Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

NHÀ LỚN, NHÀ NHỎ.


NHÀ LỚN, NHÀ NHỎ.
      Sáng nay trên Fb người ta post một bài cùng hình ảnh căn biệt thự hoành tráng của ông Đặng Xuân Phong, tân Chủ tịch tỉnh Lào Cai tọa lạc tại TP. Lào Cai khiến không ít người phải trầm trồ, ngưỡng mộ, làm tôi tò mò vào Google gõ vào từ khoá "đời sống dân vùng cao Lào Cai". Cả một thành phố, làng mạc, tập quán và sinh hoạt đời sống của họ hiện ra trong mắt tôi với đủ mọi sắc thái và góc cạnh khác nhau. Tuy nhiên có một điểm chung về đời sống kinh tế thì hầu như ở đây dân chúng còn nghèo và rất nghèo, nhất là nhóm dân tộc thiểu số.
      Nhìn căn biệt thự hoành tráng, to đùng của ông tân chủ tịch Tỉnh Lào Cai nằm trơ trọi chiếm một diện tích khá lớn cùng với mặt tiền rộng thênh thang, tôi chợt nghĩ đến những ngôi "nhà nấm"nhỏ gọn và khiêm tốn của người dân tộc Hà Nhì tại xã Y Tý - Lào Cai.
      Theo vnexpress: "Y Tý một trong những xã nghèo nhất của huyện vùng cao Bát Xát, Lào Cai. Ở đây mây mù phủ kín quanh năm và thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Ấy vậy mà ngày càng nhiều du khách tìm đến với Y Tý. Bên cạnh những thung lũng trên mây và thửa ruộng bậc thang ở độ cao 1.500 m, người người tìm đến nơi đây còn để được ngắm những bản làng với những nếp nhà trình tường nằm san sát bên nhau, dựa vào lưng núi như trong chuyện cổ.
      Chỉ cách Lào Cai khoảng 70 km, nhưng đường lên Y Tý quanh co khúc khuỷu. Theo những con đường mòn xoắn ốc ngược lên đỉnh Nhù Cồ San, bạn sẽ có cảm giác như “chạy thẳng lên trời”, rồi chìm ngỉm trong sương mù và mây trắng. Rồi bất chợt trong chốc lát, Y Tý đã hiện ra trước mắt với khung cảnh nên thơ khi những phụ nữ Hà Nhì gùi củi ra chợ giữa mênh mông rừng núi.
      Là một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam sinh sống ở Y Tý bên cạnh đồng bào các dân tộc H’ Mông, Dao, Giáy… người Hà Nhì, đặc biệt là người Hà Nhì đen, đã làm nên nét quyến rũ rất riêng cho mảnh đất khô cằn khắc nghiệt, bằng những ngôi nhà trình tường độc đáo của mình. Không giống những ngôi nhà sàn thường thấy của đồng bào dân tộc vùng cao, những ngôi nhà trình tường đặc trưng của người Hà Nhì nằm ngay trên nền đất, tường được làm từ đất nện và mái trông xa như hình kim tự tháp.
      Ấn tượng nhất trong kiến trúc nhà của người Hà Nhì là các bức trình tường dày 40 – 45 cm, cao 4 – 5 m, với hai vòng trong và ngoài. Cấu trúc này không chỉ xuất phát từ điều kiện kinh tế còn nhiều thiếu thốn của xã vùng cao biên giới, mà nó còn thể hiện sự thích ứng với thời tiết khắc nghiệt ở đây. Những căn nhà trình tường bằng đất rất dày này sẽ giúp người Hà Nhì giữ ấm vào đông mà vẫn mát mẻ vào mùa hè.
      Dù hiện nay những ngôi nhà trình tường theo nguyên mẫu của người Hà Nhì ở Y Tý không còn nhiều nhưng sức hấp dẫn của chúng dường như không hề thay đổi, nhất là với những tay săn ảnh vào những lúc bình minh lên và hoàng hôn buông xuống. Bởi thế mà nhiều người, khi được chiêm ngưỡng những mái nhà trình tường xanh rêu trong sương trắng, đã phải thốt lên “thiên đường là đây!”.
      Bỏ qua tất cả những ý nghĩ mang tính chất thành kiến về sự chênh lệch giàu nghèo giữa những kẻ hiện là quan chức nhà nước, lương cũng chỉ dăm đồng ba cọc nhưng lý do nào mà hầu hết bọn họ đều phất lên giàu sụ, nhà cao cửa rộng, kẻ đón người đưa...
      Bỏ qua những từ ngữ được những kẻ cầm quyền ra rả mị dân bằng từ"đầy tớ" và "ông chủ"để phân biệt đảng cấp ngược ngạo. Ở đây tôi chỉ muốn nói về sự hạnh phúc, hay sự an nhiên tự tại của cuộc đời mỗi con người.
      Phải chăng hạnh phúc chỉ đến với những kẻ luôn đặt trên môi nụ cười gian giảo để che dấu những ý nghĩ xảo trá thường trực trong đầu nhằm mục đích tư lợi. Suốt đời, họ sống trong sự toan tính, đề phòng cùng với ý niệm sẵn sàng đạp qua tất cả miễn sao có nhà cao cửa rộng, lên cộ xuống xe!?...Mỗi người đều được số phận ban cho họ quỹ thời gian như nhau, nhưng khác biệt ở chỗ cách để sử dụng và thụ hưởng thì hoàn toàn khác. Hình ảnh ngôi biệt thự rộng lớn chỏng chơ nằm biệt lập, cô đơn giữa phố thị của một vị quan luôn phải đối phó với những bất trắc có thể xảy ra từ những người bao quanh mình, chắc chi đã hạnh phúc, tự do, ung dung tự tại hoà mình vào thiên nhiên và tình làng nghĩa xóm của những người dân tộc Hà Nhì nghèo khổ, sống trong những ngôi"nhà nấm"nhỏ nhắn, xinh đẹp giữa đồi núi cao nguyên hùng vĩ của Lào Cai.
      Viết đến đây chợt nhớ đến bài hát"Trở về cát bụi"của nhạc sĩ Lê Minh Bằng được đám bạn học cùng lớp chế lại mỗi khi có dịp ngồi cùng bên nhau trong những lúc trà dư, tửu hậu:
"Sống trên đời này người giàu sang cũng như người nghèo khó.
Trời đã ban cho, tao cám ơn trời cuộc sống hôm nay.
Mai kia mốt nọ, trở về cát bụi giàu khó như nhau.
Nào ai biết trước số phận ngày sau ông trời sẽ cho.
Nhà mày lớn, nhà mày cao
Chưa chắc đã bằng nhà tao.
Có nghĩa gì đâu ...sao chắc bền lâu
Xem như nước trôi qua cầu...."
      Các bạn!
      Dù sao bài viết được xào nấu cũng không ngoài mục đích nói lên cảm xúc có tính chất cá nhân. Vì vậy, tuỳ theo cảm nhận của mỗi người mà tìm kiếm hoặc đón nhận niềm vui và hạnh phúc theo cách của riêng mình.
      Chúc các bạn một ngày đầu tuần vui vẻ và an lành!
(Cóc Tía), Sài Gòn, 06/07/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét