Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

EM HỒN NHIÊN CHÍN HÁP

                                (Ảnh MH: Nguồn internet)
EM HỒN NHIÊN CHÍN HÁP
      Trước khi giàu, ai cũng nghèo. Đó là cái chắc! Nghèo mạt rệp, nghèo sặc gạch, nghèo trớt mùng tơi, nghèo đến nỗi cái mùng rách, cái mùng tơi để ngủ cho muỗi khỏi cắn cũng không có, cũng trớt quớt luôn. Chính vì vậy, nghèo là cái đáng sợ nhất?!
      Nghèo cũng có nhiều cái tại, cái bị. Nghèo vì tại ba má tui nghèo. Ra đời không có cục đất chọi chim, đất không có để một nắng hai sương làm ruộng, làm rẫy hay có mà bị trưng thu mất rồi…mà tiền bồi thường rẻ như bèo hoa dâu, hỏng được bao nhiêu! Vì “Nó” mua như ăn cướp. Vốn mần ăn cũng không, thì nếu không đi làm mướn, bán cái thân mẹo dậu, hỏi làm sao mà sống?
      Còn nếu ba má tui giàu thì tui khỏe re như con bò kéo xe. Vì con vua thì được làm vua. Con sãi ở chùa phải quét lá đa. Mà không phải cần là con vua mới khỏe re; chỉ cần là con Thái Tử, cỡ con Thái tử Charles chẳng hạn, thì hoàng tử Harry chẳng cần lao động là vinh quang gì sất; vì không lao động cũng vinh quang như thường. Để đêm nay nhậu London, diện đồng phục Đức Quốc Xã Hitler, đêm mai bay đi Las Vegas nhậu cho quắc cần câu, ở truồng nhong nhỏng đưa ‘bố mầy ra’, cho báo chí chụp hình đăng báo để cho bàn dân thiên hạ biết thế nào là kinh… và tởm…
      Nhưng là con người có ai chọn được chỗ ‘xịn’ để chui ra đâu. Được như vậy là trúng số phải không? Việt Nam nói giàu trong trứng giàu ra. Còn Tây thì bảo "been born with a silver spoon in his mouth". Mà có lỡ không có cái thìa bạc trong mồm thì có cày như trâu như em tài công tàu du lịch chợ nổi Cái Răng, thời xã hội chủ nghĩa dính cái đuôi kinh tế thị trường, nhân vật chánh trong bài báo đăng trong trang blog của Ngọc Lan, báo Người Việt online, thì cũng bó tay!
      Theo bài báo của nữ ký giả tài hoa Ngọc Lan thì em tài công này tự giới thiệu: Em 22 tuổi, làm nghề lái tàu đưa khách du lịch tham quan sông Hậu, chợ nổi Cái Răng. Em làm việc 7 ngày một tuần, từ 5 giờ sáng đến 9, 10 giờ đêm, tùy theo giờ khách nhậu xong thì về. Lương mỗi tháng em được hơn 2 triệu, ngày nào nghỉ thì bị trừ 60 ngàn. Tháng nào có nhiều khách du lịch, chủ thưởng thêm cho em một trăm ngàn.Lương lãnh bao nhiêu, em về đưa hết cho mẹ. Mỗi ngày đi làm, mẹ cho 50 ngàn tiền cữ ăn sáng và ăn trưa, tính luôn cả tiền cà phê và thuốc lá. Tối về ăn cơm nhà “nên không tốn.”
      Hai mươi hai tuổi, lái tàu du lịch, làm ngày mười mấy tiếng, suốt tuần, suốt tháng, suốt năm. Rồi năm này qua năm nọ. Xong buông ra ngủ, thức dậy làm tiếp. Thiệt cuộc sống còn thua con bò, con trâu cày ruộng đồng sâu nữa?!
      Em không có bạn gái, vì “nếu đi chơi với bạn gái, trong túi phải có ít nhất một trăm ngàn đổ lên, em không có đủ số tiền đó nên thôi.” – “Không có bạn gái thì làm sao cưới vợ?” – Em cười hiền lành, “Đó là chuyện ba mẹ tính. Kêu em cưới ai thì em cưới người đó. Không cãi.”
      Không có thời giờ, mà ngặt nhứt là không tiền, dù đang tuổi xuân phơi phới, muốn tìm một em để có tay mà gối đêm đêm; cũng khó tựa như mò kim đáy biển Đông. Hồi xưa thanh niên nhà nghèo, ai cũng lo: “Ví dầu nhà dột cột xiêu. Muốn đi cưới vợ, sợ nhiều miệng ăn!”. Còn bây giờ thì em này nản quá, khỏi lo luôn, để má tính. Em cứ nghĩ thân trai mười hai bến nước, trong nhờ, đụt lóng phèn vậy thôi?! Thời buổi kim tiền mà. Thiệt là xa ‘ngay ngáy’ cái thời: chết sống vì yêu, tiền kể bỏ:“Cha mẹ em có đánh quằn, đánh quại. Bắt em ra treo tại nhành dương. Biểu từ ai, em từ đặng. Chớ biểu em từ người thương, em không từ!”
      Còn bây giờ em tài công này tuyệt vọng lắm rồi trên con đường tình duyên gia đạo. Sao vậy? Vì theo ông Hoài Tường Phong là: Trăng nghẹn
“Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,
Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.
Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,
Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi…”
      Người ta bằng tuổi em đã đi lấy chồng xa, Hàn Quốc, Đài Loan hết rồi! Ai mà ở không mà chờ lấy người tài công tàu du lịch chở khách ‘tham quan’ Chợ Nổi Cái Răng như em, mà mỗi ngày chỉ có 50 ngàn dằn túi, vừa cơm trưa, vừa cà phê, thuốc lá. Lấy em về cạp đất mà ăn sao? Chi bằng Hàn Quốc, Đài Loan dù nó có già, có khùng chăng đi nữa cũng còn có chút tiền gửi về cho cha mẹ gọi là báo hiếu: công sanh thành dưỡng dục và nhân tiện giúp đỡ chính quyền tỉnh nhà có thành tích báo cáo lên trên là: quê ta giờ khởi sắc nhờ các thôn nữ xinh đẹp, hiền hòa do phù sa sông Hậu, biến con ‘chim’ mình thành con ‘chim đa đa’…đi lấy chồng xa?
      ‘Em có dự định đổi công việc để có thêm nhiều tiền không?” – “Dạ không. Em thích công việc này. Em thích lái tàu đi đây đó. Lái tàu không bị bụi bặm, không kẹt xe. Tối em cũng xuống tàu nằm ngủ, vừa yên tĩnh vừa mát mẻ.”
      Còn đổi công việc khá hơn ở đâu mà có? Thôi thì có cơm ăn, có chổ ngủ là xong rồi. Mơ ngày mai trời lại sáng? Lỡ nó không sáng mà tối thui luôn là chết giấc, còn chết luôn cả má nữa?... Lại tuyệt vọng?!
      Trên hành trình ra chợ nổi có lúc máy tàu đứng khựng, em nói ngay, “bịch nilong cuốn vào chân vịt.” – “Rồi làm sao?’ – “Để em gỡ nó ra.”
      Em rời tay lái, đi về cuối tàu, cởi áo, thò nguyên cái đầu và nửa người xuống lòng máy. Dĩ nhiên lúc ngóc lên là một cái đầu và nửa người ướt sũng. Em lắc lắc mái tóc cho khô và nhanh nhanh mặc áo vào. Tiếp tục ngồi vào tay lái.
      Thân lo còn chưa xong, hơi đâu mà lo cho môi trường tào lao bá láp? Bịch nilong mắc vào chân vịt máy tàu, khòm đầu xuống nước, cố gở nó ra, rồi chạy tiếp.. Còn ai ném bịch nilon xuống dòng sông? Ai xả nước thải từ nhà máy công nghiệp thẳng ra dòng sông, làm nó ô nhiễm hóa chất, chết dần mòn, em cũng chẳng quan tâm, thắc mắc? Thân mình còn lo chưa xong nữa; nói đến dòng sông chi vậy?
      Nhà báo Ngọc Lan nói rằng: Không một lời phàn nàn. Chỉ cười. Vì sao? Vì em tuyệt vọng quá rồi. Sao mới 22 tuổi đầu mà an bần lạc đạo, an nhiên tự tại như ông ‘Đạo Vuốt’ vậy ta? Ông Nguyễn văn Vĩnh nói: Việt Nam mình gì cũng cười. Hõng lẽ khóc? Tiếng cười của em tài công này là tiếng khóc khô không lệ?!
      Tuổi thanh xuân của em là trái, là hoa của đất nước mà ai làm cho em hồn nhiên chín háp vậy hỡi trời? Thanh xuân của em là thanh xuân của đất nước; em là rường cột của quốc gia… mà em tuyệt vọng đến chừng nầy thì ơi hỡi Việt Nam?!
      Ông Trịnh Công Sơn cũng có lần tuyệt vọng như thế, nên ca rằng:
      “Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng. Em là tôi và tôi cũng là em.
      Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo. Con diều rơi cho vực thẳm buồn thêm…” Vậy mà ổng lại khuyên đừng làm gì cho rắc rối thêm ra… đừng tung xích xiềng vào mặt nhân gian như ông Nguyễn Đức Quang, đừng ‘tranh đấu’ rồi chẳng biết ‘tránh đâu’?“Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng. Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh?”. Cha! Chắc cái này chờ cho đến khuya lơ khuya lắc, chờ cho đến mút mùa Lệ Thủy, chờ cho đến Tết Ma Rốc đi chăng nữa mà không chịu làm cái gì đó để đạp đổ cái chế độ bất công này, cái chế độ làm cho kẻ ăn không hết, người lần không ra, thì người viết e rằng cái bình minh ông nói chắc chỉ có trong tranh vẽ của ông thôi.
      Đi xa hơn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, khuyên em hồn nhiên chờ bình minh tới, nhà báo Ngọc Lan còn tán dương em tài công Chợ Nổi Cái Răng nhiệt liệt: Tôi nhìn em, thầm nghĩ, “bao giờ thì tôi mới học được cách không hề buông một lời than vãn và biết bằng lòng với cuộc sống như em nhỉ?Em quay sang nhìn tôi, mỉm cười, trong vắt, bình an.
      Người viết vốn là dân Miệt Dưới (Down Under), trên là Nữ Hoàng Elizabeth Đệ Nhị, Tổng Toàn Quyền Madame Quentin Bryce, Thủ Tướng Mademoiselle Julia Gillard , chịu phụ nữ áp bức quen rồi, nên vô cùng ‘cung kính…trọng’ nữ ký giả tài hoa Ngọc Lan. Không dám ‘càm ràm’ chi hết. Tuy nhiên qua lời ký giả Ngọc Lan nói muốn học cái cách sống của em lái tàu tuyệt vọng trên chợ nổi Cái Răng, an nhiên tự tại, an bần lạc đạo để Việt Nam đoạt huy chương bạc, nghĩa là hạng nhì, về chỉ số sống hạnh phúc trong ‘lồng’, thì người viết dù có ‘Lady First’ bấy nhiêu cũng xin phép không đồng ý…kiến?
      Em, hai mươi hai tuổi, là hoa, là trái đang độ thanh xuân của đất nước mà em hồn nhiên chín háp vậy sao?! Hoa đất nước thì như mấy em ở cù lao Tân Lộc, Cần Thơ, giờ có tên là đảo Đài Loan, vì con gái nơi nầy đi lấy chồng Đài Loan ráo trọi. Ngay cả mới 14 tuổi là hoa mới chum chúm, chưa nở cánh nào, mà đã lấy khai sinh của con chị để được đủ tuổi kết hôn mà đi lấy chồng xa. Còn trái như em tài công của tàu du lịch trên sóng nước Cái Răng thì thành trái ‘cu ky’.
      Đêm nay, sau môt ngày làm việc vất vả, về lại khoang tàu để ngã lưng chắc em sẽ rầu rầu mà hát Chim Đa Đa, chồng gần sao không lấy, lại lấy chồng xa? Hay văn nghệ thêm một chút, em chơi câu ca dao: Tay em đã trắng lại tròn. Em cho ai gối sao mòn một bên? Câu trả lời dễ ợt: Tay em đã trắng lại tròn. Cho chú Chệt gối, nên mòn hết trơn!
      Còn phần “Qua” cũng xin trả lời em luôn: Đời em chín háp như vậy là tại “Nó” chứ tại ai! Còn không dám chỉ tay thẳng vô mặt “Nó”; tại mầy chứ ai, thì Cách Mạng Hoa Lài, Mùa Xuân Á rập! Mohamed Bouazizi tự thiêu, chống lại áp bức bất công, cũng kệ anh ấy; thì người viết e rằng đất nước mình chắc còn lâu…còn rất lâu… mới khá?!
Đoàn xuân Thu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét