Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

HỒI ỨC 40 NĂM...(tiếp theo)

                                (Ảnh MH Phi trường Phù cát 1975 : Nguồn internet)
HỒI ỨC 40 NĂM...
    PHẦN HAI: NHỮNG NGÀY BUỒN BÃ Ở PHI TRƯỜNG PHÙ CÁT VÀ NHA TRANG.
      Vậy là gia đình tôi được tạm đoàn tụ tuy vẫn còn thiếu hai ông anh ruột. Những ngày này trong phi trường Phù Cát rất vắng lặng nhất là khu ở của Sĩ quan, chỉ thỉnh thoảng có tiếng máy bay trực thăng lên xuống ngoài phi đạo. Anh rể tôi thường xuyên vắng mặt ở nhà do họp hành. Tình hình ở đây không thấy có gì chộn rộn ngoài vẻ mặt nghiêm trang và có phần căng thẳng của các anh lính bình chủng Không quân. Ngoài kia tôi nghĩ dân chúng cũng đang kéo nhau di tản vô các tỉnh phía trong.
     Ở đây hai ngày, tôi không biết làm gì ngoài việc thơ thẩn nhìn ngắm những chuyến bay đi bay về của những chiếc trực thăng hai chong chóng. Họ đang vận chuyển những gì lúc ấy tôi không hề biết. Mãi sau này tôi mới rõ, đó là quân trang, vũ khí và đạn dược. Một số máy bay chở đồ cứu tế cho cuộc tháo chạy trên Liên tỉnh lộ 7.
      Tôi bỗng nhiên buồn bã và nhớ trường, nhớ lớp, nhớ nhà ...và không biết mình có còn trở lại Pleiku nữa không. Tôi cứ nghĩ chắc giống như mùa hè đỏ lửa năm 1972, cuối cùng cũng bình yên, rồi sẽ không có gì xảy ra và mọi người sẽ trở về nơi cũ, nhưng không phải vậy? Vào ngày hôm sau anh rể tôi vội vã từ ban chỉ huy Cục tác chiến trở về nhà. Vẻ mặt nghiêm trọng anh nói với cha mẹ và chị tôi:
     - Lo thu dọn hành lý và đi gấp. Những gì quan trọng và gọn thì mang theo, còn bao nhiêu bỏ lại hết. Tình hình nguy cấp lắm, Pleiku CS đã kiểm soát rồi.
      Vậy là chúng tôi gồm cha, mẹ, vợ chồng anh chị tôi, 2 đứa con trai nhỏ của họ, tôi và con nhỏ giúp việc cho anh chị trạc tuổi tôi chất hành lý lên chiếc xe bán tải trong phi trường chạy ra phi đạo. Ở đó có một chiếc trực thăng đang nổ máy chờ sẵn.
      Tôi lại được dịp bay bổng trên trời cao, được nhìn ngắm màu xanh của cây lá, của biển và những mái nhà nhỏ xíu ở dưới đất. Tôi thả hồn vào một giấc mơ khác; Ở đó không có cảnh bắn giết, cảnh máu đổ thịt rơi và những tiếng la khóc hãi hùng. Tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết nữa cho đến lúc mọi người lay tôi dậy, lúc đó đã hơn 4 giờ chiều. Tôi đang ở Phi trường tỉnh Nha Trang.

                                (Ảnh MH: Nguồn internet)
...VÀ PHI TRƯỜNG NHA TRANG
     Tôi đã ở khu cư xá của sĩ quan binh chủng Không quân nằm phía trong phi trường Nha Trang hai ngày. Trong quãng thời gian này tôi không biết làm gì ngoài việc thơ thẩn dạo chơi và ngắm nhìn những chiếc máy bay các loại đáp xuống và bay lên một cách vội vã. Có một số sĩ quan và gia đình của họ ra đi trên những chiếc trực thăng.
      Tại câu lạc bộ trong phi trường, tôi nghe những người lính và những người lớn tuổi to nhỏ với nhau về những thay đổi bên ngoài. Họ nói về những những cuộc di tản bằng đường bộ và đường thủy. Những cuộc tranh giành và bắn giết nhau để lên tàu, những cái chết trên bờ biển vô thừa nhận và một vụ cướp nào đó ngoài phố ...Họ nói với nhau về tình hình chiến sự ở Cao Nguyên, Đà nẵng, Tuy hoà..vv..rằng Việt cộng đã đang đánh chiếm dần về phía Nam. Tôi thấy trên vẻ mặt của họ toát lên sự bồn chồn, lo lắng và đầy bất an. Bản thân tôi cũng có một nỗi lo sợ mơ hồ. Tôi thường xuyên nhớ về quê cũ, về bạn bè và trường lớp. Tôi thèm được đi học dù những ngày trước khi di tản tôi rất vui sướng vì được nghỉ học. Tôi nhớ đến bà cô ruột; người luôn thay mẹ chăm lo cho tôi từng li từng chút một. Tôi nhớ đến hai ông anh của tôi còn kẹt lại trên đó và không biết sống chết như thế nào. Cha mẹ tôi trong những ngày này cũng rầu ra mặt, nhất là mẹ tôi.
                               (Ảnh MH: Nguồn internet)
       Đến trưa ngày thứ 3, cả gia đình tôi và các gia đình sĩ quan khác trong khu tập thể được lệnh rút về Sài gòn. Gần hơn cả trăm người lục đục già trẻ, lớn bé, mang vác hành lý đi bộ ra phi đạo. Giữa trưa nắng, có một chiếc phi cơ phản lực C-130 đang chờ sẵn. Đó là một chiếc máy bay chuyên vận tải xe cộ, quân dụng, súng đạn và binh lính...(thông tin này tôi được ông anh rể nói lại). Chúng tôi lê bước lên máy bay từ một tấm bửng phía sau, dưới bụng của nó. Sau khi các anh lính trên máy bay sắp xếp chỗ ngồi ổn định cho mọi người (ngồi bệt dưới sàn máy bay). Tấm bửng sau đít máy bay từ từ khép lại và gầm rú chát chúa tiến ra đường băng.
      Chiếc C-130 cất cánh bay vút lên trời, bỏ lại phía sau tiếng động cơ ầm ì. Khi lên đến độ cao lý tưởng, tôi cảm thấy nó như đang trôi trên chín tầng mây và không nghe thấy tiếng ồn như trước nữa, nhưng thay vào đó là những làn khói dày đặc túa ra từ những lỗ nhỏ phía trên trần máy bay. Tôi hoảng hốt lo sợ tái xanh mặt mũi và tim đập thình thịch trong lòng ngực vì nghĩ rằng máy bay đang có sự cố đang bốc cháy. Tôi cũng đọc thấy sự sợ hãi trong mắt một số người khác nữa. Gục đầu và nhắm mắt lại, tai tôi nghe thấy tiếng nôn mửa của một số phụ nữ và cái đầu còn non nớt của tôi đang tưởng tượng đến cảnh người lính rơi từ độ cao hơn nữa cây số hôm nào. Mãi sau này được ông anh rể của tôi giải thích, tôi mới vỡ lẽ ra là những làn khói trắng đục xì ra trên máy bay là oxy. Nó được mở ra khi máy bay đạt đủ độ cao và ở đó không khí rất loãng.
      Rồi chuyến bay diễn ra suông sẻ. Nó đã đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất sau hơn 1 giờ bay. Một giờ đó đối với tôi cảm giác còn dài hơn cả một thế kỷ. Nơi này là đích đến sau cùng của cuộc trốn chạy chiến tranh kéo dài hơn 20 ngày.
                                (Ảnh MH: Nguồn internet)
     Tại phi đạo của phi trường TSN, mọi người được những chiếc xe bán tải màu vàng chở vào khu gia binh sâu trong phi trường. Ở đó chúng tôi được bố trí trong một khu nhà hai tầng dài khoảng trên 30 mét. Gia đình cha mẹ và anh chị tôi được bố trí cho một góc khoảng vừa trải đủ hai chiếc chiếu khổ lớn nhất dưới sàn. Các gia đình sĩ quan Không quân khác cũng vậy. Có khoảng trên 20 gia đình ở đó. Họ trải chiếu đầu quay ra vách tường hai bên. Chính giữa phòng, hơn một mét là lối đi đến hai cánh cửa dẫn xuống đất bằng hai chiếc cầu thang ở hai đầu của căn phòng.
     Tôi đã ở đây hơn 20 ngày nữa cho đến đêm 29/04/1975, một đêm kinh hoàng với cả ngàn quả đạn pháo của phía quân CS nã vào phi trường. (Còn tiếp)
(Lê Quang Luận). Sài Gòn, 27/03/2015
P/s: Phi trường Phù cát, máy bay C130, cuộc tháo chạy bằng đường biển, đường hàng không và cổng sân bay TSN. Tất cả ảnh chụp trong và trước năm 1975 sưu tầm trên mạng Internet.

 (Ảnh MH , Cổng Phi trường TSN trước 1975: Nguồn internet)


 (Ảnh MH: Nguồn internet)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét