Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

NHƯ MỘT LỜI TRI ÂN...

                                (Ảnh MH: Nguồn internet)
NHƯ MỘT LỜI TRI ÂN...
      Trước đây khi còn ở Pleiku , tình cờ tôi có quen một cô bé là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai mới ra trường .
      Như bao bạn trẻ khác trong bối cảnh mà những người hành nghề đứng trên bục giảng đang phải chống chọi với rất nhiều khó khăn về chế độ đãi ngộ , lương bổng thì "dăm cọc ba đồng" . Nghiệp thầy cô giáo phần lớn vốn dĩ xuất phát từ niềm đam mê , số nhỏ còn lại chọn nó như một nghề bất đắc dĩ vì theo sự lựa chọn của cha mẹ hoặc nghe theo bạn bè . Có những trường hợp họ chọn nghề này bởi họ không định hướng được niềm đam mê và sở thích nào của mình là rõ rệt .
      Cô bé có dáng nhỏ , gọn với mái tóc dài và khuôn mặt ưa nhìn . Xuất thân từ một gia đình lao động nghèo mà lại là chị đầu của 2 đứa em nhỏ nữa nên khi tốt nghiệp ra trường , cô bé rất khó khăn để tìm một chỗ dạy của mình trong bối cảnh đất nước đang bị chi phối bởi tệ nạn "nhất thân nhì thế"và "văn hoá bì thư"trong tất cả các cơ quan xí nghiệp công kể cả các trường học .
      Trong thời gian thất nghiệp đó , cô bé gặp tôi và nói :
      - Bố ơi ! Học xong mấy năm trời , giờ ra trường không nơi nào nhận cả , con nản quá ?...
      Tôi hỏi :
      - Các trường gần trong nội thành rất khó xin vì mình không có tiền , vả lại ngành của nhóc lại là mẫu giáo và nhà trẻ nữa ? Tại sao không xung phong xin vào dạy ở những trường vùng sâu , vùng xa ? Nhóc còn trẻ , hơn nữa ở những nơi ấy rất cần giáo viên .
      Cô bé cười đáp :
      - Dạ , con chỉ muốn đi dạy , dù họ bố trí trường có xa một chút cũng được . Nhưng cũng phải có tiền đấy bố ạ ?
      Tôi cũng cảm thấy bất lực vì không biết cách nào giúp cô bé , mãi cả tháng sau cô bé gọi điện thoại cho tôi hớn hở thông báo :
      - Bố ơi ! Con đã xin được việc rồi . Một Trường học tận sâu trong Xã....chỉ toàn người dân tộc với dân kinh tế mới không à bố .
      Tôi cũng vui vẻ động viên tuy biết rằng ở phía trước của cô bé sẽ có rất nhiều khó khăn và khổ ải mà cô bé với tuổi đời còn quá trẻ và lại là con gái nữa :
      - Ô ! Vậy hả ? Bố mừng cho nhóc .
      - Dạ , cám ơn bố . Vài hôm nữa con lên đó nhận lớp . Không biết sao nữa , con cũng lo lắm ?...hihi..
      - Ha..ha.. Không sao đâu nhóc . Lên đó được làm cô giáo là nhất rồi , sẽ quen thôi nhóc . Dạy tốt một thời gian cho có kinh nghiệm rồi xin chuyển về lại trường gần . Cố lên nhé !?...
      Bên kia đầu dây là tiếng "dạ" kèm theo tiếng cười thủy tinh vui vẻ . Tuy nhiên tôi biết chắc ở đó ngoài sự háo hức mong chờ được làm một công việc mà cô bé ấy yêu thích . Được sống một cuộc sống tự lập ở một nơi rừng núi còn đầy mới mẻ của một chú chim non , thì xen lẫn trong lòng cô bé là sự lo lắng cho nơi ăn , chốn ở , tiện nghi vật chất chắc chắn sẽ rất sơ sài và tạm bợ . Xa bạn bè , cha mẹ , xa phố xá thân quen cũng là một thử thách về nghị lực của cô bé .
      Bẵng đi một thời gian , vì cuộc sống tôi phải rời xa nơi ở cũ để vào lập nghiệp lại từ đầu ở Sài Gòn . Lu bu công việc mới để ổn định cuộc sống nên vì thế các mối quan hệ thân quen cũ cũng dần phai nhạt . Một hôm tôi nhận được trên Facebook một lời kết bạn , kèm trong inbox là lời chào : "Con đây bố . Bố khỏe không ?..Hihi ". Mở ra , tôi thấy đó là cô bé năm xưa . Vẫn vóc dáng nhỏ nhắn và khuôn mặt dễ thương thân quen như ngày nào , tuy có nét chững chạc hơn đôi chút , đã 3 năm trôi qua rồi mà ?...
      Tôi click chấp nhận là bạn bè trên Facebook kèm tin nhắn : " Bố vẫn khỏe , cám ơn nhóc !". Rồi sau đó là những dòng thăm hỏi , tâm sự của nhóc như ngày nào trên inbox vào mỗi đêm .
      Được biết , từ ngày nhận nhiệm sở dạy học tại một trường ở nơi đèo heo hút gió , khó khăn trăm bề từ cơ sở vật chất đến tiện nghi sinh hoạt . Thiếu nước sinh hoạt trầm trọng vào mùa khô hạn . Căn nhà ở tập thể dột nát , gió lùa vào những mùa mưa bão ...nhưng cô bé vì yêu nghề , mến trẻ mà vẫn bán trụ ở đó đến tận bây giờ .
      Tôi đã thực sự xúc động và cảm phục cô bé mà ngày trước , trong lúc vui vẻ mình đã nhận là đứa con tinh thần . Một chút tự hào pha lẫn niềm thương yêu là cảm giác khi tôi gặp lại cô bé ấy . Tôi cứ suy nghĩ mãi , trong giới trẻ của xã hội hiện nay ở đất nước ta có mấy ai làm được điều này , nếu không xuất phát từ lòng yêu thích nghiệp cầm phấn đầy bạc bẽo này ? Chính vì sự đam mê trẻ và yêu nghề nghiệp mình đã chọn mà cô bé của tôi đã vượt qua được nhiều gian nan , trắc trở để thực hiện bằng được sở thích của mình , trong khi ngoài kia là bao hấp dẫn của tiện nghi và sự sục sôi đầy cám dỗ của cuộc vui thị thành ?
      Gặp lại cô bé mới đây trong dịp về giỗ cha ở quê cũ . Được biết cô bé đang học hàm thụ Đại học sư phạm để nâng cấp nghề nghiệp yêu thích của mình . Tôi cảm thấy rất vui vẻ và thầm cầu mong cho cô bé đạt được những sở nguyện của mình - Một nghề nghiệp mà hiện nay đang là nỗi nhức nhối , trăn trở của thầy cô giáo và phụ huynh trong việc cải cách lùng nhùng , bất cập , không định hướng của bộ Giáo dục .
      Bài viết này của tôi hôm nay về cô bé , đúng còn một ngày nữa là đến ngày 20/11 - Ngày Nhà giáo Việt Nam - như một lời tri ân cho những thầy cô giáo trong sự nghiệp trồng người . Nó cũng là những bông hoa tươi thắm dâng tặng cho những ai yêu thích và hết lòng vì sự nghiệp giáo dục , vì tương lai của thế hệ trẻ Việt Nam trong giai đoạn khó khăn hiện nay ở đất nước ta . Trong đó có cô gái nhỏ đáng yêu của tôi nữa ....
(Lê quang Luận), Sài gòn , 19/11/2015


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét