Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

ĐÃ CÓ MỘT MÙA XUÂN NHƯ THẾ !?...


ĐÃ CÓ MỘT MÙA XUÂN NHƯ THẾ !?...
       Sáng nay đọc qua mấy dòng status của Bổn Đình Nguyễn nói về cuộc thảm sát đẫm máu giữa những người con da vàng trong mùa Xuân năm 1968 . Làm những ký ức cũ của tôi quay về dồn dập và không ngăn được dòng cảm xúc . Và tôi vào máy viết lên chút cảm nghĩ về cuộc chiến tranh này .
       Mùa Xuân năm 1968 . Khi ấy tôi còn rất nhỏ , khoảng 8 tuổi . Nhưng những tiếng súng đì đoàng trong khu Đức An của Thành Phố Pleiku vẫn còn lưu dấu trong ký ức tuổi thơ của tôi mãi mãi .
       Tôi vẫn còn nhớ rõ vào mồng một Tết năm ấy . Khi chúng tôi đang ngủ và mơ về một sớm mai - Một ngày đầu năm háo hức , mong chờ , với áo mới và những bao lì xì ...Thì trong đêm đó ? Những tiếng súng nổ đì đùng , súng liên thanh tạch , tạch , tach...ngỡ như tiếng pháo sớm nhà ai , xen lẫn với tiếng súng cối nhả ra từng tiếng một nghe đến rợn người .
       Một không khí chiến tranh gấp gáp và đầy nỗi sợ hãi trong mắt của những người dân xóm tôi trong con hẻm nhỏ .
       Cả nhà tôi , những người lớn xúm nhau lại khiêng những bao đậu mè các loại , chất thành một lô cốt nho nhỏ trong nhà tôi để tránh đạn lạc . Cả xóm , gần như dồn hết vào nhà tôi ( vì nhà tôi buôn bán hàng nông sản ) .
       Trong cái không khí chộn rộn và đầy lo âu đó ? Chúng tôi , những đứa trẻ được dồn vào một góc . Trên những khuôn mặt trẻ thơ của chúng tôi lúc ấy ? Thay cho nỗi hân hoan chào đón Tết là nét mặt trắng bệt , đầy nỗi sợ hãi .
        Rồi cuộc chiến cũng sớm tàn sau ba ngày Tết . Người ta túa ra đường , túa vô sân vận động của thị xã để xem những xác người rời rã . Những xác chết không còn nguyên vẹn hình hài . Đầu anh một nơi , chân em một ngã . Những xác chết với đủ mọi tư thế mà trên những khuôn mặt trẻ măng của họ vẫn không che dấu được nỗi ngạc nhiên : Vì sao tôi chết ? Vì sao và vì sao !???...
       Sau này lớn hơn một chút , sau mùa hè đỏ lửa năm 1972 . lại một cuộc di tản vội vã nữa của gia đình tôi về Nha trang . Tôi đã phần nào hiểu rõ một phần của bản chất cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này !? Và mãi sau này , tôi càng hiểu hơn bản chất thật của nó !?
       Thì ra , người ta đã huy động và tuyên truyền cho một cuộc chiến bắn giết lẫn nhau với tên gọi là " Cuộc đấu tranh giai cấp ". Thực chất là một cuộc chiến để tranh giành quyền lực cai trị được giật dây và hỗ trợ bởi các thế lực Cộng sản khác trên thế giới .
       Cuối cùng ? Kết quả cho sự thay đổi ấy dành cho người thắng cuộc đã rõ . Nhưng trong cuộc chiến tranh đó , sự mất mát và hy sinh quá lớn . Trong đó những người dân vô tội đã phải chết vì sự hung hăng và tàn bạo của những kẻ tham chiến . Những người có cùng dòng máu đỏ da vàng !?...
       Có một điều không thể chối cãi là những cái chết vô tội của những người da vàng Việt nam . Những cái chết với đủ mọi tư thế , đủ mọi nơi chốn . Từ thành thị đến nông thôn . Từ núi rừng cho tới ruộng đồng . Xác phơi trên đường phố , xác nổi trôi trên suối , trên sông ...
       Một thời chúng ta đã từng nghe những bản nhạc khóc than cho những cái chết oan khiên trên mọi miền tổ quốc của cố Nhạc sĩ Trịnh công Sơn với : "Hát trên những xác người" . Với : "Người con gái Việt nam da vàng" . Hay "Bài ca dành cho những xác người" ...viết về năm 1968 rực lửa chiến tranh và đầy dấu vết bạo tàn đó .
       Nhưng có một nhạc phẩm của Nhạc sĩ Nguyễn minh Khôi nói về những mất mát , tang thương của Cố đô yêu dấu trong thập niên 70 mới thấy được sự tàn khốc của cuộc chiến tranh này . Chiến tranh Mậu thân , 1968 . Và bài hát : "Cơn mê chiều "
       Lịch sử trôi qua đã khá lâu . Nhưng trong mùa Xuân này khi nghe lại những bản nhạc xưa nói về những biến cố đó , làm chúng ta không khỏi rùng mình và đau xót vì dân ta cũng đã từng trải qua một mùa Xuân như thế !?...
Chiều nay không có em, mưa non cao về dưới ngàn
Đàn con nay lớn khôn mang gươm đao vào xóm làng
Chiều nay không có em, xác phơi trên mái lầu
Một mình nghe buốt đau, xuôi Nam Giao tìm bóng mình
Đường nội thành đền xưa ai tàn phá ?
Cầu Tràng Tiền bạc màu loang giòng máu
Hương Giang ơi thuyền neo bến không người qua đò
Một lần thôi nhưng còn mãi ...
Và chiều nay không có em, đường phố cũ chân mềm
Tôi là người khai hoang đi nhặt xác mình, xác người
Cho ruộng đồng xanh màu, cho đám mới lên cao
Và người ơi xin chớ quên, người ơi xin chớ quên
Đường vào thành, hàng cây trơ trụi lá
Đồi Ngự Bình thịt xương khô sườn đá
Kim Long ơi, bờ lau ngóng, chuông chùa tắt rồi
Một lần thôi nhưng còn mãi
Và chiều nay không có em, đường phố chẳng lên đèn
Tôi là người trong đêm, mang ngọn đuốc về nội thành
Xin làm người soi đường đi xóa hết đau thương
Và người ơi xin chớ quên, người ơi xin chớ quên
CƠN MÊ CHIỀU
Tác giả: Nguyễn Minh Khôi
Trình bày: Thái Thanh

(Lê Quang Luận}. Sài gòn , 22/02/2015-Mồng 5 Tết Ất Mùi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét