Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2015

NƠI CHỐN CỦA CÁI "NHẤT"

                                          (Ảnh minh họa: Nguồn internet)
NƠI CHỐN CỦA CÁI "NHẤT"
(NS: Tuấn Khanh)
      Năm năm nữa, bắt đầu từ hôm nay, tượng phật Thích Ca cao nhất thế giới sẽ được xây tại An Giang, Việt Nam. Tượng dự trù cao 81m, được khắc vào núi Sam. Theo lời mô tả trong lễ khởi công ngày 5/3, thì đây “là cơ hội để ngành du lịch tỉnh An Giang thu hút nhiều hơn nữa du khách gần xa, đưa thành phố Châu Đốc phát triển xứng tầm với tiềm năng và trở thành trung tâm thương mại, du lịch quan trọng của tỉnh An Giang”.
      Năm năm nữa, không chỉ là tượng Phật Thích Ca, mà có thể sẽ có rất nhiều cái nhất nữa được ra đời trên đất nước này, cùng với danh sách những cái “nhất” mà người dân Việt Nam vẫn nghe thấy hàng ngày. Từ tô hủ tíu lớn nhất, cái bánh chưng lớn nhất… cho đến tháp truyền hình cao nhất, tượng đài lớn nhất… Người Việt đang bước vào thời kỳ chạy đua niềm vui với cái “nhất”. Cuộc đời trần tục hầm hập phả hơi nóng của cái “nhất” từ miếng ăn đến tận linh hồn tín ngưỡng, khiến mọi thứ phải là “nhất”: người ta chen nhau giật lá bùa, giật cái ấn, cướp cái phết… đến vật vã để mình được là “nhất”.
      Người Việt dường như đang muốn mình đứng nhất bằng mọi giá, thậm chí tay đôi vay trả với thần thánh. Các chùa chiền, miếu đình được dân chúng rãi tiền, nhét vào tay tượng Phật… như một cách đút lót cho tương lai. Lối ứng xử không khác nào dành cho các loại tà thần, ôn hoàng, dịch lệ. Sự mê đắm hưởng thụ nhưng thiếu văn hóa tâm linh nền tảng khiến con người tin rằng chỉ cần sòng phẳng là có thể được cái “nhất” mà mình muốn. Cũng như chạy đến ngã tư, lỡ vượt đèn đỏ, nhét vội tiền cho anh Cảnh sát giao thông thì đường sẽ lại thênh thang. Thật mâu thuẫn khi mưu cầu một điều an lành cho chính bản thân mình, người Việt lại có thể chen nhau, đánh, giành giật với mọi thủ đoạn. Trong cõi hỗn loạn đó, có khi được coi là lễ hội phục dựng, cũng có khi là đời thường, mà những “nhất” được hình thành. Một loại “nhất” mà bất kỳ ai có lòng với đất nước mình cũng phải lắc đầu ngao ngán.
      Nhưng liệu, người Việt đã đủ lớn để kiểm soát những cái nhất của mình chưa? Tô hủ tíu lớn nhất ở Đồng Tháp, có thể cho 1000 người ăn, được trình diễn vào đầu tháng 2 này đã phải đổ bỏ hơn 100kg hủ tiếu, 100kg thịt heo và 600 lít nước súp… vì không ăn được nữa trong một thời gian ngắn. Chính quyền ở Đồng Tháp chắc chắn không vui vì công trình kỷ lục nhất của họ không hoàn hảo. Nhưng hàng ngàn gia đình thiếu đói trong cùng thời điểm đó ở Ninh Thuận, Quảng Bình, Phú Yên, Thanh Hóa và Gia Lai… chắc không vui gấp bội trước những điều mỉa mai như vậy.
      Không bao lâu, Tháp truyền hình cao nhất thế giới của Việt Nam sẽ được xây dựng. Lại có thêm một cái “nhất” nữa trong bảng thành tích của Việt Nam. Nhưng chúng ta sẽ làm gì với tháp cao ngất nhất đó khi nhiều chương trình truyền hình vẫn nằm dưới mức mong đợi của khán giả? Táo quân 2015 chỉ là một chương trình hài hước giải trí nhưng bị gây khó dễ đến mức râm ran tin đồn sẽ không còn phát tiết mục này nữa, do nhạy cảm với những vấn đề thời sự mà vốn ai ai cũng biết – những thứ nhầy nhụa thực tế ở tầng trên nhưng lại không được phép nhắc đến.
      Sân bay lớn nhất ở Long Thành đang được dồn dập đòi xây, thay cho sân bay Tân Sơn Nhất chưa xài hết công suất. Liệu cái “nhất” được dựng nên, có thay đổi được nạn máy bay trễ giờ, bay-đáp nhầm sân bay, báo cấp cứu vô lý hoặc nạn sách nhiễu vòi tiền, rạch hành lý của hành khách không?
      Tượng đài Mẹ anh hùng 411 tỷ đồng ở Quảng Nam cũng thuộc hàng “nhất”, nhưng trong tỷ lệ nghèo đói cả Việt Nam, Quảng Nam cũng chiếm đến 11% của cả nước. Ông Lê Văn Lai, Đại biểu quốc hội của Quảng Nam, từng mô tả rằng “Bóng ma nghèo đói vẫn ám ảnh. Những hộ cận nghèo rất dễ tái nghèo, chỉ gặp một rủi ro nhỏ trong cuộc sống, sau một giấc ngủ sáng dậy là có thể nghèo lại ngay”. Ôi, cuộc sống thật mong manh, chỉ có tượng đài là bền vững.
      Chưa bao giờ Việt Nam xuất hiện nhiều chùa, nhiều tượng to lớn đến ngộp như hôm nay. Những quốc gia ngưỡng Phật như Đài Loan, Hồng Kông… trong tương lai có thể sẽ không có nhiều danh lam, đại tượng… như Việt Nam – không nhiều cái “nhất” như Việt Nam. Rồi bên cạnh những cái nhất về vật chất, nghịch cảnh về sư, ni… trên đất nước này luôn là điều khiến người ta phải trầm ngâm: liệu cứ Chùa lớn đã là có linh Phật? Trong bộ truyện Gantz của tác giả Hiroya Oku, những đền đài và tượng Phật chính là chỗ cư ngụ của quỷ. “Trong rỗng không vô nghĩa mà con người dựng nên, đó là nơi chốn tốt lành của chúng ta”, Ngạ quỷ trong Gantz vui mừng nói vậy.
(Blog Tuấn Khanh) 11 Mar 2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét