Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

NHẠC BOLERO VÀI ĐIỀU CHIA SẺ.


NHẠC BOLERO VÀI ĐIỀU CHIA SẺ.
      Vừa qua trên mạng lùm xùm tranh cãi về việc đề nghị cấm hay không cấm hát nhạc Bolero. Riêng về vấn đề này Cóc tui ngứa miệng xin chia sẻ vài điều.
      Theo Bách khoa tự điển mở thì Bolero là điệu nhảy dân tộc của Tây Ban Nha được sáng tạo bởi vũ sư Sebastian Zerezo tại Cádiz vào năm 1780, sau đó phát triển sang khu vực Mỹ Latinh (đặc biệt là Cuba) khoảng 1 thế kỷ sau.
      Bolero Việt Nam (tiếng Tây Ban Nha: Bolero) là một điệu nhạc của Mỹ Latinh du nhập vào Việt Nam Cộng Hoà từ thập niên 1950 và phổ biến trong các bài hát tại miền nam Việt Nam từ thập niên 1950 đến nay. Điệu Bolero không chỉ sử dụng trong các ca khúc nhạc vàng mà lác đác trong các nhạc phẩm khác của Tân nhạc Việt Nam, và nhạc vàng theo nghĩa phổ thông không chỉ theo điệu Bolero (một số theo điệu Rhumba, Slow, Habanera,...) tuy nhiên hầu hết các bài hát điệu Bolero ở Việt Nam đều có đặc tính chung là đậm chất dân ca, giai điệu đều đều, chậm, lời ca vần và dễ thuộc, chủ đề đơn giản, ít có tính hình tượng và mang tính triết lý.
      Với tui, nhạc Bolero giống như một đĩa mắm dưa cà trong bữa ăn dân dã của người Việt. Dễ thấy rằng mỗi bà mẹ VN đều rất thích chế biến món ăn này trong bữa cơm của gia đình. Hương vị cay nồng của ớt tỏi, trộn lẫn với vị mặn tê đầu lưỡi của mùi mắm cái và tiếng giòn rụm khi nhai ra vị ngọt chát của dưa cà...là cảm xúc tuyệt vời khi quây quần cùng anh chị em bên mâm cơm gia đình.
      Nhạc Bolero theo quan niệm của tui cũng giống như thế. Đó là giòng nhạc từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người, nhất là dân miền Nam trước năm 1975. Tuy nhiên, với xu hướng phát triển, nhiều giòng nhạc sang đã nhanh chóng du nhập và chiếm lĩnh sở thích chung trong hồn người dân Việt thời bây giờ, nhưng điều đó không có nghĩa là Bolero đã lỗi thời và không còn ai muốn nghe. Ở đất nước ta, thời nào cũng vậy, giới bình dân chiếm đa số trong các giới khác mà phần lớn món ăn tinh thần của họ về âm nhạc là họ vẫn chuộng nghe nhạc Bolero. Thậm chí trong bài năm trở lại đây, những người dân thành phố thuộc giới trí thức cũng bắt đầu muốn quay lại để nghe những bản nhạc xưa có điệu Bolero mùi mẫn. Dường như trong bước đường bôn ba tìm kiếm hạnh phúc của họ, đôi khi họ cảm thấy chơ vơ và lạc lõng trong ánh hào quang phù phiếm của cuộc đời. Những ca từ bác học, lung linh, sang cả...đôi lúc trở nên nhạt nhẽo, vô hồn không làm cho họ thoả mãn được tính cách mộc mạc, đơn sơ nhưng chân tình vốn có của họ. Nhạc Bolero đáp ứng được cho họ điều đó giống như họ ngồi trước những món sơn hào hải vị trong một tiệc cưới nhưng đầu óc lại mơ về nồi cá nục kho mẳn đang bốc hơi thơm nghi ngút hay dĩa dưa cà trong mâm cơm đơn sơ trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng của mình. Con người càng lớn tuổi hay càng thành công, khi va chạm đường đời càng nhiều thì dường như thỉnh thoảng họ có xu hướng muốn quay trở lại với nguồn cội của mình. Nhạc Bolero nó thoả mãn được điều đó. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, mắm dưa cà ăn nhiều thì sợ lên máu nhưng lâu ngày không ăn thì thấy nhớ, thì nhạc Bolero cũng thế. Chỉ nghe nó khi cảm thấy có tâm trạng và cũng chỉ nghe một đôi bài.
      Nhạc Bolero tuy không cao sang nhưng gần gũi đến mức ai cũng có thể chạm vào với cảm giác thích thú pha lẫn xúc động như được hồi tưởng về những ký ức ngọt ngào của một thời trẻ thơ khốn khó.
     Trên đây chỉ là suy nghĩ có tính chất cá nhân của tui, một người bình thường, không có tài năng đặc biệt gì về âm nhạc. Tuy nhiên, tui nghĩ rằng việc thích hay không thích nhạc Bolero là quyền của mỗi người. Nghệ thuật thì không có chuẩn mực nào cả, vì vậy không nên lên tiếng khích bác và chê bai dòng nhạc Bolero và đòi cấm đoán nó. Kẻ nào cho rằng nhạc Bolero là quê mùa, không nên cho phép lưu hành thì kẻ đó chẳng qua là những tên trưởng giả mới phất lên, có chút tiền hoặc chút kiến thức, tinh tướng thích học đòi làm sang. Giống như mới giàu lên một chút vội chê bữa cơm nhà quê mùa mẹ nấu vậy!
(Cóc Tía), SG, 22/03/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét