Thứ Hai, 12 tháng 1, 2015

Câu chuyện Trường Thánh Phao-Lồ

12 Tháng 11 2014 lúc 18:36
TỰA

          Chia sẻ một bài viết của cô giáo Lê Mỹ Dung mà tôi vô tình tìm được nhân ngày Nhà giáo Việt nam 20/11 . Bài viết nói về những cảm xúc của cô giáo về những đứa học trò của mình trước năm 1975 . Và hệ thống giáo dục của các Trường Trung , Tiểu học trong giai đoạn đó . Bài viết hơi dài , nhưng là tất cả nỗi lòng của người cầm phấn , nhớ về một thời xa xưa lắm về ngôi trường thân yêu của mình trong thời binh lửa . Cũng là hồi ức của những Thầy , Cô , và các học trò trong giai đoạn đó !?...
  ( Bài viết của cô Lê Mỹ Dung không có hình ảnh minh họa . Xin phép cô cho em thêm một ít hình ảnh minh họa cho bài viết sinh động hơn . Và nếu cô đọc được bài này của mình , em rất hân hạnh được kết bạn cùng cô trên Face book , cám ơn cô ! )

CÂU CHUYỆN TRƯỜNG THÁNH PHAO-LỒ
 “Trường mình vẫn như thuở nào, êm đềm và khiêm nhường, bé nhỏ..“
 *
       Trường ở phía dốc đồi cao hơn trung học Pleiku bên cạnh, cách nhau băng ngang qua đường Lý Thái Tổ.Một dải sân rộng thênh thang đầy nắng gió với dãy lớp hai tầng uy nghiêm kiên cố,nhưng không làm cho Phaolo trở thành lớn lao bề thế hơn so với Pleiku, đồng thời cái yên tĩnh riêng biệt của tu viện nữ phía sau như cũng lan tỏa đến ngôi trường phía trước .
       Lối đi từ nhà tôi đến trường rất gần,thường vắng lặng những ngày học trò được nghỉ, hai bên chen chúc những khóm Dã quỳ, Ngũ sắc và cỏ Mắc cở, cỏ May ven hàng rào thép gai xiêu vẹo. Mỗi lần qua đây, tôi ưa ngắm bầu trời xanh đầy mây bay trên cao, thấy cả một cõi thiên phúc nơi này. So với các trường khác trong thành phố thì Phaolo xa nhất, nhưng có lẽ cũng chẳng hề gì, phần đông học sinh đã được cha mẹ chọn lựa mái trường này để gửi gấm con cái.  



Tôi dạy ở Phaolo hơn hai niên khóa. Học sinh nhiều em đã học ở đây từ lớp mẫu giáo đến lớp chín. Năm cuối của trường, cũng chỉ mới là lớp 9, nên các em vẫn còn là những cô cậu học trò nhỏ . Nữ sinh Phaolo hồn nhiên trong chiếc áo dài màu xanh Đức Mẹ ,chỉ mới biết làm duyên một chút, mà lại thường như đàn chịcủa những bạn nam với sĩ số ít hơn.Trong một lớp có cả nam nữ, học trò con trai hay bị lép vế hơn các cô bạn gái thường mau lớn trước, và có lẽ chăm học hơn. Tôi đôi lúc mỉm cười nghe có khi nam sinh xưng em với bạn nữ, dù đang vui đùa hay cãi cọ , thưa kiện nhau. Các soeur đã dạy cho học trò cái nền nếp thân ái , lễ độ đó.
        Những buổi học bao giờ cũng bắt đầu từ mấy phút cầu nguyện. Cô giáo vào chưa ngồi xuống ghế nhưng im lặng, rồi cả lớp cùng đứng lên, khoanh tay, nghiêm trang đọc bài kinh sớm : Lạy Thiên Chúa chí tôn, xin cho chúng con biết chăm chỉhọc hành, rèn luyện tâm trí chúng con, trau dồi tâm hồn chúng con bằng những đức tính tốt ,để chúng con có đủ khả năng giúp ích cho bản thân, cho gia đình và cho tổquốc chúng con. Tôi không phải đọc,nhưng cũng thuộc ,và đã thật sự xúc động với những lời kinh ấy hằng ngày đã thành lệ của trường.Tuy không phải là không có những em đã nguyện với Chúa như vậy mà vẫn quên, nhưng thường các em tỏ ra có cố gắng.Tôi vẫn vào lớp với cảm giác nhẹ nhàng, dù những bài kim văn, cổ văn, những bài tập làm văn nghị luận,và cả thơ nữa, nhiều khi như là quá khó đối với học trò. Học trò trường nào cũng “rên siết” nhiều, nhưng cuối cùng thì cái khó vẫn vượt qua được. Các môn khác cũng thế, không cứ gì Việt văn. Đến bây giờ trong tâm trí tôi vẫn còn giữ một ít bài thơ,phú, cả hát nói..đặc sắc của học sinh, tùy theo cấp lớp,mà học với tôi các em đã phải làm để ghi điểm trong sổ đen, sổ đỏ ngày ấy. 



Học trò Phaolo đặc biệt yêu quí soeur Thérèse-hiệu trưởng. Soeur là linh hồn của ngôi trường. Lần đầu tiên tôi gặp soeur Thérèse khi Soeur đến lớp tìm tôi vào một buổi dạy chiều ở TH.Pleiku, và tôi cũng thành cô giáo Phaolo từ đó. Soeur Thérèse dáng người nhỏ nhắn, dịu dàng mà vui vẻ, hơn tôi ba tuổi. Soeur cũng dạy Việt văn, vừa điều hành và kiêm mọi sinh hoạt trong trường. Soeur làm việc nhưkhông nghỉ . Tôi chưa thấy Soeur mắng phạt học sinh như thế nào, nhưng hình nhưcác em không muốn làm Soeur buồn, hơn là sợ bị Soeur phạt. Soeur thường đệm đàn dương cầm ở nhà nguyện hay trong những buổi văn nghệ , và tôi nghe giọng hát trong trẻo cao vút của soeur Thérèse những lúc Soeur hát theo hay tập múa cho học sinh. Soeur cũng dạy thay tôi hôm nào tôi vắng. 



         Tu viện và trường có nhiều sinh hoạt xã hội, soeur Thérèse thường rủ tôi đi cùng. Cắm trại hay picnic ở vài nơi có suối, rừng, phong cảnh đẹp ,và tìm Phong lan. Đến thăm và phát thuốc, tặng quà cho đồng bào Thượng một buôn làng xa xa. Đêm đông Noel, trời Pleiku lạnh buốt 6 độ, tôi rét run trong mấy chiếc áo len dù ngồi trong chiếc xe hòm của trường, nhưng lòng rất bình yên, đến thăm bệnh viện, trại lính,nhà thờ. Tôi cũng cúi đầu, đọc kinh và thuộc những bài thánh ca như một tín đồ ngoan đạo đầy ân sủng.
         Ở Phaolo ít lâu, tôi đã thực sự quí mến và kính trọng người nữ tu Hiệu trưởng. Tôi nhận ra từmàu áo chùng thầm lặng ấy, có một tâm hồn nghệ sĩ, và hơn nữa là cả một trái tim nhân ái thánh thiện. Bây giờ, giữa Soeur với tôi không phải chỉ là hiệu trưởng với giáo sư trong một trường tư thục, nhưng đã có một thứ tình thân ái chân thật ,nhưchị em, như tình bạn cao quý. Sau lễ Noel, trường còn một ngày lễ trọng vào 25 tháng giêng dương lịch, lễ Thánh Bổn Mạng của trường. Đó cũng là ngày hội lớn nhất. Nhiều quan khách, phụ huynh được mời đến thăm trường. Học sinh sẽ cắm trại vui chơi cả ngày. Năm ấy, chuẩn bị cho ngày lể Thánh Bổn Mạng, vừa là kỉ niệm 10 năm thành lập trường, tôi mất cả tuần chỉ một mình hì hục ngày đêm, trang trí, viết lách, mọi đề mục và nội dung để làm một tờ bích báo cho trường với tất cả khảnăng, tâm hồn mình. Phòng triển lãm cũng trưng bày những hình ảnh về các sinh hoạt của trường, những tác phẩm thủ công , thêu may đan lát rất mỹ thuật của các soeur và học sinh các lớp.
         Dù sao, Phaolo là trường của tu viện. Ở vị thế đúng nhất, các soeur vẫn là những người tu hành, nên các soeur thường khiêm tốn, đôi khi như mặc cảm trường mình bé nhỏ, không muốn nghĩ đến chuyện ganh đua với các trường khác, nhất là so với TH.Pleiku khổng lồ lại toàn con trai ngay bên cạnh.       Nhưng một lần, trường Thiếu-sinh-quân của Quân đoàn 2 muốn kết thân hữu với Phaolo, đã mời học sinh lớp 9 thi “đố vui để học “. Soeur hiệu trưởng không thể từ chối, vì danh dự nhà trường. Và phải mong trường mình thắng cuộc, hay có thua cũng đừng bị điểm thấp quá , nên thầy trò cùng lo lắng..      Nhưng rồi, Phao lo đã chiến thắng vinh quang. Soeur phụ trách môn Vạn Vật dắt các em đi thi về kể chuyện cho tôi nghe thật hào hứng ,với ánh mắt long lanh, đôi má Soeur đỏ hồng lên một niềm vui rạng rỡ : Mình không ngờ tụi nó lại thuộc bài đến như vậy, mới nghe dứt câu hỏi đã la lên : “Muỗi Anophèle đực ! “. Chúa ơi !. Soeur bật lên cười ngặt nghẽo, má càng đỏ hồng. Học trò của soeur muốn chứng tỏ kiến thức thật chính xác của nó từ cái chi tiết phân biệt rõ ràng: con anophèle đực , trong khi chỉ cần đáp : đó là muỗi anophène , thì đã đúng rồi. Cả trường vui lắm. Nhưng các soeur vẫn dạy học trò của mình đừng vội kiêu ngạo. Các em dấu niềm tự hào, niềm vui ấy nơi đôi mắt sáng trong mở lớn, đồng thời học hành chăm chú hơn. Nỗi buồn vu vơ cũng bỏ ngoài cửa lớp, và mai này có sẽ đến với em nào? khi đã bắt đầu biết hát Em Pleiku má đỏ môi hồng .Tôi vẫn mỗi tuần hai buổi lặng lẽ, bước theo chân học trò cùng mây gió, qua dải sân bát ngát trời xanh thênh thang đến trường. 



         Đất nước những năm từ 1972.. chiến cuộc càng khốc liệt. Núi đồi và bầu trời Pleiku vẫn bao la nhưng bom đạn hai miền đang ra sức tàn sát quê hương đã nghèo nàn tơi tả..Đêm đêm súng xa vẫn nổ. Tôi nghe Tình ca người mất trí của Trịnh công Sơn bên những bản du ca học trò vẫn hát. Gia đình chủ nhà tôi thuê, người Bình Định, ở ngay sát vách. Ông chủ nhà là một trung sĩ Truyền tin, nhắc chừng tôi :” Tối cô nghe đài BBC thì nhớ vặn nho nhỏ..” Mỗi buổi sáng trước giờ đến lớp, tôi thường theo dõi bản tin và một bài bình luận về tình hình chiến sự trong radio của đài Tiếng nói quân đội vùng 2 chiến thuật. Học trò Pleiku nhiều em đang phải lo xin giấy hoãn dịch. Không ai dám chắc sau lần di tản mùa hè 72, năm học rồi có được kết thúc bình yên?
          Ngôi trường tu viện Phaolo chưa phải lo nghĩ đến chiến tranh, các em nam sinh cũng chưa phải sửa soạn vào lính, mọi người đều tin cậy ơn trên. Có hôm tôi ở tu viện buổi tối, chợt súng nổ kinh hoàng , đạn pháo kích đâu có lẽ cũng không xa. Học sinh nội trú sắp ngủ ,vội vàng xuống núp dưới gầm giường, hay chạy đến vây quanh các soeur .Tôi còn đang bàng hoàng , tất cả các em đã đồng thanh ca vang
một bài hát nguyện cầu tha thiết : Mẹ ơi, đoái thương cho nước Việt Nam, ngày u ám chiến tranh điêu tàn... Như mơ hồ có đức Mẹ đang hiện hữu, giang đôi tay ôm lấy, vỗ về những linh hồn thơ ngây ,yếu đuối, vô tội, trong đó có cả tôi. Tôi vừa xót xa vừa bùi ngùi được che chở., và hi vọng một ơn cứu rỗi lớn lao..



          Cuối năm học,các em lớp 9 Phaolo thực hiện tập san Hoa Soan trước khi nghỉ hè ra trường. Ban đầu thầy trò chỉ bàn với nhau sẽ âm thầm làm việc, không tiết lộ bí mật với ai, để khi tờ báo ra mắt là một món quà bất ngờ tặng ma soeur Hiệu trưởng. Các em rất vui sướng được làm báo, đua nhau đóng góp giấy, stencil và nộp bài đăng. Nhưng cuối cùng vẫn không thể dấu được soeur Hiệu trưởng.Thế là không còn bí mật nữa, Soeur đã lại giúp rất nhiều cho kịp xong tờ báo trước hè.
         Phòng ăn của khu nội trú trở thành nơi làm việc báo chí, tuy không tưng bừng như“tòa soạn” của báo TH Pleiku những ngày gần nghỉ tết . Những bài viết không xuất sắc nhưng là cả những chân tình và xúc cảm đẹp nhất của học trò.   Các em đã viết về cha mẹ, trường lớp, mùa hè, chia ly, cả ít nhiều những cảm nghĩ về chiến tranh. Tôi đọc những bài viết ấy và thấy được rằng : Dù còn trẻ dại hay đã lớn khôn, mỗi em vẫn là một thế giới muôn sắc, mà đầy những bí ẩn riêng biệt ;và tôi sẽ mãi mãi không bao giờ hiểu hết được về học trò mình cả. Báo không in nhiều ,không bán, nhưng được tặng lại cho thày trò và phụ huynh lớp 9 trước ngày bãi trường.

        


        Hè qua, những học sinh lớp 9 năm trước đã sang trường mới, Minh Đức hay Bồ Đề, Pleime…không biết có trở về thăm trường cũ, hay lại đợi đến ngày lễThánh Bổn Mạng? Tôi có học sinh lớp 9 mới, nhưng năm học ấy đã dở dang. .Tôi giã biệt Pleiku và Phaolo, chuyển về Đalạt cuối tháng 11-74. Hoa quỳ rực rỡ sắc vàng thắm núi đồi, trên tất cả các lối đường, trong mùa đông lạnh se sắt và những cơn gió xoáy cuốn bụi khắp thành phố đỏ hoe. Ai biết được một lần chia xa là mãi mãi tan tác !…Những buổi chiều Đalạt tan trường sớm về qua phố, tôi nhớvà nghĩ đến Pleiku khi ngắm bầu trời Đalạt cũng rất xanh và đầy mây như ở những sân trường năm ngoái. Tôi nhìn những gợn sóng nước hồ Xuân Hương cứ lăn tăn xô mãi, lấp lánh dưới ánh nắng cuối ngày rơi từ trên những ngọn thông.Mây chiều trên hồ kết từng đám trắng vàng đang trôi chầm chậm thảnh thơi, nhưng bầu trời mây dưới nước lung linh rung động như sắp tan ra, cũng rất nhẹ nhàng..Có phải tôi người khách lãng du chẳng biết quê nhà nơi nao..? Mây nước về đâu nhỉ ?

          Sau tháng 4-75, Đalat cũng hoang vắng như Pleiku ngày trước. Đàlạt cuối thu cũng hoa quỳ vàng khắp núi đồi. Bây giờ tôi đã biết cầm cuốc, cùng với cầm phấn, và hiểu hơn về giá trị cuộc sống.Thiếu phân cho đất trồng khoai, học trò Đàlạt bắt chước nhà vườn chặt cành, lá, hoa quỳ ủ vào luống ,làm phân xanh. Hoa quỳtrong phố tàn rụi dần.Tôi không thể tưởng tượng nổi những người Pleiku bây giờ ra sao, và không thể nào quên cảnh đã nhìn thấy hôm nao qua màn truyền hình Saigon: đoàn người di tản lam lũ dắt díu nhau chạy bộ, ngã gục ở những con đường rừng Kontum, Phú Bổn trên tỉnh lộ máu đau thương. 



          Cuối hè năm 76, tôi nhận được lá thư đầy nước mắt của một học sinh Phaolo cũ, em Từ trọng Tín. Em viết thư cho tôi từ nhà tận xã Ia-băng Mang Giang, Kontum : Đêm nay vô tình em tìm lại được địa chỉ của cô… Tín kể hồi di tản ấy em đã bị lạc ở tỉnh lộ máu gần một tháng trời, sống trong rừng nhịn đói nhịn khát cho đến lúc gặp bộ đội đem về, tiếp tục học được một năm nữa, nhưng đến nay đã nghỉhẳn. Bạn bè thất lạc hết. Tín rất đau buồn và nhớ trường cũ. ” Cô ơi, mái trường Phaolo thân yêu giờ cũng đang u buồn và đang tìm lại những hình bóng quen thuộc.
          Có lẽ hình bóng Phạm Xuân Tiến, Từ Tín, Nguyễn văn Hành vẫn còn mãi trong mái trường thân yêu, dù rằng mỗi đứa đã một phương trời cách biệt, cô à !. (…) Em không thực hiện được những lời cô đã khuyên em phải cố gắng học cho tương lai..Em mong mỏi tha thứ cho em,và cô sẽ không quên em, một học sinh của cô trong những tháng ngày dài (…).Các soeur hiện vẫn còn ở Phao lồ, nhưng Sr Hiệu Trưởng đã chết tại “tỉnh lộ máu” , thế là đã hơn một năm dài…”. Tôi thương Tín vô cùng, nhưng cái tin về Soeur Hiệu Trưởng làm tôi khóc nhiều hơn, bởi vì, dù không nhận được thư của Soeur, tôi vẫn tin rằng Soeur được bình yên, như tôi đã bình yên. Nhưng sự thật Soeur đã chết trong tình cảnh thê thảm nhất. Lạy Chúa, tôi người ngoại đạo, làm sao biết được ý Chúa, và hiểu được việc Ngài làm.
            Vâng,những ngày mọi người khốn khổ ấy, tôi vẫn bình yên sau ít gian nan. Có phải vì soeur Thérèse đã từ trước cầu nguyện cho tôi nhiều? Trên trang đầu cuốn Kinh Thánh, sau tấm hình Đức Mẹ, trong thư của Soeur ,những quà kỉ niệm Soeur cho tôi…vẫn còn ghi những lời chúc nguyện tốt lành nhất : “Xin Đấng là Đường, là SựThật và là Sự Sống... Xin Đức Mẹ… Sẽ nhớ đến cô nhiều trong lúc nguyện cầu..”
Ngày tôi từ giã Pleiku , Soeur không quên đem cho tôi một xấp lụa áo dài màu xanh
            Đức Mẹ có thêu vẽ những bông hoa cỏ May khiêm tốn: “Đức Mẹ sẽ che chở cho cô.” Nhưng Soeur chưa bao giờ khuyên tôi theo đạo.Tôi đã được ơn,mà chưa đền trảChúa bao dung, nhân từ. 




            Mãi đến mấy tháng sau khi đã viết trả lời cho Tín, tôi mới nhận được một lá thư thứ hai từ Mang Giang, nhưng là thư của gia đình em. Lại không bao giờ có thể ngờ được, Người cha trong nỗi đau thương không hết đã báo cho tôi hay rằng: Ông đã đọc thư tôi.. ,và con ông,Tín vừa chết rồi. Ông không nói rõ về hoàn cảnh sống của gia đình, nhưng ai cũng biết là đang lúc này tất cả mọi người phải làm việc
tận lực, mà tiền bạc,thực phẩm, thuốc men lại quá thiếu thốn. Tôi nhớ hình ảnh em Tín, cả Hành và Tiến nữa,, mới gần 2 năm đây thôi, trong gian lớp đầm ấm ở Phaolo .. .”Lạy Thiên chúa chí tôn, xin cho chúng con biết chăm chỉ học hành .. để chúng con giúp ích cho bản thân, cho gia đình và cho Tổ quốc chúng con ”. Hồi đó trong lớp, bạn bè luôn réo gọi ba cậu học sinh này.. Cũng trong lá thư đã trở thành những lời trăn trối cuối cùng ấy, bây giờ tôi còn cất, TừTín viết : “nỗi mơ mộng của em là xong toàn phần sẽ vào Võ Bị Đàlạt, nhưng đến nay tất cả đều vô vọng”.Tôi nghĩ đến ước muốn được vào trường Võ Bị của Tín mà càng đau xót. Bao nhiêu Sinh viên sĩquan Võ Bị khóa trước khóa sau, vừa mới ra trường đã bỏ thân ngoài chiến địa.
             Ngôi trường Võ Bị Đalạt của những người thanh niên can trường miền Nam ấy, giờcũng đã hóa xa xăm.TừTín, em học trò Phaolo bé nhỏ của tôi phải bỏ học khi chưa tới được lớp 10, chưa kịp lớn để mai mốt thực hiện giấc mơ hào hùng của người tráng sĩ ra trận cho Tổ quốc, đã chết đi trong khổ đau và tuyệt vọng với một định mệnh khắc nghiệt. Thương xót lắm, Em ạ.. Bấy giờ là tháng 12, gần đến Noel.
 Tôi không bao giờ còn được đón Noel với trường Phaolo.Tôi vẫn là người ngoại đạo, nhưng vẫn xem Kinh Thánh và đôi lúc vào nhà thờ một mình lặng lẽ suy niệm. Noel nào tôi cũng thức chờ đến nửa đêm Chúa sinh ra đời, nghe hết cuốn băng cassette “Tim nồng” do các em học trò nhỏ Phaolo hát, cả tiếng hát và giới thiệu của soeur Hiệu trưởng . Soeur đã gửi cuốn băng ấy về Đalạt cho tôi vào mùa Noel cuối cùng , tháng 12-74. Sau đó không biết Soeur có nhận được thư chúc Tết cùng những hạt giống hoa Đalat tôi gửi bảo đảm qua Bưu Điện, để chúng sẽ được gieo trồng nơi tu viện và sân trường Phaolo hay chưa? Mùa Xuân đã vỡ tan sau mấy ngày Tết năm ấy. 



             Bao nhiêu năm chưa về Pleiku. Súng đạn đã tắt bao nhiêu năm rồi. Cũng không còn những ngày đen tối nữa.Tôi biết thành phố đã khang trang hơn. Đường xưa không còn bụi đỏ và hoa quỳ , màu áo xanh Đức Mẹ cũng không còn, những ngôi trường đã thay tên. Nhưng những đổi thay ấy nào có hề chi, bởi chắc gì tôi lại đi trên đường xưa mà chính mình có còn là người cũ ? Những đám mây đã tan hợp mỗi phút giây, không ngừng biến đổi từng khoảnh khắc, nhưng mãi mãi vẫn còn đó trong bầu trời xanh bao la vô tận. Tôi nhớ những dòng chữ thân ái soeur Thérèse đã viết trong lá thư thứ nhất cũng là thư cuối cùng gửi cho tôi ở Đà Lạt, Soeur kểchuyện Phaolo:.” Trường mình vẫn như thuở nào, êm đềm và khiêm nhường bé nhỏ. Noel này định cho các em cắm trại trường để thi đua thể thao. Còn 25-1-75,LễThánh Bổn Mạng trường sẽ thi đua văn nghệ và mừng lễ! Hôm đó sẽ nhớ cô Dung nhiều ..” _Vâng, Ma Soeur yêu quí ! Người chưa kể tiếp câu chuyện về trường Phaolo trong ngày hội vui nhất ấy ! Người đã say giấc yên bình ! Nhưng còn mãi một ngôi trường êm đềm, trong những tâm hồn Phaolo thuở nào khiêm nhường,bé nhỏ .
 Saigon tháng 11-2008.
 LÊ MỸ DUNG
( P/S : Những hình trên chỉ có tính chất minh họa , không phải là những tình huống thật của câu chuyện )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét