Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

TÔI THÍCH NHÀ VĂN DUYÊN ANH.

                                (Ảnh MH: Nguồn internet)
TÔI THÍCH NHÀ VĂN DUYÊN ANH.
       Trước năm 1975 tôi chỉ là cậu bé 14 tuổi. Từ những năm 1971-1975 tôi rất thích đọc các tác phẩm của Duyên Anh. Thật ra với chừng ấy tuổi tác và chừng ấy năm tôi chỉ đọc được một số ít trong hơn 100 tác phẩm mà ông đã sáng tác. Hầu hết những tác phẩm của ông tôi đã đọc, là những sách viết về tuổi thiếu niên.
       Nếu những tác phẩm viết về tuổi thiếu niên đầy ắp những kỷ niệm thơ ấu khi ông còn ở ngoài Bắc như: Thằng Côn, Con Thúy... thì sau này những tác phẩm như Dũng Đakao, Chương còm... lại mô tả về lứa tuổi học sinh ở miền Nam sau năm 1965. Duyên Anh có lối viết văn rất bình dị, rõ ràng, không trừu tượng. Giọng văn mô tả cuộc sống và hiện tượng tự nhiên rất mộc mạc, chân thành. Riêng tôi, ở lứa tuổi học sinh, ăn chưa no lo chưa tới đó, có lẽ tôi thích Duyên Anh ở góc độ khác. Những tác phẩm như Luật hè phố hay Giấc mơ một loài cỏ.. Đó là mặt trái của xã hội được ông nhìn với con mắt rất cảm thông, sâu sắc và đầy tính nhân bản. Tôi thích cách ông mô tả sự trần trụi của những mảnh đời nghèo khổ, bươn chải sống trong sự khắc nghiệt của luật hè phố như một quy luật sinh tồn của cuộc sống loài người. Nhưng sau đó là tính người, tính nhân bản được thể hiện trong những tình huống bất ngờ làm người đọc bị lôi cuốn đến rơi nước mắt.
       Tôi chưa đủ tầm và đủ tuổi để nhận xét hay phê phán về một nhà văn có tuổi đời hơn mình gần một nửa thế kỷ, và tôi cũng chưa đọc hết các tác phẩm của ông. Nhưng tôi chỉ có thể viết lên cảm xúc thật của mình về một số tác phẩm mà tôi đã từng đọc say mê khi còn ngồi trên ghế nhà trường thời tiểu và trung học. Tôi say mê cái thế giới trần trụi, nhọc nhằn mà cũng đầy ắp tình người mà ông mô tả ở đất Sài Gòn trong thời đại đó. Cái góc nhìn của ông thường ít nghiêng về cuộc sống bình thường của những người bình thường, mà ông luôn xoáy sâu vào phía trong, đằng sau những mảng tối của những cuộc đời khổ nghèo, cơ nhỡ vẫn diễn ra hằng ngày trước mắt của ông trên đường phố Sài Gòn. Đó chính là đặc điểm mà tôi rất yêu thích các tác phẩm văn chương của ông.
       Nhận xét về lĩnh vực sáng tác này của Duyên Anh. Tôi thích cách nhận xét của tác giả Nguyễn Vy Khanh:
       "Duyên Anh viết về giới trẻ du đãng, bụi đời có thể đã đáp ứng một thị hiếu của độc giả; nhưng thiển nghĩ ông không viết về tuổi trẻ này hoàn toàn vì thị hiếu cao bồi du đãng để thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ mà ông còn có một mục đích giáo dục, đề cao với một cái nhìn khá từ bi, thông cảm. Khi viết về tuổi thơ, phải công tâm công nhận văn chương tuổi thơ của Duyên Anh khá trĩu nặng đau buồn của quá khứ, mất mát, có ngụ ý, có cả hối hận. Trong khi đó những nhà văn sau ông như Hoàng Ngọc Tuấn, Từ Kế Tường, Đinh Tiến Luyện,… viết về tuổi thơ và tuổi trẻ với một tâm hồn trong sáng hơn. Không khí tiểu thuyết của họ vui và nhẹ nhàng hơn, thực tế hơn mà tình yêu cũng thật sự mộng mơ gần gũi hơn.
       Duyên Anh trong một thời gian dài đã trở thành một hiện tượng văn học vì tác phẩm của ông đã đáp ứng được một phần những nhu cầu của thời đại, những nhu cầu văn hóa, tâm lý, xã hội của đại chúng. Với sự leo thang của chiến tranh, khi xã hội khủng hoảng trầm trọng về văn hóa, đời sống, một số tác phẩm của Duyên Anh với ý hướng giáo dục đã đáp ứng được một số mong đợi. Đừng đòi hỏi ở ông những đáp ứng triết lý siêu hình của thời đại. Duyên Anh chỉ nói tiếng nói của đời sống thường nhật, của những người con, những bậc cha mẹ, những thầy giáo hay những trẻ bụi đời hay thanh niên du đãng. Và ông trung thành với đường hướng đó. Mục đích hay chủ ý trong tiểu thuyết của Duyên Anh cũng dễ nhận ra chứ không phải quanh co, lưỡng nghĩa...."
       Tôi còn thích Duyên Anh một điểm nữa khi ai đó xưng tụng và so sánh ông với những nhà văn khác nổi tiếng đương thời, thì ông nói: “Tôi chưa phải là một nhà viết tiểu thuyết. Tiểu thuyết đúng nghĩa phải xây dựng nhiều tình tiết. Tôi có vài cuốn tạm gọi là tiểu thuyết, còn sau này tôi dùng văn chương để nói những gì muốn nói. (…) Người gọi tôi là tiểu thuyết gia : không đúng. Gọi tôi là nhà văn cũng không đúng. Tôi chỉ là người viết văn”
       Tôi chỉ mới tập tành viết văn hơn 1 năm nay vì có thời gian và vì cuộc sống của tôi đã xảy ra quá nhiều thay đổi. Tôi vừa viết, vừa học hỏi những người có bề dày kinh nghiệm, vì họ là những người đi theo nghiệp văn chương. Những gì tôi viết phần lớn từ cảm xúc thật và như một lời tự sự của mình. Tôi cũng thích khai thác mặt tối của những hiện tượng nhìn thấy hằng ngày quanh cuộc sống của tôi như một sự cảm thông cho những gì đã và đang xảy ra cho chính cuộc đời mình.
       Có lẽ ảnh hưởng phần nào những tác phẩm của Duyên Anh mà tôi đã đọc qua khi còn bé, nên tôi rất thích những chủ đề gói gọn từ những nhân vật nghèo khổ nơi tôi đã sống và những người tôi đã từng đôi lần tiếp xúc, mà khả dĩ qua câu chuyện của nhân vật đó có thể làm thay đổi những ý nghĩ tiêu cực nảy sinh trong cuộc sống nhiều bất trắc xảy ra thường ngày của chúng ta.
       Văn phong của tôi cục mịch , giản dị..vì tôi không có nhiều vốn từ. Tôi chỉ muốn diễn đạt được ý nghĩ của mình sao cho trung thực và đơn giản nhất để nói ra được nội dung chủ đạo mà mình muốn trình bày.
       Cũng vì lẽ đó mà tôi rất vui mừng khi được sự đồng cảm và chia sẻ của các bạn khi một bài viết nào đó, có thể dài hay ngắn mà tôi đăng lên được các bạn vui vẻ đón đọc.
       Bài viết như một lời tâm sự hơi dài nhân sắp đến ngày SN của mình. Xin cám ơn các bạn rất nhiều vì đã chịu khó đọc qua.
(Lê quang Luận), Sài Gòn, 23/02/2016
P/s: Tôi xin trích dẫn đường link từ Bách khoa toàn thư mở Wikipedia phần giới thiệu , tiểu sử , một vài nhận xét và tác phẩm của Duyên Anh để các bạn tham khảo.



 (Ảnh MH: Nguồn internet)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét