Thứ Hai, 12 tháng 1, 2015

CÂU CHUYỆN VỀ NHỮNG VIÊN ĐÁ

20 Tháng 10 2014 lúc 22:36
       Trong chuyến về Pleiku lần này , sau đám giỗ cha , là tiệc tùng , họp mặt những anh em , bà con thân thuộc  trong gia đình . Xong đám giỗ ,  căn nhà của ông anh ruột tôi trở nên vắng lặng . Pleiku vốn dĩ là một Thành phố yên ắng , lại càng yên ắng hơn nhất là vào những buổi trưa cuối hè .



       Thật lòng tôi cũng chẳng có việc gì phải làm nữa ngoài việc tìm ghé thăm những bạn bè , chiến hữu cũ .Đầu tiên tôi ghé thăm một đứa em , nó nhỏ hơn tôi độ 10 tuổi , có một cửa hàng bán phụ tùng Honda trên đường Đinh tiên Hoàng . Vẫn dáng dấp phong trần và rất điển trai , nó đón tôi nơi cửa , thoáng một chút ngạc nhiên khi thấy tôi , nó chào : Ủa ? Anh mới về à ?...Tôi cười  : Ừ ! Anh về được hai hôm , đám giỗ ông già ! Nó vội vã kéo 2 chiếc ghế nhựa từ trong nhà đem ra phía trước cửa , mời tôi ngồi . Sau vài câu xã giao thăm hỏi thông thường , nó bổng trầm ngâm một lúc rồi cất tiếng : A còn nhớ những phiến đá trên nhà cũ của em không ? Một chút bối rối rồi tôi bổng chợt nhớ ra : À ! Anh nhớ chứ !?...Nó nói cụt lủn : Em vẫn còn giữ nó đấy !...




 Câu chuyện nó nhắc làm tôi nhớ lại cách đây hơn mười năm , khi còn ở Pleiku , có lần nó mời tôi về nhà chơi . Nhà nó lúc ấy còn ở vùng ngoại ô , cách xa thành phố Pleiku khoảng 5-7 cây số . Trong khuôn viên khoảng 300 mét vuông được xây , rào cẩn thận . Phía trước mặt khu đất độ chừng 8 mét là chiếc cổng sắt rất bề thế , phía trong một bên là con đường rải sỏi bề ngang chừng 3 mét , còn lại một bên là nhưng phiến đá xanh to , đủ kích thước và hình dạng được xếp rải rác chồng chéo lên nhau một cách có chủ định nằm trên một khu đất cao ráo , có nhiều cây cỏ và vài gốc cây sanh cổ thụ được bứng từ đâu đó đem về trồng , trông rất bắt mắt như cảnh quan trong rừng vậy ! Con đường rải sỏi và cái khu đồi tự tạo ấy kéo dài đến hơn 15 mét là căn nhà cấp 4 , được cất rất cao ráo trông như kiểu nhà Thái , rất nhỏ nhắn , ấm cúng và dễ thương .



       Và… có lẻ sẽ không có gì đáng nói , vì sau đó sẽ là một bữa tiệc với sườn nướng ngoài trời , với vài cốc bia và cây đàn ghita , như những cuộc nhậu bình thường của dân phố núi . Bởi khi vô được vài ly nó chợt nắm tay tôi kéo đến những tảng đá , rồi chỉ vào một phiến đá to , nói : Anh có thấy gì ở đây không ?. Lúc chiều , trời cũng nhá nhem tối , tôi chỉ đi vào và ngắm nghía sơ khu vườn nhà của nó nên không để ý . Lúc này ánh đèn pha led nhỏ bắt từ trên nhánh cây sanh gần đó chiếu trực tiếp vào bề mặt của phiến đá tôi mới thấy rõ những dòng chữ được khắc trên đó . Những chữ được khắc rất sâu , rất thẳng thóm và độ cao của chữ khoảng 20 cm . Có điều , chắc đã trải qua mấy chục năm mưa nắng nên những góc chữ trở nên tròn trịa không còn góc cạnh nữa . Trên đó khắc : CHIẾN THẮNG PLEIME , phía dưới : 25-10-1965 – 26-11-1965 . Cách đó không xa , cũng một tảng đá lớn hơn , có bề mặt phẳng phiu , được khắc những hàng chữ lớn hơn phiến đá trước nội dung : PLEIME và phía dưới là : 20-10-65 – 26-11-65 .




       Thật lòng nếu tôi không phải dân Pleiku trước năm 1975 , hoặc tôi còn quá nhỏ , thì có lẽ tôi sẽ chẳng có gì phải ngạc nhiên hoặc xúc động gì về việc những phiến đá vô tri được ai đó tha về từ trên núi , đặt nằm chình ình trong vườn nhà họ . Nhưng tôi đã được sinh ra trong thời đó , tuy còn rất nhỏ vào thời điểm 1965 , nhưng cũng đủ lớn sau đó 10 năm . Tuổi thơ của tôi đã từng nghe , và từng xúc cảm từ những nhạc phẩm một thời của cố nhạc sĩ Trịnh công Sơn , những Ca khúc da vàng được cất lên qua tiếng hát Khánh ly từ chiếc máy đĩa rọt rẹt thời đó . Nào là : Người con gái Việt nam da vàng , đi trong đêm , đêm vang ầm tiếng súng….hoặc : Đại bác đêm đêm dội về thành phố , người phu quét đường dừng chổi đứng nghe….v..v..
Nhưng có một bài hát mà có lẽ chỉ có những ai đã từng sống ở những địa danh được nhắc đến trong ca khúc “ Tình ca của người mất trí “ của cố nhạc sĩ TCS mới cảm nhận được sự mất mát lớn lao của những bà mẹ , những người vợ , hoặc những người chị của cả hai miền , về những đứa con , những người chồng hoặc những đứa em trong cuộc chiến tranh đẫm máu đó ! hãy nghe qua :

Tôi có người yêu chết trận Plei-me
Tôi có người yêu ở chiến khu D
Chết trận Đồng Xoài, chết ngoài Hà Nội
Chết vội vàng dọc theo biên giới .
Tôi có người yêu chết trận Chu-prong
Tôi có người yêu bỏ xác trôi sông
Chết ngoài ruộng đồng, chết rừng mịt mùng
Chết lạnh lùng mình cháy như than .

Tôi muốn yêu anh, yêu Việt Nam
Ngày gió lớn tôi đi môi gọi thầm
Gọi tên anh tên Việt Nam
Gần nhau trong tiếng nói da vàng
Tôi muốn yêu anh, yêu Việt Nam
Ngày mới lớn tai nghe quen đạn mìn
Thừa đôi tay, dư làn môi
Từ nay tôi quên hết tiếng người .

Tôi có người yêu chết trận A-sao
Tôi có người yêu nằm chết cong queo
Chết vào lòng đèo, chết cạnh gầm cầu
Chết nghẹn ngào mình không manh áo .
Tôi có người yêu chết trận Ba-sa
Tôi có người yêu vừa chết đêm qua
Chết thật tình cờ, chết chẳng hẹn hò
Không hận thù nằm chết như mơ .




        Làm sao có thể không xúc động được khi được đứng đó , trước -  như một chứng nhân - hùng hồn về những mất mát đã qua . Không muốn nói về ai thắng , ai thua trong cuộc chiến đó . Tôi chỉ muốn nói cái thua của bà mẹ Việt nam về những đứa con da vàng trong những giai đoạn ấy .

       Thật may mắn vì những viên đá ấy đã được yên vị trong một khu vườn nhỏ , không là chứng nhân cho ai cả , trong hiện tại và cả tương lai về một quá khứ đầy đau thương , mất mát .

       Cảm ơn em ! Người có thể vì tò mò , hoặc vì cảm xúc về lịch sử của một địa danh , mà đã vất vả , cực khổ đem những phiến đá ấy về nhà . Hy vọng nó sẽ được ngủ yên , làm vật trang trí trong khu vườn , quên đi những hình ảnh đã được chứng kiến trong quá khứ của mình !




( Lê quang Luận – 25/07/2014 )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét