(Ảnh MH: Nguồn internet)
SỰ KHÁC BIỆT.
Vừa qua, vụ xe tải dìu chiếc xe khách bị đứt thắng thoát khỏi tai nạn thảm khốc tại đèo Bảo Lộc - Lâm Đồng đã được báo chí và cộng đồng mạng hết lời ca ngợi người tài xế xe tải dũng cảm và có tâm, thậm chí được vinh danh như một người anh hùng. Sự kiện đó đã được chia sẻ tràn ngập trên các trang mạng Fb trong nhiều ngày. Hành động trên đã giúp cho bao nhiêu người thoát khỏi tai nạn hiểm nghèo. Anh tài xế xe tải là người có tâm vì đã dìu được chiếc xe khách lúc dựa vào đuôi xe của mình, và anh xe khách mới là người bản lĩnh khi đưa chiếc xe mất thắng đi qua 4 đoạn cua nguy hiểm và tránh được 2 chiếc xe 7 chỗ chạy ngược chiều. Cả hai anh đều là những người sáng trí đã nghĩ ra cách cứu chiếc xe khách mất phanh bằng một ý tưởng hết sức độc đáo tuy có thể xảy ra nguy hiểm cho mình. Hai anh tài xế đó là những người tài xế tuyệt vời, điều đó ai cũng thấy, chứ không phải mỗi một mình anh tài xế xe tải.
Nhưng hôm nay, tôi muốn nói với các bạn ở một khía cạnh khác. Một khía cạnh liên quan đến vấn đề tại sao người dân Việt lại cảm thấy phấn khích, thán phục và vinh danh người tài xế xe tải đến như vậy? Thậm chí ban thưởng huân chương anh hùng và coi đó như là một câu chuyện lạ. Phải chăng người làm điều tốt ở đất nước VN của chúng ta hiện nay khan hiếm đến thế sao?!...trong khi đó đối với nhiều nước trên thế giới thì việc ra tay cứu người khi có cơ hội cũng chỉ là một điều khá bình thường hoặc xen vào chuyện xung đột của người khác để can ngăn hoặc trở thành người làm chứng trước pháp luật cũng là điều hết sức bình thường.
Có một câu chuyện có thật tại Mỹ dưới đây tôi đọc được từ trang mạng Đại Kỷ Nguyên kể rằng: Có một người đi dạo cùng người bạn thì được chứng kiến sự cố một chiếc xe tông vào đuôi một chiếc xe đi trước. Nhưng hai người lái xe không ai xuống xe mà ngồi nguyên trên xe gọi điện thoại, ông nghĩ có lẽ báo cảnh sát hoặc công ty bảo hiểm gì đó. Lúc này lại có một chiếc xe đi đường dừng lại. Ông ấy hỏi người bạn đi cùng tại sao chiếc xe kia dừng lại, chắc để xem cảnh náo nhiệt? Người bạn kia nói không phải, chiếc xe kia dừng lại để làm chứng, vì họ chứng kiến sự việc xảy ra. Ông ta quá ngạc nhiên, lòng thầm nghĩ người lái xe kia hoàn toàn có thể bỏ đi, sao phải dừng lại làm chứng cho một việc không liên quan gì đến mình, không chỉ làm lỡ thời gian của bản thân mà còn chuốc thù oán với người khác. Ông lại hỏi, vậy thì làm chứng có được trả thù lao không? Người bạn kia cười, trả lời rằng “một cắc cũng không có”. Việc ông ấy làm xuất phát từ ý thức trách nhiệm xã hội, vì ông ấy là người chứng kiến sự cố xảy ra.
(Ảnh MH: Nguồn internet)
Còn nhớ trong vụ thảm sát do khủng bố ngày 11/9/2001 khi hai máy bay lao vào tòa tháp đôi của trung tâm thương mại thế giới (WTC) ở New York, Mỹ, trong đó có 343 lính cứu hỏa và 23 cảnh sát của thành phố đã thiệt mạng khi vẫn biết chắc chắn rằng có thể họ sẽ chết. Sau sự cố, cả nước Mỹ đã ngã mũ vĩnh biệt 2.977 nạn nhân đã chết trong đó có cùng những người lính cứu hỏa và những người cảnh sát thành phố. Nỗi đau đó là nỗi đau chung, cái chết của của những người lính ngoài công việc họ phải làm, còn là ý thức trách nhiệm của một công dân.
Đối với những đất nước dân chủ, ý thức trách nhiệm của một công dân đã được giáo dục từ lúc còn rất nhỏ. Do vậy việc ra tay cứu ai đó trong một tai nạn, dù lớn hay nhỏ, đó là một điều rất bình thường. Bởi vì...đó là một điều bình thường.
Bản thân người viết cũng rất cảm phục hành động của anh tài xế xe tải lẫn anh tài tế xe khách, nhưng sự sôi động và phấn khích quá mức trước sự kiện này làm người viết cảm giác dường như chỉ có những đất nước cộng sản mới có thể biến những điều bình thường trở thành những điều không bình thường.
Đó chính là sự khác biệt!
(Cóc Tía), SG, 09/09/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét