Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

CẢM XÚC BIỂN HỒ.


CẢM XÚC BIỂN HỒ.
      Truyền thuyết kể rằng từ xa xưa nơi này là một thung lũng đất đai trù phú. Ở đây có một buôn làng người dân tộc sinh sống rất hoà thuận và đầm ấm.
      Câu chuyện bắt đầu từ một lễ hội đâm trâu truyền thống. Tối hôm ấy, toàn dân trong buôn tập hợp quanh bãi đất trống giữa làng, mọi người nhảy múa bên đống lửa bập bùng. Chính giữa là một con trâu màu lông trắng toát mà họ săn được trước đó vài ngày. Nó bị xích vào chiếc cột để chuẩn bị hiến mình cho một lễ hội thần bí; Lễ đâm trâu.
      Có một chi tiết lạ kỳ là trước khi những mũi giáo của những chàng trai lực lưỡng xiên vào cơ thể của nó, nó đã rống lên 3 tiếng thật lớn vang dội cả núi rừng rồi nhỏ những giọt nước mắt buồn bã.
      Nó đã bị giết sau đó và lễ hội đã thành công tốt đẹp. Buôn làng hầu hết ai cũng say luý tuý bên những ché rượu cần tràn trề, những miếng thịt trâu nướng thơm ngát mũi và những vũ điệu vui nhộn bên ánh lửa bập bùng với tiếng cồng chiêng vang vọng cả núi rừng.
      Sáng hôm sau, người ta không còn thấy buôn làng đâu nữa, mà thay vào đó là một hồ nước mênh mông trong vắt. Đó chính là biển hồ Tơ Nưng trên cao nguyên lộng gió bây giờ.
      Trên đây là một câu chuyện truyền thuyết mà tôi nghe ai đó kể lại từ khi còn thơ ấu.
      Sau bao nhiêu biến cố xảy ra. Biển Hồ Tơ Nưng bây giờ vẫn đẹp. Một nét đẹp hoang sơ làm say đắm lòng người bởi câu chuyện thần thoại đau lòng mà có lẽ ít ai được nghe đến. Có ai đó từng nói rằng, vẻ đẹp thơ mộng, mặt nước mênh mông, mây trời lồng lộng, bao quanh là những vạt rừng thông bát ngát, điểm xuyến các loài hoa khoe sắc ven hồ, ong bướm dập dìu, chim hót líu lo... Nhiều người còn ví Biển Hồ như viên ngọc bích giữa mênh mông đất đỏ Tây Nguyên, là "đôi mắt đẫm lệ" của phố núi Pleiku, và là nơi khơi gợi nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận cho giới văn nghệ sĩ.

      Có người viết rằng, "Biển Hồ Tơ Nưng ở Pleiku còn được gọi là T'Nưng hay Tơ Nuêng theo tiếng địa phương, nghĩa là "biển trên núi", bởi đây là hồ nước ngọt rộng lớn, nguyên là một miệng núi lửa đã ngưng hoạt động cách đây hàng triệu năm. Khi có gió to, mặt hồ thường tạo sóng nên mới gọi là biển hồ.
      Hồ có hình bầu dục, với diện tích mặt nước 230ha, độ sâu trung bình 16 - 19m, nơi sâu nhất có thể tới 40m. Đây là nguồn nước sinh hoạt quan trọng cung cấp cho thành phố Pleiku. Theo người dân nơi đây, từ trước tới giờ mực nước ở hồ núi lửa Tơ Nưng chưa lúc nào cạn dù có gặp nắng hạn đến đâu.
      Quanh biển Hồ Tơ Nưng là muôn hoa khoe sắc. Cứ mỗi độ xuân về, hoa cúc quỳ trải thảm vàng trên các bìa rừng, bãi cỏ. Hoa Ê Pang màu xanh lục, phủ kín từ mép hồ lên triền đồi thoai thoải. Hoa gạo đỏ rực trên nền trời xanh thẳm. Lác đác đó đây là những vạt hoa mua màu tím, hoa ngải vàng rơm, hoa đơn đỏ hồng...
      Các lùm lau sậy ven Hồ Tơ Nưng cũng là nơi trú ngụ của nhiều loài chim đẹp. Chim sin sít lông tím mỏ hồng, giọng hót lanh lảnh như tiếng kèn đồng. Chim bói cá với bộ lông màu lam pha vàng, cam sặc sỡ, chao lượn sát mặt nước kiếm mồi. Chim cuốc lông đen hay lốm đốm hoa mơ thì lúc ẩn, lúc hiện trong đám cỏ lau...
      Biển Hồ Tơ Nưng còn là vựa cá lớn của Tây Nguyên, gồm đủ loài cá nước ngọt như cá chép, cá trắm, cá trôi, cá đá, cá niềng, cá chày, cá ngựa... Ngoài ra còn có rùa, ba ba, lươn, chình... là những loài sinh sống lâu năm trong hồ."
      Sau bao năm xa cách, nhân dịp giỗ mẹ, tôi quay về thăm lại nơi đây trong một buổi chiều đầu tháng ba với nhiều cảm xúc. Nhưng có lẽ khi im lặng ngắm nhìn nắng vàng nhạt dần trên các sườn đồi, sương khói bay lãng đãng từ bên kia hồ, cùng với tiếng ríu rít của những đàn chim lũ lượt bay về tổ. Tiếng gió thổi vi vu làm lăn tăn mặt nước phản chiếu ánh sáng lấp lánh của buổi chiều tà, cùng với một chút se lạnh trong không gian cô quạnh, mới thấm thía được nỗi buồn của người xa xứ và cái hư ảo về những được mất của cuộc đời.
Cóc Tía, Pleiku, 26/03/2017














Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét