Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

SỰ YÊN BÌNH

                                (Ảnh MH: Nguồn internet)
SỰ YÊN BÌNH
      Một vị vua treo giải thưởng cho nghệ sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình yên. Nhiều họa sĩ đã cố công thể hiện tài năng của mình.
      Nhà vua ngắm tất cả các bức tranh nhưng chỉ thích có hai bức và ông phải chọn lấy một. Một bức tranh vẽ hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng. Tất cả những ai ngắm bức tranh này đều cho rằng đây là một bức tranh bình yên thật hoàn hảo.
      Bức tranh kia cũng có những ngọn núi, nhưng những ngọn núi này trần trụi và lởm chởm đá. Ở bên trên là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút kèm theo sấm chớp. Đổ xuống bên vách núi là dòng thác nổi bọt trắng xóa. Bức tranh này trông thật chẳng bình yên chút nào.
      Nhưng khi nhà vua ngắm nhìn, ông thấy đằng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của một tảng đá. Trong bụi cây một con chim mẹ đang xây tổ. Ở đó giữa dòng thác trút xuống một cách giận dữ, con chim mẹ đang bình thản đậu trên tổ của mình... Bình yên thật sự.
      "Ta chấm bức tranh này! - Nhà vua công bố - Sự bình yên không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình yên có nghĩa ngay chính khi đang ở trong phong ba bão táp ta vẫn cảm thấy sự yên tĩnh trong trái tim. Đó mới chính là ý nghĩa thật sự của sự bình yên".
(Sưu tầm)

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

EM HỒN NHIÊN CHÍN HÁP

                                (Ảnh MH: Nguồn internet)
EM HỒN NHIÊN CHÍN HÁP
      Trước khi giàu, ai cũng nghèo. Đó là cái chắc! Nghèo mạt rệp, nghèo sặc gạch, nghèo trớt mùng tơi, nghèo đến nỗi cái mùng rách, cái mùng tơi để ngủ cho muỗi khỏi cắn cũng không có, cũng trớt quớt luôn. Chính vì vậy, nghèo là cái đáng sợ nhất?!
      Nghèo cũng có nhiều cái tại, cái bị. Nghèo vì tại ba má tui nghèo. Ra đời không có cục đất chọi chim, đất không có để một nắng hai sương làm ruộng, làm rẫy hay có mà bị trưng thu mất rồi…mà tiền bồi thường rẻ như bèo hoa dâu, hỏng được bao nhiêu! Vì “Nó” mua như ăn cướp. Vốn mần ăn cũng không, thì nếu không đi làm mướn, bán cái thân mẹo dậu, hỏi làm sao mà sống?
      Còn nếu ba má tui giàu thì tui khỏe re như con bò kéo xe. Vì con vua thì được làm vua. Con sãi ở chùa phải quét lá đa. Mà không phải cần là con vua mới khỏe re; chỉ cần là con Thái Tử, cỡ con Thái tử Charles chẳng hạn, thì hoàng tử Harry chẳng cần lao động là vinh quang gì sất; vì không lao động cũng vinh quang như thường. Để đêm nay nhậu London, diện đồng phục Đức Quốc Xã Hitler, đêm mai bay đi Las Vegas nhậu cho quắc cần câu, ở truồng nhong nhỏng đưa ‘bố mầy ra’, cho báo chí chụp hình đăng báo để cho bàn dân thiên hạ biết thế nào là kinh… và tởm…
      Nhưng là con người có ai chọn được chỗ ‘xịn’ để chui ra đâu. Được như vậy là trúng số phải không? Việt Nam nói giàu trong trứng giàu ra. Còn Tây thì bảo "been born with a silver spoon in his mouth". Mà có lỡ không có cái thìa bạc trong mồm thì có cày như trâu như em tài công tàu du lịch chợ nổi Cái Răng, thời xã hội chủ nghĩa dính cái đuôi kinh tế thị trường, nhân vật chánh trong bài báo đăng trong trang blog của Ngọc Lan, báo Người Việt online, thì cũng bó tay!
      Theo bài báo của nữ ký giả tài hoa Ngọc Lan thì em tài công này tự giới thiệu: Em 22 tuổi, làm nghề lái tàu đưa khách du lịch tham quan sông Hậu, chợ nổi Cái Răng. Em làm việc 7 ngày một tuần, từ 5 giờ sáng đến 9, 10 giờ đêm, tùy theo giờ khách nhậu xong thì về. Lương mỗi tháng em được hơn 2 triệu, ngày nào nghỉ thì bị trừ 60 ngàn. Tháng nào có nhiều khách du lịch, chủ thưởng thêm cho em một trăm ngàn.Lương lãnh bao nhiêu, em về đưa hết cho mẹ. Mỗi ngày đi làm, mẹ cho 50 ngàn tiền cữ ăn sáng và ăn trưa, tính luôn cả tiền cà phê và thuốc lá. Tối về ăn cơm nhà “nên không tốn.”
      Hai mươi hai tuổi, lái tàu du lịch, làm ngày mười mấy tiếng, suốt tuần, suốt tháng, suốt năm. Rồi năm này qua năm nọ. Xong buông ra ngủ, thức dậy làm tiếp. Thiệt cuộc sống còn thua con bò, con trâu cày ruộng đồng sâu nữa?!
      Em không có bạn gái, vì “nếu đi chơi với bạn gái, trong túi phải có ít nhất một trăm ngàn đổ lên, em không có đủ số tiền đó nên thôi.” – “Không có bạn gái thì làm sao cưới vợ?” – Em cười hiền lành, “Đó là chuyện ba mẹ tính. Kêu em cưới ai thì em cưới người đó. Không cãi.”
      Không có thời giờ, mà ngặt nhứt là không tiền, dù đang tuổi xuân phơi phới, muốn tìm một em để có tay mà gối đêm đêm; cũng khó tựa như mò kim đáy biển Đông. Hồi xưa thanh niên nhà nghèo, ai cũng lo: “Ví dầu nhà dột cột xiêu. Muốn đi cưới vợ, sợ nhiều miệng ăn!”. Còn bây giờ thì em này nản quá, khỏi lo luôn, để má tính. Em cứ nghĩ thân trai mười hai bến nước, trong nhờ, đụt lóng phèn vậy thôi?! Thời buổi kim tiền mà. Thiệt là xa ‘ngay ngáy’ cái thời: chết sống vì yêu, tiền kể bỏ:“Cha mẹ em có đánh quằn, đánh quại. Bắt em ra treo tại nhành dương. Biểu từ ai, em từ đặng. Chớ biểu em từ người thương, em không từ!”
      Còn bây giờ em tài công này tuyệt vọng lắm rồi trên con đường tình duyên gia đạo. Sao vậy? Vì theo ông Hoài Tường Phong là: Trăng nghẹn
“Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,
Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.
Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,
Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi…”
      Người ta bằng tuổi em đã đi lấy chồng xa, Hàn Quốc, Đài Loan hết rồi! Ai mà ở không mà chờ lấy người tài công tàu du lịch chở khách ‘tham quan’ Chợ Nổi Cái Răng như em, mà mỗi ngày chỉ có 50 ngàn dằn túi, vừa cơm trưa, vừa cà phê, thuốc lá. Lấy em về cạp đất mà ăn sao? Chi bằng Hàn Quốc, Đài Loan dù nó có già, có khùng chăng đi nữa cũng còn có chút tiền gửi về cho cha mẹ gọi là báo hiếu: công sanh thành dưỡng dục và nhân tiện giúp đỡ chính quyền tỉnh nhà có thành tích báo cáo lên trên là: quê ta giờ khởi sắc nhờ các thôn nữ xinh đẹp, hiền hòa do phù sa sông Hậu, biến con ‘chim’ mình thành con ‘chim đa đa’…đi lấy chồng xa?
      ‘Em có dự định đổi công việc để có thêm nhiều tiền không?” – “Dạ không. Em thích công việc này. Em thích lái tàu đi đây đó. Lái tàu không bị bụi bặm, không kẹt xe. Tối em cũng xuống tàu nằm ngủ, vừa yên tĩnh vừa mát mẻ.”
      Còn đổi công việc khá hơn ở đâu mà có? Thôi thì có cơm ăn, có chổ ngủ là xong rồi. Mơ ngày mai trời lại sáng? Lỡ nó không sáng mà tối thui luôn là chết giấc, còn chết luôn cả má nữa?... Lại tuyệt vọng?!
      Trên hành trình ra chợ nổi có lúc máy tàu đứng khựng, em nói ngay, “bịch nilong cuốn vào chân vịt.” – “Rồi làm sao?’ – “Để em gỡ nó ra.”
      Em rời tay lái, đi về cuối tàu, cởi áo, thò nguyên cái đầu và nửa người xuống lòng máy. Dĩ nhiên lúc ngóc lên là một cái đầu và nửa người ướt sũng. Em lắc lắc mái tóc cho khô và nhanh nhanh mặc áo vào. Tiếp tục ngồi vào tay lái.
      Thân lo còn chưa xong, hơi đâu mà lo cho môi trường tào lao bá láp? Bịch nilong mắc vào chân vịt máy tàu, khòm đầu xuống nước, cố gở nó ra, rồi chạy tiếp.. Còn ai ném bịch nilon xuống dòng sông? Ai xả nước thải từ nhà máy công nghiệp thẳng ra dòng sông, làm nó ô nhiễm hóa chất, chết dần mòn, em cũng chẳng quan tâm, thắc mắc? Thân mình còn lo chưa xong nữa; nói đến dòng sông chi vậy?
      Nhà báo Ngọc Lan nói rằng: Không một lời phàn nàn. Chỉ cười. Vì sao? Vì em tuyệt vọng quá rồi. Sao mới 22 tuổi đầu mà an bần lạc đạo, an nhiên tự tại như ông ‘Đạo Vuốt’ vậy ta? Ông Nguyễn văn Vĩnh nói: Việt Nam mình gì cũng cười. Hõng lẽ khóc? Tiếng cười của em tài công này là tiếng khóc khô không lệ?!
      Tuổi thanh xuân của em là trái, là hoa của đất nước mà ai làm cho em hồn nhiên chín háp vậy hỡi trời? Thanh xuân của em là thanh xuân của đất nước; em là rường cột của quốc gia… mà em tuyệt vọng đến chừng nầy thì ơi hỡi Việt Nam?!
      Ông Trịnh Công Sơn cũng có lần tuyệt vọng như thế, nên ca rằng:
      “Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng. Em là tôi và tôi cũng là em.
      Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo. Con diều rơi cho vực thẳm buồn thêm…” Vậy mà ổng lại khuyên đừng làm gì cho rắc rối thêm ra… đừng tung xích xiềng vào mặt nhân gian như ông Nguyễn Đức Quang, đừng ‘tranh đấu’ rồi chẳng biết ‘tránh đâu’?“Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng. Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh?”. Cha! Chắc cái này chờ cho đến khuya lơ khuya lắc, chờ cho đến mút mùa Lệ Thủy, chờ cho đến Tết Ma Rốc đi chăng nữa mà không chịu làm cái gì đó để đạp đổ cái chế độ bất công này, cái chế độ làm cho kẻ ăn không hết, người lần không ra, thì người viết e rằng cái bình minh ông nói chắc chỉ có trong tranh vẽ của ông thôi.
      Đi xa hơn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, khuyên em hồn nhiên chờ bình minh tới, nhà báo Ngọc Lan còn tán dương em tài công Chợ Nổi Cái Răng nhiệt liệt: Tôi nhìn em, thầm nghĩ, “bao giờ thì tôi mới học được cách không hề buông một lời than vãn và biết bằng lòng với cuộc sống như em nhỉ?Em quay sang nhìn tôi, mỉm cười, trong vắt, bình an.
      Người viết vốn là dân Miệt Dưới (Down Under), trên là Nữ Hoàng Elizabeth Đệ Nhị, Tổng Toàn Quyền Madame Quentin Bryce, Thủ Tướng Mademoiselle Julia Gillard , chịu phụ nữ áp bức quen rồi, nên vô cùng ‘cung kính…trọng’ nữ ký giả tài hoa Ngọc Lan. Không dám ‘càm ràm’ chi hết. Tuy nhiên qua lời ký giả Ngọc Lan nói muốn học cái cách sống của em lái tàu tuyệt vọng trên chợ nổi Cái Răng, an nhiên tự tại, an bần lạc đạo để Việt Nam đoạt huy chương bạc, nghĩa là hạng nhì, về chỉ số sống hạnh phúc trong ‘lồng’, thì người viết dù có ‘Lady First’ bấy nhiêu cũng xin phép không đồng ý…kiến?
      Em, hai mươi hai tuổi, là hoa, là trái đang độ thanh xuân của đất nước mà em hồn nhiên chín háp vậy sao?! Hoa đất nước thì như mấy em ở cù lao Tân Lộc, Cần Thơ, giờ có tên là đảo Đài Loan, vì con gái nơi nầy đi lấy chồng Đài Loan ráo trọi. Ngay cả mới 14 tuổi là hoa mới chum chúm, chưa nở cánh nào, mà đã lấy khai sinh của con chị để được đủ tuổi kết hôn mà đi lấy chồng xa. Còn trái như em tài công của tàu du lịch trên sóng nước Cái Răng thì thành trái ‘cu ky’.
      Đêm nay, sau môt ngày làm việc vất vả, về lại khoang tàu để ngã lưng chắc em sẽ rầu rầu mà hát Chim Đa Đa, chồng gần sao không lấy, lại lấy chồng xa? Hay văn nghệ thêm một chút, em chơi câu ca dao: Tay em đã trắng lại tròn. Em cho ai gối sao mòn một bên? Câu trả lời dễ ợt: Tay em đã trắng lại tròn. Cho chú Chệt gối, nên mòn hết trơn!
      Còn phần “Qua” cũng xin trả lời em luôn: Đời em chín háp như vậy là tại “Nó” chứ tại ai! Còn không dám chỉ tay thẳng vô mặt “Nó”; tại mầy chứ ai, thì Cách Mạng Hoa Lài, Mùa Xuân Á rập! Mohamed Bouazizi tự thiêu, chống lại áp bức bất công, cũng kệ anh ấy; thì người viết e rằng đất nước mình chắc còn lâu…còn rất lâu… mới khá?!
Đoàn xuân Thu.

BẠN THẬT, BẠN GIẢ

                               (Ảnh MH: Nguồn internet)
BẠN THẬT, BẠN GIẢ
      Nhiều người vẫn cho rằng một trong những hạnh phúc trên đời là tình bạn. Điều này thì ai cũng dễ dàng đồng ý thôi. Thế nhưng, để có tình bạn thực sự thì cần có những người bạn thực sự. Như thế nào gọi là một người bạn?
      Liệu có phải những ai ta vẫn giao du đều là bạn cả? Không đâu, số người ấy gồm cả “bạn” lẫn “bè”, và phần nhiều là bè hơn là bạn. “Bạn bè” không phải là cách nói cho xuôi tai, cũng không phải là “từ láy” này nọ như nhỉều người tưởng mà là “từ ghép” của hai chữ “bạn” và “bè”. Bạn, nói đơn giản, là người đồng hành cùng chia vui sẻ buồn với ta trên những chặng đường đời. Bè là những kẻ tạt ngang qua đời ta trong chốc lát, rồi đường ai nấy đi mà không chút vấn vương. “Bè” trong những chữ “bè phái”, “kết bè, kết đảng” gợi lên ý tưởng không mấy hay ho. Tình bạn thường “tĩnh” hơn là “động”, lắng đọng hơn là sôi nổi. Những kẻ ở quanh ta trong những cuộc vui ồn ào mà ta tưởng là “bạn”, thường chỉ là “bè”. Như những cuộc vui chóng tàn, những người “bạn” ấy cũng nhanh chóng biến mất khỏi đời sống chúng ta. Những người tưởng rằng mình có nhiều bạn, thực ra là những người không có hoặc có rất ít bạn (và không biết phân biệt đâu là bạn, đâu là bè).
      Bạn lại có “bạn thật” và “bạn giả”. Bạn thật là khuôn mặt thật, không điểm phấn tô son. Bạn giả là chiếc mặt nạ, với nhiều lớp phấn dày. Như cuộc sống có hai mặt, con người vừa có bạn thật lại vừa có bạn giả. Bạn giả lúc nào cũng nhiều hơn bạn thật, đến với ta vì lợi ích nào đó chứ không vì tình thật. Bạn giả là người đóng giả vai người bạn, ngoài mặt tỏ ra thân thiện nhưng có thể bất ngờ tặng cho ta những nhát dao trí mạng từ phía sau lưng hoặc phun ra những nọc độc của lòng đố kỵ. Đôi lúc có kẻ thù còn dễ chịu hơn có những người bạn giả. Bạn giả cũng tựa như bạc giả vậy, đã không xài được mà để trong túi có khi mang họa.
      Khác với bạn giả, bạn thật là người thực tâm mong muốn những điều tốt lành cho người bạn mình và vui sướng trông thấy bạn mình hạnh phúc, thành đạt trong cuộc sống (dẫu có “qua mặt” mình đi nữa). Bạn thật không ngại nói thẳng nói thật về những sai trái của bạn mình để giúp bạn cải thiện bản thân cũng như không ngại tán thưởng về tài năng hoặc thành công của bạn mình để giúp bạn thêm tự tin trong cuộc sống. Bạn thật luôn nói tốt về bạn mình sau lưng bạn. Bạn thật là người đến với ta trong lúc ta trần trụi hay trong thời kỳ đen tối nhất của cuộc đời, và cũng là người mà ta có thể đến gõ cửa một cách thoải mái khi cần sự giúp đỡ.
      Những người bạn như thế làm sao có nhiều được, thường chỉ đếm được trên những đầu ngón tay của một bàn tay (và ít khi đếm hết được). Đến một tuổi nào đó người ta khó mà có thêm được những người bạn mới, trong lúc những người bạn cũ thì cứ mất đi lần lần. Tình bạn cần có một bề dày của sự gắn bó, cảm thông và tin cậy.
      Với những người tôi thực lòng quý mến, tôi vẫn nói: “Tôi mong cho anh/chị không có bạn hơn là có những người ‘bạn giả’. Có được chừng vài ba người ‘bạn thật’ thì anh/chị là người may mắn và hạnh phúc.”

Lê Hữu

TÔ CHÁO VỊT

                                (Ảnh MH: Nguồn internet)
TÔ CHÁO VỊT
      Yêu nhau ác liệt mà bị mẹ cha bắt buộc đôi ta đời chia biệt thì chàng và nàng thường quyết liệt rủ nhau vĩnh biệt cuộc đời! Để chim liền cánh, cây liền cành ở kiếp lai sinh?
      Mà chịu chơi chơi tới cùng là Roméo và Juliet trong vở kịch của William Shakespeare. Roméo và Juliet là một chuyện tình yêu nổi tiếng nhất trong lịch sử nhân loại, được dựng thành phim rất nhiều lần, mà em Olivia Hussey, rất‘sexy’, (thèm nhiễu nước miếng, năm 1968, chiếu ở rạp chớp bóng Rex, Sài Gòn)! Khi tui mới biết yêu lần đầu mà em đã yêu (mấy) lần sau!
      Cốt truyện là hai họ nhà Roméo và Juliet thù nhau bất cộng đái thiên. Giết qua giết lại mà khổ nỗi hai trẻ lại tha thiết yêu nhau. (Dà! Chuyện nầy xảy ra thời Trung Cổ ở Ý nên mới có cái vụ hở ra là đâm như thế; chớ bây giờ ló dao ra là cảnh sát nó còng đầu!)
      Cuối cùng Juliet (ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên) bị gia đình buộc phải lấy thằng khác nên uống thuốc độc (giả dược thôi) để chết giả. Roméo xớn xác chạy về tưởng ‘Thúy đã đi rồi’ nên quất cho mầy một vốc thuốc độc chết ngắc. Juliet tỉnh dậy thấy cục cưng của mình nằm sùi bọt mép… đi rồi mà không còn chừa viên nào cho em ‘cắn’ hết; nên nàng lấy dao đâm vô rún chết! Để đôi ta mãi mãi mãi bên nhau!
      Việt Nam mình thì hay hơn nhiều! Tình duyên ngang trái như Lan và Điệp thì Lan chỉ đi tu thôi! Ngu sao mà tự vận. Điệp ‘kèo nài’ nối lại tình xưa cứ giựt chuông cổng chùa hoài… kêu mở cửa, um sùm quá! Lan dứt khoát dùng dao, (lại dao nữa), cắt đứt dây chuông để đừng kêu réo mắc công. Xui cái là, dù Lan không có chủ tâm, ‘vì dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng’… Chuông rớt xuống… làm Điệp lỗ đầu! Từ đó về sau dẫu ai có cho một, hai trăm đô, Điệp cũng không dám đến giựt chuông làm phiền Lan nữa. Hết chuyện!
      Đó là chuyện thất tình đi tu trong cải lương của ta; tự vận vì tình trong kịch của Tây… Chớ ngoài đời, trong nước bây giờ mấy nàng thất tình giải quyết theo cách khác.
      Chắc bà con mình đều nhớ cái cầu Bình Lợi bắc qua sông Sài Gòn mà chính giữa có đường xe lửa, chạy từ chợ Bến Thành tới Biên Hòa. Hồi xưa người viết ở Sài Gòn mà nghe em nào mặt dàu dàu nói đi ra cầu Bình Lợi nghĩa là em sẽ nhảy tùm xuống sông vì lỡ bị thằng khốn nạn nào đó ‘thư’ em bụng bự… rồi đi cưới con quan phủ!
      Cây cầu nầy hãng Tây nó xây từ năm 1902 tới giờ hỏng biết có mấy tỉ lượt người qua, nối những bờ vui, mà cũng hỏng biết có bao nhiêu người đến đó mà trốn nợ trần.
      Ông coi sóc các trái nổi làm phao tiêu chỉ đường cho tàu bè qua lại dưới cầu Bình Lợi cho biết làm ở đây hơn bốn chục năm, ông cứu biết bao người đa số là thất tình đến đây để nhảy cầu tự vận. Có lúc cứu được lúc không? Mà cứu được; sống cũng quặt quẹo khó nuôi! Vì khi rơi từ trên cao xuống, mặt nước sẽ tạo ra phản lực khiến người rơi bị thương rất nặng. Da người va đập mạnh với mặt nước sẽ bị phồng rộp, hay lột hoàn toàn, đau đớn không kém gì bị phỏng lửa.
      “Dám nhẩy cầu không phải là can đảm! Can đảm là phải dám sống, dám đương đầu, chứ tự tử như thế là trốn chạy, là hèn nhát chứ can đảm gì. Tui không cho ai chết hèn vậy. Kiểu gì cũng cố cứu bằng được!”
      Phần ông là người có đạo nên ngày cũng như đêm, hễ nghe ‘tùm’ là lao ghe máy ra, vớt ngay. Mỗi năm vớt được bao nhiêu người? Không chừng! Năm ít thì vài người, năm nhiều gần cả chục. Người tự tử rất ghét bị can thiệp nên thường chọn đêm, nhất là đêm mưa gió, không trăng sao, để mò ra cầu. Thấy người ta nhẩy cầu sờ sờ trước mắt, không cứu không chịu được, thì cứu thôi.
      Có lần tui thấy một đứa con gái đứng buồn ủ rũ ở lan can cầu, mặt nhìn đăm đăm xuống dòng nước bạc, rồi vái tứ phương chắc xin lỗi má đã chín tháng mang nặng đẻ đau, rồi xin lỗi ba một đời lam lũ nuôi con khôn lớn mà giờ con ‘ngu’ hết biết như vậy?! Rồi tui nghe ‘tùm’ một cái; bèn giựt máy Kohler, chạy vội ra, kịp nắm cái đầu tóc kéo lên. Xốc nước, chờ cổ tỉnh lại, tui mới phân giải như vầy: “Đời nhiều thứ phù phiếm, bọt bèo lắm rồi! Nhưng như con kiến nó bò tới bò lui ở mép ghe kia còn ham sống; mà cháu lại bất hiếu! Vì tình, mà toan tìm cái chết thiệt là bậy bạ quá! Chết đâu có hết mà còn tía má, còn em út nữa! Khổ cho người ở lại! Kiều bị Sở Khanh, nếu Kiều tự tử chết… thằng Sở Khanh nó còn cười cho. Nó phụ mình thì mình kiếm thằng khác. Thiếu cha gì! Cổ nghe coi bộ lọt lỗ tai thôi khóc hu hu mà nói: “Ừ hé!”
      Ngoài cầu Bình Lợi ra bây giờ rồi tới cầu Cần Thơ nữa chớ. Hoàng hôn loang loáng trên sông Hậu, cầu Cần Thơ - chiếc cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á cũng lộng lẫy cong vút trong ráng chiều. Đẹp đẽ và thơ! Vậy mà khánh thành được 4 năm, mà tới 26 vụ tự vận, chỉ có 8 người được cứu thôi. Đa phần chết vì tình!
      Người viết nghe anh bạn văn ‘bình loạn’ về chuyện thất tình đi nhẩy cầu tự vận như vậy sợ bữa nhậu cháo vịt cuối tuần u ám quá mất vui nên góp vô câu chuyện tiếu lâm như vầy:
      Một người con gái bị tình phụ. Tuyệt vọng em ra một chiếc cầu cao định gieo mình xuống dòng sông đang lạnh lùng chảy xiết mà tự vận. Bỗng em thấy phía dạ cầu có một anh chàng bị cụt hết hai tay mà vẫn vui vẻ nhảy múa. Bỏ ý định tự tử đi! Em đi xuống dạ cầu, nói: “Xin cám ơn anh! Em tính nhẩy cầu tự sát nhưng khi thấy anh vui vẻ khiêu vũ dù đã bị cụt mất hai tay nên em thay đổi quyết định! Anh đã cứu đời em đó!”
      “Khiêu vũ, nhảy múa ư? Làm gì có! Ngứa lưng quá trời mà tui không biết làm sao để gãi. Thành thử nhảy qua nhảy lại cho đỡ vậy mà! Thôi có em đây; xin em gãi dùm lưng tôi một chút nha! Cám ơn! Cha! Đã quá! Đã quá!”
      Và kết cục có hậu như một truyện thần tiên là em không gãi dùm anh một chút… mà gãi suốt đời! Hai người lấy nhau, rồi con đàn cháu đống đề huề! Sống tới răng long đầu bạc! Hết chuyện!
      Anh bạn văn ‘rầy’ người viết rằng: Câu chuyện của anh ‘vô cảm’ quá! Tình duyên của anh suông sẻ bởi tía má đi cưới vợ cho anh; biểu ưng cô nào là anh ưng cô nấy vì như anh nói đứa nào cũng như đứa nấy mà thôi! Đâu có ‘cái gì’ khác nhau đâu? (Hi hi!)
      Anh chưa từng bị tình phụ; anh chưa biết được ‘thú đau thương” đến nỗi người ta phải nhẩy cầu Bình Lợi?!
      Tình yêu nó mãnh liệt lắm à! ‘Thương em không tính bạc tiền! Hun em một cái chết liền cũng vui!’ (Đúng vậy!)
      Tui, nói thiệt, đã có lần tính nhẩy cầu Bình Lợi đó nha! Chẳng qua hồi trước 75, tui làm thầy cò cho mấy tờ nhựt báo ở Sài Gòn mà kiếm sống! Tui có máu cờ bạc chút đỉnh nên có chơi số đề. Đánh một đồng trúng ăn bảy chục. Chơi cho đỡ buồn vậy thôi. Nhưng tuần nào không đánh thì lại nhớ con Ba đi ghi số đề trong xóm! Chu choa nó ngộ gái lắm nha anh! Nó kêu tui là thầy Hai và xưng em ngọt sớt. Lòng tui cũng xiêu xiêu rồi. Một bữa trúng được vài ngàn, tui rủ nó qua Gia Định ăn cháo vịt. Em Ba có vẻ cũng chịu đèn tui… nhưng nói: “Thầy Hai ráng chờ em ít năm nữa! Nhà đông em quá mà; chờ cho tụi nó lớn, ăn học thêm chút đỉnh! Chừng hai năm nữa thôi, thầy Hai nói tía má ở quê lên đem trầu cau qua nhà nói với tía má em một tiếng rồi em ưng cái rụp!”
      Nhưng đâu ngờ tháng 4 năm 75, Việt Cộng tràn vô Sài Gòn anh ơi. Đói! Báo chí tư nhân nó đóng cửa, nhà văn, nhà báo bị nhốt hết ráo! Còn ai viết nữa đâu mà ‘cò’! May còn có chiếc Honda cà tàng để chạy xe ôm! Em Ba cũng ngưng ghi số đề vì tụi nó nói xổ số là cờ bạc, là văn hóa đồi trụy của bọn tư sản mại bản! Nó chửi lúc đầu nhưng sau đó công ty xổ số nhiều như nấm mối gặp mưa. Dễ kiếm tiền quá mà! Tỉnh nào cũng có: Thứ Hai, đài Cửu Long, Thứ Ba, đài Minh Hải …vân vân và vân vân! Suốt tuần, chỉ nghỉ ngày Chúa nhựt! Em Ba lại trở về nghề cũ.
      Tui nhớ đêm cuối của tình ta; tui dắt em đi ăn cháo vịt. Tô cháo có màu vàng sánh rất hấp dẫn dù là thịt vịt hãng. Mới đút muỗng cháo vô họng, nghe em Ba nói thiếu điều tui muốn sặc. Em nói là chắc em không về nâng khăn sửa túi cho tui như thề hứa được đâu?
      “Cái thằng ‘chó đẻ’ công an khu vực nó muốn em mà nếu em không ưng… nó sẽ bắt ba má em tội ghi số đề, đưa đi cải tạo mút mùa lệ thủy, mút chỉ cà tha luôn! Còn ưng nó, em sẽ tiếp tục ghi ‘đề’ thoải mái; chỉ cần nộp cho thằng Trưởng Công An Phường một mớ hụi chết… là êm! Tía má em có nghe phong phanh em với thầy Hai nhưng giờ thầy phải chạy xe ôm, nuôi thân còn không nổi, nói chi tới nuôi em! Nên tía má em khuyên thôi hi sinh tình ta phứt cho rồi!”
      Tui nghe mà buồn biết bao trong tấc dạ! Anh à! Mình có nước mà còn không giữ được thì sá gì cái tình vắt trên vai của tui với em Ba ghi số đề trong xóm hả anh?
      Tui bị khủng hoảng tinh thần, làm ăn gì nổi nữa; nên bán chiếc Honda đi! Chiều chiều tui ra quán cháo vịt nơi hẹn hò năm cũ với em Ba số đề, đầy dấu chân kỷ niệm, mà ăn cháo trừ cơm.
      Em Tư bán cháo thấy tui tới ăn hoài nên cũng quen ‘hơi’. Em tế nhị, kín đáo cho thêm vài miếng thịt vịt chìm dưới đáy tô cho má em đừng có thấy. (Ngọc trầm thủy thượng anh ơi!)
      Thất tình, ngồi không, ăn hoài núi cũng lở. Đêm cuối cùng, trời lắc rắc mưa, tui đến quán, mặt buồn như đưa đám. Kêu tô cháu vịt đặc biệt có xắt thêm một cặp giò chá quẩy và một xị rượu trắng! Tui vừa húp cháo vừa suy ngẫm về cuộc đời khốn nạn nầy. Em Tư cháo vịt thấy cái mòi hơi lạ hỏi tui sao buồn quá vậy. Tui nói: “Cám ơn em! Ngon quá! Tô cháo cuối cùng của đời tôi! Hết tô cháo vịt; tôi sẽ nhẩy cầu Bình Lợi!”
      Em hỏi: “Bộ tự vận hả? Đừng làm vậy thầy Hai ơi! Đừng có chết! Nó bỏ thầy để đi lấy thằng công an khu vực. Thiệt là cái đồ 30 tháng 4 mà! Còn em, em không bỏ thầy đâu! Hu hu! Thầy Hai là người mình mà! Em sẽ đi bán cháo vịt nuôi thầy Hai suốt đời nhen!”
      “Rồi sao nữa? Thì tui ưng nó! Bữa nhậu nầy là kỷ niệm 35 năm ngày em Tư cháo vịt về nấu cháo cho tui ăn đó!”
      Kết luận tự vận vì tình là bậy bạ lắm! Nếu bữa đó anh Hai làm thiệt thì bữa nay làm sao có cháo vịt tui ăn!
Đoàn xuân Thu.
                               (Ảnh MH: Cầu Bình Lợi :Nguồn internet)

CHIẾN THẮNG NỖI SỢ HÃI

 
                               (Ảnh MH: Nguồn internet)
CHIẾN THẮNG NỖI SỢ HÃI

      Một nhà hiền triết khi ra bờ sông uống nước thì thấy có một con chó xuất hiện. Nó cũng khát nước.

      Nhưng khi nhìn xuống dòng sông, nó thấy cái bóng của mình nhưng lại tưởng đó là một con chó khác.

      Hoảng sợ, nó tru lên và bỏ chạy. Nhưng rồi khát quá nó bèn quay trở lại. Cuối cùng, mặc nỗi sợ hãi trong lòng, nó nhảy xuống sông và cái bóng biến mất.

      Nhà hiền triết hiểu đây là một thông điệp được gửi đến cho ông: con người phải biết chiến thắng nỗi sợ trong lòng bằng hành động.

(Theo Internet)

HỒI ỨC 40 NĂM...(TIẾP THEO VÀ HẾT)

                               (Ảnh MH : Tiếp quản Dinh Độc Lập ngày 30/04/1975 : Nguồn internet)
HỒI ỨC 40 NĂM...(TIẾP THEO VÀ HẾT)
PHẦN BA: NHỮNG QUẢ BOM DINH ĐỘC LẬP VÀ NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA CUỘC CHIẾN
      Vậy là trong những ngày cả miền Trung và miền Nam sôi sục không khí chiến tranh và chết chóc. SG mỗi ngày càng có nhiều đoàn người từ miền Trung di tản vào, trên nét mặt của họ hiện rõ sự âu lo và hoảng sợ mang theo cùng với những tin tức rời rạc. Một số xuống tàu ra khơi với một hành trình chưa biết đích đến. Tôi và gia đình đã yên vị tại khu tị nạn của những gia đình sĩ quan binh chủng Không Quân trong phi trường Tân Sơn Nhất.
      Tại căn nhà 2 tầng này có sức chứa trên hai mươi hộ mỗi tầng. Những người ở đây hầu hết là cha mẹ , vợ con , anh chị em của những người lính sĩ quan từ cấp úy tới cấp tá Binh chủng Không Quân của quân lực VNCH từ các tỉnh về đây tị nạn qua cuộc tháo chạy của những ngày tháng 3/1975 hỗn loạn.
      Mỗi ngày, những người lớn tập trung bàn về tình hình chiến sự ở khắp mọi nơi. Trên những nét mặt của họ lộ lên vẻ bối rối , lo sợ và đầy hoài nghi qua tin tức rời rạc nhận được mỗi ngày, trong khi đó, tôi và bọn trẻ trong đám gia đình lưu lạc đi lang thang trong khu nhà của sĩ quan trong khuôn viên của phi trường cách đó không xa. Tại đây, có rất nhiều những ngôi nhà xây cất giống nhau nằm riêng biệt và ngăn cách nhau bằng những tường rào cao. Trên những bức tường ấy là những hàng dây leo xanh um và dày kín. Ở đó có những bông hoa vàng rực nở sáng trong đám lá xanh. Mỗi căn đều có cổng sắt riêng biệt.
      Một hôm chúng tôi lang thang dọc theo một con mương nhỏ trong khu nhà sĩ quan để bắt những chú cá lòng tong 7 màu sặc sỡ đang bơi lội rất nhiều ở đó thì bỗng nhiên chúng tôi thấy có rất nhiều người phá cổng rào xông vào những ngôi nhà đó. Người ta khuân ra ngoài nào bàn, nào ghế sang trọng. Người thì bê hẳn một cây đàn Piano bóng lộn, người khác thì ôm máy móc, Cassette, ti vi ,...Bọn trẻ chúng tôi cũng hùa nhau vào xem. Đứa thì lấy mấy viên đá đủ màu trang trí trong tủ. Đứa thì lấy đồ chơi, xe đồ chơi chạy bằng pin. Tôi cũng tranh thủ lấy một cây đàn Mandolin nhỏ xíu vừa đi vừa gảy.
      Trong những căn nhà ấy lúc đầu mới vào sang trọng và ngăn nắp là thế nhưng chỉ sau hơn một tiếng đồng hồ đã trở nên xô bồ, xộn bộn, trống hoắc, trống huơ. Sau này chúng tôi được biết chủ nhân của họ đã ra phi đạo để bay ra nước ngoài. Họ chính là những sĩ quan Không quân có cấp bậc cao trong Quân đội VNCH.
      Chỉ sau vài ngày, những ngôi nhà này mới ngày nào còn rộn rã tiếng cười đùa của mấy đứa trẻ con và người ra kẻ vào nay bỗng dưng vắng lặng và tang hoang. Nhìn khu nhà trông thật buồn bã và hiu quạnh.
      Cứ như vậy tôi đã ở trong phi trường hơn nữa tháng cho đến một ngày....
      Hôm đó vợ chồng anh chị tôi có việc ra Thành phố, họ dẫn tôi đi cùng. Đó là một ngày cả thành phố náo loạn từ Sài gòn cho đến Gia Định. Thậm chí riêng khu vực những Quận trung tâm như Q1, Q3, Q5, Q10 ...còn rối loạn hơn cả những ngày CS vô tiếp quản Sài Gòn nữa. Đó là ngày mùng 8/4/1975 (chi tiết này tôi tìm lại trên Bách khoa toàn thư wikipedia , chứ tôi không nhớ ngày). Ngày mà Dinh Độc lập bị ném bom từ chiếc phản lực cơ F5-E từ Nguyễn thành Trung.
                               (Ảnh MH : Phản lực cơ F5-E : Nguồn internet)
     Tôi vẫn còn nhớ như in vào ngày hỗn loạn đó khi chúng tôi ra khỏi cổng sân bay Tân Sơn Nhất khoảng độ hơn 7 giờ sáng rồi đón một chiếc xe lam. Xe chạy đến Lăng cha Cả (Ngã 6 Cộng Hòa bây giờ). Khi đến một ngôi nhà trên đường Cách mạng (đường Nguyễn văn Trỗi) anh chị tôi vào nhà một người quen có công chuyện. Lúc họ trở ra chúng tôi đi bộ dọc vỉa hè hướng về cầu Công lý để chờ đón xe buýt về trung tâm Q1, Chính trong thời điểm này, lúc ấy khoảng hơn 8 giờ sáng. Tôi thấy rõ ràng một chiếc phản lực cơ đang từ đâu không rõ bổ nhào xuống hướng Dinh Độc lập cùng tiếng gầm rú của động cơ nghe chát chúa, tiếp theo sau là hai tiếng nổ long trời lở đất. Trong lúc chưa hết ngạc nhiên và ngỡ ngàng ông anh rể tôi bỗng thốt lên :
      -Trời! Sao máy bay F5 lại tấn công Sài Gòn vậy trời?
                                (Ảnh MH: Dinh Độc Lập bị ném bom 08/04/1975: Nguồn internet) 
     Vừa nói anh tôi vừa nắm tay chị tôi kéo thốc lên một chiếc xe buýt vừa trờ đến. Chiếc xe này lại đang hướng về Sài Gòn. Khi xe vừa qua khỏi cầu một đoạn, trên đường Công lý (Bây giờ là đường Nam kỳ khởi Nghĩa) tôi lại nghe tiếp một tiếng gầm rú như lần trước và một tiếng nổ lớn nữa.
      Lúc bấy giờ mọi người trên đường phố tháo chạy náo loạn . Chiếc xe buýt chạy xuống một đoạn nữa thì dừng hẳn. Mọi người trên xe ùa xuống chạy tứ tán. Anh chị và tôi cũng lao xuống xe chạy dọc theo một con đường tôi không nhớ rõ. Lúc này còi báo động của thành phố hú lên từng hồi dài. Tiếng còi hú khắp nơi nghe thật gấp gáp. Loa phóng thanh các nơi vang lên mệnh lệnh giới nghiêm 24/24 giờ trong toàn thành phố. Trên đường thỉnh thoảng có một vài chiếc chở lính trên những chiếc xe GMC lao về phía Dinh Độc Lập. Các chiếc xe buýt, xe lam, xe tắc xi đông nghẹt khách. Có xe mọi người đu bám ra hẳn bên ngoài.
      Anh chị và tôi cũng hối hả chạy ngược xuôi đón xe. Trong bối cảnh đó tôi thật sự không ngạc nhiên và hiểu ra một điều, có lẽ chiến tranh đã thực sự nổ ra tại chính thủ phủ cuối cùng. . Tôi cảm thấy rất lo sợ và bất an trong lòng vì những hình ảnh bắn giết vẫn còn đọng mãi trong tôi qua nhiều ngày trên Liên tỉnh lộ 7.
                               (Ảnh MH: Lăng Cha Cả-Gia Định trước 1975: Nguồn internet)
     Cuối cùng anh chị và tôi cũng vất vả leo lên được một chiếc xe buýt hướng về Lăng cha Cả - Gia Định. Ngày hôm ấy là một ngày thật đáng nhớ, tôi đã có một cảm xúc thật rõ ràng về sự thất bại của phe bên này - Quân đội VNCH và phe bên kia - Một thế lực mà tôi hoàn toàn không biết nhiều lắm trừ cuộc tập kích bị thất bại và những xác chết của họ vào mùa Xuân năm 1968 tại Sân vận động thị xã Pleiku và những câu chuyện kể từ miệng của bạn bè trong lớp về những quả đạn pháo kích vào trường học ở Cai lậy năm nào. Ý niệm về họ trong tôi khi ấy rất mơ hồ ngoài cảm giác sợ hãi khi nghĩ rằng đó là một thế lực không tốt.
NHỮNG QUẢ ĐẠN PHÁO KÍCH ĐÊM 29/4/1975 TẠI PHI TRƯỜNG TÂN SƠN NHẤT.
      Câu chuyện phản lực cơ của phía quân đội VNCH ném bom dinh Độc lập dừng lại ở đó khi anh rể tôi thời gian sau này có về nói rằng quân đội của VNCH đã bị "phản thùng" từ một phi công trẻ trong quân đội của binh chủng Không quân.
      Sau ngày hôm đó anh rể tôi hối thúc vợ mình và động viên cha mẹ tôi nên xuất ngoại đi Mỹ. Anh sẽ nhanh chóng tìm cơ hội để đi sớm cả gia đình. Chị tôi rất muốn đi, cha tôi hơi do dự còn mẹ tôi cương quyết không đi và có ý chờ tin tức người anh thất lạc của tôi. Mẹ tôi suốt ngày nhớ thương, lo sợ đã xảy ra chuyện không may cho anh tôi trong thời ly loạn. Bà ấy hối thúc anh chị tôi tìm mọi cách hỏi thăm tin tức những người ở quê đã thoát vô Sài gòn sau này, nhưng tất cả đều vô vọng. Họ chỉ kể về sự chết chóc tràn ngập trên đường Liên tỉnh lộ 7 mà họ là những người đi sau đã đi qua. Họ nói về sự cướp bóc tràn lan và nỗi kinh hoàng của những thân thể trương sình, phân hủy khi họ đi lật từng xác chết để tìm người thân thất lạc của họ. Mẹ và chị tôi đã khóc ngất lên từng cơn khi nghe họ kể lại và bà nhất quyết không chịu đi Mỹ cho tới khi nào tìm thấy anh tôi dù còn sống hay đã chết. Chị tôi vì thế cũng không thể nghe theo lời của chồng con. Cuối cùng ông anh rể vì thương vợ, thương con nên ra đi cũng không đành. Kết cục ông anh rể đã trở thành tù binh CS khi đất nước được giải phóng. Anh ta đã trở về với gia đình và vợ con 11 năm sau đó với thân thể héo khô và cái đầu điên loạn từ những ngày được "cải tạo "trên rừng núi Vĩnh Phú phía Bắc. Kết thúc những năm tháng hào hùng cưỡi mây lượn gió thời trai trẻ.
      Những ngày sau đó diễn ra tẻ nhạt. Đi đâu tôi cũng nghe những người lớn bàn về chiến tranh. Có nhiều gia đình trên căn phòng tị nạn của chúng tôi lần lượt đi Mỹ. Những người ở lại mang cảm giác vô vọng hằn trên đôi mắt của họ. Tất cả đều mang dáng vẻ và tâm trạng chờ đợi một điều gì đó sẽ đến, kể cả cha mẹ tôi cũng vậy. Họ tranh thủ phân phát cho các đứa con đã lớn cả cục tiền để tiêu xài, muốn mua sắm cái gì tùy thích. Tôi cũng được cha mẹ phát cho một xấp tiền và hai cây vàng lá vẫn luôn nằm trong túi của chiếc quần lót và dính liền với cơ thể kể cả những lúc đi ngủ.
      Trong căn phòng này, những ngày cuối chỉ còn lại khoảng 10 gia đình ở lại. Tôi thấy có nhiều người lớn thao thức trở mình cả đêm không ngủ được. Đó là những ngày tôi bị bệnh , sốt cao và cũng không ngủ. Lúc ấy tôi nghĩ rằng có lẽ họ trăn trở vì lo sợ không biết tương lai của họ rồi sẽ đi về đâu.
                               (Ảnh MH: TSN Đêm 29/04/1975: Nguồn internet)
      Mọi ngày cứ diễn ra trong tâm trạng thấp thỏm lo âu của mọi người như vậy cho đến một hôm. Đó là chiều ngày 28/4/1975.
      Chiều và đêm hôm đó là những phút giây hoảng sợ tột đỉnh. Tôi còn nhớ trước đó một đêm anh rể tôi và những sĩ quan Không quân cấp tá ngồi trên sàn nhà bình luận to nhỏ. Tôi ngồi hóng chuyện bên anh tôi và nghe rõ một người trong số đó nói:
      - Khả năng trong đêm nay sẽ có khoảng 4000 quả đạn pháo tấn công vô Phi trường của CS. Tin tình báo tôi vừa nhận được!
      Thế nhưng trong đêm đó, đêm 28/04/1975 đã không xảy ra chuyện gì dù tất cả mọi người đều xuống hầm trú ẩn gần đó chờ đợi. Trải qua một đêm mất ngủ nên sáng hôm sau mọi người về chỗ cũ ngủ vùi cho đến trưa. Mãi đến chiều tối, vào khoảng hơn 6 giờ, khi cả nhà tôi đang quây quần bên mâm cơm ăn qua quýt cho xong, bỗng tất cả giật mình và theo phản xạ tự nhiên tất cả nằm dài trên mặt sàn căn gác khi nghe một loạt tiếng bom nổ từ rất gần, nghe rõ cả tiếng gầm rú của tiếng động cơ phản lực trước đó nữa. Cha tôi kéo tay tôi và đứa cháu ngoại lớn cùng với mọi người vội vã chạy xuống cầu thang. Tất cả núp vào bên hông căn nhà sau các bức bê tông dày và cao trên 2 mét được xây để bảo vệ đạn lạc bao quanh chung quanh ngôi nhà. Sau loạt bom nổ ở đâu đó trong Phi trường, tất cả lại rơi vào im lặng. Khoảng một thời gian khá lâu anh rể tôi trở về, báo lại là Phi trường đã bị tấn công bằng bom của chính hai chiếc máy bay của quân lực VNCH.
                                (Ảnh MH: Phi đạo TSN 30/4/1975: Nguồn internet)
     Tối hôm đó mọi người trằn trọc, lo sợ. Phần lớn đều mệt mỏi và ngủ thiếp cho đến khoảng 4 giờ sáng thì tất cả chợt choàng tỉnh dậy khi nghe hàng loạt tiếng nổ lớn làm rung chuyển cả căn nhà. Mọi người lại vội vã đạp lên nhau để xuống cầu thang và tìm đến hầm trú ẩn. Tôi đã kịp nhìn lại qua khung cửa sổ mở rộng trên lầu và nhìn thấy một vùng sáng rực của bầu trời từ những quả hỏa châu lơ lửng tỏa ánh sáng yếu ớt trước ánh lửa rực đỏ khổng lồ ở phía xa (Sau này tôi được biết quả đầu tiên CS pháo kích trúng ngay kho xăng và những quả sau đó trúng ngay kho đạn trong Phi trường) kèm theo những tiếng đạn bay chiu chíu sau đó là tiếng nổ long trời lở đất của những quả đạn pháo là hàng ngàn tiếng nổ đủ loại của kho đạn bốc cháy. Mọi người hổn loạn tìm nơi trú ẩn. Tiếng đạn nổ, tiếng chiiiiuu ầm của đạn pháo, tiếng la khóc réo gọi í ới của những người tị nạn đã tạo nên một bức tranh vô tiền khoáng hậu về sự náo loạn, khiếp đảm kinh hoàng trong đêm.
      Trong hoàn cảnh hổn loạn đó, cả gia đình tôi chậm chân hơn người khác nên không vào được hầm trú ẩn. Mọi người đành thi nhau bồng bế, dắt díu nhau núp vào phía trong của những bức vách bao bọc chung quanh căn nhà. Chị tôi khóc mếu máo và gào tên ông anh rể. Trong cảnh tranh tối, tranh sáng, chị đã lạc mất ông chồng. Một tay bế thằng con trai nhỏ , một tay dắt thằng con trai lớn hơn 4 tuổi, cùng với cái bụng bầu trông chị thật tội nghiệp. Tôi phụ giúp chị nắm tay thằng con trai lớn của chị núp tạm vào bức vách. Nó khóc ré lên từng cơn khi nghe những tiếng nổ liên hồi. Nước mũi, nước dãi chảy ướt cả khuôn mặt với đôi mắt mở to hoảng hốt. Ngoài kia đạn réo, trên đầu tiếng đạn pháo nổ đì đùng. Không ai có thể đếm được có bao nhiêu quả đạn pháo kích rơi nổ trong phạm vi của phi trường trong đêm đó. Khi trời vừa hừng sáng thì tiếng nổ cũng vơi dần chứ không dồn dập như trước đó. Hơn hai tiếng đồng hồ nã pháo liên tục đã tạo nên một quang cảnh đổ nát, hoang tàn ngay trong khu vực trại gia binh. Có nhiều xác chết đủ mọi tư thế dọc theo con đường dẫn ra cổng sân bay. Một số người bị thương mặt đầy máu dắt díu chạy theo người thân ra hướng cổng cùng tiếng rên xiết của những người bị thương ở chân, tay và đầu. Họ được băng bó tạm lê bước trên đường.
      Chị tôi cũng tìm được ông anh rể trong bộ quân phục sĩ quan Không quân ướt chẹp nhẹp từ đầu đến chân. Thì ra anh ấy đã quyết định bỏ lại vợ con nhào ra phi đạo trong đêm đó để trốn chạy khỏi cuộc chiến vì lo sợ trả thù. Anh ta đã không lên được máy bay vì sự chen lấn và những mảnh đạn bay vô tình rợp trời ngoài phi đạo, nên anh đã quay lại núp vào một ngôi nhà và ướt sũng vì một ống nước bị vở ra do mảnh đạn.
      Gần 7 giờ sáng, cả gia đình chúng tôi lê bước ra khỏi cổng sân bay. Lúc này vẫn còn những tiếng nổ của đạn pháo rời rạc. Tôi còn kịp nhìn thấy trên bầu trời một chiếc phi cơ truyền tin loại đuôi kép bị dính đạn đang bổ nhào xuống đất với một vệt khói đen bốc lên từ sau đuôi. Phía xa hơn, một chiếc phi cơ vận tải cũng đang hưởng số phận tương tự.
      Ra đến cổng phi trường tôi nhìn thấy ở đó có một chiếc pick-up bán tải màu vàng cắm đầu vô bức tường sân bay. Có hai cái chân mang đôi bốt lính thò ra từ trong thùng xe phía sau . Cả nhà tôi và nhiều người khác thất tha thất thểu rời khỏi phi trường với vài chiếc xách tay gọn nhẹ. Tất cả hành lý còn lại trong cuộc di tản đã nằm lại trên căn gác ở khu gia binh.
                               (Ảnh MH:Cổng Phi trường TSN trước 1975: Nguồn internet)
      Chúng tôi đi dọc theo vỉa hè của con đường dẫn đến Lăng Cha Cả. Anh rể tôi quyết định rẽ sang đường Trương Minh Giảng (Lê văn Sĩ bây giờ) hướng về Sài gòn theo đoàn người di tản. Khi đến nhà thờ Ba Chuông chúng tôi được một cha xứ hướng dẫn đi vào tá túc tại một ngôi biệt thự to lớn và sang trọng bên hông nhà thờ. Sau này tôi nghe vài người nói đó là tư dinh của tướng Nguyễn Cao Kỳ nhưng không biết có đúng không.
      Cả đoàn người áo quần xộc xệch, mặt mày ủ dột còn đầy nét sợ hãi tràn vô ngôi biệt thự to lớn đó. Họ lần lượt chiếm các phòng từ trên lầu, dưới đất. Một số gia đình khác chiếm những góc nơi phòng khách, phòng ăn và các phòng ngủ. Gia đình tôi một lần nữa lại là người đến sau đành chiếm cái ga ra để xe hơi ở một bên, phía trước căn biệt thự.
      Tại đây sau ngày giải phóng, gia đình tôi đã gặp lại hai ông anh thất lạc. Họ đã đón xe đò vô Sài Gòn tìm kiếm gia đình sau khi lang thang đi lật từng xác người trên con đường Liên tỉnh lộ 7. Tay bắt mặt mừng, gia đình đoàn tụ và ai cũng vui vẻ dù tài sản đã mất sạch sẽ không còn gì. Duy nhất có một người buồn vô hạn vì đã không thoát được CS do thương vợ con và vì không biết số phận mình sẽ đi về đâu. Đó là ông anh rể cấp bậc Đại úy Không quân của tôi.
                                               (Ảnh MH : Nhà thờ ba chuông-SG: Nguồn internet)
VÀ NHỮNG ĐOÀN QUÂN TIẾP QUẢN...
     Ngày hôm sau là ngày 30/04/1975. Tôi và con bé giúp việc của chị tôi ( cô bé này trạc tuổi tôi, nó theo suốt gia đình chị tôi từ phi trường Phù cát vô đến sài gòn) nách bồng thằng cháu nhỏ cùng tôi lang thang ra đầu ngõ giáp đường Trương minh Giảng dạo chơi. Tôi thấy có rất nhiều súng ống, lựu đạn, quần áo lính chất đống trên đường. Đó là quân phục, quân trang, vũ khí và đạn dược của những người lính VNCH thất trận. Họ vứt bỏ những dấu tích tàn dư còn lại của người lính mà đã từng một thời mang trong người oanh liệt bảo vệ chế độ Cộng hòa.
      Ra đến đầu đường phía bên kia dãy phố, chúng tôi thấy thấp thoáng những lá cờ có hai màu xanh đỏ chính giữa là ngôi sao màu vàng. Nó bay phất phới trên cao của những ngôi nhà.
      Phía trên hướng Lăng Cha Cả đang đi xuống là hai hàng những gã đàn ông ăn mặc tồi tàn. Có người ở trần khoe lộ hai hàng xương sườn. Tất cả bọn họ đều ốm trơ xương đang lê những bước chân nặng nhọc hướng về Sài Gòn. Tôi ngạc nhiên và không hiểu nổi vì lý do gì mà những người ốm đói tay không tấc sắt này có thể chiến thắng được những người to lớn, mạnh khỏe và được trang bị súng ống đầy mình của quân đội VNCH mà tôi thường thấy hàng ngày. Sau này tôi mới được biết họ chỉ là những tù nhân của chế độ cũ được quân đội CS giải thoát từ các nhà tù.
      Sau đoàn quân có cả hàng ngàn người này đi khuất, là tiếp nối những người khác. Họ mặc những bộ đồ màu sắc khác nhau. Có người mặc bộ đồ đồ màu xanh lính, có người mặc bộ đồ màu đen, xen lẫn có người mặc màu vàng úa. Trên vai họ khoác những khẩu súng trường và mang dép râu. Trên cổ một vài người mặc áo đen là những chiếc khăn rằn bay phất phới. Họ cũng đi thành hai hàng dài nét mặt lộ vẻ hân hoan và vui vẻ nói cười. Đoàn quân này cũng dài dằng dặc tưởng như vô tận.
     Con nhỏ ô sin của chị tôi khi nhác thấy đoàn quân này đã bỏ thằng cháu xuống, vỗ tay bôm bốp, miệng cười toe toét rống lên thật to:
     - Chào mừng mấy anh dân quân, du kích Giải phóng quân!
     Tôi ngạc nhiên há hốc mồm nhìn nó và chẳng hiểu gì cả? Mãi sau này tôi mới biết, quê của nó ở tận dưới vùng An nhơn, tỉnh Bình định. Đó là vùng quê ban ngày lính VNCH kiểm soát, ban đêm thì thuộc về Cộng sản. Nó theo chị tôi giúp việc và giữ em từ lúc hơn 10 tuổi. Mãi đến bây giờ tôi thực sự cũng không sao hiểu nổi làm cách nào mà ngay cả một đứa bé con như nó lại có thể biết rõ và tin yêu về cs như vậy!?
      Sau khi đoàn dân quân, du kích đi khỏi. Tiếp đến là những người ăn mặc tề chỉnh, quân phục một màu xanh lính. Đầu họ đội nón cối.Chân họ mang những đôi giày vải, có người mang dép râu. Trên vai của họ là nhiều khẩu súng lớn nhỏ, dài ngắn khác nhau. Họ đi thành hàng ngay ngắn và dài dằng dặc.
      Lúc này con nhỏ ô sin của chị tôi lại được dịp rống to hơn nữa. Tôi cứ há hốc mồm, mắt trợn tròn nhìn nó. Tay nó vừa vỗ vừa chỉ vào đoàn quân này miệng hét lên:
      - Chào mừng các anh bộ đội Giải phóng quân!
      Sau màn ăn mừng của nó và sự ngạc nhiên của tôi, cả hai đứa quay vô nhà. Nó đi một bên vui vẻ, miệng huyên thuyên kể về một ông Hồ chí Minh nào đó mà nó tôn sùng như ông ngoại của nó vậy. Tôi chẳng hiểu gì chỉ gật đầu cho có lệ vì vào thời điểm ấy làm sao tôi có thể biết được ông Hồ chí Minh nào chứ?!
      Những ngày sau đó là những tính toán của gia đình tôi về sự trở về. Cha tôi cương quyết không về lại quê cũ. Ông ấy nói về một bà cô vai em nào đó ở Đà lạt và muốn lên sống ở đó. Cha không muốn nhìn lại nơi ông đã dày công lập nghiệp, đã thành công và cũng đã đôi lần vứt bỏ tất cả bởi chiến tranh.
      Ông anh rể của tôi cũng đã nghĩ đến một phương án trốn chạy nhưng nghe theo lời bàn của những sĩ quan đồng binh chủng nên anh quyết định ra trình diện quân giải phóng. Rốt cục sau 11 năm học tập anh ta đã không còn là chính mình nữa. Anh đã thành người điên khi ra tù dù tuổi đời chưa qua tuổi 40.
      Đó là toàn bộ cuộc hành trình mà một thằng nhóc con 14 tuổi là tôi đã trải nghiệm trong suốt gần 2 tháng của cuộc chiến tranh Nam Bắc dai dẳng, đầy mất mát và lắm đau thương.
      Vào những năm sau này khi tôi đã lớn khôn. Cứ mỗi dịp nhắc đến ngày này tôi chưa bao giờ đồng cảm được với sự vui vẻ hân hoan của những người thắng cuộc. Với tôi, đó là nỗi đau chung của những bà mẹ, những người chị và những người vợ từ cả hai miền. Trong cuộc nội chiến đó sự mất mát đều dành cho hai phía cùng một dòng máu đỏ và màu da vàng. Bởi vì trong cuộc tháo chạy kinh hoàng mà tôi chứng kiến, tôi chỉ thấy máu và nước mắt của người Việt chứ hoàn toàn không thấy máu và nước mắt của một người da trắng, mắt xanh, mũi lõ nào.
.
      Tôi vẫn thích cách nghĩ đầy tính nhân văn của Thủ Tướng đã quá cố của bên thắng cuộc Võ Văn Kiệt mỗi khi nhắc đến sự kiện lịch sử này: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”.
(Lê Quang Luận) . Sài Gòn , 29/03/2015


Ảnh MH: Lăng Cha Cả nhìn từ trên cao : Nguồn internet)

(Ảnh MH: Dinh Độc Lập trước 1975: Nguồn internet)

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

CHUYỆN NGƯỜI SAMURAI...

                               (Ảnh MH: Nguồn internet}
CHUYỆN NGƯỜI SAMURAI...
      Một vị samurai đến thu nợ của người đánh cá.
      Người đánh cá nói:
      -Tôi xin lỗi, nhưng năm vừa qua thật tệ, tôi không có đồng nào để trả ngài. 
      Vị samurai nổi nóng, rút kiếm ra định giết người đánh cá ngay lập tức.
      Rất nhanh trí, người đánh cá nói:
      -Tôi cũng đã học võ và sư phụ tôi khuyên không nên đánh nhau khi đang tức giận.
      Vị samurai nhìn người đánh cá một lúc, sau đó từ từ hạ kiếm xuống :
      - Sư phụ của ngươi rất khôn ngoan. Sư phụ của ta cũng dạy như vậy. Ðôi khi ta không kiểm soát được nỗi giận dữ của mình. Ta sẽ cho ngươi thêm một năm để trả nợ và lúc đó chỉ thiếu một xu thôi chắc chắn ta sẽ giết ngươi.
      Vị samurai trở về nhà khi đã khá muộn. Ông nhẹ nhàng đi vào nhà vì không muốn đánh thức vợ, nhưng ông ta rất bất ngờ khi thấy vợ mình và một kẻ lạ mặt mặc quần áo samurai đang ngủ trên giường. Nổi điên lên vì ghen và giận dữ, ông nâng kiếm định giết cả hai, nhưng đột nhiên lời của người đánh cá văng vẳng bên tai: “Ðừng hành động khi đang giận dữ.'
      Vị samurai ngừng lại, thở sâu, sau đó cố tình gây ra tiếng động lớn. Vợ ông thức dậy ngay lập tức, kẻ lạ mặt cũng vậy, hoá ra đó chính là mẹ ông.
      Ông gào lên:
      -Chuyện này là sao vậy. Suýt nữa con đã giết cả hai người rồi!”
      Vợ ông giải thích:
      -Vì sợ kẻ trộm lẻn vào nhà nên thiếp đã cho mẹ mặc quần áo của chàng để doạ chúng.
      Một năm sau, người đánh cá gặp lại vị samurai :
      -Năm vừa qua thật tuyệt vời, tôi đến để trả nợ cho ngài đây, có cả tiền lãi nữa !- Người đánh cá phấn khởi nói.
      -Hãy cầm lấy tiền của ngươi đi ! Ngươi đã trả nợ rồi .- Vị samurai trả lời .
(Sưu Tầm)

HÒN ĐÁ NÉM ĐI ...

                                (Ảnh MH: Nguồn internet)
HÒN ĐÁ NÉM ĐI ...
      Văn hào Nga Leon Tolstoy có kể câu chuyện ngụ ngôn như sau: Có một người hành khất nọ đến trước cửa nhà của một người giàu có để xin bố thí. Một đồng xu nhỏ hay một miếng bánh vụn, đó là tất cả những gì người ăn xin chờ đợi nơi người giàu có.
      Nhưng, mặc cho người khốn khổ van xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Ðến một lúc không còn chịu nổi những lời van xin của người hành khất, thay vì bố thí, người giàu đã lấy đá ném vào con người khốn khổ.
      Người hành khất lặng lẽ nhặt lấy hòn đá cho vào bị rồi thì thầm trong miệng: "Ta mang hòn đá này cho đến ngày nhà người sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi".
      Ði đâu, người hành khất cũng mang theo hòn đá ấy. Tâm hồn ông lúc nào cũng cưu mang sự báo thù.
      Năm tháng qua đi. Lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật. Vì biển lận, người giàu có bị tước đoạt tất cả tài sản và bị tống giam vào ngục. Ngày hôm đó, người hành khất chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu vào tù ngục. Nỗi căm hờn sôi sục trong lòng ông. Ông đi theo đoàn người áp tải. Tay ông không rời bỏ hòn đá mà người giàu đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm. Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù để rửa sạch mối nhục hằng đeo đẳng bên ông. Nhưng cuối cùng, nhìn thấy gương mặt tiều tụy đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người hành khất thả nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ: "Tại sao ta lại phải mang nặng hòn đá này từ bao nhiêu năm qua? Con người này, giờ đây, cũng chỉ là một con người khốn khổ như ta".
      Tha thứ là điều khó khăn nhất nhưng cũng là điều cao cả nhất.
(Sưu Tầm)

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

HỒI ỨC 40 NĂM...(tiếp theo)

                                (Ảnh MH Phi trường Phù cát 1975 : Nguồn internet)
HỒI ỨC 40 NĂM...
    PHẦN HAI: NHỮNG NGÀY BUỒN BÃ Ở PHI TRƯỜNG PHÙ CÁT VÀ NHA TRANG.
      Vậy là gia đình tôi được tạm đoàn tụ tuy vẫn còn thiếu hai ông anh ruột. Những ngày này trong phi trường Phù Cát rất vắng lặng nhất là khu ở của Sĩ quan, chỉ thỉnh thoảng có tiếng máy bay trực thăng lên xuống ngoài phi đạo. Anh rể tôi thường xuyên vắng mặt ở nhà do họp hành. Tình hình ở đây không thấy có gì chộn rộn ngoài vẻ mặt nghiêm trang và có phần căng thẳng của các anh lính bình chủng Không quân. Ngoài kia tôi nghĩ dân chúng cũng đang kéo nhau di tản vô các tỉnh phía trong.
     Ở đây hai ngày, tôi không biết làm gì ngoài việc thơ thẩn nhìn ngắm những chuyến bay đi bay về của những chiếc trực thăng hai chong chóng. Họ đang vận chuyển những gì lúc ấy tôi không hề biết. Mãi sau này tôi mới rõ, đó là quân trang, vũ khí và đạn dược. Một số máy bay chở đồ cứu tế cho cuộc tháo chạy trên Liên tỉnh lộ 7.
      Tôi bỗng nhiên buồn bã và nhớ trường, nhớ lớp, nhớ nhà ...và không biết mình có còn trở lại Pleiku nữa không. Tôi cứ nghĩ chắc giống như mùa hè đỏ lửa năm 1972, cuối cùng cũng bình yên, rồi sẽ không có gì xảy ra và mọi người sẽ trở về nơi cũ, nhưng không phải vậy? Vào ngày hôm sau anh rể tôi vội vã từ ban chỉ huy Cục tác chiến trở về nhà. Vẻ mặt nghiêm trọng anh nói với cha mẹ và chị tôi:
     - Lo thu dọn hành lý và đi gấp. Những gì quan trọng và gọn thì mang theo, còn bao nhiêu bỏ lại hết. Tình hình nguy cấp lắm, Pleiku CS đã kiểm soát rồi.
      Vậy là chúng tôi gồm cha, mẹ, vợ chồng anh chị tôi, 2 đứa con trai nhỏ của họ, tôi và con nhỏ giúp việc cho anh chị trạc tuổi tôi chất hành lý lên chiếc xe bán tải trong phi trường chạy ra phi đạo. Ở đó có một chiếc trực thăng đang nổ máy chờ sẵn.
      Tôi lại được dịp bay bổng trên trời cao, được nhìn ngắm màu xanh của cây lá, của biển và những mái nhà nhỏ xíu ở dưới đất. Tôi thả hồn vào một giấc mơ khác; Ở đó không có cảnh bắn giết, cảnh máu đổ thịt rơi và những tiếng la khóc hãi hùng. Tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết nữa cho đến lúc mọi người lay tôi dậy, lúc đó đã hơn 4 giờ chiều. Tôi đang ở Phi trường tỉnh Nha Trang.

                                (Ảnh MH: Nguồn internet)
...VÀ PHI TRƯỜNG NHA TRANG
     Tôi đã ở khu cư xá của sĩ quan binh chủng Không quân nằm phía trong phi trường Nha Trang hai ngày. Trong quãng thời gian này tôi không biết làm gì ngoài việc thơ thẩn dạo chơi và ngắm nhìn những chiếc máy bay các loại đáp xuống và bay lên một cách vội vã. Có một số sĩ quan và gia đình của họ ra đi trên những chiếc trực thăng.
      Tại câu lạc bộ trong phi trường, tôi nghe những người lính và những người lớn tuổi to nhỏ với nhau về những thay đổi bên ngoài. Họ nói về những những cuộc di tản bằng đường bộ và đường thủy. Những cuộc tranh giành và bắn giết nhau để lên tàu, những cái chết trên bờ biển vô thừa nhận và một vụ cướp nào đó ngoài phố ...Họ nói với nhau về tình hình chiến sự ở Cao Nguyên, Đà nẵng, Tuy hoà..vv..rằng Việt cộng đã đang đánh chiếm dần về phía Nam. Tôi thấy trên vẻ mặt của họ toát lên sự bồn chồn, lo lắng và đầy bất an. Bản thân tôi cũng có một nỗi lo sợ mơ hồ. Tôi thường xuyên nhớ về quê cũ, về bạn bè và trường lớp. Tôi thèm được đi học dù những ngày trước khi di tản tôi rất vui sướng vì được nghỉ học. Tôi nhớ đến bà cô ruột; người luôn thay mẹ chăm lo cho tôi từng li từng chút một. Tôi nhớ đến hai ông anh của tôi còn kẹt lại trên đó và không biết sống chết như thế nào. Cha mẹ tôi trong những ngày này cũng rầu ra mặt, nhất là mẹ tôi.
                               (Ảnh MH: Nguồn internet)
       Đến trưa ngày thứ 3, cả gia đình tôi và các gia đình sĩ quan khác trong khu tập thể được lệnh rút về Sài gòn. Gần hơn cả trăm người lục đục già trẻ, lớn bé, mang vác hành lý đi bộ ra phi đạo. Giữa trưa nắng, có một chiếc phi cơ phản lực C-130 đang chờ sẵn. Đó là một chiếc máy bay chuyên vận tải xe cộ, quân dụng, súng đạn và binh lính...(thông tin này tôi được ông anh rể nói lại). Chúng tôi lê bước lên máy bay từ một tấm bửng phía sau, dưới bụng của nó. Sau khi các anh lính trên máy bay sắp xếp chỗ ngồi ổn định cho mọi người (ngồi bệt dưới sàn máy bay). Tấm bửng sau đít máy bay từ từ khép lại và gầm rú chát chúa tiến ra đường băng.
      Chiếc C-130 cất cánh bay vút lên trời, bỏ lại phía sau tiếng động cơ ầm ì. Khi lên đến độ cao lý tưởng, tôi cảm thấy nó như đang trôi trên chín tầng mây và không nghe thấy tiếng ồn như trước nữa, nhưng thay vào đó là những làn khói dày đặc túa ra từ những lỗ nhỏ phía trên trần máy bay. Tôi hoảng hốt lo sợ tái xanh mặt mũi và tim đập thình thịch trong lòng ngực vì nghĩ rằng máy bay đang có sự cố đang bốc cháy. Tôi cũng đọc thấy sự sợ hãi trong mắt một số người khác nữa. Gục đầu và nhắm mắt lại, tai tôi nghe thấy tiếng nôn mửa của một số phụ nữ và cái đầu còn non nớt của tôi đang tưởng tượng đến cảnh người lính rơi từ độ cao hơn nữa cây số hôm nào. Mãi sau này được ông anh rể của tôi giải thích, tôi mới vỡ lẽ ra là những làn khói trắng đục xì ra trên máy bay là oxy. Nó được mở ra khi máy bay đạt đủ độ cao và ở đó không khí rất loãng.
      Rồi chuyến bay diễn ra suông sẻ. Nó đã đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất sau hơn 1 giờ bay. Một giờ đó đối với tôi cảm giác còn dài hơn cả một thế kỷ. Nơi này là đích đến sau cùng của cuộc trốn chạy chiến tranh kéo dài hơn 20 ngày.
                                (Ảnh MH: Nguồn internet)
     Tại phi đạo của phi trường TSN, mọi người được những chiếc xe bán tải màu vàng chở vào khu gia binh sâu trong phi trường. Ở đó chúng tôi được bố trí trong một khu nhà hai tầng dài khoảng trên 30 mét. Gia đình cha mẹ và anh chị tôi được bố trí cho một góc khoảng vừa trải đủ hai chiếc chiếu khổ lớn nhất dưới sàn. Các gia đình sĩ quan Không quân khác cũng vậy. Có khoảng trên 20 gia đình ở đó. Họ trải chiếu đầu quay ra vách tường hai bên. Chính giữa phòng, hơn một mét là lối đi đến hai cánh cửa dẫn xuống đất bằng hai chiếc cầu thang ở hai đầu của căn phòng.
     Tôi đã ở đây hơn 20 ngày nữa cho đến đêm 29/04/1975, một đêm kinh hoàng với cả ngàn quả đạn pháo của phía quân CS nã vào phi trường. (Còn tiếp)
(Lê Quang Luận). Sài Gòn, 27/03/2015
P/s: Phi trường Phù cát, máy bay C130, cuộc tháo chạy bằng đường biển, đường hàng không và cổng sân bay TSN. Tất cả ảnh chụp trong và trước năm 1975 sưu tầm trên mạng Internet.

 (Ảnh MH , Cổng Phi trường TSN trước 1975: Nguồn internet)


 (Ảnh MH: Nguồn internet)