Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

NỖI LO MÙA CƯỚI...

                                (Ảnh MH: Nguồn internet)
NỖI LO MÙA CƯỚI...
       Mỗi năm, bắt đầu qua Lễ Giáng sinh và khi mùa Xuân đang dần chạm ngõ. Trong không khí mát dịu, với nắng nhạt, gió hiu hiu mơn man da thịt trong mỗi sớm mai thức giấc. Bầu trời trong xanh hơn với những đám mây trắng bay lơ lững, với hoa cỏ xanh tươi đón nàng Xuân về...làm cho lòng người có cảm giác phơi phới, hân hoan hơn những ngày bình thường. Tuy nhiên, song song với cảm giác phấn khích, hân hoan đó thì nhiều người trong tất cả chúng ta lại tất bật hơn với nhiều nỗi lo toan khác nhau.
       Đối với các bạn làm việc nơi công sở hoặc là chủ doanh nghiệp, nhà máy nào đó ...vào những ngày cuối năm, nào là hội nghị tổng kết, báo cáo tài chính, lên kế hoạch cho năm tới, nào là lo lương bổng, chuẩn bị quà cáp biếu xén cho lãnh đạo, đồng nghiệp...
       Đối với những ai là nông dân thì lại bận rộn với việc thu hoạch, buôn bán sản phẩm, rồi lại cải tạo lại đất, mua giống mới, phân bón, thuốc trừ sâu...và tưới tắm cho kịp thời vụ...
       Đối với những người kinh doanh buôn bán nhỏ thì ngoài việc bận rộn lên kế hoạch tính toán đặt hàng bán trong mùa tết, lo công nợ phải thu, phải trả...
       Và có nhiều nỗi lo khác nhau từ những công việc khác nhau của các bạn khi mỗi độ Xuân về. Trong đó phải kể đến nỗi lo chung mà ai cũng phải có. Đó là việc tu sửa nhà cửa, lo mua sắm quần áo mới cho các thành viên trong gia đình, bánh mức, thức ăn đồ uống chuẩn bị cho những ngày Tết..v..v... Trong muôn vàn nỗi lo đó? Đối với những bạn có thu nhập thấp hoặc trung bình, có một nỗi lo hiện hữu rất tế nhị mà ai cũng biết nhưng ngại ngùng không dám nói ra, là quà mừng mùa cưới...hay nói thẳng ra là bì thư tiền mừng cưới.
       Tôi không nhớ rõ là tập tục quà cưới là những phong bì tiền mừng thay cho những món quà là hiện vật mang tính chất lưu niệm, tượng trưng để chúc mừng cô dâu và chú rể trong ngày trọng đại của một đời người xảy ra bắt đầu từ khi nào. Theo tôi có lẽ nó bắt đầu mạnh lên từ sau ngày Giải phóng, tức cách đây 40 năm ở miền Nam. Nhưng rõ ràng tập tục đó đã biến thành một nỗi lo hiện hữu với đầy đủ tên gọi của nó nói theo cách vui là: "Giấy báo nợ". Nhất là những ai có mối quan hệ rộng hoặc trụ lại từ căn nhà của cha mẹ để lại với bề dày"tình làng, nghĩa xóm"...thì quả thật, mỗi khi Tết đến là những cơn ác mộng không ngừng nghỉ...
       Khi nói đến điều hết sức tế nhị này có thể nhiều người trong các bạn sẽ suy nghĩ theo chiều hướng khác không hay lắm. Vì cho đó là điều hết sức bình thường, vì nó thể hiện tính nhân văn trong xã hội của chúng ta. Nhưng tôi vẫn thích nói lên sự thật, bởi tập tục này đã biến tướng theo chiều hướng xấu từ sau ngày giải phóng ở miền Nam.
       Về chuyện quà cưới, người Việt của chúng ta vẫn có thói quen trọng tình, trọng nghĩa. Mọi hình thức liên quan đến tập tục lễ nghi, phép đối nhân xử thế...hầu hết mọi người đều xem trọng, nên bao giờ cũng vậy? Số tiền mừng cưới lúc nào cũng lo cho lớn hơn giá trị bữa tiệc mà mình được khoản đãi. Chính vì điều đó mà có những trường hợp, để cho trọn chữ "tình", có khi làm cho một số không ít người trong chúng ta vất vả, khổ sở vì thiệp mời ngày cưới đến dồn dập trong những ngày giáp Tết. Đó là một nỗi lo có thật chưa kể các thư mời khác như lễ Tân Gia, Sinh nhật...hay thỉnh thoảng cần viếng thăm những đám ma chay...
       Tuy biết rằng chính những tập tục đó gây ra không ít khó khăn nhất định với một số người. Nhưng nếu họ không được mời hoặc bị quên mời, thì khi gặp mặt nhau, biết chuyện, cũng buông vài câu trách móc. Nào là: "Ái chà! Gã con gái lấy chồng mà không mời bạn đến ăn miếng bánh mừng ha?...", hoặc :" Cưới vợ cho con trai mà không uống được chén rượu mừng nhé?..v..v...
       Người Việt của chúng ta là vậy. Tính tình xởi lởi nhưng cũng lắm khi màu mè, kiểu cách. Chính vì đặc tính đó mà sau này có nhiều người lợi dụng tập tục đó, biến tướng nó thành một cuộc kinh doanh hết sức trơ tráo. Nhất là trong hàng ngũ cán bộ, quan chức...những kẻ thừa hành pháp luật có tầm ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống của những người lao động. Họ đã biết tranh thủ biến đám cưới, tân gia, sinh nhật...thành một cuộc kinh doanh siêu lợi nhuận. Với những người dân yếu bóng vía, làm ăn buôn bán có quan hệ trực tiếp đến bọn quan con này hoặc những nông dân có chút ruộng đất ở làng, ở xã của nông thôn hiện nay, thì đây là một hiện tượng xảy ra hàng ngày. Có khi họ phải vay mượn để đi mừng những đám cưới bất đắc dĩ. Đó là một nỗi buồn không tên gọi và không biết thổ lộ cùng ai?...
       Tôi đã từng chứng kiến khi còn ở quê tôi rất nhiều những đám cưới của những ông cán bộ, cảnh sát khu vực...từ ngoài kia vào. Sống và quản lý ở vùng đất mới chưa bao lâu. Bà con, bạn bè thân hữu của họ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy mà tổ chức lễ cưới nhà hàng cho mình hoặc con mình, số khách mời có khi lên đến trên cả ngàn người. Có khi khách đến trễ, nhà hàng phải bố trí bàn ghế ra ngoài sảnh của "Hôn trường" và thức ăn thì đặt hàng sau, chế biến qua quýt cho xong, không ra thể thống nào cả?...Đôi khi tôi tự hỏi: "Nếu không vì cái bì thư thì có ông nào dám mời chừng ấy người, có khi mới gặp mặt có một lần không?..."
       Ở các thành phố lớn như Sài gòn, Hà nội... thì tôi không biết ra sao vì tôi chưa từng chứng kiến. Nhưng nếu có? Đối với tôi, đó là một tập tục gây ra biết bao cảnh khó xử và kinh hoàng đối với những người có thu nhập thấp, nhất là vào mùa cưới hỏi trong những ngày giáp Tết nguyên đán. Đối với việc mời đám cưới từ những mối quan hệ không mấy quen biết của những quan chức, thì đó là một tiền lệ hết sức trơ trẽn và tệ hại, hệ lụy từ thứ "văn hoá bì thư" được du nhập từ sự tha hóa, tham nhũng của chế độ độc tài. Nó phải sớm được loại bỏ khỏi nền văn hoá cưới xin ở đất nước ta hiện nay.
(Cóc Tía), Sài gòn, 25/12/2015


  (Ảnh MH: Nguồn internet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét