Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

HỒI ỨC 40 NĂM...(TIẾP THEO VÀ HẾT)

                               (Ảnh MH : Tiếp quản Dinh Độc Lập ngày 30/04/1975 : Nguồn internet)
HỒI ỨC 40 NĂM...(TIẾP THEO VÀ HẾT)
PHẦN BA: NHỮNG QUẢ BOM DINH ĐỘC LẬP VÀ NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA CUỘC CHIẾN
      Vậy là trong những ngày cả miền Trung và miền Nam sôi sục không khí chiến tranh và chết chóc. SG mỗi ngày càng có nhiều đoàn người từ miền Trung di tản vào, trên nét mặt của họ hiện rõ sự âu lo và hoảng sợ mang theo cùng với những tin tức rời rạc. Một số xuống tàu ra khơi với một hành trình chưa biết đích đến. Tôi và gia đình đã yên vị tại khu tị nạn của những gia đình sĩ quan binh chủng Không Quân trong phi trường Tân Sơn Nhất.
      Tại căn nhà 2 tầng này có sức chứa trên hai mươi hộ mỗi tầng. Những người ở đây hầu hết là cha mẹ , vợ con , anh chị em của những người lính sĩ quan từ cấp úy tới cấp tá Binh chủng Không Quân của quân lực VNCH từ các tỉnh về đây tị nạn qua cuộc tháo chạy của những ngày tháng 3/1975 hỗn loạn.
      Mỗi ngày, những người lớn tập trung bàn về tình hình chiến sự ở khắp mọi nơi. Trên những nét mặt của họ lộ lên vẻ bối rối , lo sợ và đầy hoài nghi qua tin tức rời rạc nhận được mỗi ngày, trong khi đó, tôi và bọn trẻ trong đám gia đình lưu lạc đi lang thang trong khu nhà của sĩ quan trong khuôn viên của phi trường cách đó không xa. Tại đây, có rất nhiều những ngôi nhà xây cất giống nhau nằm riêng biệt và ngăn cách nhau bằng những tường rào cao. Trên những bức tường ấy là những hàng dây leo xanh um và dày kín. Ở đó có những bông hoa vàng rực nở sáng trong đám lá xanh. Mỗi căn đều có cổng sắt riêng biệt.
      Một hôm chúng tôi lang thang dọc theo một con mương nhỏ trong khu nhà sĩ quan để bắt những chú cá lòng tong 7 màu sặc sỡ đang bơi lội rất nhiều ở đó thì bỗng nhiên chúng tôi thấy có rất nhiều người phá cổng rào xông vào những ngôi nhà đó. Người ta khuân ra ngoài nào bàn, nào ghế sang trọng. Người thì bê hẳn một cây đàn Piano bóng lộn, người khác thì ôm máy móc, Cassette, ti vi ,...Bọn trẻ chúng tôi cũng hùa nhau vào xem. Đứa thì lấy mấy viên đá đủ màu trang trí trong tủ. Đứa thì lấy đồ chơi, xe đồ chơi chạy bằng pin. Tôi cũng tranh thủ lấy một cây đàn Mandolin nhỏ xíu vừa đi vừa gảy.
      Trong những căn nhà ấy lúc đầu mới vào sang trọng và ngăn nắp là thế nhưng chỉ sau hơn một tiếng đồng hồ đã trở nên xô bồ, xộn bộn, trống hoắc, trống huơ. Sau này chúng tôi được biết chủ nhân của họ đã ra phi đạo để bay ra nước ngoài. Họ chính là những sĩ quan Không quân có cấp bậc cao trong Quân đội VNCH.
      Chỉ sau vài ngày, những ngôi nhà này mới ngày nào còn rộn rã tiếng cười đùa của mấy đứa trẻ con và người ra kẻ vào nay bỗng dưng vắng lặng và tang hoang. Nhìn khu nhà trông thật buồn bã và hiu quạnh.
      Cứ như vậy tôi đã ở trong phi trường hơn nữa tháng cho đến một ngày....
      Hôm đó vợ chồng anh chị tôi có việc ra Thành phố, họ dẫn tôi đi cùng. Đó là một ngày cả thành phố náo loạn từ Sài gòn cho đến Gia Định. Thậm chí riêng khu vực những Quận trung tâm như Q1, Q3, Q5, Q10 ...còn rối loạn hơn cả những ngày CS vô tiếp quản Sài Gòn nữa. Đó là ngày mùng 8/4/1975 (chi tiết này tôi tìm lại trên Bách khoa toàn thư wikipedia , chứ tôi không nhớ ngày). Ngày mà Dinh Độc lập bị ném bom từ chiếc phản lực cơ F5-E từ Nguyễn thành Trung.
                               (Ảnh MH : Phản lực cơ F5-E : Nguồn internet)
     Tôi vẫn còn nhớ như in vào ngày hỗn loạn đó khi chúng tôi ra khỏi cổng sân bay Tân Sơn Nhất khoảng độ hơn 7 giờ sáng rồi đón một chiếc xe lam. Xe chạy đến Lăng cha Cả (Ngã 6 Cộng Hòa bây giờ). Khi đến một ngôi nhà trên đường Cách mạng (đường Nguyễn văn Trỗi) anh chị tôi vào nhà một người quen có công chuyện. Lúc họ trở ra chúng tôi đi bộ dọc vỉa hè hướng về cầu Công lý để chờ đón xe buýt về trung tâm Q1, Chính trong thời điểm này, lúc ấy khoảng hơn 8 giờ sáng. Tôi thấy rõ ràng một chiếc phản lực cơ đang từ đâu không rõ bổ nhào xuống hướng Dinh Độc lập cùng tiếng gầm rú của động cơ nghe chát chúa, tiếp theo sau là hai tiếng nổ long trời lở đất. Trong lúc chưa hết ngạc nhiên và ngỡ ngàng ông anh rể tôi bỗng thốt lên :
      -Trời! Sao máy bay F5 lại tấn công Sài Gòn vậy trời?
                                (Ảnh MH: Dinh Độc Lập bị ném bom 08/04/1975: Nguồn internet) 
     Vừa nói anh tôi vừa nắm tay chị tôi kéo thốc lên một chiếc xe buýt vừa trờ đến. Chiếc xe này lại đang hướng về Sài Gòn. Khi xe vừa qua khỏi cầu một đoạn, trên đường Công lý (Bây giờ là đường Nam kỳ khởi Nghĩa) tôi lại nghe tiếp một tiếng gầm rú như lần trước và một tiếng nổ lớn nữa.
      Lúc bấy giờ mọi người trên đường phố tháo chạy náo loạn . Chiếc xe buýt chạy xuống một đoạn nữa thì dừng hẳn. Mọi người trên xe ùa xuống chạy tứ tán. Anh chị và tôi cũng lao xuống xe chạy dọc theo một con đường tôi không nhớ rõ. Lúc này còi báo động của thành phố hú lên từng hồi dài. Tiếng còi hú khắp nơi nghe thật gấp gáp. Loa phóng thanh các nơi vang lên mệnh lệnh giới nghiêm 24/24 giờ trong toàn thành phố. Trên đường thỉnh thoảng có một vài chiếc chở lính trên những chiếc xe GMC lao về phía Dinh Độc Lập. Các chiếc xe buýt, xe lam, xe tắc xi đông nghẹt khách. Có xe mọi người đu bám ra hẳn bên ngoài.
      Anh chị và tôi cũng hối hả chạy ngược xuôi đón xe. Trong bối cảnh đó tôi thật sự không ngạc nhiên và hiểu ra một điều, có lẽ chiến tranh đã thực sự nổ ra tại chính thủ phủ cuối cùng. . Tôi cảm thấy rất lo sợ và bất an trong lòng vì những hình ảnh bắn giết vẫn còn đọng mãi trong tôi qua nhiều ngày trên Liên tỉnh lộ 7.
                               (Ảnh MH: Lăng Cha Cả-Gia Định trước 1975: Nguồn internet)
     Cuối cùng anh chị và tôi cũng vất vả leo lên được một chiếc xe buýt hướng về Lăng cha Cả - Gia Định. Ngày hôm ấy là một ngày thật đáng nhớ, tôi đã có một cảm xúc thật rõ ràng về sự thất bại của phe bên này - Quân đội VNCH và phe bên kia - Một thế lực mà tôi hoàn toàn không biết nhiều lắm trừ cuộc tập kích bị thất bại và những xác chết của họ vào mùa Xuân năm 1968 tại Sân vận động thị xã Pleiku và những câu chuyện kể từ miệng của bạn bè trong lớp về những quả đạn pháo kích vào trường học ở Cai lậy năm nào. Ý niệm về họ trong tôi khi ấy rất mơ hồ ngoài cảm giác sợ hãi khi nghĩ rằng đó là một thế lực không tốt.
NHỮNG QUẢ ĐẠN PHÁO KÍCH ĐÊM 29/4/1975 TẠI PHI TRƯỜNG TÂN SƠN NHẤT.
      Câu chuyện phản lực cơ của phía quân đội VNCH ném bom dinh Độc lập dừng lại ở đó khi anh rể tôi thời gian sau này có về nói rằng quân đội của VNCH đã bị "phản thùng" từ một phi công trẻ trong quân đội của binh chủng Không quân.
      Sau ngày hôm đó anh rể tôi hối thúc vợ mình và động viên cha mẹ tôi nên xuất ngoại đi Mỹ. Anh sẽ nhanh chóng tìm cơ hội để đi sớm cả gia đình. Chị tôi rất muốn đi, cha tôi hơi do dự còn mẹ tôi cương quyết không đi và có ý chờ tin tức người anh thất lạc của tôi. Mẹ tôi suốt ngày nhớ thương, lo sợ đã xảy ra chuyện không may cho anh tôi trong thời ly loạn. Bà ấy hối thúc anh chị tôi tìm mọi cách hỏi thăm tin tức những người ở quê đã thoát vô Sài gòn sau này, nhưng tất cả đều vô vọng. Họ chỉ kể về sự chết chóc tràn ngập trên đường Liên tỉnh lộ 7 mà họ là những người đi sau đã đi qua. Họ nói về sự cướp bóc tràn lan và nỗi kinh hoàng của những thân thể trương sình, phân hủy khi họ đi lật từng xác chết để tìm người thân thất lạc của họ. Mẹ và chị tôi đã khóc ngất lên từng cơn khi nghe họ kể lại và bà nhất quyết không chịu đi Mỹ cho tới khi nào tìm thấy anh tôi dù còn sống hay đã chết. Chị tôi vì thế cũng không thể nghe theo lời của chồng con. Cuối cùng ông anh rể vì thương vợ, thương con nên ra đi cũng không đành. Kết cục ông anh rể đã trở thành tù binh CS khi đất nước được giải phóng. Anh ta đã trở về với gia đình và vợ con 11 năm sau đó với thân thể héo khô và cái đầu điên loạn từ những ngày được "cải tạo "trên rừng núi Vĩnh Phú phía Bắc. Kết thúc những năm tháng hào hùng cưỡi mây lượn gió thời trai trẻ.
      Những ngày sau đó diễn ra tẻ nhạt. Đi đâu tôi cũng nghe những người lớn bàn về chiến tranh. Có nhiều gia đình trên căn phòng tị nạn của chúng tôi lần lượt đi Mỹ. Những người ở lại mang cảm giác vô vọng hằn trên đôi mắt của họ. Tất cả đều mang dáng vẻ và tâm trạng chờ đợi một điều gì đó sẽ đến, kể cả cha mẹ tôi cũng vậy. Họ tranh thủ phân phát cho các đứa con đã lớn cả cục tiền để tiêu xài, muốn mua sắm cái gì tùy thích. Tôi cũng được cha mẹ phát cho một xấp tiền và hai cây vàng lá vẫn luôn nằm trong túi của chiếc quần lót và dính liền với cơ thể kể cả những lúc đi ngủ.
      Trong căn phòng này, những ngày cuối chỉ còn lại khoảng 10 gia đình ở lại. Tôi thấy có nhiều người lớn thao thức trở mình cả đêm không ngủ được. Đó là những ngày tôi bị bệnh , sốt cao và cũng không ngủ. Lúc ấy tôi nghĩ rằng có lẽ họ trăn trở vì lo sợ không biết tương lai của họ rồi sẽ đi về đâu.
                               (Ảnh MH: TSN Đêm 29/04/1975: Nguồn internet)
      Mọi ngày cứ diễn ra trong tâm trạng thấp thỏm lo âu của mọi người như vậy cho đến một hôm. Đó là chiều ngày 28/4/1975.
      Chiều và đêm hôm đó là những phút giây hoảng sợ tột đỉnh. Tôi còn nhớ trước đó một đêm anh rể tôi và những sĩ quan Không quân cấp tá ngồi trên sàn nhà bình luận to nhỏ. Tôi ngồi hóng chuyện bên anh tôi và nghe rõ một người trong số đó nói:
      - Khả năng trong đêm nay sẽ có khoảng 4000 quả đạn pháo tấn công vô Phi trường của CS. Tin tình báo tôi vừa nhận được!
      Thế nhưng trong đêm đó, đêm 28/04/1975 đã không xảy ra chuyện gì dù tất cả mọi người đều xuống hầm trú ẩn gần đó chờ đợi. Trải qua một đêm mất ngủ nên sáng hôm sau mọi người về chỗ cũ ngủ vùi cho đến trưa. Mãi đến chiều tối, vào khoảng hơn 6 giờ, khi cả nhà tôi đang quây quần bên mâm cơm ăn qua quýt cho xong, bỗng tất cả giật mình và theo phản xạ tự nhiên tất cả nằm dài trên mặt sàn căn gác khi nghe một loạt tiếng bom nổ từ rất gần, nghe rõ cả tiếng gầm rú của tiếng động cơ phản lực trước đó nữa. Cha tôi kéo tay tôi và đứa cháu ngoại lớn cùng với mọi người vội vã chạy xuống cầu thang. Tất cả núp vào bên hông căn nhà sau các bức bê tông dày và cao trên 2 mét được xây để bảo vệ đạn lạc bao quanh chung quanh ngôi nhà. Sau loạt bom nổ ở đâu đó trong Phi trường, tất cả lại rơi vào im lặng. Khoảng một thời gian khá lâu anh rể tôi trở về, báo lại là Phi trường đã bị tấn công bằng bom của chính hai chiếc máy bay của quân lực VNCH.
                                (Ảnh MH: Phi đạo TSN 30/4/1975: Nguồn internet)
     Tối hôm đó mọi người trằn trọc, lo sợ. Phần lớn đều mệt mỏi và ngủ thiếp cho đến khoảng 4 giờ sáng thì tất cả chợt choàng tỉnh dậy khi nghe hàng loạt tiếng nổ lớn làm rung chuyển cả căn nhà. Mọi người lại vội vã đạp lên nhau để xuống cầu thang và tìm đến hầm trú ẩn. Tôi đã kịp nhìn lại qua khung cửa sổ mở rộng trên lầu và nhìn thấy một vùng sáng rực của bầu trời từ những quả hỏa châu lơ lửng tỏa ánh sáng yếu ớt trước ánh lửa rực đỏ khổng lồ ở phía xa (Sau này tôi được biết quả đầu tiên CS pháo kích trúng ngay kho xăng và những quả sau đó trúng ngay kho đạn trong Phi trường) kèm theo những tiếng đạn bay chiu chíu sau đó là tiếng nổ long trời lở đất của những quả đạn pháo là hàng ngàn tiếng nổ đủ loại của kho đạn bốc cháy. Mọi người hổn loạn tìm nơi trú ẩn. Tiếng đạn nổ, tiếng chiiiiuu ầm của đạn pháo, tiếng la khóc réo gọi í ới của những người tị nạn đã tạo nên một bức tranh vô tiền khoáng hậu về sự náo loạn, khiếp đảm kinh hoàng trong đêm.
      Trong hoàn cảnh hổn loạn đó, cả gia đình tôi chậm chân hơn người khác nên không vào được hầm trú ẩn. Mọi người đành thi nhau bồng bế, dắt díu nhau núp vào phía trong của những bức vách bao bọc chung quanh căn nhà. Chị tôi khóc mếu máo và gào tên ông anh rể. Trong cảnh tranh tối, tranh sáng, chị đã lạc mất ông chồng. Một tay bế thằng con trai nhỏ , một tay dắt thằng con trai lớn hơn 4 tuổi, cùng với cái bụng bầu trông chị thật tội nghiệp. Tôi phụ giúp chị nắm tay thằng con trai lớn của chị núp tạm vào bức vách. Nó khóc ré lên từng cơn khi nghe những tiếng nổ liên hồi. Nước mũi, nước dãi chảy ướt cả khuôn mặt với đôi mắt mở to hoảng hốt. Ngoài kia đạn réo, trên đầu tiếng đạn pháo nổ đì đùng. Không ai có thể đếm được có bao nhiêu quả đạn pháo kích rơi nổ trong phạm vi của phi trường trong đêm đó. Khi trời vừa hừng sáng thì tiếng nổ cũng vơi dần chứ không dồn dập như trước đó. Hơn hai tiếng đồng hồ nã pháo liên tục đã tạo nên một quang cảnh đổ nát, hoang tàn ngay trong khu vực trại gia binh. Có nhiều xác chết đủ mọi tư thế dọc theo con đường dẫn ra cổng sân bay. Một số người bị thương mặt đầy máu dắt díu chạy theo người thân ra hướng cổng cùng tiếng rên xiết của những người bị thương ở chân, tay và đầu. Họ được băng bó tạm lê bước trên đường.
      Chị tôi cũng tìm được ông anh rể trong bộ quân phục sĩ quan Không quân ướt chẹp nhẹp từ đầu đến chân. Thì ra anh ấy đã quyết định bỏ lại vợ con nhào ra phi đạo trong đêm đó để trốn chạy khỏi cuộc chiến vì lo sợ trả thù. Anh ta đã không lên được máy bay vì sự chen lấn và những mảnh đạn bay vô tình rợp trời ngoài phi đạo, nên anh đã quay lại núp vào một ngôi nhà và ướt sũng vì một ống nước bị vở ra do mảnh đạn.
      Gần 7 giờ sáng, cả gia đình chúng tôi lê bước ra khỏi cổng sân bay. Lúc này vẫn còn những tiếng nổ của đạn pháo rời rạc. Tôi còn kịp nhìn thấy trên bầu trời một chiếc phi cơ truyền tin loại đuôi kép bị dính đạn đang bổ nhào xuống đất với một vệt khói đen bốc lên từ sau đuôi. Phía xa hơn, một chiếc phi cơ vận tải cũng đang hưởng số phận tương tự.
      Ra đến cổng phi trường tôi nhìn thấy ở đó có một chiếc pick-up bán tải màu vàng cắm đầu vô bức tường sân bay. Có hai cái chân mang đôi bốt lính thò ra từ trong thùng xe phía sau . Cả nhà tôi và nhiều người khác thất tha thất thểu rời khỏi phi trường với vài chiếc xách tay gọn nhẹ. Tất cả hành lý còn lại trong cuộc di tản đã nằm lại trên căn gác ở khu gia binh.
                               (Ảnh MH:Cổng Phi trường TSN trước 1975: Nguồn internet)
      Chúng tôi đi dọc theo vỉa hè của con đường dẫn đến Lăng Cha Cả. Anh rể tôi quyết định rẽ sang đường Trương Minh Giảng (Lê văn Sĩ bây giờ) hướng về Sài gòn theo đoàn người di tản. Khi đến nhà thờ Ba Chuông chúng tôi được một cha xứ hướng dẫn đi vào tá túc tại một ngôi biệt thự to lớn và sang trọng bên hông nhà thờ. Sau này tôi nghe vài người nói đó là tư dinh của tướng Nguyễn Cao Kỳ nhưng không biết có đúng không.
      Cả đoàn người áo quần xộc xệch, mặt mày ủ dột còn đầy nét sợ hãi tràn vô ngôi biệt thự to lớn đó. Họ lần lượt chiếm các phòng từ trên lầu, dưới đất. Một số gia đình khác chiếm những góc nơi phòng khách, phòng ăn và các phòng ngủ. Gia đình tôi một lần nữa lại là người đến sau đành chiếm cái ga ra để xe hơi ở một bên, phía trước căn biệt thự.
      Tại đây sau ngày giải phóng, gia đình tôi đã gặp lại hai ông anh thất lạc. Họ đã đón xe đò vô Sài Gòn tìm kiếm gia đình sau khi lang thang đi lật từng xác người trên con đường Liên tỉnh lộ 7. Tay bắt mặt mừng, gia đình đoàn tụ và ai cũng vui vẻ dù tài sản đã mất sạch sẽ không còn gì. Duy nhất có một người buồn vô hạn vì đã không thoát được CS do thương vợ con và vì không biết số phận mình sẽ đi về đâu. Đó là ông anh rể cấp bậc Đại úy Không quân của tôi.
                                               (Ảnh MH : Nhà thờ ba chuông-SG: Nguồn internet)
VÀ NHỮNG ĐOÀN QUÂN TIẾP QUẢN...
     Ngày hôm sau là ngày 30/04/1975. Tôi và con bé giúp việc của chị tôi ( cô bé này trạc tuổi tôi, nó theo suốt gia đình chị tôi từ phi trường Phù cát vô đến sài gòn) nách bồng thằng cháu nhỏ cùng tôi lang thang ra đầu ngõ giáp đường Trương minh Giảng dạo chơi. Tôi thấy có rất nhiều súng ống, lựu đạn, quần áo lính chất đống trên đường. Đó là quân phục, quân trang, vũ khí và đạn dược của những người lính VNCH thất trận. Họ vứt bỏ những dấu tích tàn dư còn lại của người lính mà đã từng một thời mang trong người oanh liệt bảo vệ chế độ Cộng hòa.
      Ra đến đầu đường phía bên kia dãy phố, chúng tôi thấy thấp thoáng những lá cờ có hai màu xanh đỏ chính giữa là ngôi sao màu vàng. Nó bay phất phới trên cao của những ngôi nhà.
      Phía trên hướng Lăng Cha Cả đang đi xuống là hai hàng những gã đàn ông ăn mặc tồi tàn. Có người ở trần khoe lộ hai hàng xương sườn. Tất cả bọn họ đều ốm trơ xương đang lê những bước chân nặng nhọc hướng về Sài Gòn. Tôi ngạc nhiên và không hiểu nổi vì lý do gì mà những người ốm đói tay không tấc sắt này có thể chiến thắng được những người to lớn, mạnh khỏe và được trang bị súng ống đầy mình của quân đội VNCH mà tôi thường thấy hàng ngày. Sau này tôi mới được biết họ chỉ là những tù nhân của chế độ cũ được quân đội CS giải thoát từ các nhà tù.
      Sau đoàn quân có cả hàng ngàn người này đi khuất, là tiếp nối những người khác. Họ mặc những bộ đồ màu sắc khác nhau. Có người mặc bộ đồ đồ màu xanh lính, có người mặc bộ đồ màu đen, xen lẫn có người mặc màu vàng úa. Trên vai họ khoác những khẩu súng trường và mang dép râu. Trên cổ một vài người mặc áo đen là những chiếc khăn rằn bay phất phới. Họ cũng đi thành hai hàng dài nét mặt lộ vẻ hân hoan và vui vẻ nói cười. Đoàn quân này cũng dài dằng dặc tưởng như vô tận.
     Con nhỏ ô sin của chị tôi khi nhác thấy đoàn quân này đã bỏ thằng cháu xuống, vỗ tay bôm bốp, miệng cười toe toét rống lên thật to:
     - Chào mừng mấy anh dân quân, du kích Giải phóng quân!
     Tôi ngạc nhiên há hốc mồm nhìn nó và chẳng hiểu gì cả? Mãi sau này tôi mới biết, quê của nó ở tận dưới vùng An nhơn, tỉnh Bình định. Đó là vùng quê ban ngày lính VNCH kiểm soát, ban đêm thì thuộc về Cộng sản. Nó theo chị tôi giúp việc và giữ em từ lúc hơn 10 tuổi. Mãi đến bây giờ tôi thực sự cũng không sao hiểu nổi làm cách nào mà ngay cả một đứa bé con như nó lại có thể biết rõ và tin yêu về cs như vậy!?
      Sau khi đoàn dân quân, du kích đi khỏi. Tiếp đến là những người ăn mặc tề chỉnh, quân phục một màu xanh lính. Đầu họ đội nón cối.Chân họ mang những đôi giày vải, có người mang dép râu. Trên vai của họ là nhiều khẩu súng lớn nhỏ, dài ngắn khác nhau. Họ đi thành hàng ngay ngắn và dài dằng dặc.
      Lúc này con nhỏ ô sin của chị tôi lại được dịp rống to hơn nữa. Tôi cứ há hốc mồm, mắt trợn tròn nhìn nó. Tay nó vừa vỗ vừa chỉ vào đoàn quân này miệng hét lên:
      - Chào mừng các anh bộ đội Giải phóng quân!
      Sau màn ăn mừng của nó và sự ngạc nhiên của tôi, cả hai đứa quay vô nhà. Nó đi một bên vui vẻ, miệng huyên thuyên kể về một ông Hồ chí Minh nào đó mà nó tôn sùng như ông ngoại của nó vậy. Tôi chẳng hiểu gì chỉ gật đầu cho có lệ vì vào thời điểm ấy làm sao tôi có thể biết được ông Hồ chí Minh nào chứ?!
      Những ngày sau đó là những tính toán của gia đình tôi về sự trở về. Cha tôi cương quyết không về lại quê cũ. Ông ấy nói về một bà cô vai em nào đó ở Đà lạt và muốn lên sống ở đó. Cha không muốn nhìn lại nơi ông đã dày công lập nghiệp, đã thành công và cũng đã đôi lần vứt bỏ tất cả bởi chiến tranh.
      Ông anh rể của tôi cũng đã nghĩ đến một phương án trốn chạy nhưng nghe theo lời bàn của những sĩ quan đồng binh chủng nên anh quyết định ra trình diện quân giải phóng. Rốt cục sau 11 năm học tập anh ta đã không còn là chính mình nữa. Anh đã thành người điên khi ra tù dù tuổi đời chưa qua tuổi 40.
      Đó là toàn bộ cuộc hành trình mà một thằng nhóc con 14 tuổi là tôi đã trải nghiệm trong suốt gần 2 tháng của cuộc chiến tranh Nam Bắc dai dẳng, đầy mất mát và lắm đau thương.
      Vào những năm sau này khi tôi đã lớn khôn. Cứ mỗi dịp nhắc đến ngày này tôi chưa bao giờ đồng cảm được với sự vui vẻ hân hoan của những người thắng cuộc. Với tôi, đó là nỗi đau chung của những bà mẹ, những người chị và những người vợ từ cả hai miền. Trong cuộc nội chiến đó sự mất mát đều dành cho hai phía cùng một dòng máu đỏ và màu da vàng. Bởi vì trong cuộc tháo chạy kinh hoàng mà tôi chứng kiến, tôi chỉ thấy máu và nước mắt của người Việt chứ hoàn toàn không thấy máu và nước mắt của một người da trắng, mắt xanh, mũi lõ nào.
.
      Tôi vẫn thích cách nghĩ đầy tính nhân văn của Thủ Tướng đã quá cố của bên thắng cuộc Võ Văn Kiệt mỗi khi nhắc đến sự kiện lịch sử này: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”.
(Lê Quang Luận) . Sài Gòn , 29/03/2015


Ảnh MH: Lăng Cha Cả nhìn từ trên cao : Nguồn internet)

(Ảnh MH: Dinh Độc Lập trước 1975: Nguồn internet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét