Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

THỜI MẠT PHÁP


                                (Ảnh MH: Nguồn internet)

THỜI MẠT PHÁP

Thời mạt pháp quỷ ma vùng dậy
Ngoi lên từ Địa ngục A tỳ
Đứa tham lam mọc nanh cắn xé
Thằng bạo tàn hạnh hoẹ tứ tung

Thời mạt pháp quỷ lên làm tướng
Dưới trướng toàn một lũ ma khờ
Thằng mở miệng như đồ ngáo đá
Đứa nói năng vung vẩy điên khùng

Thời mạt pháp dân tình tóp bụng
Nước non buồn sơ xác thân tàn
Rừng trơ trụi, đồng khô, sông cạn
Biển bơ vơ vắng bóng thuyền chài

Thời mạt pháp đất trời mờ mịt
Bọn buôn Thần bán Thánh lộng hành
Bồ Tát hạnh độ trong tù ngục
Đức Chúa Trời chịu cảnh vong thân

Thời mạt pháp mong nhiều hào kiệt
Rút gươm thiêng chém chết tà ma
Bút kẻ sĩ cắn môi toé máu
Đâm quỷ ma ngòi bút chẳng tà

(Cóc Tía), Đà Lạt, 27052017

P/s: Ảnh MH từ nguồn Internet.

CHUYỆN XỨ VỆ


CHUYỆN XỨ VỆ
Để Cóc kể chuyện xứ ta
Tốn nhiều giấy mực, thối tha cuộc tình
Con Nga, thằng Mỹ xập xình
Lôi cả thằng Việt rập rình ngóng xem
Thằng Mỹ có một con chim
Sợ bay đi mất nên mua cái lồng
Con Nga má đỏ môi hồng
Có mỗi cái lồng hét giá thiệt cao
Dân chơi, Mỹ đâu sợ hao
Quăng mười sáu tỷ ra bao lồng bà
Thế rồi chim Mỹ, lồng Nga
Ngày đêm cứ thế thụt ra thụt vào
Thụt riết chim rớt cả mào
Lồng Nga rệu rả nên chào bái bai
Tiếc tiền Mỹ kiện trọng tài
Tố Nga lừa đảo tiền ai mua nhà?
Câu chuyện có thế thôi mà
Lại lôi cả đám quan ta dính chùm
Thằng Việt thấy chuyện thúi rùm
Bỏ công bỏ việc xúm xùm khen chê
Ngẫm đời sao mãi u mê
Giặc vào tới đít bỏ bê không màng
Mê chi chuyện lồng của nàng
Biển Đông thằng Tập khẽ khàng vỗ tay.
Buồn cho thế sự đổi thay
Để khỉ bịt mắt dắt tay như mù.
Miền Tây có trái mù u
Xứ Vệ thích chuyện con cu mê lồng
Cóc Tía
Ảnh MH lụm trên mạng.

Thứ Tư, 3 tháng 5, 2017

FORMOSA, KẺ SÁT NHÂN THẾ KỶ!

                                (Ảnh MH: Nguồn internet)
FORMOSA, KẺ SÁT NHÂN THẾ KỶ!
      Người Việt nên nhớ: Dẫu rằng Formosa vẫn còn tồn tại hay đã biến đi vĩnh viễn khỏi VN, thì nhiệm vụ đầu độc dân tộc Việt của chúng cũng đã hoàn thành.
      Điều đáng sợ nhất không phải chỉ là chúng đã gây ra cảnh thất nghiệp, cảnh nhà tan cửa nát, cảnh đói khổ phải tha phương cầu thực của hàng triệu người dân 4 tỉnh miền Trung.
      Điều đáng sợ nhất không phải là chúng đã gây thất thoát hàng tỷ USD cho ngành thủy hải sản xuất khẩu, ngành dịch vụ du lịch biển...
      Điều đáng sợ nhất không phải là những bất ổn về chính trị mà chúng đã tạo ra hơn một năm qua tại 4 tỉnh miền Trung, nói riêng và trên toàn cõi VN, nói chung.
      Điều đáng sợ nhất chính là những hậu quả khôn lường có thể kéo dài đến cả chục thậm chí đến cả trăm năm sau vì sau sự cố Formosa hơn một năm qua trong khi chúng ta không hề thấy có động thái nổ lực nào của chính phủ trong việc lên phương án làm sạch biển. Thế hệ tương lai của tộc Việt rồi sẽ bị què quặt, liệt não, sống trong đau đớn và không có khả năng lao động vì tác hại của việc ăn hải sản biển đã bị nhiễm độc từ thế hệ hôm nay sau khi đã bị ru ngủ bởi sự ngu dốt, tham lam và ác độc của những tên tham quan vô lại, và không loại trừ âm mưu thâm độc của kẻ thù ngàn năm là cs TQ.
      Bài học từ thảm họa Minamata ở Nhật và nỗi đau 50 năm vì biển bị đầu độc của họ vẫn còn đó mặc dù chính phủ của đất nước mặt trời đã nổ lực làm sạch biển và tiêu tốn đến hàng tỷ USD.
      Trên một diễn đàn, GS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục YTDP và Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế đã liên tưởng sự kiện này với thảm họa vịnh Minamata ở Nhật.
      Ông Nga đặt ra giả thiết: “Nếu lặp lại sự kiện Vịnh Minamata thì là thảm họa. Vịnh Minamata ở Nhật bị công nghiệp xả nước thải có chứa thủy ngân, thủy ngân xâm nhập vào sinh vật thủy sinh rồi vào cá tạo thành hợp chất thủy ngân hữu cơ.
      Người ăn cá từ vịnh này bị ngộ độc thần kinh với những hậu quả vô cùng thảm khốc.
      Sau hơn 50 năm, Nhật Bản vẫn có nhiều trẻ em sinh ra với dị tật do thủy ngân và hàng ngàn người hiện nay vẫn bị nhiễm độc thần kinh làm tiêu tốn rất nhiều triệu đô la của nhà nước.
       Đấy là cái giá phải trả cho sự buông lỏng kiểm soát môi trường trong phát triển".
      Người viết nghĩ rằng các bạn vì yêu quê hương và dân tộc VN nên đang quan tâm đến nhiều vấn đề chính trị của đất nước. Thể chế nào không mang đến tự do, hạnh phúc, không mang đến cơm no, áo ấm cho nhân dân rồi cũng sẽ suy tàn. Nhưng theo người viết; điều điều cốt lõi để cho tương lai khỏe mạnh và phát triển của dân tộc VN lại nằm ở vấn đề môi trường và những âm mưu tiềm tàng nhưng thâm độc của kẻ thù.
      Mong rằng mọi người luôn ghi nhớ điều này và đòi hỏi sự nổ lực quan tâm của chính phủ về việc lo khắc phục sự cố môi trường và mọi hoạt động tiếp theo của kẻ sát nhân mang tên FORMOSA.
"FORMOSA, KẺ SÁT NHÂN THẾ KỶ"!
"FORMOSA IS THE KILLER!"
(Cóc Tía), SG, 04/05/2017
P/s: Không phải lo xa, nhưng theo người viết đó là một vấn đề đáng lo ngại nhất đang và đã xảy ra nhưng chưa thấy khắc phục.




(Ảnh MH: Nguồn internet)



Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

NHẠC BOLERO VÀI ĐIỀU CHIA SẺ.


NHẠC BOLERO VÀI ĐIỀU CHIA SẺ.
      Vừa qua trên mạng lùm xùm tranh cãi về việc đề nghị cấm hay không cấm hát nhạc Bolero. Riêng về vấn đề này Cóc tui ngứa miệng xin chia sẻ vài điều.
      Theo Bách khoa tự điển mở thì Bolero là điệu nhảy dân tộc của Tây Ban Nha được sáng tạo bởi vũ sư Sebastian Zerezo tại Cádiz vào năm 1780, sau đó phát triển sang khu vực Mỹ Latinh (đặc biệt là Cuba) khoảng 1 thế kỷ sau.
      Bolero Việt Nam (tiếng Tây Ban Nha: Bolero) là một điệu nhạc của Mỹ Latinh du nhập vào Việt Nam Cộng Hoà từ thập niên 1950 và phổ biến trong các bài hát tại miền nam Việt Nam từ thập niên 1950 đến nay. Điệu Bolero không chỉ sử dụng trong các ca khúc nhạc vàng mà lác đác trong các nhạc phẩm khác của Tân nhạc Việt Nam, và nhạc vàng theo nghĩa phổ thông không chỉ theo điệu Bolero (một số theo điệu Rhumba, Slow, Habanera,...) tuy nhiên hầu hết các bài hát điệu Bolero ở Việt Nam đều có đặc tính chung là đậm chất dân ca, giai điệu đều đều, chậm, lời ca vần và dễ thuộc, chủ đề đơn giản, ít có tính hình tượng và mang tính triết lý.
      Với tui, nhạc Bolero giống như một đĩa mắm dưa cà trong bữa ăn dân dã của người Việt. Dễ thấy rằng mỗi bà mẹ VN đều rất thích chế biến món ăn này trong bữa cơm của gia đình. Hương vị cay nồng của ớt tỏi, trộn lẫn với vị mặn tê đầu lưỡi của mùi mắm cái và tiếng giòn rụm khi nhai ra vị ngọt chát của dưa cà...là cảm xúc tuyệt vời khi quây quần cùng anh chị em bên mâm cơm gia đình.
      Nhạc Bolero theo quan niệm của tui cũng giống như thế. Đó là giòng nhạc từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người, nhất là dân miền Nam trước năm 1975. Tuy nhiên, với xu hướng phát triển, nhiều giòng nhạc sang đã nhanh chóng du nhập và chiếm lĩnh sở thích chung trong hồn người dân Việt thời bây giờ, nhưng điều đó không có nghĩa là Bolero đã lỗi thời và không còn ai muốn nghe. Ở đất nước ta, thời nào cũng vậy, giới bình dân chiếm đa số trong các giới khác mà phần lớn món ăn tinh thần của họ về âm nhạc là họ vẫn chuộng nghe nhạc Bolero. Thậm chí trong bài năm trở lại đây, những người dân thành phố thuộc giới trí thức cũng bắt đầu muốn quay lại để nghe những bản nhạc xưa có điệu Bolero mùi mẫn. Dường như trong bước đường bôn ba tìm kiếm hạnh phúc của họ, đôi khi họ cảm thấy chơ vơ và lạc lõng trong ánh hào quang phù phiếm của cuộc đời. Những ca từ bác học, lung linh, sang cả...đôi lúc trở nên nhạt nhẽo, vô hồn không làm cho họ thoả mãn được tính cách mộc mạc, đơn sơ nhưng chân tình vốn có của họ. Nhạc Bolero đáp ứng được cho họ điều đó giống như họ ngồi trước những món sơn hào hải vị trong một tiệc cưới nhưng đầu óc lại mơ về nồi cá nục kho mẳn đang bốc hơi thơm nghi ngút hay dĩa dưa cà trong mâm cơm đơn sơ trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng của mình. Con người càng lớn tuổi hay càng thành công, khi va chạm đường đời càng nhiều thì dường như thỉnh thoảng họ có xu hướng muốn quay trở lại với nguồn cội của mình. Nhạc Bolero nó thoả mãn được điều đó. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, mắm dưa cà ăn nhiều thì sợ lên máu nhưng lâu ngày không ăn thì thấy nhớ, thì nhạc Bolero cũng thế. Chỉ nghe nó khi cảm thấy có tâm trạng và cũng chỉ nghe một đôi bài.
      Nhạc Bolero tuy không cao sang nhưng gần gũi đến mức ai cũng có thể chạm vào với cảm giác thích thú pha lẫn xúc động như được hồi tưởng về những ký ức ngọt ngào của một thời trẻ thơ khốn khó.
     Trên đây chỉ là suy nghĩ có tính chất cá nhân của tui, một người bình thường, không có tài năng đặc biệt gì về âm nhạc. Tuy nhiên, tui nghĩ rằng việc thích hay không thích nhạc Bolero là quyền của mỗi người. Nghệ thuật thì không có chuẩn mực nào cả, vì vậy không nên lên tiếng khích bác và chê bai dòng nhạc Bolero và đòi cấm đoán nó. Kẻ nào cho rằng nhạc Bolero là quê mùa, không nên cho phép lưu hành thì kẻ đó chẳng qua là những tên trưởng giả mới phất lên, có chút tiền hoặc chút kiến thức, tinh tướng thích học đòi làm sang. Giống như mới giàu lên một chút vội chê bữa cơm nhà quê mùa mẹ nấu vậy!
(Cóc Tía), SG, 22/03/2017