Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

HOÀI NIỆM VỀ MỘT TẾT TRUNG THU ?...


                                (Ảnh MH; Nguồn internet)
HOÀI NIỆM VỀ MỘT TẾT TRUNG THU ?...
      Lại một mùa Tết trung thu đang đến . Tết của các cháu thiếu nhi , của các em nhỏ lứa tuổi hoa niên ...
      Trước đây hơn 40 năm . Nhắc đến chữ Tết trung thu là nhắc đến ngày được nghỉ học , ngày truyền thống của dân tộc ta quy định cho các cháu nhỏ được vui chơi xã láng , được tụ họp bạn bè để ăn uống , ca hát , chơi đùa vui vẻ , để xếp hàng rước đèn dưới đêm trăng sáng . Để ca tụng mối tình của chú cuội và chị Hằng Nga .
      Tết trung thu trước đây là cái Tết thật sự của tuổi thơ . Nó còn quý giá ,ý nghĩa và được mong đợi hơn nhiều với Tết nguyên đán .
      Bởi vì hiểu được ý nghĩa ấy đối với lứa tuổi măng non nên khi ấy chính phủ , chính quyền địa phương , thầy cô giáo , cha mẹ ...rất quan tâm đến ngày Tết trọng đại này của các em nhỏ .
      Tôi vẫn còn nhớ rõ Tết trung thu năm nào khi tôi còn là một cậu bé tiểu học . Trước rằm tháng tám , nhà trường thường tổ chức cho các em những cuộc thi sáng tạo từ chiếc lồng đèn trung thu . Các em học sinh tự mình sáng chế ra mẫu đèn trung thu nào đẹp nhất , lạ và ý nghĩa nhất để hội đồng các thầy cô giáo chấm điểm . Phần thưởng cho giải nhất sẽ được chính ngài Tỉnh trưởng trao tặng . Qua đó , mới thấy sự quan tâm đến Tết của các em nhỏ quan trọng và ý nghĩa như thế nào ?

                               (Ảnh MH; Nguồn internet)
      Tết Trung thu để các em thơ vui đùa , rước đèn dưới trăng - những chiếc đèn ông sao , cá chép , chiếc thuyền , máy bay ...đủ mọi màu sắc , kích cỡ , đẹp xấu ...được thắp sáng bằng cây nến nhỏ lung linh trong đó . Các em vui mừng đem sản phẩm từ bàn tay và óc tưởng tượng của mình . Từ những đồng tiền tiết kiệm hoặc xin được ít ỏi từ cha mẹ . Từ công sức của những ngày tỉ mẩn vuốt từng cọng tre lồ ô mua được , từng tờ giấy kiếng đủ màu ... Tạo nên sản phẩm trí tuệ của mình . Và chính cái đêm sáng ánh trăng rằm ấy , các em được quyền khoe sản phẩm của mình bằng sự tự hào trong đôi mắt sáng lung linh và ngây thơ như ánh trăng vằng vặc của đêm thu . Các em rước đèn từng đoàn dài qua các ngỏ ngách , xóm thôn , miệng hát vang những bài nhạc ca ngợi ánh trăng , ca ngợi chị Hằng , chú Cuội , ca ngợi cuộc sống thanh bình , yên vui ...
Tết Trung Thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm
Đèn ông sao với đèn cá chép
Đèn thiên nga với đèn bướm bướm
Em rước đèn này đến cung trăng
Đèn xanh lơ với đèn tím tím
Đèn xanh lam với đèn trắng trắng
Trong ánh đèn rực rỡ muôn màu ...
Hoặc những bài hát dân gian
Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh
Tùng dinh dinh cắc tùng dính dính
Em rước đèn này đến cung trăng
Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh
Tùng dinh dinh cắc tùng dính dính
Em rước đèn mừng đón chị Hằng.....
Hay bài hát ca tụng về mối tình thầm lặng của chú cuội già với nàng Hằng nga thật lãng mạn và đáng yêu mà các em trơ thời ấy ai cũng nhớ mỗi dịp Tết trung thu về :
Bóng trăng trắng ngà có cây đa to
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ
Lặng im ta nói Cuội nghe
Ở cung trăng mãi làm chi
Bóng trăng trắng ngà có cây đa to
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ....
                               (Ảnh MH; Nguồn internet)
      Bốn mươi năm đã trôi qua , đồng nghĩa với tập tục truyền thống lâu đời , nên thơ và trong sáng đó của các em nhỏ mãi mãi chấm dứt và không còn nữa .
       Trung thu của những năm sau này khi mới giải phóng , chỉ là những buổi sinh hoạt Đoàn , Đội ... Để có dịp người ta lại nhồi nhét vào đầu óc trẻ thơ những ngôn từ ca ngợi Bác , Đảng ... Ca ngợi những Lê văn Tám , những Kim đồng ...ca ngợi sự hy sinh dũng cảm của những em bé tuổi hoa niên cho lý tưởng về một xã hội công bằng , no ấm ..mà chắc rằng nó chỉ nằm trong đầu óc những người giàu trí tưởng tượng !?.. Những bài hát ca ngợi Tết , ca ngợi Trăng , ca ngợi chị Hằng , chú Cuội cũng vì thế được những kẻ bưng bô đưa vào đó màu sắc chính trị để tung hô thể chế . Trung thu của các cháu là " xác phơi đầy đồng" là súng bắn "bằng bằng"giữa đêm trăng rằm sáng tỏ .
Trăng thu chiếu sáng trên dòng sông
đồn vang tiếng trống khua mừng công
đêm qua giải phóng quân vượt sông
đồn giặc cháy xác phơi đầy đồng
bộ đội ơi cho bé em theo
đừng cười chê em bé tí teo
vác súng trên vai theo bước quân hành
nhằm giặc Mỹ súng em bằng..bằng
ba em đã đánh tan giặc Tây
giờ này em cũng đi diệt Mỹ...(Thanh Trúc)
                                (Ảnh MH; Nguồn internet)
      Mãi cho đến những năm sau này . Tết trung thu bắt đầu có sự thay đổi . Nhưng vẫn không như ngày xưa nữa .
      Tuổi thơ của các em thơ bây giờ đón tết trung thu bằng những chiếc đèn lồng bằng nhựa được nhập khẩu từ trung quốc , thắp sáng nhấp nháy bằng pin . Những cái đèn giống nhau vô cảm và không còn được sáng tạo từ chính bàn tay và khối óc trẻ thơ của các cháu nữa . Đêm trung thu cũng trở nên nhạt nhẽo vô hồn như chính những buổi sinh hoạt , ca hát tập thể được dàn dựng từ những toan tính của người lớn .
      Những chiếc bánh trung thu được nhập khẩu từ Trung quốc được cảnh báo đầy độc hại . Hay những chiếc bánh được sản xuất từ trong nước mà chất lượng vẫn còn nhiều nghi vấn , vẫn được bán với giá người lớn còn không dám mơ tới ? Nó chỉ dành làm quà cho những gia đình quan chức lớn từ những kẻ được hưởng ơn mưa móc của họ , thì thử hỏi các em thơ có cửa nào để hưởng Tết trung thu bằng những cái bánh ngọt lịm như ngày nào ? Tôi nhớ có câu nói về bánh trung thu đọc được ở đâu đó như sau : "Bánh Trung thu là loại bánh mà người mua không bao giờ ăn và người được ăn thì không bao giờ mua "...Ngẫm nghĩ lại thấy thật là chua xót .
      Một số tập tục múa lân , múa rồng đón Trung thu của các em nhỏ là nguồn vui còn sót lại ở các thành phố lớn , cũng bị hạn chế bởi lực lượng CSGT và TTĐT của cái gọi là : "Gây cản trở , ách tắc giao thông" ...thậm chí các ông kỳ lân được mời luôn về đồn công an nằm chơi  , phơi bụng ở đó .
                                                 (Ảnh MH: Từ facebook BNL)
      Mặc dù những bài hát ca ngợi trăng , ca ngợi chị Hằng đã được các nhạc sĩ sau này cho ra đời , nội dung không còn màu sắc chính trị trong đó . Nhưng những bài hát đó chỉ nằm trên sân khấu và mãi mãi như thế , bởi ca từ nó nhàn nhạt , sáo rỗng vô hồn . Những bài hát đó không thể tồn tại lâu để trở thành những bài hát dân gian , được các em phát ra từ những buổi rước đèn . Ví như bài hát "Vầng Trăng Yêu Thương" một sáng tác cho các cháu thiếu nhi của nhạc sĩ : Lê quốc Thắng :
Hoa đưa hương bát ngát ngoài thềm
mây trôi nhẹ theo cơn gió thoảng
em yêu sao tiếng hát ngọt lành
trong gió nhẹ cùng chờ đón trăng
chờ trăng lên em chờ trăng lên
vầng trăng sáng cho em tiếng cười
cùng cười vui bên tiếng đàn và trong tiếng hát
nhìn trăng lên trong niềm yêu thương
ngàn khúc hát vang lên đón mừng
mừng trăng lên
cho em vui thắm thiết tình bạn .
      Hoặc bài hát " Hội trăng rằm" được các cháu thường hát trên sân khấu hoặc trên màn ảnh nhỏ : .
Một bầu trời là một ông trăng
một ông trăng là hội trăng rằm
mỗi một người có mấy ông trăng
một ông trăng ,hay nghìn ông trăng
trăng trung thu ,trăng phá cỗ
trăng rước đèn, trăng thi hát
trăng trong tranh, trăng sáng tỏ
trăng chầm dầm, trăng mải chờ
trăng trên cây, trăng đón thầy
trăng tiễn bạn, trăng mệt thắm
      Rõ ràng , Tết trung thu với từng đoàn em nhỏ tung tăng đèn lồng sáng lấp lánh trên tay trên các nẻo đường phố xá , xóm thôn ... Với tiếng ca trong trẻo , vô tư : "tùng dinh dinh cắt tùng dinh dinh..." . Với tiếng trống rộn rã thúc giục của đoàn múa lân . Với chiến bánh trung thu ngọt lịm nhân đậu xanh , trứng vịt...mẹ để dành cho đứa con nhỏ rước đèn trở về ...Và....với ánh sáng dịu hiền của chị Hằng Nga soi tỏ trên mỗi bước chân trẻ thơ trong đêm trung thu năm nào đã không còn nữa .
      Có lẽ Tết trung thu thật sự và có ý nghĩa với các em thơ đã chấm hết . Nó đã trở thành ký ức của những ai đã từng thừa hưởng khi còn trẻ tuổi như tôi và các bạn cùng thời sống ở miền Nam . Và...nó thực sự đã trở thành huyền thoại cho những em thơ thời bấy giờ và có thể là mãi mãi về sau !?...

      Viết gần xong bài này mà ca từ của bài hát "Thằng cuội" êm đềm xa xưa...cứ còn văng vẳng mãi bên tai :

Bóng trăng trắng ngà có cây đa to
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ
Lặng im ta nói Cuội nghe
Ở cung trăng mãi làm chi
Bóng trăng trắng ngà có cây đa to
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ....

Vâng!..Rõ ràng các em thơ bây giờ chỉ có thể ôm một mối mơ về một chị Hằng nga đáng yêu của Tết trung thu năm nào ? Một cái Tết cho các em thơ , mà nay đã trở thành huyền thoại ...
(Lê quang Luận) Sài gòn , 20/09/2015




                                (Ảnh MH; Nguồn internet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét