những căn nhà ngập trong biển nước đỏ ngầu. Những gà vịt, trâu bò, heo qué... rên rĩ, kêu gào trong tuyệt vọng giữa đêm đen hủy diệt. Những tài sản, hoa màu là cứu cánh cuối cùng trong cuộc sống bần hàn của họ cũng theo dòng nước trôi đi. Nhưng có lẽ mất mát lớn nhất và đau đớn nhất của những người dân nơi đây, chính là những đứa trẻ con, những người thân của họ đã mãi mãi tắc lịm nụ cười trong tiếng than khóc ngất trời của những người còn ở lại. Họ đã mãi mãi nằm im trong dòng nước lũ lạnh lẽo cuồn cuộn đến ghê hồn trong đêm đen bão dữ. Một cơn bão của lòng dạ tham lam, một cơn lũ của sự ngu ngốc, ích kỷ thấp hèn của những tên tay sai cho những thế lực lợi ích nhóm tham tàn. Trong đem đen đầy nước mắt đó, có những nụ cười gằn khoái trá của những tên đại gia giàu có, khi tài sản của bọn chúng là con đập Hố Hô vẫn còn nguyên vẹn, sừng sững đẻ ra tiền hàng giây đổ vào chiếc túi tham không đáy của bọn chúng. Đó cũng mới chỉ là một nét phát họa mở đầu trong bức tranh tháng 10 đen tối.
Những nét cọ tiếp theo với gam màu sáng sủa hơn là hành động vùng dậy mạnh mẽ kêu gào từ thiện của một công dân trẻ là MC Phan Anh. Bức tranh lại loé sáng với dồn dập sự hưởng ứng từ thiện cuồng nhiệt của những trái tim nóng bỏng yêu thương từ đồng bào cả nước. Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi đó, từ niềm tin của mọi người, MC Phan Anh đã có trong tài khoản của mình con số trên 20 tỷ để rộng đường cứu khổ nhiều mảnh đời cơ cực trong vùng bão lũ. Thế nhưng một chút gam màu sáng trong bức tranh tăm tối đó đã bị khỏa lấp ngay bằng những nét cọ nghiệt ngã tối tăm hơn, khi hàng chục những luật lệ, nghị định, thông tư...vô hồn được đám bồi bút đỏ đem ra răn đe, truy vấn và hù dọa. Song song với sự cưỡng hiếp của truyền thông là những gã thôn trưởng, xã trưởng mang huy hiệu đỏ và đám linh cẩu tay sai nhào vào nhà dân giành giật những món tiền, hàng cứu trợ vừa được trao tay từ những trái tim son của những tấm lòng từ thiện. Đó quả là một bức tranh gây phẫn nộ và đau đớn đến não lòng.
Chưa dừng lại ở đó. Bức tranh tháng 10 càng trở nên u tối hơn, khi thế lực đen được mang tên Masan và Vinastast đang bung những đồng tiền bẩn của họ nhằm mua chuộc truyền thông có tên tuổi trong nước như những tờ báo Thanh Niên, Pháp Luật... vẽ lên gam màu sáng sủa trên những sản phẩm nước mắm được mang tên Nam Ngư, Chin Su... chỉ có nước lã và đầy hoá chất độc hại của mình nhằm đánh lận con đen hướng người tiêu dùng quay lưng với nước mắm truyền thống và tiêu diệt chút tử tế hiếm hoi trong những sản phẩm nước mắm truyền thống trong nước, thì bức tranh tháng 10 lại toát lên sự khốn nạn đến tận cùng của bọn đại gia cá mập và bọn bồi bút mất hết lương tâm.
Nét cọ cuối cùng để hoàn thiện bức tranh đầy máu và nước mắt là gam màu đỏ rực là máu của những em thiếu niên 16 tuổi và vài kẻ trưởng thành khác đã đổ xuống mãnh đất của những người dân đen cất công khai phá ở Đắc Nông trong cuộc tranh chấp rùng rợn bằng súng hoa cải, cho những kẻ cướp mang nhản mác là những tên"đầy tớ nhân dân"đầy quyền lực nhưng thừa mứa sự tàn độc và lòng tham.
Bức tranh tháng 10 đã hoàn thiện với vài nét khác nữa như hình ảnh những người trong Bộ KH và CN tranh giành nhau xâu xé chiếm đoạt những món hàng bị tịch thu vì cho rằng là hàng giả cần xử lý, tiêu hủy trước nhiều ống kính của truyền thông. Đó cũng là một trong nhiều sự kiện khác tựu chung là những gam màu u ám chứa nội dung xấu xí và ghê tởm.
Toàn cảnh bức tranh tháng 10 trông như cảnh tra tấn của những tên quỷ sứ mặt mày hung ác, nhe nanh trợn mắt cố xuyên thủng chiếc đinh ba đầy máu lên những thân phận đen đủi, bất hạnh của những người tù được mang tên là nhân dân dưới địa ngục A tỳ.
Trong số những người nhìn được bức tranh hoang tàn của tháng 10. Có nhiều người thốt lên lời lẽ chửi rủa đầy căm phẫn, nhưng có nhiều người khác sâu sắc và thông minh hơn, lại cầu cho có thêm nhiều bức tranh như vậy nữa, để sự đau đớn, ê chề và bức xúc ngày càng dâng cao đến đỉnh điểm. Lúc ấy, sẽ không có thế lực nào cản lại sức mạnh của sự hủy diệt khi những khối u ác tính đã di căn, tự vỡ tan tành trong giai đoạn cuối.
(Cóc Tía), Sài Gòn, 26/10/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét