Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

ĐƯA NGƯỜI SANG SÔNG...

                               (Ảnh MH: Nguồn internet)
ĐƯA NGƯỜI SANG SÔNG...
       Sáng nay, mới hơn 5 giờ sáng mình đã lò mò ngồi dậy. Sài gòn những ngày trước tết Nguyên đán không khí hơi se lạnh. Ngoài trời, ánh sáng vàng vọt của ánh đèn đường trộn lẫn với ánh sáng nhờ nhờ của buổi bình minh, tạo thành một gam màu khó diễn tả. Cảm giác giống như màu phấn mờ nhạt trên gò má mỏi mệt vì một đêm thức trắng của những nàng vũ nữ. Chỉ đến lúc gần 6 giờ sáng, khi những bóng đèn đường đồng loạt tắt ngấm. Lúc ấy, không gian mới hiện nguyên hình một buổi bình minh tinh khôi và trong trẻo. Vài cơn gió nhẹ thoảng qua, cảm giác như đang được mơn man trên làn da mỏng, mịn màng, sáng trắng trên má của nàng trinh nữ tuổi mới lớn. Hít sâu vào buồng phổi làn không khí tinh khiết thơm tho hiếm hoi của đất Sài Gòn quanh năm khói bụi, lúc ấy mới cảm nhận được cơ thể đang bắt đầu già nua của mình, cần biết bao những buổi sớm tinh khôi như thế này.
       Đang say sưa hít lấy, hít để bầu không khí trong lành trong trạng thái hân hoan của buổi sáng. Bỗng nhiên tai mình nghe rộ lên tiếng của dàn kèn tây phá tan sự im lặng, tĩnh mịch của buổi ban mai trong lành. Đó là âm nhạc trỗi lên từ bài hát"Một cõi đi về"của cố nhạc sĩ TCS. Mình lẩm nhẩm theo tiếng nhạc không lời của dàn kèn Tây:
       Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
       Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.
       Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
       Dọi xuống trăm năm một cõi đi về...
       Tiếng nhạc phát ra từ phía trên của dãy nhà mình. Đảo mắt nhìn lên, mình thấy trộn lẫn trong cờ xí, là những người mặc đồng phục trắng của nhà lễ tang. Họ đang tấu lên khúc nhạc than van, cám cảnh về sự nặng nhọc ê chề của một kiếp làm người, giờ chỉ mong về lại với cội nguồn là cát bụi, hư vô...Bất giác miệng mình lại lẩm nhẩm lại đoạn cuối trong ca khúc khi dàn kèn tấu lên cùng tiếng trống như muốn đánh thức vong linh của người đã khuất lắng nghe:
       Mây che trên đầu và nắng trên vai
       Đôi chân ta đi sông còn ở lại
       Con tim yêu thương vô tình chợt gọi
       Lại thấy trong ta hiện bóng con người...
       Vâng! Sông vẫn chảy đằng sông, suối vẫn trôi đằng suối...mãi mãi muôn đời. Chỉ có con người thoáng qua đó một lần như con đò đưa tiễn khách sang sông trong một dịp tình cờ, để rồi không bao giờ gặp lại.
       Đó là một bà cụ đã già vừa mất trong đêm.
       Người Sài Gòn thật lạ? Mấy năm trước khi chưa về ở đây. Nhiều dịp về Sài Gòn đi công chuyện; hễ mỗi lần gặp một đám ma ở thành phố này, mình cứ đứng nhìn và trố mắt ngạc nhiên. Vì không giống như các tỉnh lẻ, nhất là những người theo Phật giáo. Nhạc đám ma ở tỉnh họ thường sử dụng những nhạc cụ dân tộc là chính. Nào là sập xòe, đàn cò, đàn kìm, kèn...thỉnh thoảng có đám trang bị độc huyền cầm. Nhạc của đám ma là nhạc lễ, nhạc đưa. Mỗi lần nghe tiếng đàn cò tấu lên í e í ò xen với tiếng kèn, tiếng mõ...nghe sao mà u buồn, ảo não. Tiếng nhạc như muốn níu kéo người ra đi hãy trở lại, hãy về đây với vòng tay yêu thương chở che của những người thân yêu. Có khi tiếng nhạc pha lẫn tiếng tru khóc của những người thân...tạo thành một thứ âm thanh thảm thiết, đến độ có thể lay động được trái tim sắt đá nhất của những người đàn ông mạnh mẽ. Thế đấy!...
       Chính vì điều ấy mà mình thật ngạc nhiên khi chứng kiến dàn kèn tây hoành tráng, với đội nhạc ăn vận đồng phục nghiêm ngang, tề chỉnh và oai phong như một dàn quân nhạc trong đám tang ở SG. Ngoài những bản nhạc Trịnh, nhạc xưa mà nội dung của nó nói về sự chia ly như: Một cõi đi về, Cát bụi (TCS)...thì có khi mình được nghe những bài như: Hòn vọng phu (Lê Thương) hoặc bài nhạc thời chiến của n/s Trần thiện Thanh: Anh không chết đâu anh...Những bản nhạc xưa viết liên quan đến số phận của con người được dàn kèn tấu lên có lúc đến 3 bè, đôi khi người nghe cũng cảm nhận được sự chia ly và có khi thoáng chút bùi ngùi. Nhưng có trường hợp mắc cười gần chết ở chỗ; có đám, vì hứng chí dàn kèn tấu lên cả những bài nhạc quân hành, nhạc đỏ như: "Bác đang cùng chúng cháu hành quân"hay bài: "Dừng bước giang hồ".
       Khi ấy, lẫn với sự ngạc nhiên là tâm thế hơi bất bình. Mãi sau này về sống ở đây, chứng kiến nhiều đám ma riết thành quen.
       Người Sài Gòn là vậy đó. Lúc sống thì hối hả, bon chen...đến lúc chết cũng đưa đi vội vã, đua chen. Làm như những người dân ở đây vốn đã tìm thấy chân lý của sự sinh diệt... mà cuộc sống vốn dĩ như đoàn tàu, con người là hành khách. Mọi người đều hối hả bước lên từ những nhà ga khác nhau và cũng hối hả bước xuống những nhà ga khác; không ai giống ai cả?...vì vậy con tàu hay cuộc sống chỉ là một phương tiện tạm thời để chúng ta có dịp quan sát cảnh vật bên ngoài và chen lấn hoặc kết thân từ bên trong, trong một quãng đường nào đó...để rồi đường ai nấy đi, ga ai nấy xuống, không hẹn không hò, có chăng; chỉ còn chút tình yêu ở lại rồi cũng sẽ chóng quên mà thôi.
       Một buổi sáng trong lành đầy phấn chấn đã vội vàng kết thúc khi đám ma trên kia, cách chỗ mình đang đứng mấy căn nhà. Một bản nhạc tình khác lại được cất lên da diết, bồi hồi:
       Tôi đưa em sang sông
       Chiều xưa mưa rơi âm thầm
       Sợ thấm ướt chiếc áo xanh,
       và đẫm ướt mái tóc em...(Nhạc: Y Vũ)
       Vâng! Họ đang đưa một bà già 80 cái xuân xanh qua sông bằng dàn kèn đồng rộn rã và tiếng trống đì đùng trong một buổi sáng mát mẽ, khi mùa xuân đang tìm về với nhân gian giữa đất Sài thành hối hả...
(Lê quang Luận), Sài Gòn, 13/01/2016




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét