Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

TRỊNH CÔNG SƠN, TÀI HOA VÀ PHONG CÁCH.

                                (Ảnh MH: Nguồn internet)
TRỊNH CÔNG SƠN, TÀI HOA VÀ PHONG CÁCH.
       Tôi là một người vô danh nhưng có cái may mắn rất lớn là được gặp gỡ và làm bạn với Trịnh Công Sơn. Trong nhiều người tôi biết, có những người rất giỏi nhưng lại kém cỏi về nhân cách. Còn anh Sơn không chỉ là người tài hoa mà còn là một bậc hiền nhân khiến nhiều người mến mộ.
       Ngoài gia đình, anh Sơn luôn sắp xếp cho mình một trật tự bất biến. Ấy là tình bạn đặt trên tình yêu như có lần anh đã từng nói “Không có một tiếng kèn mầu nhiệm nào lôi kéo được tình yêu khi mà nó bỏ ta đi. May thay trên cuộc đời này còn có tình bạn. Dù tình bạn đôi khi bội bạc nhưng không nhiều…” Trịnh Công Sơn rất quý bạn. Trong căn nhà số 47C Phạm Ngọc Thạch (đường Duy Tân cũ) không bao giờ thiếu vắng bạn bè. Dù ăn rất ít nhưng anh luôn chuẩn bị những mâm cơm thật đầy, không chỉ đủ dinh dưỡng mà còn hài hòa, hấp dẫn về màu sắc.
       Anh Sơn rất quan tâm đến bạn, quan tâm thầm lặng mà chân thật. Tôi ở với vợ bao nhiêu năm nhưng có khi vợ tôi không biết mỗi bữa tôi thường ăn mấy chén cơm. Thế mà anh Sơn biết, ngày nào ăn cơm chung mà tôi ăn ít hơn, anh Sơn hỏi ngay “sao hôm nay toa ăn ít vậy? Anh Sơn còn biết bạn thích món gì, khẩu vị ra sao. Những điều đó dường như rất nhỏ nhặt nhưng nếu không có tình cảm chân thành sao có thể quan tâm bạn mình đến vậy?
       Chơi với bạn anh Sơn cũng luôn giữ một tấm lòng son sắt. Khi ông Lưu Kim Cương – một sĩ quan không quân Ngụy quyền mất, Trịnh Công Sơn đã viết tặng bài “Cho một người nằm xuống”. Nhiều người nói rằng Trịnh Công Sơn thuộc phe nọ, phe kia khi viết bài hát này hay các bài hát phản chiến khác. Anh Sơn cũng chưa bao giờ phân trần hay thanh minh gì. Nhưng tôi cho rằng Trịnh Công Sơn luôn đứng trên các xu hướng chính trị. Đơn giản là anh chỉ yêu quê hương đất nước, con người Việt Nam, mong ước hòa bình và làm những điều mình cho là đúng. Điều đó là phi chính trị. Huống chi, Lưu Kim Cương đã từng cưu mang, bảo bọc anh Sơn trong những ngày trốn lính khốn khổ. Dù người đó là ai, làm gì vẫn là bạn của ta. Vậy nên có lạ đâu khi Lưu Kim Cương mất anh Sơn đã viết tặng bài hát như vậy.
       Với tình yêu, anh Sơn là người yêu rất nhiều, rất nồng nàn. Có nhiều người đã đến rồi bỏ anh ra đi. Có những người đã khiến anh nằm liệt giường mấy tháng trời, người nhà phải mang cơm vào tận phòng. Thế nhưng, ngay cả với những người gắn bó nhất Trịnh Công Sơn tuyệt nhiên chưa bao giờ trách móc bất kỳ người phụ nữ nào. Trong tình yêu anh Sơn là một người bao dung đến lạ kỳ:
       Yêu em yêu thêm tình phụ
       Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ…
       Có lần tôi hỏi sao anh lại từ bi đến vậy? Anh hóm hỉnh “không từ bi với người ta thì làm được gì?”
       Không chỉ bao dung trong tình yêu, Trịnh Công Sơn còn vị tha và nhân ái với tất cả những người đã gặp. Anh không bao giờ biết giận ai, mặc cho bao người gièm pha, ganh tị. Thái độ thứ tha tất cả của anh làm lu mờ mọi tị hiềm, sân si, hồ như xung quanh anh toàn những người đáng yêu, đáng trọng.
       Nhắc đến Trịnh Công Sơn không thể nào không nhắc đến rượu và thuốc lá. Có lẽ anh chỉ không hút thuốc và uống rượu lúc đi tắm và đi ngủ. Trịnh Công Sơn cũng có nết uống rượu rất lạ. Anh có thể uống từ 10h sáng cho đến khuya, uống từng chút một, không bao giờ say mà rất tỉnh táo. Trong nhà lúc nào cũng để trên bàn 4,5 chai rượu. Bạn bè đến uống từ từ, không “zô” 100% mà cũng không ép buộc, ai uống được bao nhiêu rót bấy nhiêu. Cứ thấy vơi là anh lại nhấc máy lên gọi đến hàng rượu của cô Thúy ở chợ Tân Định “Thúy, em mang cho anh một chai”. Nghe như vậy cô ấy biết ngay phải mang loại rượu nào, đến đâu. Tôi vẫn thường đùa với bạn bè “có lẽ đó là số điện thoại mà anh Sơn nhớ nhất vì một ngày gọi đến 2, 3 lần”.
       Trước khi mất 1 năm, sau khi phải ra vô Chợ Rẫy 2,3 lần vì đau khớp, tiểu đường và bệnh gan. Bác sĩ buộc anh Sơn phải bỏ một trong hai thứ hoặc rượu hoặc thuốc lá. Anh chọn bỏ thuốc vì rằng “thuốc thì có thể hút một mình chứ rượu thì không thể thiếu bạn”. Và trước ngày mất ít ngày, trong một lần trò chuyện tôi hỏi anh thèm gì, anh bảo “thèm một điếu thuốc…” Nhưng lúc ấy anh mệt quá rồi, đâu còn hút được nữa.
       Anh Sơn cũng là một người đặc biệt dí dỏm, hóm hỉnh, thích kể và nghe kể chuyện cười. Mà đặc biệt là những chuyện mà chúng ta thường hay gọi là chuyện “mặn”. Những giờ phút ở cạnh anh Sơn, tôi như thấy lòng bình yên đến lạ ngay cả khi chúng tôi chỉ im lặng uống rượu.
       Lần cuối cùng tôi gặp anh Sơn là khoảng thời gian sau tết âm lịch năm 2001. Anh Sơn đã ốm nặng lắm rồi. Anh không tiếp khách và từ chối gặp phụ nữ. Nhưng khi Hồng Nhung đến chào để đi diễn ở Úc thì anh gặp. Hôm đó chúng tôi cùng ăn trưa. Tôi không nhớ anh Sơn đã nói gì hoặc có thể chúng tôi chẳng nói gì cả như những phút giây im lặng mà chúng tôi thường vẫn chia sẻ cùng nhau. Hồng Nhung đi được một ngày thì anh đau nặng phải vô bệnh viện. Đến 12h45p ngày chủ nhật 1/4/2001 thì Trịnh Công Sơn mất. Lúc đó Hồng Nhung đang ở Úc vội bay về dự đám tang rồi lại phải bay qua vì hợp đồng biểu diễn đã ký. Còn tôi đang ở Biên Hòa nhận được điện của Tịnh (Trịnh Xuân Tịnh em trai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) thì vội về ngay.
       Dẫu biết rằng, cái chết của anh Sơn là điều không thể tránh khỏi, đã được báo trước. Nhưng tôi vẫn thấy vô cùng hụt hẫng và mất mát. Ngày viếng anh Sơn, cả con ngõ 47 này, vòng hoa xếp thành hai ba lớp. Hàng người yêu mến anh đến viếng, sắp thành những hàng dài và chỉ kịp đi ngang qua linh cữu cúi chào chứ không đủ thời gian để thắp một nén hương. Và như thần giao cách cảm, khi cả nhà đang không biết phải xây mộ cho anh thế nào thì lúc dọn dẹp phòng anh vô tình thấy được bài viết về “mộ” mà anh viết cho tạp chí Nhà Đẹp. Trong đó anh nói rằng mộ nên được xây như công viên, để người ta có thể đến vui chơi, picnic, để người chết và người sống có thể gần gũi nhau. Vì thế, bên cạnh mộ bà ngoại và mẹ ở nghĩa trang Gò Dưa, mộ anh Sơn được xây bằng phẳng, chỉ có những cây hoa và bức tượng đúng như khung cảnh công viên, rất đẹp.
       Mỗi ngày 1/4, chúng tôi dù bận rộn đến đâu vẫn thu xếp đến nhà anh. Mà không phải cứ ngày sinh nhật hay ngày mất của anh, chúng tôi mới tụ họp. Căn nhà này đã quá quen thuộc và hình bóng của anh vẫn còn vương vấn đâu đây. Với tôi, Trịnh Công luôn là một người bạn, người thầy lớn mà tôi đã may mắn gặp gỡ trong đời. Trịnh Công Sơn một con người rất mực tài hoa và nhân cách.
Nhà báo: Huỳnh Phi Long
Nguồn : http://www.yan.vn

                               (Ảnh MH: Nguồn internet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét