QUÊ HƯƠNG CỦA NÓ…
Quê hương của người ta sao đẹp lung linh như thế ? Sao nên thơ và trữ tình như thế ? Sao đầy ắp những kỷ niệm ngọt ngào như thế ?...
Còn quê hương của nó !? Trong tiềm thức nhỏ nhoi đó , nó không biết từ khi cất tiếng chào đời trong khu nhà ổ chuột của khu kênh nước đen của TP Sài gòn hoa lệ này ? Có phải là quê hương của nó không !?...
Lớn lên , khi nó biết được dăm chữ từ những buổi học thêm bắt buộc của tổ dân phố trong cái xóm nghèo này . Mắt nó nhìn thấy những hàng dừa liêu xiêu ngã bóng trên những dòng sông trong những buổi chiều tà từ một nơi nào xa lắc . Có những con đò neo đậu lẻ loi trên mặt nước , ngã bóng im lìm trong những buổi hoàng hôn . Hay những cánh đồng bạt ngàn mạ lúa , xanh ngắt tận chân trời với những đàn cò trắng tìm mồi lẫn khuất trên đồng ruộng ? Những cánh diều bay lượn trên không và đàn trâu cùng chú mục đồng in bóng trong buổi hoàng hôn tím rịm …Tất cả những điều nó thấy đó chỉ là những hình ảnh trên trang sách hay những tạp chí bóng lưỡng mà nó từng được , ít nhất một lần nhìn qua .
Có những ca từ nó đã từng nghe đến thuộc làu từ chiếc máy hát của căn nhà kế bên qua vách ván cong vênh , hở hả và đen xì . Những giọng hát nhão nhẹt ca ngợi quê hương , nào là : Một quê hương của nhà thơ Đỗ Trung quân với :
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông…….
Và một quê hương của đồng bằng sông Cửu Long ;
Nhắn ai đi về miền đất phương Nam
Trời xanh mây trắng, soi dòng Cửu Long Giang
Mênh mông rừng tràm, bạt ngàn dừa xanh.
Tiếng chang đước đong đưa, nhớ người xưa từng ở nơi này…..
Hay Quê hương dưới góc nhìn của nhà thơ Tế Hanh :
Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng.
Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỉ niệm giữa dòng trôi?
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!
Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ
Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ
Sông của miền Nam nước Việt thân yêu
Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu
Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy
Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy
Bầy chim non bơi lội trên sông
Tôi giơ tay ôm nước vào lòng
Sông mở nước ôm tôi vào dạ
Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả
Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông
Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng
Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến
Nhưng lòng tôi như mưa nguồn, gió biển
Vẫn trở về lưu luyến bên sông
......................................
Hoặc :
Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung. Ðời đang vui đồng quê yêu dấu bóng cau với con thuyền một dòng sông. Nhưng thôi rồi còn đâu quê nhà….
Rồi :
Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh
Có sông sâu lơ lững vờn quanh êm xuôi về Nam
Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau
Bóng tre ru bên mấy hàng cau
Đồng quê mơ màng….
V.. v…và v..v
Chưa nói đến những bài văn xuôi trên sách hoặc các tạp chí mà nó đã có dịp đọc được tình cờ , cũng lạ huơ , lạ hoắc . Ví như :
“Em sinh ra và lớn lên ở một làng quê êm đềm. Quê em nằm cạnh triền đê với con sông hiền hòa, uốn khúc như một dải lụa chảy quanh làng. Ven đê là những bãi ngô xanh mướt bên cạnh con đường quanh co dẫn vào làng. Đầu làng là cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay đang bước vào mùa gặt. Tiếng cười nói của các bác nông dân rộn rã cả cánh đồng. Xa xa, trên những ruộng lúa gặt sớm, từng đàn chim sà xuống nhặt thóc rơi. Chúng ríu rít chuyện trò làm làng quê vui hẳn lên. Em thích nhất những đêm trăng ở quê, mặt trăng tròn vành vạnh nhô lên sau lũy tre. Ánh trăng vàng dịu tỏa sáng khắp làng quê. Không gian lúc đó thật đẹp và yên tĩnh… Em yêu quê em biết bao!”(ST)
Hoặc một quê hương Đà lạt dưới góc nhìn của một kẻ tha hương :
“Quê hương tôi lại có Thung Lũng Tình Yêu là điểm hẹn dành cho các cặp tình nhân tay trong tay đến với nhau. Quê hương tôi thật đẹp, có những buổi sáng sớm tinh mơ sương mù còn bay lãng đãng trên toàn thành phố, nhìn mặt hồ có cảm giác như là nước trong hồ đang bốc hơi bay biến đi. Những tia nắng đầu giờ rọi xuống xuyên qua cánh rừng thông tạo nên một vẻ đẹp thật huyền ảo như trong chuyện cổ tích mà lúc nhỏ tôi hay đọc… “( Tôn thất Long ).
Quê hương qua sự hoài niệm , luyến tiếc về một thời thơ ấu :
“Tuổi thơ của tôi cũng có những con diều biếc, Những con diều đầy những đòn roi, vì ngày ấy để có những cánh diều tôi phải xé những tờ giấy trắng vở học và ăn trộm cuộn chỉ may vá của mẹ đã vậy nhiều lúc còn dám gỡ cả những vành tre trên nón lá của mẹ để làm. và thế là sau những cuộc vui đó là món quà được thưởng bằng những lằn roi mây in dấu. Quê hương của tôi có những người hàng xóm rất tốt bụng, ngày ấy thấy nhà tôi nghèo nên những người hàng xóm mỗi lần cúng giổ hay đổ bánh xèo, bánh đúc đều mang sang cho, mỗi lần như vậy mẹ tôi đều sớt ra từng phần nhỏ cho chúng tôi, còn ba mẹ đều bảo đã ăn rồi . “ ( Đình Bảo Nguyễn )
Và có nhiều quê hương khác nữa mà nó đã từng nghe , hay đọc được ? Đối với nó , tâm hồn nó ? Nó nghe sao hay quá , thơm tho và lãng mạn quá …một điều mà cả cuộc đời của nó chưa hề từng cảm nhận được !?...
Trong trí nhớ nhỏ nhoi của nó , hình bóng quê hương , làng xóm qua tiếng hát ru con mà nó đọc được từ những buổi học ...sao mà lạ lẫm quá ? Nó không thể nào hình dung ra nổi !? Ngay cả tiếng mẹ ru, tiếng võng kẻo kịt đối với nó cũng là điều khó hiểu ?
Nếu ai đó bắt nó kể về quê hương của nó thì có lẽ nó sẽ miêu tả thực dưới góc nhìn thật trần trụi về cái quê hương trong xóm nước đen giữa đất Sài Thành hoa lệ này mà thôi .
Bởi tuổi thơ của nó được sinh ra ở đây . Một xóm lao động nghèo , nằm sát con kinh đen ngòm và thúi quắc mỗi khi thủy triều xuống . Con kênh nhiêu Lộc những ngày xưa .
Khi nó cất tiếng oe oe chào đời lúc chưa tròn 9 tháng 10 ngày , với cơ thể èo uột không cất nổi tiếng khóc . Nó được sinh ra từ một người mẹ đã dăm ba lần sinh nở . Một cơ thể gầy gò và quắt queo bởi nỗi lo cơm áo cho những miệng ăn và ông chồng xích lô nát rượu .
Trong ký ức của nó , dòng sông quê hương là con kênh có dòng nước đen ngòm với bao rác rến , xác động vật , và những cục phân nổi lềnh bềnh những lúc triều lên . Con đò nhỏ của nó là những chiếc xuồng gắn máy , nổ lạch bạch vào những buổi sớm mai . Và ánh ban mai bên kia sông của nó là những vầng sáng lấp lóa phản chiếu ánh mặt trời từ mái tôn , của một rừng những căn nhà gỗ , ván , giấy bìa hay bất cứ thứ phế thải nào mà người ta nhặt được ? Cái mà người ta gọi là nhà , được cất tạm bợ , nhấp nhô , trồi sụt bên con kênh đó .
Còn màu xanh trên quê hương nó không phải là cánh đồng xanh mướt hút tận chân trời mà là những mảng bèo trôi lơ lững , buồn bã vào những ngày nước lớn .
Mùi rơm rạ , mùi khói chiều của bếp ai lên...Đối với nó là mùi thum thủm , ngây ngây , ngất ngất mà nó được ngửi hàng ngày , nhất là những buổi trưa hè nắng gắt , trên dòng kinh đen ngòm phía sau nhà .
Tiếng sáo diều hay những âm thanh tíu tít của đàn chim về tổ , hoặc tiếng nghé ọ của những chú trâu đang trên đường trở về nhà sau một ngày cày ruộng vất vả ? Đối với nó là những tiếng ầm ì động cơ của những dòng xe hối hả ngoài đầu con hẻm . Là tiếng lè nhè của cha nó mỗi khi chiều về và những âm thanh hỗn loạn , chửi mắng của những người đàn bà lao động ở các căn hộ kế bên .
Nó sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo khó , vất vả đến tột cùng của những con người lao động xung quanh con hẻm của xóm nước đen này . Nhưng với nó , nó thấy bình thường vì nó có thấy gì khác hơn khung cảnh đó đâu ? Đôi khi nó cảm nhận được khung cảnh nơi nó ở , tiếng động nó từng nghe và mùi vị nó từng được ngửi cũng nên thơ và thi vị khi mỗi sớm mai thức dậy . Với cái bụng đói thường xuyên và cũng thấy chút tiếc nuối , thòm thèm như bài thơ đang viết dở vậy !?
Trong những đêm về , khi cha nó say quắc cần câu , lăn khểnh ra giữa sàn ván ngủ khò khò , nó lại thấy thiếu vắng một âm thanh nào quen thuộc của những hôm trước , khi cha mẹ nó cãi nhau ? Cảm giác như vắng đi tiếng ồm ộp của những chú ếch sau cơn mưa rào và tiếng dế nỉ non trong đêm khuya thanh vắng !?
Và lời ru của mẹ cùng tiếng kẽo kịt của chiếc võng vào những trưa hè ? Đối với nó là những tiếng rao : Mua amli , quạt máy , quạt trần , ti vi ,bàn ủi cũ đêy …..Từ chiếc máy phát rọt rẹt của những kẻ mua hàng rong trong con hẻm nhỏ của nó , khi nó đang lim dim , chập chờn ngủ vào những trưa nắng bã người .
Cuối cùng ? Ai cũng có quê hương với dòng sông , con đò nhỏ , hàng cau , cây dừa , chùm khế ngọt …và lời ru , câu hò ..mà đã từng mãi in sâu trong tiềm thức của tuổi thơ ? Thì nó cũng đã từng có quê hương và lời ru như thế !? Một quê hương với dòng kênh đen ngòm , xuồng máy , khóm lục bình , xác gà vịt , và lời rao buồn của những cảnh đời bất hạnh trong con hẻm nhỏ tuổi thơ của nó ….
( Lê quang Luận ) Sài gòn , ngày 20/12/2014
Quê hương của người ta sao đẹp lung linh như thế ? Sao nên thơ và trữ tình như thế ? Sao đầy ắp những kỷ niệm ngọt ngào như thế ?...
Còn quê hương của nó !? Trong tiềm thức nhỏ nhoi đó , nó không biết từ khi cất tiếng chào đời trong khu nhà ổ chuột của khu kênh nước đen của TP Sài gòn hoa lệ này ? Có phải là quê hương của nó không !?...
Lớn lên , khi nó biết được dăm chữ từ những buổi học thêm bắt buộc của tổ dân phố trong cái xóm nghèo này . Mắt nó nhìn thấy những hàng dừa liêu xiêu ngã bóng trên những dòng sông trong những buổi chiều tà từ một nơi nào xa lắc . Có những con đò neo đậu lẻ loi trên mặt nước , ngã bóng im lìm trong những buổi hoàng hôn . Hay những cánh đồng bạt ngàn mạ lúa , xanh ngắt tận chân trời với những đàn cò trắng tìm mồi lẫn khuất trên đồng ruộng ? Những cánh diều bay lượn trên không và đàn trâu cùng chú mục đồng in bóng trong buổi hoàng hôn tím rịm …Tất cả những điều nó thấy đó chỉ là những hình ảnh trên trang sách hay những tạp chí bóng lưỡng mà nó từng được , ít nhất một lần nhìn qua .
Có những ca từ nó đã từng nghe đến thuộc làu từ chiếc máy hát của căn nhà kế bên qua vách ván cong vênh , hở hả và đen xì . Những giọng hát nhão nhẹt ca ngợi quê hương , nào là : Một quê hương của nhà thơ Đỗ Trung quân với :
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông…….
Và một quê hương của đồng bằng sông Cửu Long ;
Nhắn ai đi về miền đất phương Nam
Trời xanh mây trắng, soi dòng Cửu Long Giang
Mênh mông rừng tràm, bạt ngàn dừa xanh.
Tiếng chang đước đong đưa, nhớ người xưa từng ở nơi này…..
Hay Quê hương dưới góc nhìn của nhà thơ Tế Hanh :
Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng.
Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỉ niệm giữa dòng trôi?
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!
Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ
Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ
Sông của miền Nam nước Việt thân yêu
Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu
Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy
Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy
Bầy chim non bơi lội trên sông
Tôi giơ tay ôm nước vào lòng
Sông mở nước ôm tôi vào dạ
Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả
Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông
Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng
Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến
Nhưng lòng tôi như mưa nguồn, gió biển
Vẫn trở về lưu luyến bên sông
......................................
Hoặc :
Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung. Ðời đang vui đồng quê yêu dấu bóng cau với con thuyền một dòng sông. Nhưng thôi rồi còn đâu quê nhà….
Rồi :
Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh
Có sông sâu lơ lững vờn quanh êm xuôi về Nam
Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau
Bóng tre ru bên mấy hàng cau
Đồng quê mơ màng….
V.. v…và v..v
Chưa nói đến những bài văn xuôi trên sách hoặc các tạp chí mà nó đã có dịp đọc được tình cờ , cũng lạ huơ , lạ hoắc . Ví như :
“Em sinh ra và lớn lên ở một làng quê êm đềm. Quê em nằm cạnh triền đê với con sông hiền hòa, uốn khúc như một dải lụa chảy quanh làng. Ven đê là những bãi ngô xanh mướt bên cạnh con đường quanh co dẫn vào làng. Đầu làng là cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay đang bước vào mùa gặt. Tiếng cười nói của các bác nông dân rộn rã cả cánh đồng. Xa xa, trên những ruộng lúa gặt sớm, từng đàn chim sà xuống nhặt thóc rơi. Chúng ríu rít chuyện trò làm làng quê vui hẳn lên. Em thích nhất những đêm trăng ở quê, mặt trăng tròn vành vạnh nhô lên sau lũy tre. Ánh trăng vàng dịu tỏa sáng khắp làng quê. Không gian lúc đó thật đẹp và yên tĩnh… Em yêu quê em biết bao!”(ST)
Hoặc một quê hương Đà lạt dưới góc nhìn của một kẻ tha hương :
“Quê hương tôi lại có Thung Lũng Tình Yêu là điểm hẹn dành cho các cặp tình nhân tay trong tay đến với nhau. Quê hương tôi thật đẹp, có những buổi sáng sớm tinh mơ sương mù còn bay lãng đãng trên toàn thành phố, nhìn mặt hồ có cảm giác như là nước trong hồ đang bốc hơi bay biến đi. Những tia nắng đầu giờ rọi xuống xuyên qua cánh rừng thông tạo nên một vẻ đẹp thật huyền ảo như trong chuyện cổ tích mà lúc nhỏ tôi hay đọc… “( Tôn thất Long ).
Quê hương qua sự hoài niệm , luyến tiếc về một thời thơ ấu :
“Tuổi thơ của tôi cũng có những con diều biếc, Những con diều đầy những đòn roi, vì ngày ấy để có những cánh diều tôi phải xé những tờ giấy trắng vở học và ăn trộm cuộn chỉ may vá của mẹ đã vậy nhiều lúc còn dám gỡ cả những vành tre trên nón lá của mẹ để làm. và thế là sau những cuộc vui đó là món quà được thưởng bằng những lằn roi mây in dấu. Quê hương của tôi có những người hàng xóm rất tốt bụng, ngày ấy thấy nhà tôi nghèo nên những người hàng xóm mỗi lần cúng giổ hay đổ bánh xèo, bánh đúc đều mang sang cho, mỗi lần như vậy mẹ tôi đều sớt ra từng phần nhỏ cho chúng tôi, còn ba mẹ đều bảo đã ăn rồi . “ ( Đình Bảo Nguyễn )
Và có nhiều quê hương khác nữa mà nó đã từng nghe , hay đọc được ? Đối với nó , tâm hồn nó ? Nó nghe sao hay quá , thơm tho và lãng mạn quá …một điều mà cả cuộc đời của nó chưa hề từng cảm nhận được !?...
Trong trí nhớ nhỏ nhoi của nó , hình bóng quê hương , làng xóm qua tiếng hát ru con mà nó đọc được từ những buổi học ...sao mà lạ lẫm quá ? Nó không thể nào hình dung ra nổi !? Ngay cả tiếng mẹ ru, tiếng võng kẻo kịt đối với nó cũng là điều khó hiểu ?
Nếu ai đó bắt nó kể về quê hương của nó thì có lẽ nó sẽ miêu tả thực dưới góc nhìn thật trần trụi về cái quê hương trong xóm nước đen giữa đất Sài Thành hoa lệ này mà thôi .
Bởi tuổi thơ của nó được sinh ra ở đây . Một xóm lao động nghèo , nằm sát con kinh đen ngòm và thúi quắc mỗi khi thủy triều xuống . Con kênh nhiêu Lộc những ngày xưa .
Khi nó cất tiếng oe oe chào đời lúc chưa tròn 9 tháng 10 ngày , với cơ thể èo uột không cất nổi tiếng khóc . Nó được sinh ra từ một người mẹ đã dăm ba lần sinh nở . Một cơ thể gầy gò và quắt queo bởi nỗi lo cơm áo cho những miệng ăn và ông chồng xích lô nát rượu .
Trong ký ức của nó , dòng sông quê hương là con kênh có dòng nước đen ngòm với bao rác rến , xác động vật , và những cục phân nổi lềnh bềnh những lúc triều lên . Con đò nhỏ của nó là những chiếc xuồng gắn máy , nổ lạch bạch vào những buổi sớm mai . Và ánh ban mai bên kia sông của nó là những vầng sáng lấp lóa phản chiếu ánh mặt trời từ mái tôn , của một rừng những căn nhà gỗ , ván , giấy bìa hay bất cứ thứ phế thải nào mà người ta nhặt được ? Cái mà người ta gọi là nhà , được cất tạm bợ , nhấp nhô , trồi sụt bên con kênh đó .
Còn màu xanh trên quê hương nó không phải là cánh đồng xanh mướt hút tận chân trời mà là những mảng bèo trôi lơ lững , buồn bã vào những ngày nước lớn .
Mùi rơm rạ , mùi khói chiều của bếp ai lên...Đối với nó là mùi thum thủm , ngây ngây , ngất ngất mà nó được ngửi hàng ngày , nhất là những buổi trưa hè nắng gắt , trên dòng kinh đen ngòm phía sau nhà .
Tiếng sáo diều hay những âm thanh tíu tít của đàn chim về tổ , hoặc tiếng nghé ọ của những chú trâu đang trên đường trở về nhà sau một ngày cày ruộng vất vả ? Đối với nó là những tiếng ầm ì động cơ của những dòng xe hối hả ngoài đầu con hẻm . Là tiếng lè nhè của cha nó mỗi khi chiều về và những âm thanh hỗn loạn , chửi mắng của những người đàn bà lao động ở các căn hộ kế bên .
Nó sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo khó , vất vả đến tột cùng của những con người lao động xung quanh con hẻm của xóm nước đen này . Nhưng với nó , nó thấy bình thường vì nó có thấy gì khác hơn khung cảnh đó đâu ? Đôi khi nó cảm nhận được khung cảnh nơi nó ở , tiếng động nó từng nghe và mùi vị nó từng được ngửi cũng nên thơ và thi vị khi mỗi sớm mai thức dậy . Với cái bụng đói thường xuyên và cũng thấy chút tiếc nuối , thòm thèm như bài thơ đang viết dở vậy !?
Trong những đêm về , khi cha nó say quắc cần câu , lăn khểnh ra giữa sàn ván ngủ khò khò , nó lại thấy thiếu vắng một âm thanh nào quen thuộc của những hôm trước , khi cha mẹ nó cãi nhau ? Cảm giác như vắng đi tiếng ồm ộp của những chú ếch sau cơn mưa rào và tiếng dế nỉ non trong đêm khuya thanh vắng !?
Và lời ru của mẹ cùng tiếng kẽo kịt của chiếc võng vào những trưa hè ? Đối với nó là những tiếng rao : Mua amli , quạt máy , quạt trần , ti vi ,bàn ủi cũ đêy …..Từ chiếc máy phát rọt rẹt của những kẻ mua hàng rong trong con hẻm nhỏ của nó , khi nó đang lim dim , chập chờn ngủ vào những trưa nắng bã người .
Cuối cùng ? Ai cũng có quê hương với dòng sông , con đò nhỏ , hàng cau , cây dừa , chùm khế ngọt …và lời ru , câu hò ..mà đã từng mãi in sâu trong tiềm thức của tuổi thơ ? Thì nó cũng đã từng có quê hương và lời ru như thế !? Một quê hương với dòng kênh đen ngòm , xuồng máy , khóm lục bình , xác gà vịt , và lời rao buồn của những cảnh đời bất hạnh trong con hẻm nhỏ tuổi thơ của nó ….
( Lê quang Luận ) Sài gòn , ngày 20/12/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét